Khi nghệ sĩ cáu

Thứ Bảy, 04/10/2014, 08:30
Hỉ, nộ, ái, ố là những cảm xúc rất người. Hỉ thì cười, nộ thì giận, ái thì yêu, ố thì ghét. Thoát khỏi những cảm xúc này, thì gọi là đã thiền. Mà đã thiền, thì chỉ có hình dáng người, còn tâm đã vượt người. Nghệ sĩ, không thiền. Nghệ sĩ, đang rất người.

Chiến đấu với cối xay gió

Chu Du, ngửa mặt nhìn trời, căm phẫn hét lên: “Trời sinh Du sao còn sinh Lượng”. Dứt câu, lăn đùng ra chết đứ đừ đư.

Du cho Lượng cũng nhiều, mà Lượng bồi Du cũng lắm. Đâu phải là chuyện cứ đủng đỉnh gặp nhau là cùng bắt tay tạo nên một trận Xích Bích để đời.

Nghệ sĩ cũng vậy, khi cáu thì thét: “Trời sinh nghệ sĩ sao còn làm truyền hình thực tế”.

Cáu thì nói vậy thôi, chứ nhờ truyền hình thực tế mà có biết bao nhiêu nghệ sĩ ra đời. Mà cũng từ nghệ sĩ thì mới thấy hết cái bên trong của truyền hình thực tế.

Cô diễn viên siêu mẫu ấy đang rất giận một chương trình truyền hình thực tế  (THTT) vừa kết thúc. Đây không phải là lần đầu cô giận chương trình này. Ngay khi còn là thí sinh tham gia chương trình, cô cũng đã nhiều lần phản đối. Thậm chí, cô còn nêu đích danh nghệ sĩ cùng chơi nào sẽ đoạt giải quán quân của chương trình. Tiên liệu như thần, gọi ai là đúng ngay người ấy.

Khi cô diễn viên siêu mẫu vừa phản ứng, truyền thông nhanh chóng hậu thuẫn. Đó có thể được xem như là một scandal liên quan đến THTT.

Người ta đã thấy hồ nghi về kết quả trong chương trình truyền hình thực tế từ rất lâu. Người ta cũng đã chứng kiến những màn sắp đặt thật sự không hề ngoạn mục trong truyền hình thực tế. Người ta cũng đã thấy những màn luyến ái trong chương trình truyền hình thực tế. Người ta cũng đã nhìn những sự phản cảm trong chương trình truyền hình thực tế.

Thế nhưng, người ta cũng biết những cậu chàng hay những cô nàng, đêm trước còn là vô danh, sáng hôm sau đã trở thành người của công chúng. Vừa rồi, lại một nam ca sĩ bước ra từ truyền hình thực tế và được tung hô nhiệt liệt.

Chuyện nó cũng bình thường thôi, vì như tôi đã viết, không ai lại dại đến mức bỏ ra rất nhiều tiền để tạo nên một trò chơi. Và trong trò chơi đó, lại minh bạch hay sòng phẳng đối với tất cả những người tham dự vào trò chơi.

Miếng pho-mát miễn phí chỉ có ở trong cái bẫy chuột, hình như một nữ chính khách người Đức đã nói như vậy.

Thế nên, đã miễn phí thì buộc phải chấp nhận những câu chuyện lấn cấn phía sau một trò chơi. Người tạo ra trò chơi phải loay hoay để làm cách nào khiến trò chơi hấp dẫn nhất, khiến người xem buộc phải ngồi trước chương trình truyền hình, khiến khán giả phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác… Họ phải giở hết toàn bộ thủ thuật được tạo nên từ chất xám để hy vọng vào chuyện có thể thu hút được quảng cáo. Bởi, nếu không có quảng cáo, họ đã vừa tự đốt tiền của chính mình.

