Họa sỹ Phan Vũ: Tình Hà Nội, nghĩa Sài Gòn

Thứ Sáu, 22/10/2010, 15:45
Lẽ thường, người ta chăm chỉ lao động, sáng tạo lúc trai tráng để khi về già được nhàn hạ, thư thả. Thế nhưng với Phan Vũ thì ngược lại. Ở cái tuổi 85, ông vẫn miệt mài, hăng say với những mảng màu và con chữ, hăng say hơn cả thuở tân thời. Bởi theo ông, nếu dừng lại nghĩa là ông sẽ đánh mất, mà tác giả của trường ca "Em ơi! Hà Nội phố" thì lại không muốn mất mát một thứ gì…

Một sớm mùa thu, tôi tìm đến "chốn ẩn cư" của Phan Vũ ở vùng ngoại ô thành phố. Nhà nằm cuối con hẻm nhỏ, có chung một khoảng sân nhiều cây xanh với những nhà hàng xóm. Ông đón tôi trong một căn phòng phủ kín tranh và tranh, chỉ còn lại khoảng trống vừa đủ cho hai chiếc ghế. Nhìn đôi tay lấm lem những vệt màu, ông cười, bảo vừa mới làm xong "ca sáng"...

Vì không muốn những khuôn mặt kỳ dị từ khắp mọi phía theo dõi câu chuyện và ám ảnh dòng suy nghĩ của mình, Phan Vũ đề nghị dời buổi chuyện trò sang quán cà phê nhỏ gần nhà. Và câu chuyện ông kể với tôi cũng nhẹ nhàng, mênh mang, dài dẵng như cơn mưa đang giăng ngoài phố.

Kẻ lưu lạc phải lòng Hà Nội

Tôi là kẻ lưu lạc. Dù được sinh ra và lớn lên tại miền Bắc nhưng Đà Nẵng mới thật là quê cha đất tổ của tôi. Quê hương ấy tôi chỉ mãi đi qua mà chưa bao giờ dừng lại, chưa bao giờ trả xong món nợ ân tình. Còn Hà Nội với tôi cũng là một chốn "tạm", với những khoảng thời gian học hành, tập kết… Quãng đời ở Hà Nội của tôi không dài, chỉ vừa đủ để tôi viết "Em ơi! Hà Nội phố".

Thế nhưng, dưới đôi mắt đôi mắt yêu đời, lạc quan của một gã trai mới lớn, Hà Nội trong tôi rất đẹp. Những góc phố trầm mặc, những con người thanh lịch và cuộc sống êm đềm… như thách thức với chiến tranh, với bom đạn. Và tôi cũng đặc biệt yêu những cô gái nền nã, thanh tú của Hà thành.

Một nữ nhà báo nước ngoài gốc Việt đã hỏi tôi, chỉ đếm riêng "Em ơi! Hà Nội phố" đã thấy thấp thoáng chừng 30 cô gái, cô thì guốc bỏ quên trên ghế đá, cô tóc xõa bề vai… vậy "cô nào là người ông yêu?". Tôi bảo, nếu tôi chỉ yêu một cô thì tôi chỉ có thể làm một bài thơ về cô đó chứ không thể viết trường ca về Hà Nội như thế này.

Vậy nên, tôi yêu tất, yêu cả… 30 cô. (cười) Khi người ta trẻ, cái ranh giới giữa tình yêu và tình bạn nam nữ thật mong manh. Nửa nhớ, nửa thương, nửa tri kỷ… khiến cho những nhân vật chính cứ thấp thỏm, cứ bồi hồi. Sự lấp lửng, lưng chừng ấy sau này tôi muốn tìm lại vẫn không có được.

Nhớ Hà Nội, có thể kể cả ngày không hết. Riêng tôi, thích nhất là được lang thang trên đê Yên Phụ, dọc sông Hồng. Vì thế nên mới có những câu:

Em ơi! Hà - Nội - phố…
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…

Ta còn em mùa nước đổ
Mất tăm bãi Giữa
Dòng sông Hồng
Bè nứa trôi nhanh,
Con tàu nhổ neo, về bến.

Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài:
"Mùa này trăng vỡ trên sông"…

                           (Phan Vũ dừng lại, châm lửa tẩu thuốc lá, rồi trầm ngâm)

Nhiều người cho rằng Hà Nội nay đã khác đi nhiều, đã mất đi nhiều cái dáng vẻ cổ kính, thanh lịch của ngày cũ. Rồi thì nuối tiếc, rồi thì ngẩn ngơ! Tôi lại nghĩ, đó là lẽ tự nhiên, hợp với quy luật chung của sự phát triển, các đô thị trên thế giới cũng vậy.

Những dù có "băm nát" Hà Nội ra thì về sau cũng sẽ có cái gọi là "sự sắp đặt tự nhiên" đưa Hà Nội về với cốt cách nguyên bản. Ngày xưa, những đạo quân hùng mạnh đã xâm chiếm mảnh đất này, đã dùng chính sách đồng hóa dân tộc này… nhưng ta vẫn giữ được bản sắc riêng. Những giá trị văn hóa ngàn năm vẫn không đổi. Vậy nên ta đâu phải lo ngại điều gì?

