Khi "viên chức suốt đời" không còn nữa…

Chủ Nhật, 26/07/2020, 09:28
Từ ngày 1/7/2020, Việt Nam chúng ta sẽ không còn chế độ viên chức suốt đời. Với tôi, đây là một thông tin cực kỳ ý nghĩa, vì nó báo hiệu một thay đổi rất tích cực trong bộ máy hành chính công vụ đất nước.

Kính gửi báo ANTG GT - CT

Từ ngày 1/7/2020, Việt Nam chúng ta sẽ không còn chế độ viên chức suốt đời. Với tôi, đây là một thông tin cực kỳ ý nghĩa, vì nó báo hiệu một thay đổi rất tích cực trong bộ máy hành chính công vụ đất nước. Tất cả chúng ta đều hiểu trước đây không ít người làm mọi cách để trở thành viên chức nhà nước, vì làm viên chức nhà nước thì chắc chắn có sự ổn định lâu dài. Và tâm lý phổ biến trong một xã hội vẫn phảng phất màu sắc của sự duy tình chính là tâm lý ổn định.

Theo tôi, thật ra ổn định cũng có giá trị của nó. Vấn đề đáng nói là chất lượng của sự ổn định đến đâu. Theo quan sát của tôi thì rất nhiều viên chức trước đây "ổn định" một cách trung bình, và họ hài lòng với trạng thái ổn định trung bình ấy. Tôi đã chứng kiến có những người trước khi thành viên chức, công chức thì làm việc quyết liệt, phấn đấu hăng say, nhưng khi trở thành viên chức, công chức rồi thì lại làm việc kiểu "đều đều, giữ chỗ".

Tâm lý ấy, sự ổn định trung bình ấy rất dễ đẩy từng con người nói riêng và cả một bộ máy nói chung rơi vào trạng thái trì trệ.

Nhưng thật vui là từ 1-7, mọi thứ sẽ khác, các viên chức đều được ký hợp đồng có thời hạn. Và khi hết thời hạn, nếu không tiếp tục chứng tỏ được năng lực của mình thì việc bị loại khỏi bộ máy, nhường chỗ cho người khác là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đến từ những thay đổi mà theo tôi là mang nhiều dấu hiệu tích cực này, còn là một nỗi lo.

Đó là, liệu các vị thủ trưởng ở các cơ quan có tận dụng cơ hội này để lạm quyền, thay người vô tội vạ, từ đó đạt được một mục đích riêng tư nào đó hay không? Với các viên chức trọn đời trước đây, việc loại họ khỏi guồng máy là điều không dễ dàng chút nào.

Nhưng bây giờ, với các viên chức được sử dụng một cách có thời hạn thì cứ hết thời hạn, người ta hoàn toàn có thể không ký tiếp hợp đồng. Và không ký tiếp hợp đồng với người này cũng đồng thời mở ra cơ hội sẽ ký hợp đồng với người khác. Lúc đó, quyền sinh quyền sát của các vị thủ trưởng trong một bộ máy là rất lớn, và điều gì đảm bảo là họ sẽ thực thi cái quyền này một cách công tâm?

Thưa toà soạn, ngồi bình tĩnh nghĩ ngợi vấn đề, thực sự tôi thấy cái vui và cái lo trong mình cứ đan xen nhau. Rất mong nhận được những lời hồi âm, chia sẻ của toà soạn về vấn đề này để những thắc mắc trong tôi được giải tỏa.

Xin cảm ơn tòa soạn!

Hoàng Thị Nga (Thanh Hóa)

Kính gửi độc giả Hoàng Thị Nga!

Chúng tôi xin được trả lời ngay về nỗi lo của độc giả. Đấy thực chất cũng là nỗi lo của nhiều người, và đấy cũng là một chuyện bình thường, bởi suy cho cùng, mỗi một quyết định trong xã hội sẽ luôn tạo ra những góc nhìn nhiều chiều - những phản ứng nhiều chiều - những vui buồn, lo lắng nhiều chiều khác nhau.

Rốt cuộc thì việc xoá bỏ chế độ viên chức suốt đời có khiến thủ trưởng ở các cơ quan đơn vị đứng trước cơ hội… lạm quyền trong việc đánh giá viên chức, trong việc không tiếp tục ký hợp đồng với các viên chức cũ, và tận dụng cơ hội để ký hợp đồng với những viên chức mới hay không? Thứ nhất, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức đã nâng mức thời hạn hợp đồng tối đa từ 36 tháng lên tới 60 tháng. Nghĩa là từ 3 năm lên tới 5 năm.

Theo chúng tôi, 5 năm là một khoảng thời gian đủ dài để một viên chức có trình độ, có tâm huyết thực sự chứng tỏ được giá trị của mình trong bộ máy. Và sau một thời gian dài, chứng tỏ giá trị của mình như vậy, họ không dễ bị thải loại vì những cái nhìn thiên kiến/chủ quan/mang nặng tính tư lợi cá nhân của người lãnh đạo cơ quan.