Dẫu vậy thì, phàm đã là người, nhất thiết phải biết cách lên tiếng. Mọi thứ sẽ không thể tốt đẹp nếu như tất cả đều im lặng và nghiễm nhiên chấp nhận. Còn lên tiếng xong mà mọi chuyện có thay đổi theo chiều hướng tích cực hay không lại là chuyện khác.

Tôi nghĩ rằng, cô diễn viên siêu mẫu vừa làm một chuyện thú vị. Đến Don Quijote còn xem việc chiến đấu với cối xay gió là lẽ sống, thì đâu có lý do gì để khiến mọi người phải im lặng như nhau.

Nhất là khi, có những chương trình truyền hình thực tế luôn khiến tôi có cảm giác cực kỳ vô văn hóa. Kiểu như, người ta tổ chức ra một cuộc thi tìm kiếm chân dài, với những đoạn quay mắng thí sinh như dân đầu đường xó chợ mắng nhau vì giành một người khách. Kiểu như, người ta câu khán giả bằng những clip quay lại cảnh các thí sinh hồn nhiên thể hiện khả năng ca hát của mình, như là một thứ phỉ báng niềm đam mê của người khác. Kiểu như, người ta lợi dụng một bà mẹ với tình yêu thương con mù quáng để kích động trận mưa đá, thứ mưa mà đám đông luôn rất sẵn sàng tạo nên cùng nhau…

Ít ra thì siêu mẫu diễn viên đã minh chứng cho chuyện, không phải ai cũng là con rối cả.

Với tôi, đó là hành động rất đáng khen. Dẫu cối xay gió vẫn chứ xay đều bất chấp tiếng xung phong của Don Quijote.

Nhưng nếu có rất nhiều Don Quijote thì sao(?!).

Ca sĩ Minh Thư: Hãy xem đó là một cuộc chơi

- Tôi thấy nghệ sĩ tham gia chương trình truyền hình thực tế (THTT) rất lợi, nhiều tên tuổi bỗng hot lên hoặc có những tên tuổi đang bị lãng quên thì được hâm nóng. Minh Thư thì thấy thế nào?

- Cho tôi được ví von thế này: Nghệ sĩ vốn dĩ là những ngôi sao trên bầu trời và THTT như là một ống kính thiên văn giúp cho khán giả nhìn thấy từng ngôi sao đó một cách rõ hơn, gần hơn.

Đã là nghệ sĩ thì ai cũng luôn mong hình ảnh của mình được đến gần hơn với khán giả. Có rất nhiều nghệ sĩ sau khi tham gia các chương trình đã được khán giả yêu mến, ủng hộ nhiều hơn. Nhiều người thường nói là “bỗng dưng hot” nhưng Thư nghĩ cũng chẳng phải là “bỗng dưng” đâu, bởi lẽ họ đã bỏ tất cả công việc của mình và đầu tư nghiêm túc cho một cuộc chơi nào đó. Như thế thì việc họ trở nên hot là điều đương nhiên, bởi lẽ họ có tài, có khả năng và truyền hình thực tế chỉ là nơi tất cả cái hay đó của họ được thể hiện.

Ca sĩ Minh Thư.

- Thế còn về cái hại, theo Minh Thư thì THTT có hại gì đến tên tuổi nghệ sĩ không?

- Có lẽ, khi bạn thấy một người nghệ sĩ trên sân khấu hay thông qua phim ảnh thì bạn chỉ thấy về khía cạnh công việc, họ rất đẹp, rất hào nhoáng. Nhưng THTT lại khai thác luôn cả khía cạnh “thực tế” nhất của con người nghệ sĩ đó, mà đã là con người thì ai cũng có những ưu, khuyết điểm. Nếu như những khuyết điểm đó quá lớn và khán giả không chấp nhận được thì hình ảnh người nghệ sĩ sẽ trở nên xấu xí, có khi ảnh hưởng rất lớn đến nghề nghiệp của bản thân!

