Hóa ra vẫn thiếu

Thứ Tư, 12/10/2016, 16:55
Dạo này, Mr. Bim nghe được quá nhiều chuyện hay ho xung quanh những phát ngôn của các quan nhân, nào là thành phố thông minh, nào là hòn ngọc viễn đông, nào là ngăn chặn tình trạng chồng làm trưởng, vợ làm phó, em là lãnh đạo…

Mr. Bim nghe cứ tưởng là đã thừa quyết tâm sẽ dẫn đến nhiệt tình hành động, hóa ra nói vẫn cứ thừa mà hành động xem chừng thiếu vẫn hoàn thiếu.

1. Trang Công an nhân dân Online (www.cand.com.vn), "Đại biểu lo ngại hơn 15.000 tỷ đồng nợ đọng xây dựng nông thôn mới".

Trong đó có đoạn, "Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy, tính đến tháng 9-2016, đã có 2.045 xã đạt tiêu chí nông thôn mới (đạt 23%), đã có 24 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Song điều lo ngại chính là số tiền nợ đọng xây dựng cơ bản (XDCB).

"Mặc dù Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản để tăng cường quản lý vốn đầu tư, khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB, tuy nhiên, các địa phương nợ đọng XDCB vẫn lớn, có 53/63 tỉnh, thành phố có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Cá biệt đã có địa phương mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết.

Theo ông, tổng số xã có nợ đọng là 3.637 xã (chiếm 40,7% số xã xây dựng nông thôn mới cả nước). Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến 31/1/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 62,5% tổng số nợ đọng). Mức bình quân nợ đọng của các xã đạt chuẩn khoảng 6,24 tỷ đồng/xã…".

Thiệt tình, sao nước mình đụng cái gì cũng toàn trăm tỷ với nghìn tỷ, Mr. Bim đọc xong mà không biết phải miêu tả tâm trạng mình đang như thế nào nữa. Đến là khổ tâm, cũng do học hành không đến nơi đến chốn mà lâm vào tình trạng cạn lời như thế này.

Bỏ ra hơn 850 nghìn tỷ xây dựng nông thôn mới chỉ trong vòng 5 năm tính từ 2010, mà người nông dân vẫn bi thương bài ca cũ, được mùa mất giá, được giá mất mùa. Đời sống người nông dân vẫn lâm vào tình cảnh đâu lại hoàn đấy, tình trạng ly hương do tìm kế sinh nhai vẫn không hề giảm đi.

Nông thôn mới tựu trung vẫn là làm sao để đời sống người dân phát triển, trình độ ứng dụng kỹ thuật vào nông nghiệp hiệu quả, dân trí được nâng lên. Vậy mà, cải cách nông thôn mới hiện tại vẫn quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là đường bê tông, cầu qua rạch, trụ sở UBND hoành tráng. Dĩ nhiên, cơ sở hạ tầng là tối quan trọng trong việc kích cầu phát triển kinh tế, thế nhưng đó không phải là tất cả.

Chung quy chuyện này theo Mr.Bim vẫn là thói quen tôn sùng thành tích và căn bệnh chảy nước miếng khi nhìn vào ngân sách công. Tiền chùa mà, ngu gì không nhặt lấy, nợ thì trả sau có ai truy tố hay đòi đâu mà lo.

Cha chung mắc gì rơi nước mắt.

2. Trang Tuổi trẻ Online có bài, "Bộ trưởng Bộ Công thương: Hủy hoại môi trường là tội ác".

Trong đó có đoạn, "Cá nhân tôi thấy rất đau lòng. Là người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn, các đồng chí đừng để người dân cứ nhắc đến nhiệt điện lại rùng mình coi đó là bệnh tật, là ô nhiễm là ung thư… chua xót lắm", ông nói.

