Khi người ta chửa thề

Thứ Hai, 10/08/2015, 14:50
Năm 1948, cố nhà văn tài hoa Nam Cao viết truyện ngắn “Đôi mắt”. Ban đầu, ông định đặt tên tác phẩm này là “sư, anh Tào Tháo”. Đó là câu chửi như sấm động trên diễn đàn văn chương nước ta.

Giấm chua của ngôn từ

Tiếng chửi thề, chắc chắn là giấm chua của ngôn từ. Giấm chua như trong một món nộm hay khi ăn phở.

Vừa phải thì thú vị, quá thì hỏng mất món ăn.

Tất nhiên, đó là điều không nên được khuyến khích.

1. Không phải đám đông chưa chứng kiến người ta chửi thề, thậm chí không chỉ chửi thề, mà chửi rất dung tục. Tục tĩu đến mức độ, chỉ muốn vả cho một phát rớt hết răng rồi có ra sao thì ra. Y như cái cô người mẫu hồi chửi cảnh sát giao thông vậy.

Không phải đám đông cũng chưa từng chửi thề, chửi thề khi đùa vui, chửi thề lúc tức giận, chửi thề để biểu thị một sự yêu mến dành cho nhau.

Không phải đám đông cũng chưa từng đọc những tác phẩm của nhiều nhà văn lừng danh ở nước mình sử dụng tiếng chửi thề (không hề viết tắt) trong một bối cảnh nào đó của cốt truyện.

Không phải đám đông cũng chưa từng thấy tiếng chửi thề đi vào ca dao hoặc tục ngữ như thế nào. (Có thể hiểu, tiếng chửi thề là lời nói tục).

Không phải đám đông cũng chưa từng được tham dự vào trò chơi đố tục giảng thanh mà tiền nhân đã để lại.

Một nền văn minh có xuất phát điểm từ nông nghiệp, hiếm khi không hiện hữu tiếng chửi thề.

2. Tiếng chửi thề lắm lúc như cái van xả sự uất ức hay nóng giận, tiếng chửi thề như tạo thêm sự hưng phấn cho hành động, tiếng chửi thề như một thứ gươm đao ảo trước khi gươm đao thật được sử dụng.

Khi buông ra tiếng chửi thề, cũng là lúc cá nhân sẵn sàng minh chứng cho thứ gọi là bản năng – biết đâu đấy.

Thế nhưng, người khôn ngoan là người biết sử dụng tiếng chửi thề trong bối cảnh phù hợp.

Thế nhưng, người khôn ngoan là người biết sử dụng tiếng chửi thề trong hoàn cảnh thích ứng.

Thế nhưng, người khôn ngoan là người biết tìm ra người thụ hưởng tiếng chửi thề của mình.

Trên facebook, có cả một băng nhóm chuyên văng tục vẫn được đám đông vỗ tay tung hô nhiệt liệt bởi khả năng chửi thề siêu quần bạt vía của họ.

Cuộc sống càng bí bức, tiếng chửi thề càng lên ngôi.

3. Vừa rồi, có anh ca sĩ văng tục trên facebook cá nhân. Những nhà đạo đức lập tức ứng tiếng. Anh ca sĩ lâm vào tình trạng thần khẩu hại xác phàm, đành vái tứ phương xin lỗi rối rít, chỉ hận không dập đầu đến tứa máu trán để chứng tỏ lòng hối hận khôn nguôi.

Làm người nổi tiếng là khó, giữ được cái khí chất của người nổi tiếng lại còn khó hơn.

Người không nổi tiếng chỉ cần vài cái mặt nạ khoác lên mặt là đủ. Người nổi tiếng cần đến hàng nghìn hàng vạn cái mặt nạ để thay đổi tùy theo tình hình thời tiết khác nhau.

Thế mới có chuyện các cuộc thi nhan sắc đều có món, Người đẹp Thân thiện hay Người đẹp Thanh lịch. Bản thân tôi thấy, hai món này vô cùng buồn cười.

Người nổi tiếng được hưởng một cuộc sống tương xứng với danh vọng của họ, lắm khi họ còn được hưởng những đặc quyền mà người khác không có được.