- Gần đây có nghệ sĩ lên tiếng tố chương trình mình vừa tham gia là không công bằng, minh bạch; thậm chí họ còn lên tiếng cạch mặt chương trình đó. Tôi thấy đó là sự phản ứng thái quá. Cá nhân Minh Thư nghĩ việc này thế nào?

- Có lẽ vì họ đã rất quyết tâm cho cuộc chơi và kết quả không như mong đợi nên họ cảm thấy bức xúc chăng! Tôi từng tham gia THTT, tôi hiểu vì sao họ phản ứng như vậy nhưng tôi sẽ không đưa ra ý kiến của mình vì mỗi người mỗi tính cách!

- Người ta bàn nhiều về tính công bằng, minh bạch trong THTT. Minh Thư nghĩ gì về điều này?

- Tôi nghĩ chủ trương của các chương trình gameshow, nghệ sĩ tham gia và khán giả xem đều đề cao tính công bằng. Tuy nhiên, những rắc rối bên trong mỗi chương trình thì chỉ có ban tổ chức và người tham gia là hiểu rõ nhất!

- Có người đòi hỏi rằng THTT thì phải trung thực và công bằng đến 100%, tức nhà sản xuất không được can thiệp bằng cách dàn dựng, sắp xếp theo ý đồ riêng. Minh Thư có nghĩ như thế không?

- Đã gọi là chương trình thực tế thì phải có những điều rất thực tế, rất đời thường để khán giả xem. Và chương trình càng được chú ý hơn khi khán giả thấy được khía cạnh thực tế của nghệ sĩ. Nhà sản xuất, ban biên tập đã nghiên cứu và lựa chọn rất kĩ về tính cách của mỗi người chơi trước khi mời họ tham gia. Bởi lẽ, THTT vốn giống như một xã hội thu nhỏ, có người này người nọ, tình huống này tình huống kia thì mới hấp dẫn người xem. Cho nên việc dàn dựng sắp xếp tôi nghĩ chỉ là một phần, họ không thể làm xấu hình ảnh của một người trong khi cả quá trình và tính cách của họ là tốt được.

- Nhưng có một thực tế thế này, không riêng gì ở Việt Nam, THTT ở nhiều nước trên thế giới cũng có dàn dựng, sắp xếp nhất định. Bởi đơn giản rằng, một chương trình truyền hình không thể chỉ trông chờ vào người chơi, vốn dàn trải từ hay đến dở vô cùng. Nhà sản xuất phải có những sự toan tính của riêng họ để đảm bảo tính hấp dẫn của chương trình. Ở khía cạnh này, tôi nghĩ sự dàn dựng, sắp xếp là cần thiết. Tuy nhiên, phải hợp lý. Minh Thư đồng ý chứ?

- Tôi thấy sự sắp xếp hay dàn dựng ở đây mang một nghĩa rất theo xu thế. Nhà sản xuất và chương trình của họ có thành công và được khán giả yêu thích hay không là cũng nhờ vào cái gọi là sắp xếp đó. Nói cho cùng THTT là chương trình mà ở đó khán giả được thấy tất cả những mặt hay và chưa hay của nghệ sĩ. Từ đó, họ có quyết định yêu thích người nghệ sĩ đó hay không qua từng vòng thi, từng buổi phát sóng.

Rõ ràng là trong THTT khán giả không chỉ chú trọng về phần tài năng mà còn cả vào tính cách của người nghệ sĩ. Ai lấy được cảm tình hay sự chú ý của khán giả thì người đó đã có một bước gần hơn với chiến thắng. Và nhà sản xuất đo được phản ứng của khán giả, để họ có thể dàn dựng hay xây dựng một chương trình hấp dẫn hơn, gay cấn hơn. Như vậy, cuối cùng thì nhà sản xuất vẫn chiều theo ý thích của khán giả mà thôi.

- Nếu nói, nghệ sĩ chơi THTT thì họ phải vui chơi với tâm lý “vui là chính” và chấp nhận dù kết quả thế nào. Minh Thư có nghĩ vậy?