Bộ trưởng nói ông muốn chính những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty lớn của ngành phải đứng ra cam kết "không đánh đổi môi trường lấy dự án". Đồng thời khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

"Thời gian qua, tôi đã đọc không sót một bài báo, ý kiến nào trên trang tin chính thống cũng như mạng xã hội" - ông Trần Tuấn Anh chia sẻ và chỉ đạo bằng mọi giá phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân về ô nhiễm từ các nhà máy ngành công thương. 

Theo kế hoạch, Bộ Công thương cho biết, lãnh đạo Bộ Công thương sẽ tham gia đoàn công tác của Bộ Tài nguyên - môi trường mở đầu cho đợt thanh tra tổng thể các nhà máy xi măng, nhiệt điện… được phản ánh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. 

Ông mạnh mẽ yêu cầu cần coi Formosa là bài học để các đơn vị ngành tập đoàn, tổng công ty cần rà soát thận trọng một lần nữa các dự án, nhà máy của mình".

Bộ trưởng Bộ Công thương nói vậy là không chuẩn rồi. Mr. Bim nói thiệt luôn, nhất là khi Bộ trưởng tỏ ra kiên quyết, "Đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh".

Nhẽ ra, Bộ trưởng không nên đợi đóng cửa khi có kết luận gây ô nhiễm môi trường, mà Bộ trưởng phải đốc thúc sự giám sát chặt chẽ, lắng nghe các ý kiến phản biện ngay khi dự án đang trình chờ Bộ Công thương thông qua. Phòng bệnh bao giờ cũng hiệu quả hơn chữa bệnh mà.

Bộ trưởng xem hủy hoại môi trường là tội ác, vậy thì ngành thép là ngành gây ô nhiễm môi trường nhiều nhất (điển hình có Formosa, còn không nhìn qua Trung Quốc sẽ thấy rất rõ). Ấy vậy mà cái ông thuộc cấp của Bộ trưởng là ông Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương) Trương Thanh Hoài lại đang hào hứng, "Đây là thời điểm tiềm năng để đầu tư vào ngành thép".

Bộ trưởng nói vậy, thuộc cấp lại bảo vậy thì nhân dân như Mr. Bim biết tin vào ai đây? Mr. Bim khổ tâm dã man luôn ấy.

3. Trang VnExpress có bài, "Cổng chào hai trăm tỷ ở Quảng Ninh".

Trong đó có đoạn, "Nằm trên quốc lộ 18A với vốn đầu tư 198 tỷ đồng, cổng chào tỉnh Quảng Ninh được cho là lớn nhất Việt Nam.

Cổng chào tỉnh Quảng Ninh nằm trong cụm công trình điểm dừng chân, được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 140 ha trên quốc lộ 18A, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tiếp giáp tỉnh Hải Dương.

Khởi công ngày 28/2/2015, trụ chính đầu tiên của cổng chào lắp ráp ngày 5/5/2016. Theo kế hoạch, thời gian thi công trong 6 tháng và toàn dự án là 2 năm.

Vốn đầu tư cổng chào lên đến 198 tỷ đồng, trong tổng số 368 tỷ đồng cho toàn bộ dự án cổng chào và điểm dừng chân tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, vốn ngân sách của tỉnh khoảng 10 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, vốn xã hội hóa là 188 tỷ đồng cho công trình cổng chào và các công trình phụ trợ khác. Vốn tự có và huy động khác của Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Hà - Chủ đầu tư, là 170 tỷ đồng. Các khoản đầu tư được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công tư).

Theo thiết kế, cổng chào gồm 8 trụ chính có độ cao từ 38-43m, trọng lượng mỗi trụ lên đến 105 tấn, chiều rộng chân trụ từ 50-60m, trải dài 80m trên quốc lộ 18A, tạo hình những dãy núi trùng điệp như núi đá trên vịnh Hạ Long".

Mr. Bim vốn dĩ thiển cận, nên luôn cho rằng một thành phố cần nhất là những chính sách đầu tư, đảm bảo về môi trường, nâng cao mức sống cho người dân, điều đó quan trọng hơn quảng trường, tượng đài hoặc cổng chào.

