Hệ quả bất ngờ

Thứ Hai, 21/10/2019, 14:32
Về lý thuyết mà nói, khi quyết định chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Liên Xô trước đây có hiệu lực kể từ đầu tháng 8 vừa qua, Mỹ có toàn quyền nghiên cứu, phát triển và triển khai các tên lửa tầm trung tại các căn cứ của mình ở khắp nơi trên thế giới.

Một hệ quả nhãn tiền của động thái này là châu Âu, nói đúng hơn là những quốc gia đồng minh trong NATO của Mỹ, đã bày tỏ sự lo ngại về việc họ sẽ phải hứng chịu những mối đe dọa mới do lẽ nước Nga hoàn toàn có thể “toàn tâm toàn ý” hướng những tên lửa tầm trung của mình vào các mục tiêu này (vì quá thích hợp cho tầm bắn của các tên lửa tầm trung).

Tuy nhiên, hệ quả bất ngờ của quyết định xé bỏ INF lại tới từ một hướng khác: Mỹ đang có ý định triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và các quan chức Mỹ cũng không buồn giấu giếm mục tiêu của việc triển khai này: Trung Quốc.

Trong chuyến công du tới Úc hồi đầu tháng 8 vừa qua, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tuyên bố Mỹ sẽ sớm triển khai các loại tên lửa tầm trung ở châu Á để cân bằng lại ưu thế áp đảo hiện nay của Trung Quốc. Đây mới chỉ là thông báo mang tính chủ trương, bởi việc bố trí những hệ thống tên lửa phức tạp như thế sẽ phải mất thời gian trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Cho đến nay, Mỹ còn chưa khởi động thảo luận với các đồng minh trong khu vực về chủ đề này. Tuy nhiên, chỉ cần một tuyên bố như thế cũng đủ làm cho Trung Quốc giận dữ. Từ trước đến nay, Trung Quốc (và cả CHDCND Triều Tiên) đều kịch liệt phản đối việc Mỹ bố trí các phương tiện quân sự sát biên giới các nước này.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, việc bố trí những hệ thống tên lửa mới có độ chính xác cao và sức hủy diệt lớn không chỉ trực tiếp đe dọa an ninh quốc gia của Trung Quốc mà còn khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Á tốn kém tiền của, gây căng thẳng trong khu vực, làm tăng vòng xoáy xung đột ở một khu vực vốn đã tiềm tàng nhiều bất ổn.

Trung Quốc đã lọt vào tầm ngắm của Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị giữa hai cường quốc.

Lý giải bước đầu cho quyết định mang tính chiến lược này, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ giải thích rằng sở dĩ Mỹ phải triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á là để “cân bằng” lại sức mạnh trong khu vực, do lẽ đây là những vũ khí quy ước và có tới 80% hệ thống tên lửa của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là tên lửa tầm trung!

Nói cách khác, Mỹ cũng muốn có một lực lượng tên lửa tầm trung tương đương với Trung Quốc ở trong khu vực và vì thế, theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, “việc này không thể khiến cho phía Trung Quốc ngạc nhiên”!

Bề nổi là như vậy nhưng nếu tìm hiểu kỹ, sẽ thấy động thái của Mỹ có nguyên nhân sâu xa hơn nhiều.

Chính sách “bắt nạt” các nước nhỏ hơn

Báo cáo năm 2019 của Bộ trưởng Quốc phòng trước Quốc hội Mỹ về sự phát triển quân sự và an ninh của CHND Trung Hoa cho thấy phần nào những nguyên nhân này. Báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cái mà họ gọi là “giai đoạn cơ hội chiến lược” trong hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21 để phát triển trong nước và mở rộng sức mạnh quốc gia toàn diện.

Trong khi Mỹ tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố sau sự kiện 11-9 cũng như mải mê can dự nhằm thay đổi chính thể ở những quốc gia bị coi là “cứng đầu”, nước Nga vẫn còn đang trên đà hồi phục sau một thập niên đổ vỡ ở cuối thế kỷ trước thì Trung Quốc đã tận dụng cơ hội để vươn lên.

Trung Quốc đã tập trung vào trang bị một quân đội “tầm cỡ thế giới”, với tham vọng để đảm bảo có được vị thế của một cường quốc ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Để thực hiện tham vọng này, Trung Quốc thường đưa ra các sáng kiến kinh tế và ngoại giao, chẳng hạn như kế hoạch “Made in China 2025” và các kế hoạch phát triển công nghiệp khác, nhấn mạnh thay thế công nghệ nhập khẩu bằng công nghệ trong nước. Những kế hoạch này trực tiếp hỗ trợ các mục tiêu hiện đại hóa quân đội bằng việc chú trọng vào sự làm chủ mang tính độc quyền các công nghệ lưỡng dụng tiên tiến.

Mỹ có ý định triển khai tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi rút khỏi INF. Ảnh: L.G.

Trung Quốc cũng tìm cách gắn kết sự phát triển công nghệ dân sự và phòng thủ, gọi là “Hội nhập dân sự-quân sự”, đưa nó lên thành chiến lược quốc gia, khuyến khích khu vực tư nhân tham gia thị trường phòng thủ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng thường xuyên sử dụng các đòn bẩy là ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao và quân sự ngày càng tăng để thiết lập ưu thế khu vực và mở rộng ảnh hưởng quốc tế của nước này.