Ví như, một kẻ vô danh đánh nhau thì nhiều lắm là bị công an xử lý tùy theo mức độ của cuộc ẩu đả. Nhưng người nổi tiếng mà đánh nhau thì ngoài bị công an xử lý còn bị cả đám đông phán xét.

Cuộc đời vốn dĩ luôn công bằng, được cái này thì mất cái kia, oán than là điều rất thừa thãi.

Y như ngày xưa, sống trong hoàng cung thì ăn ngon mặc đẹp. Nhưng phải chịu những khuôn phép khắc nghiệt rất dễ dẫn đến những cơn stress hay bấn loạn tâm lý, rối loạn cảm xúc.

Đâu có sao, chấp nhận một cuộc chơi do mình hoạch định thì bắt buộc phải nghiêm cẩn tuân thủ những điều luật vô hình đấy.

Người nổi tiếng có quyền chửi thề trước mặt những cá nhân mà người nổi tiếng tin chắc rằng tiếng chửi thề của mình không bị phát tán.

Còn nếu không đảm bảo điều này, tốt nhất là người nổi tiếng nên đóng vai lịch lãm, bặt thiệp và đầy trí thức.

Mặc cho, khôn ngoan nào đọ được với trời.

Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Linh: Tôi không ủng hộ nghệ sĩ văng tục

- Những ngày gần đây, dư luận bàn nhiều về chuyện “nghệ sĩ văng tục”, cá nhân Diệu Linh nghĩ sao về chuyện này?

- Diệu Linh không ủng hộ chuyện nghệ sĩ văng tục hay phát ngôn khiếm nhã trước một vấn đề bức xúc nào đó. Đã là nghệ sĩ thì hạn chế và tốt nhất là không nên văng tục; đơn giản là vì mình là người của công chúng thì ít nhất phải giữ hình ảnh của riêng mình!

- Nhiều người quy chụp chuyện nghệ sĩ trong một lần văng tục nào đó với vấn đề của sự vô văn hóa. Tôi không cổ súy chuyện văng tục, nhất là với nghệ sĩ nhưng cũng không đến mức đánh giá điều đó với văn hóa một con người. Cá nhân Diệu Linh nghĩ sao?

- Ranh giới giữa thẳng thắn bộc trực và vô văn hóa rất mong manh. Cách ăn nói thể hiện phông văn hoá của người đó vì vậy cẩn thận luôn là điều cần thiết! Lời nói có thể thông cảm là do người đó nóng nảy nhất thời nhưng đã viết ra thì phải suy nghĩ kỹ. Không phải tự nhiên ông bà xưa có câu “bút sa gà chết”. Cũng chính vì vậy mà Diệu Linh nghĩ rằng với nghệ sĩ, văn hóa phát ngôn rất quan trọng, nhất là những chia sẻ trên báo chí hay trên trang facebook cá nhân cũng vậy. Tất cả đều có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của nghệ sĩ nếu “sảy miệng”!

Hoa hậu Đông Nam Á Diệu Linh.

- Nhưng cũng phải nói thêm rằng, có thể người nghệ sĩ sẽ bức xúc, sẽ văng tục nhưng đó là chuyện cá nhân với nhau, đằng này lại mang lên facebook cho cả thiên hạ biết thì thật không hay. Mà thực tế thì rất nhiều trường hợp đã diễn ra như vậy?!

- Trong cuộc sống, hỉ nộ ái ố là chuyện bình thường, nhưng nếu cứ có chuyện gì lại lôi nhau ra chửi bới trên báo hay các trang mạng xã hội thì rõ ràng là điều không hay. Có chuyện gì thì mình tự giải quyết riêng với nhau, đừng kéo dư luận theo vì làm như vậy thì càng ngày hình ảnh của người nghệ sĩ càng xấu đi.

Bản thân Diệu Linh rất không hài lòng với việc điều gì cũng chia sẻ trên trang cá nhân. Tất nhiên, đó là trang cá nhân, ai cũng có quyền riêng tư, nhưng bạn nên nhớ mọi chia sẻ mang tính “public” trên đó thì mọi người đều biết chứ không chỉ mình bạn hay vài người quen. Vì vậy, bất cứ sự mất bình tĩnh nào trên đó cũng sẽ tạo ra một hình ảnh xấu trước mắt công chúng khi nhìn vào bạn.

