Khai cục đương đầu pháo

Thứ Sáu, 04/09/2020, 10:13
Ông Joe Biden và đảng Dân chủ đã mở đầu chiến dịch tranh cử tổng thống của họ một cách tương đối rầm rộ, với không ít tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, thực tế thì đó vẫn chỉ là những nước cờ trong chặng khai cục của một ván cờ chính trị tiềm ẩn đầy những biến động bất ngờ.

Yếu tố màu da

Đương nhiên là một lựa chọn hợp lý, khi đảng Dân chủ cũng như ông Joe Biden lựa chọn vấn đề phân biệt chủng tộc làm mũi nhọn tạo “đột phá khẩu” cho cương lĩnh tranh cử, điều được thống nhất tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ diễn ra ngày 18-8 tại thành phố Milwaukee (bang Wisconsin).

Ở đó, ông Joe Biden - chính trị gia lão luyện 77 tuổi được chính thức đề cử làm ứng viên của đảng Dân chủ để quyết đấu với đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa. Ở đó, ông lựa chọn người cộng sự cùng liên danh (ứng cử vào vị trí phó tổng thống) là bà Kalama Harris - người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên và cũng là người phụ nữ mang trong mình dòng máu Nam Á (Ấn Độ) thứ hai giành được quyền tiến vào Thượng viện với cương vị Thượng nghị sĩ.

Người được chọn làm đối thủ của ông Donald Trump.

Ở đó, Milwaukee, Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ đặc biệt tập trung vào vấn đề phân biệt chủng tộc. Họ tiếp tục khoét sâu vào những vấn đề xung quanh cái chết của công dân da màu George Floyd dưới tay các cảnh sát da trắng, ở thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesota - điều làm dấy lên các cuộc biểu tình sôi sục trên toàn nước Mỹ, cũng như những lời kêu gọi cải cách lực lượng cảnh sát Mỹ.

Không có gì bất ngờ, cách xử lý của chính quyền đương nhiệm trong toàn bộ câu chuyện bi thảm này bị đem ra mổ xẻ và chỉ trích dữ dội. Gia đình George Floyd đương nhiên cũng được mời tham dự, để đại diện của họ lên tiếng kêu gọi tiếp tục “đấu tranh vì công lý”. 

Tạm gạt qua tất cả những gì mang màu sắc lý tưởng, có vẻ màu da nói chung cùng màu da của George Floyd và Kalama Harris nói riêng đang được sử dụng như một thứ vũ khí lợi hại, một nước pháo đầu “tranh tiên” nhằm áp đảo các đối thủ đảng Cộng hòa - vốn đang phải trầy trật xử lý các sự vụ liên quan.

Và một “giải pháp” ban đầu được đưa ra, bởi Thị trưởng thủ đô Washington Muriel Bowser: Một khu hội họp dành cho phong trào biểu tình "Black Lives Matter" dọc theo phố 16 tại thủ đô gần Nhà Trắng đã được thiết lập, như một nơi để người dân thể hiện sự phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc (và bày tỏ sự ủng hộ đối với ứng cử viên đảng Dân chủ - Joe Biden).

Có lẽ nhờ vậy, theo kết quả mới được công bố ngày 19-8 của hai cuộc khảo sát do Tổ chức Hợp tác nghiên cứu người Mỹ gốc Phi (AARC) phối hợp với Cơ quan Nghiên cứu các quyết định của người gốc Mỹ Latin thực hiện ở 6 bang "chiến địa", tỷ lệ ủng hộ dành cho cựu Phó Tổng thống Mỹ đã gia tăng đáng kể, trong cộng đồng những người gốc da màu. Cụ thể, tỷ lệ ủng hộ đối với ông Biden trong nhóm cử tri gốc Mỹ Latin đã tăng 6 điểm % lên 15 điểm trong khi tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Trump giảm 9 điểm %.

Ông Biden và bà Harris còn rất nhiều việc phải làm.

Sau thông báo lựa chọn liên danh tranh cử của ông Biden, tỷ lệ người nói tiếng Tây Ban Nha cho biết họ sẽ bỏ phiếu hoặc nghiêng về ông Biden tăng lên 65% (từ 59% trước đó), trong khi tỷ lệ dành cho đương kim Tổng thống Donald Trump giảm 26% xuống 17%. Còn đối với cử tri da màu, tỷ lệ ủng hộ ông Biden đã tăng 11 điểm.

Sau yếu tố màu da, chắc chắn sẽ đến lượt các vấn đề mà không thể phủ nhận là ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng đã phạm sai lầm dù ít dù nhiều trong cách xử lý được “ưu tiên” công kích, như bảo vệ sức khỏe người dân trong cơn bão đại dịch toàn cầu COVID-19, tổ chức hệ thống chăm sóc y tế, cải cách nền tư pháp, hoạch định các chiến lược đối ngoại và đặc biệt là thúc đẩy mạnh hơn nữa tiến trình tăng trưởng kinh tế của nước Mỹ.

Có điều, một câu hỏi mang tính “phản pháo” sẽ được phía đảng Cộng hòa đặt ra: ông Joe Biden và đảng Dân chủ có đủ năng lực để xử lý chính những vấn đề mà họ đang chỉ trích chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump hay không?