Bên cạnh thay đổi về thời hạn tối đa của hợp đồng thì Luật cũng qui định rõ trường hợp còn nhu cầu về vị trí việc làm, và viên chức được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ thì phải tiếp tục ký hợp đồng với viên chức đó. Lúc này, không được chấm dứt hợp đồng với viên chức đó để tuyển một nhân sự khác.

Trong vấn đề này, chúng tôi cũng rất tán thành quan điểm của ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, rằng Nhà nước có cơ chế và công cụ để giám sát và kiểm soát. Chính những công cụ này sẽ đảm bảo quyền lợi cho những viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, và ngăn chặn mọi ý đồ xấu xa tư lợi (nếu có) của bất cứ vị lãnh đạo nào. Không biết là những giải đáp của chúng tôi có giúp nỗi lo lắng của độc giả Hoàng Thị Nga được giải toả hay không.

Chúng tôi nghĩ rằng, trên thực tế có thể vẫn sẽ có những kẽ hở nào đó. Và từ thực tiễn đó, có thể chúng ta rồi sẽ phải tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện thêm nhiều điều. Tuy nhiên, ở thời điểm này, trong bối cảnh cụ thể này, việc chúng ta lường trước mọi tình huống và đưa ra những qui định cụ thể trong Luật là điều hoàn toàn hợp lý.

Tiếp theo, chúng tôi muốn bàn thêm về niềm vui mà độc giả chia sẻ. Đúng là việc bỏ chế độ viên chức suốt đời sẽ đẩy lùi sức ì, buộc các viên chức phải làm thật, và từ đó giúp cả một guồng máy vận động hiệu quả. Hẳn nhiên là với phần lớn các viên chức, sau khi làm việc hết mình, mong muốn lớn nhất sẽ là tiếp tục được tái ký hợp đồng. Nhưng có lẽ cũng cần phải nghĩ đến một tình huống: nếu lúc đó viên chức thấy mình không còn phù hợp với bộ máy mình đang gắn bó thì sao?

Giữa việc vẫn phải cố gắng để được ký hợp đồng mới, nhằm duy trì trạng thái ổn định đã có với việc dám bỏ cơ quan nhà nước ra ngoài, các viên chức chọn lựa như thế nào? Tất nhiên mỗi một chọn lựa đều sẽ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lứa tuổi, tính cách bản thân, hoàn cảnh gia đình, cơ hội cá nhân…

Nhưng ở đây, chúng tôi đặt ra vấn đề này để muốn nhấn mạnh rằng việc chấm dứt chế độ "viên chức suốt đời" cũng giống như một hồi chuông đánh động vào tâm lý và khát vọng của các viên chức hiện nay. Sau hồi chuông này, liệu sẽ có một sự thay đổi mang tính bản lề nào đó trong suy nghĩ thực chất của các viên chức hay không? Liệu trong một hoàn cảnh nào đó họ có dám "thoát khỏi vùng an toàn" để tìm cho mình những cơ hội mang tính đột biến hơn không?

Cũng trong những ngày tháng 7 này, chúng ta đã chứng kiến câu chuyện rất đáng suy nghĩ của ông Bạch Ngọc Chiến, Phó chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, khi ông quyết định rời cơ quan nhà nước, chuyển qua làm công ty tư nhân.

Ông chia sẻ lý do của sự chuyển đổi này trên Facebook cá nhân: "Hơn 23 năm làm việc, trong đó 'có 13 năm làm quản lý, tôi tự nhận là người chăm chỉ, cầu tiến và đàng hoàng… Cho đến nay, tôi thấy vinh dự cũng đã lớn, khả năng đáp ứng và thích ứng với yêu cầu công việc ở cấp độ cao hơn của tôi đã đến giới hạn và cũng không thấy có triển vọng phát triển hơn nữa".

Tất nhiên dư luận đã đặt ra rất nhiều dấu hỏi về sự chuyển đổi của ông Bạch Ngọc Chiến, nhưng bất luận sự thật có như thế nào chăng nữa thì việc chuyển từ công ra tư của ông cũng là một điều rất đáng suy nghĩ.

Cách đây vài năm, một vị lãnh đạo cao cấp của Đài Truyền hình Quốc gia cũng chuyển ra làm cho tư nhân, và đã để lại những chia sẻ rất đáng chú ý: "Chúng ta, dù ở cương vị nào cũng có thể làm được cái mà mình muốn, điều có ích. Có thể không phải tất cả những điều mình muốn đều làm được, nhưng với những điều có ích thì luôn luôn có cơ hội để làm. Do đó, không phải băn khoăn ở đâu mới làm được điều này, điều kia...".

Rốt cuộc, mình làm được điều gì thực sự có ích cho bản thân  mình? Mình làm được điều gì thực sự có ích cho cuộc đời, cho xã hội? Đấy mới là những câu hỏi căn cốt mà mỗi viên chức cần đặt ra, chứ không phải là cái tư duy: từ bây giờ sẽ phải cố gắng làm thật để hết hợp đồng sẽ lại được ký hợp đồng tiếp theo.

Một vài chia sẻ hy vọng cũng giúp độc giả mở thêm được một góc nhìn, một hướng suy nghĩ mới mẻ nào đó. Xin chân thành cảm ơn độc giả!

Vương Trọng Tín
.
.