- Và đã là nghệ sĩ thì cũng phải ý thức được một việc rằng phải cân nhắc, thận trọng trong từng phát ngôn, hành động trước công chúng. Bởi nếu “sảy miệng” thì không những ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh chung của người nghệ sĩ?

- Làm người, hơn thua nhau ở những tình huống xử lý sự việc dù là sự việc gì; nhất lại là nghệ sỹ thì phải ý thức được một việc rằng phải cân nhắc, thận trọng trong từng phát ngôn, hành động trước công chúng. Bởi nếu một lần “vạ miệng” hoặc hành động không đúng thì nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh chung của các nghệ sĩ.

- Có ý kiến cho rằng, ngoài chuyện bức xúc, tức giận thì còn vì cái “tôi” cá nhân của nghệ sĩ quá lớn nên họ thiếu kiềm chế, rồi lớn tiếng, văng tục. Có đúng thế không Diệu Linh?

- Diệu Linh xét thấy có những cá nhân, nếu họ biết mình đang ở đâu thì sẽ rất dễ kiểm soát, rất dễ cư xử, lời ăn tiếng nói sẽ đúng mực hơn. Những người khiêm tốn thì luôn biết lắng nghe và cẩn thận, tôn trọng các mối quan hệ. Còn bức xúc và tức giận thì ai cũng có, nhưng phải xử lý gói gọn hoặc là mình kiểm soát, ngăn chặn lại ở một mức độ nào đó, chứ không phải động cái gì cũng vì cái “tôi” cá nhân quá lớn nên thiếu kiềm chế rồi lớn tiếng văng tục là điều không mấy tốt đẹp.

- Cuối cùng, tôi nghĩ là đã mang danh là nghệ sĩ thì phải cố gắng xây dựng một hình tượng đẹp cho mình. Đó là thể hiện sự tôn trọng mình, tôn trọng nghề và mọi người. Diệu Linh đồng ý chứ?!

- Không chỉ riêng nghệ sĩ mà tất cả mọi người, ai cũng muốn xây dựng cho mình một hình ảnh đẹp mắt trước mọi người. Một người nghệ sĩ muốn xây dựng một hình tượng đẹp cho mình thì phải có những cư xử văn minh với đồng nghiệp, với tất cả những mối quan hệ bên ngoài, đặc biệt là khán giả - người mang lại thành quả cho nghệ sĩ.

Thật ra, nghệ sĩ cũng là con người và cũng sẽ có lỗi lầm, tuy nhiên điều đó khác với chuyện ứng xử kém. Đã là người của công chúng thì Diệu Linh nghĩ trách nhiệm của nghệ sĩ là mang đến những điều tốt đẹp, có ích cho người thưởng thức, thậm chí còn là nguồn cảm hứng cho nhiều người trẻ noi theo và để cộng đồng, khán giả nhìn nhận nghệ sĩ với góc nhìn tốt đẹp hơn. nHoa hậu Đông Nam Á Diệu Linh.

MC Anh Đào: Vẫn có thể thông cảm

- Tôi nghĩ, con người ai cũng có lúc bức xúc dẫn đến văng tục, đó là chuyện hết sức bình thường. Song, sự búc xúc đó thể hiện như thế nào, ở đâu, trong trường hợp nào mới là quan trọng?!

- Đúng vậy, trong một vài trường hợp chúng ta vẫn có thể cảm thông cho họ vì nhiều lý do: áp lực, sức khỏe, hiểu lầm… Nếu trong chừng mực có thể chấp nhận được thì hãy cho họ một cơ hội để thấy lỗi và sửa sai.

- Và rõ ràng là nghệ sĩ hay là người của công chúng nói chung thì không nên có lời lẽ thiếu văn hóa trước công chúng, điển hình là trên facebook chẳng hạn, Anh Đào đồng ý chứ?

- Nói như vậy là chỉ nghệ sĩ thôi sao? Khi nói đến văn hóa ứng xử thì tôi nghĩ dù là nghệ sĩ hay người bình thường, dù là thế giới ảo (facebook) hay thế giới thật, mỗi người chúng ta đều phải thể hiện một lối sống thật văn minh và lịch sự. Nghệ sĩ thì cần chú ý hơn, bởi bạn là người được nhiều người yêu mến, hâm mộ và thậm chí là học hỏi theo. Do đó việc cẩn trọng trong lời lẽ là điều đáng được quan tâm.