Nếu một cổng chào, một tượng đài, một quảng trường được xem như là yếu tố để lãnh đạo thành phố ấy tự hào thì đơn giản quá, ai làm lãnh đạo cũng được? Thậm chí không cần dùng đến tiền ngân sách, chỉ nhờ các doanh nghiệp ủng hộ (tặng) rồi ưu đãi cho doanh nghiệp sau thì vẫn có thể thực hiện được điều này.

"Của biếu là của lo, của cho là của nợ", xưa giờ tiền nhân đã dạy như vậy.

Làm lãnh đạo hay làm người bình thường gì cũng được nhưng điều tiên quyết là phải có lòng tự trọng, mà lòng tự trọng lẽ đâu đơn giản từ một cái cổng chào hay công trình nào đó. Lòng tự trọng phải nảy sinh từ mức sống của người dân, sự đảm bảo an ninh trật tự môi trường, sự thiện cảm trong ánh nhìn của du khách đối với thành phố ấy.

Nói vậy thôi, chứ ai muốn làm cổng chào, muốn làm tượng đài gì thì thây kệ. Bởi không thây kệ thì Mr. Bim biết làm gì khác đây.

4. Trang Zing có bài, "Ông David Dương 'trả rác', TP.HCM chưa bàn cách giải quyết".

Trong đó có đoạn, "Bãi rác Đa Phước xin ngưng nhận 2.000 tấn rác/ngày trong bốn tháng để có thời gian đầu tư nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ Nano. Hiện UBND TP chưa có câu trả lời vấn đề này.

Thông tin với báo chí về việc Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) gửi văn bản về việc ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác/ ngày từ bãi rác Phước Hiệp, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP HCM xác nhận đã nhận được văn bản của VWS.

Ông Khoa nói: "Bên VWS mới gửi văn bản ngày hôm qua thì làm sao báo chí hỏi UBND TP trả lời ngay được. Vấn đề này phải cần bàn thảo với các sở, ngành vì đây là một chuyện rất quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường TP.HCM".

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết về văn bản xin tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác/ ngày của VWS, TP sẽ xử lý đúng quy định như trong hợp đồng với doanh nghiệp.

Ông Thắng nói thêm vấn đề xử lý rác với các đơn vị trên địa bàn thành phố đều có hợp đồng cụ thể. Vì vậy đề nghị của VWS phải căn cứ theo hợp đồng.

Cũng theo ông Thắng việc giải quyết vấn đề này liên quan đến môi trường của TP nên phải được xem xét một cách thấu đáo trên nguyên tắc an toàn, đảm bảo yếu tố môi trường lên hàng đầu. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ sớm tham mưu UBND TP.HCM giải quyết việc này".

Cả một cái thành phố lớn như vậy mà hết năm này qua tháng nọ cứ nhùng nhằng lộn xộn xung quanh cái bãi rác của tư nhân đầu tư thì Mr. Bim không còn lời bình nào nữa.

Bạn đọc quan tâm cứ kiểm tra google xem bãi rác Đa Phước đã được ưu đãi gì, đã được nhận những gì và đang hành xử ra sao? Từ bao giờ một doanh nghiệp lại ngang nhiên dọa chính quyền, Mr. Bim chịu, chịu hẳn. Chán không buồn nói nữa.

Tin khuyến mãi,

Trang Vietnamnet có bài, "Thừa Thiên - Huế: Cả nhà làm quan huyện". Trong đó có đoạn, "Chồng là sếp vợ, anh chỉ đạo em ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế. Từ Bí thư huyện ủy, Phó bí thư, Chủ tịch huyện đến Phó trưởng Công an huyện A Lưới… đều là anh em rể của nhau".

Lời bình của Mr. Bim, "Không may nhà có tang, cả  huyện treo cờ rủ".

Mr. Bim
.
.