- Tôi nghĩ khi đã chấp nhận tham gia gameshow thì nghệ sĩ nên chuẩn bị tinh thần xem đó là một cuộc chơi, và hơn bao giờ hết là hãy đầu tư, rèn luyện bản thân để được khán giả yêu thương, đó mới là điều quan trọng!

Ca sĩ Pha Lê: Tôi chưa bao giờ tin tưởng vào kết quả của THTT

- Trong THTT, người ta hay nói đến cái gọi là “sự lừa dối ngọt ngào”. Tức người xem biết là có dàn dựng đấy nhưng nó dễ thương và hợp lý chứ không phải là “đổi trắng thay đen”, biến người thắng thành bại, chuyển bại thành thắng bằng cách gian lận. Tôi nghĩ đó cũng là điều hợp lý thôi, đúng không Pha Lê?

- Có thể nói, khán giả không hề biết một chút gì về sự sắp xếp của nhà tổ chức bởi sự khéo léo qua sự cắt ghép, bằng sự xen kẽ một cách nào đó của họ. Bạn nên nhớ là nhà sản xuất và ban tổ chức là những cái đầu rất thông minh để ra được format chương trình. Tức là họ hoàn toàn nắm bắt được tâm lý của người chơi, họ đều tính được rằng nếu trường hợp này xảy ra thì sẽ dẫn đến vấn đề gì, còn cái kia đến thì sẽ dẫn đến điều gì...

Ca sĩ Pha Lê.

- Nhiều người đòi hỏi rằng THTT thì phải trung thực và công bằng tuyệt đối. Liệu có cần thiết như thế không?

- Chắc chắn là cần rồi bởi nếu như có sự công bằng, tự nhiên thì có lẽ sẽ còn rất nhiều cái hay ho. Nhưng mà bạn biết đó, nhà sản xuất họ mua format về, họ bỏ rất nhiều tiền ra để làm chương trình nên họ phải tính đến những chiêu trò, những sự sắp xếp để thu hút được khán giả và thu hút được quảng cáo. Tuy nhiên có những chiêu trò vô tình gây ra những chuyện không hay cho nghệ sĩ dẫn đến việc sau chương trình thì bên này kiện cáo bên kia.

- Pha Lê có tin vào kết quả của các chương trình THTT?

- Tôi thì chưa bao giờ tin tưởng vào kết quả của các chương trình truyền hình thực tế. Bởi Pha Lê biết trong mỗi chương trình đều có quy luật riêng của nó và khi người nghệ sĩ tham gia thì họ phải chấp nhận.

- Tôi thấy rằng, sự dàn dựng, sắp xếp là cần thiết trong một chương trình THTT bởi nhà sản xuất không thể chỉ trông chờ vào sự hấp dẫn của người chơi. Pha Lê đồng ý chứ?

- Pha Lê đồng ý rằng chuyện sắp xếp là đương nhiên vì không tự nhiên mà nhà sản xuất bỏ ra một số tiền lớn để làm một chương trình cho các bạn có một sân chơi, các bạn được lĩnh tiền trong khi nhà sản xuất thì mất tiền.

Đôi khi nhà sản xuất can thiệp để chương trình hấp dẫn mà vẫn đảm bảo cho tính công bằng của người nghệ sĩ tham gia thì quá tốt.

Tất nhiên nhà sản xuất có những mẹo của họ để làm sao kích thích được người nghệ sĩ đó làm những việc mà chính bản thân họ không nghĩ đến. Giống như trong chương trình “Cuộc đua kỳ thú” mà tôi tham gia, với những môi trường, hoàn cảnh mà nhà tổ chức tạo ra thì có thể khiến bất kỳ ai cũng có thể nói ra những lời lẽ không hay. Đó cũng vốn dĩ là bản năng của con người mà thôi.