MC Anh Đào.

- Cá nhân tôi không thích một ai đó văng tục, song tôi nghĩ, văn hóa của một con người cũng không thể nào chỉ đánh giá qua một lời vô ý văng tục nào đó lúc họ tức giận?

- Thật ra thì không phải cá nhân bạn mà tôi nghĩ rằng ai ai trong xã hội này cũng không thích tiếp xúc với một người văng tục. Ngay cả người văng tục cũng không hề thích làm điều đó. Vì thế ông bà ta thường nói “giận quá mất khôn”. Chúng ta đừng chỉ nhìn chăm chăm vào vết mực ở vị trí trung tâm mà quên đi rằng 95% phần còn lại của tờ giấy vẫn trắng tinh.

- Nhưng cũng phải thừa nhận rằng gần đây có không ít trường hợp nghệ sĩ nặng lời với nhau, họ công kích nhau, hoặc thậm chí là mắng nhau thậm tệ trên facebook. Người ta đặt ra câu hỏi, phải chăng do “cái tôi” của nghệ sĩ quá lớn, họ nghĩ mình là người nổi tiếng, được thần tượng nên có quyền phát ngôn như vậy. Anh Đào nghĩ sao?

- Tôi hoàn toàn không đồng ý với suy luận này. Thậm chí tôi còn cho rằng những phát ngôn mạnh bạo đó của các nghệ sĩ là sự dồn nén cảm xúc quá lâu. Vì phải luôn ý thức mình là người của công chúng nên lúc nào cũng phải cân nhắc kĩ lưỡng trong lời ăn tiếng nói. Và cũng chính điều đó khiến cho ranh giới giữa một vẻ đẹp thật sự và giả tạo rất mong manh.

Tôi nghĩ rằng không có nghệ sĩ nào tự cho rằng mình là người nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ nên muốn nói gì thì nói. Khi họ thể hiện điều này chủ yếu xuất phát từ hai lý do. Có thể vì họ muốn được thể hiện cảm xúc và quan điểm cá nhân như bao nhiêu người bình thường khác. Hoặc là họ không tìm ra giải pháp nào tốt hơn để bảo vệ quyền lợi và danh dự cho chính mình. Nói như vậy cũng không có nghĩa rằng tôi đồng tình với việc công kích và mắng chửi nhau thậm tệ trên facebook đâu nhé!

- Cá nhân tôi thấy, đã là nghệ sĩ thì phải cẩn trọng trong từng phát ngôn bởi thực tế cho thấy không ít tai tiếng, thậm chí là thân bại danh liệt chỉ vì “sảy miệng”. Ông bà ta nói “sảy chân còn hơn để sảy miệng” là vậy?!

- Điều đó chắc chắn rồi. Hầu hết các nghệ sĩ đều ý thức được điều này. Khi bạn là người của công chúng thì lời nói của bạn được rất nhiều người lắng nghe. Nó không chỉ đơn thuần là cuộc trò chuyện thân mật của hai người bạn hay là những lời thủ thỉ của hai mẹ con… mà nó có tốc độ lan truyền khủng khiếp và có thể làm ảnh hưởng đến hình ảnh của bạn nếu đó là những lời lẽ vô văn hóa hoặc gây ác cảm với người nghe.

Xây thì khó chứ phá thì mấy hồi. Đôi khi bạn làm trăm nghìn việc tốt họ cũng chưa công nhận là bạn tốt, nhưng chỉ cần làm một việc xấu thì đã bị xem là người xấu rồi. Do đó, nghệ sĩ càng tên tuổi, càng được nhiều người biết đến thì lại càng phải khắt khe hơn trong những phát ngôn của mình.

- Chắc Anh Đào đã từng nghe đồng nghiệp xung quanh mình văng tục? Bạn có thấy bức xúc về điều đó?

- Làm việc trong môi trường nghệ thuật nên tôi hiểu được những gò bó của một người nghệ sĩ. Và cũng chính vì thế tôi không nhìn họ ở góc độ một người hâm mộ, nên cũng sẽ không có chuyện thất vọng hay hụt hẫng khi nghe họ văng tục. Tuy nhiên, tôi cũng sẽ có một chút khó chịu vì sự thiếu kiên nhẫn và thiếu văn minh của họ.

