Ireland trong ký ức tôi

Thứ Hai, 22/09/2014, 09:00

Tôi có một tuổi thơ, một quãng đời loay hoay lớn thường trực sống cùng các câu chuyện, lộn xộn ký ức nước Nga từ các bậc tiền bối. Sách vở, đồ chơi và hình như ngay cả tư duy mơ mộng cũng tộc tệch và trong sáng, rành mạch đến kỳ lạ như những con búp bê nghiêng ngả mắt luôn mở to màu đỏ thẫm.

Tôi viết mở đầu vậy bởi có một chút ghen tị mà tin chắc rằng có một thế hệ người Việt đã từng sống, học tập hay mưu sinh ở Ireland chắc hẳn cũng đã kịp lưu giữ cho riêng mình những ký ức không thể thua kém. Nếu không nhầm, đất nước Ireland còn là cái nôi đào tạo một thế hệ mới đầy tài năng cho ngành điện lực Việt Nam. Có thể nói một cách ngắn gọn nhất như vậy về đất nước Ireland.

Lần đầu đặt chân đến xứ sở ẩm ướt và giá rét xa xôi ở Tây  Âu này, tôi chỉ kịp được biết về nó qua một anh bạn người Pháp giới thiệu tóm tắt về các thú vui tao nhã của giới đàn ông Ireland: “Đầu tiên là bóng đá, thứ nhì quán rượu, thứ ba xe hơi và cuối cùng mới là phụ nữ”. Thật đáng hoài nghi. Chắc hẳn nó là một trình tự bất công “thiên nan vạn nan” khó chấp nhận đối với không ít người.

Ở Dublin, thủ đô cổ kính của Ireland với nhan nhản các sân bóng đá xanh mướt bởi khí hậu ẩm ướt xen kẽ trong các khu dân cư, trường học,… Cứ có sự hiện diện của ánh nắng, đám trẻ cả trai lẫn gái ùa ra sân bóng trong những chiếc áo màu xanh lá cây đặc trưng của xứ sở này. Họ tung tăng tập luyện rất chuyên nghiệp. Hình ảnh danh thủ huyền thoại Roy Keane nhan nhản khắp nơi và có vẻ như họ rất tự hào về anh ta.

“Khi uống chúng ta sẽ say. Khi say chúng ta sẽ ngủ. Khi ngủ chúng ta sẽ không làm điều xấu. Khi không làm điều xấu, chúng ta sẽ lên thiên đường. Vậy thì hãy uống để lên thiên đường”. Đó là một trong rất nhiều triết lý ngộ nghĩnh có thể gặp ở Irish Pub, một quán rượu, một nét văn hóa vô cùng nổi danh trên thế giới của Ireland. Quán rượu hiện diện khắp nơi, nhiều đến mức không thể tưởng tượng nổi.

Irish Pub đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng trên bởi những nét riêng biệt  trong thiết kế chủ đạo bằng gỗ vô cùng ấm cúng, khó có thể nhầm lẫn được. Thậm chí có một công ty ở thủ đô Dublin mang tên The Irish Pub Company đã xây dựng và phát triển hệ thống quán bar Irish Pub tại hơn 40 nước trên khắp thế giới.

Ở bất kỳ thành phố nào trên đất nước này, người dân Ireland sau mỗi ngày làm việc bận rộn đều tất bật thay quần áo để vội vã đến gặp gỡ, nói chuyện, ăn uống, nghe các ban nhạc đồng quê trình diễn và thưởng thức tới vài chục loại bia tươi khác nhau cho tới đêm khuya. Nổi tiếng thế giới hơn cả là loại bia đen Guiness, và chính ông chủ hãng bia này cũng là người sáng lập ra cuốn sách ghi lại các kỷ lục thế giới Guiness.

Ngày 10 tháng 11 năm 1951, ông Hugh Beaver, lúc đó là giám đốc điều hành của hãng bia Guiness, đã đi săn ở North Slob, bên sông Slaney ở Quận Wexford, Ireland. Ông ta tự hỏi ở châu  Âu loài chim bị săn nào bay nhanh hơn: chim choi choi vàng hay gà gô?

Tối hôm đó, ở tòa nhà Castlebridge, ông đã nhận thấy rằng hầu như không thể xác nhận trong các sách tra cứu nào để chắc chắn loài choi choi vàng có phải là loài chim nhanh nhất hay không.

Beaver cho rằng ắt hẳn có rất nhiều tranh cãi ở 81.400 quán rượu ở Anh và Ireland hàng đêm về các kỷ lục. Do đó ông đã nhận thấy rằng sách kỷ lục giải quyết các tranh cãi này chắc sẽ thành công. Ý tưởng của Beaver đã trở thành hiện thực khi nhân viên của hãng Guiness là Christopher Chataway đề nghị ý kiến này với các bạn ở hai trường đại học là Norris McWhirter và Ross McWhirter - những người đang điều hành một hãng “đi tìm sự thực” (fact-finding agency) ở London, nước Anh.

Anh em nhà McWhirter được giao nhiệm vụ biên soạn sách Kỷ lục Guiness đầu tiên (The Guinness Book of Records) vào tháng 8 năm 1954. Một ngàn bản đã được in và bán vào lúc đó; và Guiness tiếp tục tồn tại một cách hoành tráng cho đến ngày nay. Cuốn sách ngoài các thông tin về kỷ lục trên khắp thế giới, có thể nó vẫn tiếp tục công việc hòa giải vô số cuộc tranh cãi về những cái nhất trên thế giới này bên những ly bia tuyệt hảo?