- Gần đây có nghệ sĩ lên tiếng tố chương trình mình vừa tham gia là không công bằng, minh bạch; thậm chí họ còn lên tiếng cạch mặt chương trình đó. Cá nhân Pha Lê nghĩ việc này thế nào?

- Pha Lê không nghĩ đó là sự phản ứng thái quá. Thực ra họ có những bức xúc của họ, có thể họ ức chế quá với công sức họ bỏ ra nhưng không được nhìn nhận hoặc một sự bất công nào đó xảy ra thì họ mới phản ứng như vậy!

Pha Lê nghĩ, nghệ sĩ nào cũng biết rằng các chương trình THTT đều như vậy. Và khi đã biết là như thế rồi thì đừng nói như một đứa trẻ con rằng: Tôi không biết gì cả, tôi cảm thấy quá bức xúc! Khi bạn chấp nhận cuộc chơi thì khi kết thúc bạn cũng nên tôn trọng người khác. Vì ít ra họ cũng đã tạo điều kiện cho bạn, đã mời bạn vào chơi trong chương trình, đó là sự ưu ái dành cho bạn.

Còn không cần biết trong lúc ấy bạn thể hiện như thế nào! Nếu bạn khôn ngoan thì bạn hãy có một kịch bản cho cuộc đời của bạn, còn nếu không họ xoay bạn như thế nào thì bạn phải theo thôi. Pha Lê nghĩ việc tố cáo là không nên vì ít ra chúng ta không tham gia cái này chúng ta còn tham gia cái khác với nhau nữa!

- Tức là khi nghệ sĩ đã chấp nhận tham gia cuộc chơi của THTT rồi thì cũng phải chấp nhận một thực tế rằng, sẽ không có gì là công bằng và minh bạch tuyệt đối cả! Và hãy chơi hết mình với tinh thần“vui là chính”?

- Chính xác! Với Lê thì Lê chấp nhận điều đó nên Lê không có ý kiến gì cả, kể cả có những lúc mình rất oan ức. Nhưng Lê biết đương nhiên THTT là như thế nên không cố tạo cho mình áp lực!

- Theo Pha Lê thì người nghệ sĩ tham gia THTT thì có lợi ích gì?

- Thật ra thì THTT hay bất cứ một chương trình nào thì Lê nghĩ đều có hai mặt của nó. Mặt tốt là bạn có thể bộc lộ những khả năng khác mà trước giờ bạn chưa có cơ hội thể hiện. Còn mặt khác nếu bạn muốn chứng minh mình là nghệ sĩ đa tài nhưng bạn làm không tốt thì bạn đã thất bại!

Diễn viên Quách Ngọc Ngoan: Nên cảm ơn nhà sản xuất chương trình mới đúng

- THTT và các chương trình dành riêng cho nghệ sĩ đang nở rộ trên sóng truyền hình, anh đánh giá như thế nào về các chương trình này hiện nay?

- Tôi nghĩ THTT là một sân chơi rất bổ ích cho người nghệ sĩ tham gia. Nghệ sĩ có thể phát huy những lĩnh vực khác mà không phải chuyên môn của họ. Bản thân tôi từng được mọi người yêu mến rất nhiều qua các chương trình như “Cặp đôi hoàn hảo”, sau đó là “Bước nhảy hoàn vũ”. Các công ty truyền thông và các nhà đài đang đem đến cho khán giả nhiều luồng gió mới, nhiều chương trình giải trí hết sức bổ ích, đó là điều đáng khen ngợi.

Tôi không biết những nghệ sĩ khác khi tham gia THTT thì tâm trạng và cách suy nghĩ của họ như thế nào. Còn riêng bản thân tôi thì thấy mình được lợi rất nhiều, tôi được mọi người biết đến và yêu quý nhiều hơn. Tôi không thấy THTT có vấn đề gì gây hại đến tên tuổi cả.

Diễn viên Quách Ngọc Ngoan.

- Khi tham gia các chương trình THTT, anh quan tâm thế nào đến tính công bằng, minh bạch trong kết quả của chương trình?