Có một điều mà báo cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không đề cập tới nhưng nhiều quan chức cấp cao của Mỹ, với phong cách không màu mè ngoại giao, đã không ít lần nói thẳng ra là từ việc thiết lập những ưu thế này của Trung Quốc cho đến các hành vi “bắt nạt” các nước láng giềng nhỏ bé hơn, chỉ là một bước ngắn!

Điển hình của phương cách gây ảnh hưởng nhằm đạt được những kết quả có lợi cho các mục tiêu chiến lược về an ninh, quân sự, kinh tế của mình chính là những tuyên bố chủ quyền vô lý, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc đối với một vùng rộng lớn ở Biển Đông, cũng như các hành vi tôn tạo trái phép các thực thể ở khu vực Biển Đông, tiến hành quân sự hóa các thực thể này dưới cái gọi là “vì mục đích phòng thủ”.

Washington điều chỉnh chiến lược

Động thái của Trung Quốc - từ bỏ chiến lược trỗi dậy hòa bình - đã khiến Mỹ lo ngại và có những bước điều chỉnh chiến lược nhằm đảm bảo tiếp tục duy trì vị thế của siêu cường duy nhất trên thế giới. Nói cách khác, Trung Quốc đã lọt vào “trong tầm ngắm” của Mỹ trong cuộc cạnh tranh địa chính trị của thế kỷ 21 giữa một cường quốc đang lên là Trung Quốc và một cường quốc vị thế đang bị giảm sút là Mỹ.

Bước điều chỉnh dễ nhận thấy nhất là kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng đã xác định sự mất cân bằng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc thuộc về vấn đề an ninh quốc gia. Do vậy, Mỹ khai mào thương chiến bằng những đòn áp thuế, kéo theo nó là cả cuộc chiến về công nghệ và không loại trừ trong thời gian tới, sẽ là cuộc chiến tiền tệ, khi Mỹ xếp Trung Quốc vào diện “quốc gia thao túng tiền tệ”.

Bước điều chỉnh thứ hai chính là sau khi INF bị xé bỏ, Mỹ đưa ra khả năng triển khai các tên lửa tầm trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đó là một dạng thức “tái cân bằng” lực lượng trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một chính sách mà chính quyền tiền nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama từng triển khai nhưng lần này dưới một hình thức khác: tên lửa tầm trung.

Những hệ lụy

Ngay khi Mỹ đơn phương rút khỏi INF và sau đó Nga theo chân khiến cho hiệp ước được ký từ năm 1987 này hết hiệu lực, hai bên đã liên tục đổ lỗi cho nhau về việc ai là “thủ phạm” của việc một hiệp ước đã duy trì tình trạng tương đối cân bằng về vũ khí hạt nhân tầm trung trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh bị xé bỏ.

“Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, bên nào cũng đưa ra các lý lẽ và chứng cứ bên kia vi phạm hiệp ước. Chỉ có các nước châu Âu trong NATO lâu nay thường xuyên nằm dưới cái ô bảo trợ của Mỹ mới cảm thấy thực sự lo ngại bởi khi không còn bị ràng buộc bởi INF nữa, Nga có khả năng sẽ triển khai một lực lượng lớn các tên lửa tầm trung mà hầu hết các nước NATO đều nằm trong tầm bắn của chúng.

Nhưng không phải là không có lý khi mặc dù đổ lỗi cho Nga nhưng theo nhiều nhà phân tích quân sự, nguyên nhân thực chất đằng sau của việc Mỹ đơn phương rút khỏi INF là Trung Quốc! Nói cho đúng hơn, chính quyền của Tổng thống Donald Trump muốn xóa bỏ hiệp ước này để rộng đường đối phó với Trung Quốc, vốn là đối thủ không chỉ trong lĩnh vực thương mại.

Trung Quốc tập trung trang bị một quân đội “tầm cỡ thế giới”, với tham vọng để đảm bảo có được vị thế của một cường quốc ở khu vực. Ảnh: L.G.

Không bị ràng buộc bởi bất cứ thỏa thuận nào, Trung Quốc hiện đang nắm giữ ưu thế tuyệt đối về lực lượng tên lửa tầm trung tại châu Á. Cả Đài Loan và đồng minh của Mỹ là Nhật Bản đều nằm trong tầm ngắm của các tên lửa tầm trung này. Theo phân tích của các chuyên gia Mỹ, một hiệp ước như INF, vốn là di sản của Chiến tranh Lạnh, chỉ hạn chế các vũ khí hạt nhân tầm trung của Nga và Mỹ mà không tính đến Trung Quốc là không thỏa đáng.

Do vậy, với việc rút khỏi INF, Mỹ không chỉ rảnh tay đối phó với Nga mà còn là bước đầu tiên để kéo Trung Quốc vào những cuộc đàm phán trong tương lai nhằm hạn chế loại vũ khí này, điều mà Bắc Kinh đã ngay lập tức bác bỏ.

Việc xóa bỏ INF rất có khả năng sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới ở châu Âu. Còn tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nếu ý định triển khai vũ khí tầm trung của Mỹ trở thành hiện thực, chắc chắn nó cũng sẽ dẫn tới những hệ lụy nghiêm trọng và buộc các bên có liên quan phải thận trọng điều chỉnh chiến lược an ninh của mình.

Yên Ba
.
.