Khí hậu mùa đông Ireland khá oái oăm bởi cái lạnh thấu xương tủy và mưa gió thất thường. Đó là kẻ thù của những tay bợm nhậu. Vào cuối tuần, dân nhậu thường rời quán rượu khi kim đồng hồ đã nhích sang ngày mới. Xe cảnh sát tuần tra dọc các tuyến đường hàng đêm để đánh thức, giúp đỡ các gã say xỉn tỉnh dậy đi về nhà. Hàng năm không ít đệ tử Lưu Linh bỏ mạng bởi cái rét chỉ vì lững thững đi về, ngồi xuống nghỉ và rồi lịm đi mãi mãi.

Tất nhiên trái ngược với con số tiêu thụ bia rượu kinh hoàng thì có thể nói con người Ireland lại vô cùng giản dị, chân thành, yêu âm nhạc và hiếu khách đến mức ngạc nhiên. Họ có nét gì đó tộc tuệch đầy tin cậy và nói thứ tiếng Anh cũng lại vô cùng khó nghe, nặng trịch và như đang ngậm ô mai trong miệng. Nhiều người nói rằng khi đã hiểu người Ireland nói gì thì hoàn toàn tự tin để thẩm âm được các loại tiếng Anh được phát âm trên thế giới này dù đó là người Ấn Độ, Singapore, Italia… Dù ngôn ngữ chính là tiếng Anh nhưng đối với không ít khách du lịch tới đây sẽ vô cùng bỡ ngỡ bởi các bảng hiệu, hướng dẫn… đều được sử dụng bằng ngôn ngữ cổ Ireland vốn đã bị mai một bởi những sự kiện trong lịch sử kéo dài nhiều thế kỷ. Ví dụ đơn giản nhất, thay vì chữ “Police” trên xe cảnh sát, thì ở đây sẽ được ghi là “Garda”.

Những công trình kiến trúc, lâu đài cổ được bảo tồn trọn vẹn một cách kinh ngạc. Đặc biệt số lượng các nhà thờ cổ kiến trúc tuyệt vời bởi đạo Kitô giáo là tôn giáo chiếm ưu thế nơi đây, với Giáo hội Công giáo La Mã là nhà thờ lớn nhất. Trong năm 2006, 86,8% dân số tự nhận mình là Công giáo La Mã, 4,8% Tin Lành hay một giáo phái Kitô giáo khác, 0,8% là người Hồi giáo, và 4,4% là không tôn giáo. Theo một nghiên cứu của Đại học Georgetown, Ireland một trong những nước có tỷ lệ người dân tham dự Thánh Lễ thường xuyên cao nhất ở phương Tây.

Có lẽ chính bởi sự yên bình mướt mát đến kỳ lạ, xứ sở này thật khó giữ chân những người quen lối sống chộn rộn. Tôi có lẽ nằm trong số đó. Trong thời gian theo khóa học về báo chí, tôi cố mọi cách để hoạt náo mình nhưng gần như bất lực. Hòa mình cùng với lối sống của người dân bản địa, đi thăm thú đây đó rồi cũng lại lê la hàng quán nhưng do tửu lượng hơi kém nên thường bị các cậu bồi bàn trong quán rượu chọc ghẹo khi mang cho tôi cốc bia Guiness cỡ nhỏ rằng: “Ngài bây giờ mới ăn sáng hay sao vậy?”.

Một lần khác, vẫn ở quán bar quen thuộc gần nơi ở, vẫn lại cậu bồi bàn dễ thương đó, nhân lúc vắng khách ra bắt chuyện hàn huyên rồi giới thiệu một cách hồ hởi để mời tôi  bằng được một món ăn dạng đặc sản Ireland. Họ gọi là “Irish Stew”. Tôi hồi hộp đợi chờ và khi nhận đĩa đồ ăn và nếm thử thì chỉ biết cười phá lên một cách ngạc nhiên. Nó y hệt món canh dưa chua nấu với thịt bò rất phổ biến và vô cùng khoái khẩu của miền Bắc Việt Nam. Thật là một sự trùng hợp lạ lùng về món canh dưa của hai đất nước cách nhau hàng chục ngàn kilomet.

Ngày lớp học kết thúc, tôi thật ngạc nhiên khi được thông báo rằng cả lớp học là những phóng viên đến từ nhiều quốc gia khác nhau được ông thị trưởng thành phố Dublin mời ăn tối tại văn phòng thị trưởng. Ông thị trưởng trong bộ trang phục nghi lễ rất hiếu khách, trân trọng giới thiệu và hỏi thăm từng cá nhân rồi cáo lỗi không thể ngồi ăn cùng nhóm phóng viên do vẫn phải tiếp tục làm việc dù đã là 20 giờ. Bữa tối kết thúc, ông thị trưởng mời tất cả lên tham quan phòng làm việc và hào phóng tặng quà cho các vị khách là những vật dụng tự chọn trong phòng. Tôi hí hửng ghẹo ngài thị trưởng khi nhấm nháy xin ông một thanh gươm qúy được bày trang trọng trong tủ kính. Ông cười đầy ẩn ý: “Cậu có thể mang nó về nhưng chịu khó đợi đến lúc được phong tước Sir như tôi đã được không?”.

Ireland xanh mướt đến yểu điệu và đủ rộng lớn, sâu sắc để chờ đợi, đón nhận những bước chân đến từ khắp mọi nơi. Một mảnh đất xứng đáng để ghi nhận bởi những thành tựu kinh tế, giáo dục, công nghệ… và để xông xênh gửi  cho riêng những vị khách vô số mảnh ký ức đẹp

Minh Trí
.
.