Chia sẻ thật lòng nhé, tôi vẫn thích những đồng nghiệp dù rằng có chút vụng về trong ứng xử, có thể nói những lời làm mất lòng nhau; nhưng vẫn dễ thân thiện hơn là những người quá khéo che đậy. Nếu họ là những người thật sự tốt hoặc đã rèn luyện được đức tính tốt thì quá tuyệt vời rồi. Chỉ sợ nhất những người luôn tạo ra một vỏ bọc bên ngoài quá nền nã và có những cử chỉ hết sức đáng yêu, nhưng bên trong lại hoàn toàn trái ngược.

- Anh Đào nghĩ thế nào khi nhiều người nói văn hóa ứng xử của một số nghệ sĩ đang có-vấn-đề?

- Thông qua những sự việc gần đây, khán giả có cơ sở để khẳng định như vậy. Nhưng công tâm mà nói, ngành nghề nào chẳng có người tốt kẻ xấu, môi trường nào chẳng có những sự việc bức bối. Nếu như chúng ta cho rằng “đang có vấn đề” thì có thể rằng biết đâu nó đã có từ lâu rồi. Nhưng vì sự bùng nổ của công nghệ thông tin, cộng với sự phủ sóng của các trang mạng xã hội; nên nó được lan truyền rộng rãi hơn và chúng ta biết đến nhiều trường hợp hơn thôi.

Nhìn thoáng hơn một chút, nghệ thuật cũng là một ngành nghề giống như bao nhiêu ngành nghề khác như là: kinh doanh, du lịch, xây dựng… Thì việc văng tục cũng là vấn đề không thể chấp nhận được, nhưng không đến nỗi phải lên án quá dữ dội rồi nhấn mạnh cụm từ “vì họ là người của công chúng”. Bởi xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa của vấn đề vẫn nằm ở ba góc độ gia đình - nhà trường - xã hội.

Nhân đây thì Anh Đào cũng muốn chia sẻ rằng: Việc bạn hâm mộ một nghệ sĩ cũng giống như bạn tìm một người bạn hoặc chấp nhận một người yêu. Nếu bạn yêu những điểm tích cực của họ thì cũng hãy bao dung với những khiếm khuyết của họ. Đừng vội đánh giá và tố cáo quá mạnh mẽ, thay vào đó hãy có những góp ý chân tình để họ hoàn thiện mình hơn. Đặc biệt là đừng vội vàng phủ nhận những thành quả mà họ đã dày công xây dựng.

Siêu mẫu Trương Nam Thành: Nghệ sĩ nào cũng có cái tôi

- Nghệ sĩ văng tục trên facebook, Trương Nam Thành nghĩ gì về điều này?

- Thật ra, nghệ sĩ cũng như bao người bình thường khác đều có cái tôi, cách nhìn nhận sự việc và một cách sống riêng. Còn tính cách hay phát ngôn của một người nói chung thì một phần tùy thuộc vào xuất thân từ vùng, miền, gia đình và nét văn hóa như thế nào? Nếu là vùng miền có đặc điểm riêng như ăn nói đãi bôi, hoặc thốt lên một câu là đệm một từ tục hoặc nếu sinh ra trong một gia đình có giáo dục từ nhỏ, có truyền thống văn hóa tốt thì cũng tạo ra những con người có lối ăn nói cũng không giống nhau.

Siêu mẫu Trương Nam Thành.

Trở lại chuyện nghệ sĩ văng tục trên facebook, Thành nghĩ đó có thể chỉ là phát ngôn nhất thời do tác động của sự khó chịu, áp lực nhất thời mà họ đang đối diện. Ở hoàn cảnh đó, dù bạn có là ca sĩ, diễn viên hay bất kì ai khác thì cũng có thể có những nông nổi trong lời ăn, tiếng nói hay hành động bởi bạn đang bức xúc. Thú thật là bản thân Thành khi nóng giận, cũng có thể phát ngôn với những từ ngữ không hay.

- Tôi không cổ súy chuyện văng tục, nhất là với nghệ sĩ. Song, tôi cũng hiểu rằng không thể dựa vào đó mà quy chụp đó là một người vô văn hóa; bạn đồng ý chứ?