Tôi vẫn nhìn thấy một tình yêu sâu sắc với Thủ đô qua những người con của đất Hà thành, nhất là sau đêm thơ của tôi ở Thư viện Hà Nội vừa rồi. Các bạn trẻ với những đôi mắt mở to, chăm chú và lặng im suốt gần hai tiếng đồng hồ để nghe "Em ơi! Hà Nội phố". Điều đó đã làm tôi vô cùng xúc động! Và tôi hiểu rằng, thơ của tôi chỉ có thể làm cho họ xúc động một phần, phần còn lại chính là những rung động từ tình yêu Thủ đô có sẵn trong trái tim mỗi người…

Và nặng tình với kiếp sống nhân gian

(Ông tạm gác câu chuyện về Hà Nội, và tiếp tục kể về những ngày hiện tại sau khi rít một hơi thuốc dài).

Cả đời tôi lang thang, rong ruổi rồi cuối cũng về lại Sài Gòn, nơi tôi đã từng sống, chiến đấu và gặp gỡ những người phụ nữ định mệnh của đời mình... Cái thời ngang dọc đã qua, giờ đây tôi chỉ thích "ẩn cư" ở chốn ngoại ô để được làm việc, sáng tác.

Ngày trước, khi mới về hưu, mọi người khuyên tôi nên tham gia "Câu lạc bộ hưu trí" rồi lại "Hội người cao tuổi". Tôi bảo: "Ấy không được. Về hưu nghĩa là tôi được tự do, nghĩa là tôi phải làm việc hơn gấp nhiều lần. Nếu cứ ngồi với các cụ để tiếc nuối quá khứ, để bàn chuyện nuôi chim, đánh cờ thì chỉ một năm tôi cũng thành "cụ" mất thôi".

Nói vui là vậy, nhưng quả thật càng lớn tuổi tôi lại càng có nhiều "tham vọng" trong công việc. Lúc còn trẻ đi nhiều, nên không có thời gian để suy ngẫm, để chín muồi. Đến giờ, thời gian còn lại cũng không nhiều nên "tôi chỉ có những tháng ngày vội vã".

Một ngày làm việc của tôi thường bắt đầu từ lúc ba giờ sáng và kéo dài cho đến tận đêm. Thường thì tôi vẽ trước, rồi viết sau, những lúc ngẫu hứng thì ngược lại. Chỉ có lúc vẽ, lúc viết tôi mới cảm thấy mình tự do và thật sự tồn tại trên cõi đời... Cũng may trời thương, nên sức khỏe tôi vẫn tốt. Nhưng tôi vẫn phải vội vàng, phải gấp gáp để kịp làm xong những nguyện ước của đời mình, để níu lấy thời gian, sự sống.

Phải, tôi đang níu giữ sự sống của mình một cách tích cực. Bằng việc luyện tập cho thân thể, cho não bộ hằng ngày. Bằng việc lao động, sinh hoạt và níu giữ những thói quen cố hữu. Như việc phóng xe về thành phố, nếu tôi dừng lại nghĩa là từ đây đến cuối đời tôi sẽ không còn được chạy xe nữa.

Vậy nên tôi vẫn tiếp tục bởi tôi không hề muốn mất đi một thứ gì. Và cũng bởi tôi quá yêu bản thân mình. Thỉnh thoảng, tôi tách tôi ra khỏi bản thân để nhìn lại chính mình. Để rồi phát hiện ra tôi yêu thích tất cả con người mình, từ cách làm việc, thú uống rượu, hút thuốc cho đến những tật xấu hay buồn vui, giận dỗi thất thường… Càng yêu tôi lại càng muốn níu giữ.

Vẫn còn rất nhiều dự định dang dở, nhưng tôi vui vì vừa hoàn thiện xong bản trường ca về Sài Gòn. Bản thảo có khoảng 300 câu, dài hơn so với "Em ơi! Hà Nội phố". Cái này tôi viết tặng thành phố anh hùng, những người bạn cũ và cả người vợ quá cố của mình (diễn viên Phi Nga). Tôi hy vọng vẫn còn đủ sức để đọc cho người Sài thành nghe…

Mưa đã tạnh, câu chuyện của người nghệ sỹ dường như không có tuổi cũng tạm dừng. Tôi trả Phan Vũ về với những mảng màu, khuôn tranh, con chữ trong căn phòng chật hẹp để ông được tiếp tục "vội vàng"… Câu dự định sẽ hỏi: "Dạo này trí lực của ông như thế nào?", bỗng trở nên thừa. Phan Vũ có hề quên điều gì, có nhầm lẫn điều chi? Ông hẹn tôi một dịp khác trở lại, với những câu chuyện mới hơn. Có lẽ là chuyện về trường ca Sài Gòn?

Nguyễn Anh
.
.