Bởi nói luôn dễ hơn làm

Cần phải lần ngược lại quá khứ 4 năm trước, để thấy vì sao một chính trị gia “tay ngang” như ông Donald Trump khi ấy lại có thể chiến thắng một nhân vật lão luyện chính trường như bà Hillary Clinton. Ông đắc cử, bởi ông nói những điều đơn giản và hứa hẹn những điều cụ thể gắn bó thiết yếu với quyền lợi của các cử tri.

Đó hoàn toàn không phải là một chiến thắng thuyết phục và áp đảo, khi có tới 46,9% số cử tri (tổng số 231,56 triệu người) không buồn thực hiện quyền bỏ phiếu của mình. Trong các hòm phiếu, 47,62% số phiếu phổ thông thuộc về bà Hillary Clinton, trong khi ông Donald Trump chỉ đạt 47,62% (nghĩa là đều không quá bán), song ông Donald Trump chiến thắng với 56,88% phiếu đại cử tri (bà Hillary Clinton đạt 43,12%). Nhưng, đó vẫn là một chiến thắng và chiến thắng ấy nhấn mạnh một yếu tố trong hệ thống chính trị Mỹ: Các đại cử tri mới là những người quyết định thành bại.

Cảnh đập phá, hôi của thừa cơ hội biểu tình tại thành phố Chicago.

Vậy thì, các đại cử tri, những người đang thấy “chuyện làm ăn” của mình bị ảnh hưởng nghiêm trọng, liệu có sẵn lòng bỏ phiếu cho những ứng viên cổ súy cho phong trào Black Lives Matter tiếp tục làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế - vốn đã “xất bất xang bang” bởi các ảnh hưởng ghê gớm của đại dịch COVID-19?

Và phong trào phản kháng ấy liệu có thể sẽ được dàn xếp ổn thỏa, chỉ với cách thức là để những người biểu tình được tạo điều kiện tự do biểu đạt cơn giận dữ của họ? Nên nhớ, kèm theo cơn lốc đó, rất nhiều khu thương mại ở các thành phố lớn đã bị hủy hoại hoặc tàn phá, mà mới nhất là Chicago hồi đầu tháng 8 này.

Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ, thực tế, mới chỉ chỉ ra những khiếm khuyết mà chưa đưa ra được những phương pháp thay đổi các vấn đề đó trong hiện trạng. Thí dụ, ông Joe Biden nhiệt thành ủng hộ ý tưởng nâng lương tối thiểu dành cho người lao động lên 15 USD/giờ nhưng chưa hé lộ rằng nguồn ngân sách sẽ lấy từ đâu. Ông cũng “có một kế hoạch mở rộng đáng kể hệ thống chăm sóc y tế” - theo cách đánh giá của ứng viên thất bại Bernie Sanders nhưng lại chưa nói rõ rằng nó sẽ được mở rộng như thế nào.

Ông được cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama bày tỏ niềm tin tưởng rằng ông có đủ phẩm chất để lãnh đạo nước Mỹ vượt qua những khó khăn kinh tế hiện tại, song trong suốt sự nghiệp chính trị của ông Joe Biden, những dấu ấn thành tựu về kinh tế là khá hiếm hoi. Gần đây, ông có hứa là sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại tỏ ý chỉ ưu tiên cho chủ doanh nghiệp là phụ nữ, một khía cạnh “bình đẳng giới” có lẽ hơi bất bình đẳng.

“Phó tướng” của ông có lẽ còn là một gương mặt gây nhiều tranh cãi hơn và cũng có thể sẽ khó thuyết phục giới đại cử tri hơn. Mới ngày 12-8, chính Bloomberg (hãng thông tấn mà chủ sở hữu thuộc phe Dân chủ) còn đưa tin Kalama Harris nợ quỹ tranh cử 1,1 triệu USD. Một năm trước, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ gốc Phi đảng Dân chủ còn ở mức thậm tệ 1%, do những cách thể hiện nhuốm màu dân túy và không hợp cách.

Bà Kalama Harris cũng không ngại ngần thể hiện quan điểm về mọi thứ trên trang Twitter của mình và cũng bởi vậy, không ít lần bà “giẫm phải đinh”. Đơn cử một thí dụ: chính mối quan hệ của bà với ông Joe Biden. Bà Kalama Harris đứng về phía những cáo buộc về quấy rối tình dục trong quá khứ dành cho người chung liên danh hiện thời và không giấu giếm quan điểm ấy (cho dù trước đó thì tỏ ra nương nhẹ với những tội phạm tương tự). Nhưng khi được mời làm ứng viên phó tổng thống, mọi chuyện đều có thể thay đổi.

 Chúng ta không công kích cá nhân nhưng rõ ràng những câu chuyện cá nhân như vậy là một phần của cuộc chơi trong hệ thống chính trị Mỹ và có thể ảnh hưởng đến không ít cử tri Mỹ. Có những người dễ dàng tin vào những lời hứa hẹn hoa mỹ, những lý tưởng, những hiệu triệu... Song, cũng có rất đông những người sẽ cảm thấy yên tâm hơn với cách đương kim tổng thống đảng Cộng hòa đang quản trị quốc gia: Nhiều quyền lợi hơn cho các công dân Mỹ, tiêu những đồng tiền thuế của họ một cách có cân nhắc và xứng đáng, tự tin hơn trước khả năng cạnh tranh của các đối thủ quốc tế trong một thế giới đang mỗi lúc một phẳng.

Sau chặng khai cục, kể cả khi đã “chiếm tiên”, bất cứ kỳ thủ nào cũng phải cố gắng củng cố lại thế trận của mình...

Đông Phong
.
.