- Thành đồng ý điều này. Nghệ sĩ cũng là con người, cũng có hỉ nộ, ái, ố như bất kỳ ai. Khi gặp chuyện bất như ý, trong cơn bức xúc, tức giận nhất thời, họ không kiềm chế được bản thân và buông ra lời khó nghe, hay nói thẳng ra là văng tục. Thành thấy, đó là chuyện hết sức bình thường. Tuy văng tục là không hay nhưng sẽ rất vội vàng khi quy chụp điều đó đồng nghĩa với người vô văn hóa, ứng xử kém…

- Tuy nhiên, khi đã mang danh là nghệ sĩ, nếu có bức xúc thì nên giải quyết riêng sẽ tốt hơn là mang bức xúc đó đưa lên facebook, bởi dẫu đó là trang cá nhân của mình nhưng có cả cộng đồng quan tâm, theo dõi?

- Thành quan niệm, nghệ sĩ ý thức mình là người của công chúng thì nên kiểm soát những gì chia sẻ trên mạng xã hội; đương nhiên là trừ những trường hợp giận quá mất kiểm soát. Song, nếu như lúc đó có người khác, như đàn anh, đàn chị biết bình tĩnh hơn, biết cách chia sẻ thay vì chỉ biết chỉ trích thì có lẽ sự việc sẽ nhanh chóng được giải quyết chứ không phải như “đổ thêm dầu vào lửa”.

Quay lại vấn đề giải quyết bức xúc của nghệ sĩ, Thành nghĩ cách giải quyết tốt nhất là hai người sẽ gặp gỡ, cùng nhau nói chuyện, nếu không thích thì có thể không là bạn bè nữa. Chứ nói qua nói lại, cãi vã um xùm thì khán giả nhìn vào sẽ nghĩ thế nào?! Khi đó, chắc chắn hình ảnh nghệ sĩ sẽ bị giảm đi rất nhiều!

- Phải thừa nhận rằng đã có nhiều trường hợp nghệ sĩ lên facebook cãi qua cãi lại, nói xấu nhau, hạ bệ nhau, dùng ngôn từ rất nặng lời. Phải chăng văn hóa ứng xử của người nghệ sĩ đang xuống cấp và cái tôi của người nghệ sĩ quá lớn lên họ cho phép mình có những phát ngôn như vậy?

- Thành không rõ những trường hợp khác nhưng với những người là bạn thân đang hoạt động trong ngành giải trí cũng như từ chính cá nhân Thành thì Thành thấy rằng cái tôi của nghệ sĩ thường lớn hơn cái tôi của một bác sĩ, một kĩ sư, một doanh nhân… Tất cả là do môi trường công việc hằng ngày của họ quy định. Thành chỉ mong một điều cùng là nghệ sĩ thì hãy là những người bạn tốt của nhau. Nói giới nghệ sĩ thì thấy bao la nhưng tính ra thì có mấy người! Chửi bới nặng lời nhau làm gì vì có khi nay mai lại đứng chung sân khấu!

Nhưng Thành cũng nói thêm là chúng ta không thể nào đánh đồng tất cả người chửi bới nhau trên facebook kia đều là nghệ sĩ! Có những người chỉ là nhân vật giải trí mà thôi!

- Có lẽ không có gì bàn cãi khi nói, đã là nghệ sĩ thì phải rất bình tĩnh, cân nhắc trong từng phát ngôn, từng hành động, đặc biệt là trên những phương tiện truyền thông như báo chí, facebook?

- Đó cũng là ý kết của bài này, chúng ta lúc nào cũng phải có sự bình tĩnh khi đối diện với mọi chuyện. Việc la làng lên, biểu hiện bức xúc thái quá không mang lại lợi ích gì mà ngược lại, còn hại cho tự thân. Và để có sự bình tĩnh, nói thì dễ nhưng làm được thì khó, nó hình thành từ thời gian mà mỗi người trải nghiệm trong nghề. Và đã là người nghệ sĩ thì nhất thiết lúc nào cũng phải kiểm soát trong từng phát ngôn, từng hành động của mình. Đó là cách xây dựng, bảo vệ hình ảnh của mình với công chúng.

Thực hiện: Hoàng Lãm – Nguyệt Lãng
.
.