- Tôi nghĩ, các nhà đài và các công ty truyền thông làm nên chương trình thì đương nhiên họ luôn có một sự công bằng với tất cả những ai tham gia. Tại sao lại gọi là chương trình thực tế là vì khi tất cả các anh chị em nghệ sĩ tham gia chương trình về hát, nhảy… đều diễn ra trực tiếp trên sân khấu. Những vị giám khảo ngồi đó đánh giá, nhận xét khả năng trình diễn của họ. Mặt khác quan trọng hơn là chương trình nào cũng dành một phần điểm rất lớn, lớn hơn cả phần điểm của ban giám khảo đưa ra, đó là bình chọn, nhận xét của khán giả. Như vậy, khi có sự tham gia quyết định của khán giả thì làm gì có chuyện không công bằng!

- Nhưng trong các chương trình THTT thì vẫn có sự can thiệp bằng cách dàn dựng, sắp xếp theo ý đồ riêng của nhà sản xuất chứ?

- Câu hỏi này tôi nghĩ là bạn nên hỏi những người phụ trách chương trình hoặc là những người đứng đầu một công ty truyền thông thì sẽ có câu trả lời thiết thực nhất. Tại vì chúng tôi tham gia với tư cách nghệ sĩ thì những cách thức tổ chức bên trong của họ chúng tôi thực sự không quan tâm đến. Điều chúng tôi quan tâm ở đây là khi tham gia một chương trình nào đó mình hãy làm hết mình để đem đến cho khán giả điều gì đó mới lạ.

- Gần đây có nghệ sĩ lên tiếng tố chương trình mình vừa tham gia là không công bằng, không minh bạch; thậm chí họ còn lên tiếng cạch mặt chương trình đó vì cho rằng mình bị xử ép. Cá nhân anh nghĩ việc này thế nào?

- Tôi nghĩ đó cũng là cảm xúc của mỗi người. Mình không thể nào trách người ta được, đôi khi là cảm xúc trong một lúc bốc đồng, bộc phát lên thôi.

Nhưng thực sự mà nói nên nhớ kĩ một điều, khi mà các công ty truyền thông và các nhà đài đã làm một chương trình thực tế, một gameshow và mời mình tham gia với tư cách là nghệ sĩ thì chúng ta hãy làm những gì tốt nhất, đẹp nhất. Chúng ta nên cám ơn nhà sản xuất đã mời chúng ta và quan trọng là chúng ta hãy cố gắng đem đến cho khán giả những tiết mục hay nhất. Còn thật sự thì tôi nghĩ không cần đặt nặng thắng thua làm gì, với lại thực sự mỗi người có một khả năng và có sự may mắn khác nhau.

- Vậy có nghĩa là theo anh, khi tham gia THTT thì người nghệ sĩ nên chơi với tinh thần vui chơi là chính?

- Bản thân tôi khi tham gia chương trình gameshow thực tế lấy vui làm chính. Hãy tham gia với tinh thần thoải mái nhất của một người nghệ sĩ, bởi khi làm nghệ thuật mà có một tâm trạng thoải mái nhất thì chắc chắn sẽ thăng hoa. Giống như khi mình biểu diễn một tiết mục trên sân khấu thì khán giả sẽ nhìn nhận được ai làm tốt hơn ai. Và không hẳn là trong nghệ thuật mà còn trong tất cả các lĩnh vực khác nữa, mình phải làm hết khả năng của mình. Tôi tin, khán giả rất công tâm.

Hơn nữa, như tôi đã nói, khi tham gia chương trình thì nghệ sĩ không nên đặt nặng vấn đề thắng thua quá vì chúng ta đang là… nghệ sĩ. Chương trình chúng ta đang tham gia ở đây không phải là chương trình thi thố giữa nước này với nước khác mà đây là một chương trình thực tế, một gameshow mang tính giải trí cao mà thôi!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.