Hành trình gom nhặt những sinh linh không được làm người

Thứ Ba, 24/12/2019, 11:54
“Mấy năm rồi, ngày nào chúng em cũng đi gom những sinh linh tội nghiệp không có cơ hội làm người. Xót xa lắm chị ạ. Ngày nào em chưa đi gom các bé được, em đứng ngồi không yên” - hai tay xoa cốc trà nóng tại một quán trà vỉa hè ở góc ngã tư Hà Nội, Nguyễn Trọng Đạo nói với tôi như thế.


Hà Nội buổi tối mùa đông, gió ù ù và sương nặng trĩu, hơi lạnh thấm đẫm cơ thể. Đạo co ro trong chiếc áo phao mỏng. Ngồi bên cạnh, cô bạn đồng hành tên Huế cũng run lên vì lạnh. Nhìn chiếc hộp đựng xác thai nhi đã đầy, rồi cả hai nhìn nhau và lẩm nhẩm, 52 sinh linh chỉ trong một ngày đầu tháng 12. Tai tôi ù đi, một cảm giác se sắt, thương cảm bóp nghẹt trái tim mình…

Đạo chỉ mong có ngày không gặp thi thể bé xấu số nào.

“Nhiều người bảo em bị điên…”

Tôi đã có một khoảng thời gian không thể nào đứt đoạn trong trí nhớ khi theo chân nhóm tình nguyện viên của Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội đi thu nhặt xác thai nhi ở những con phố Hà Nội. 

7 giờ tối, tôi cùng anh Lê Trung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ có mặt tại một bệnh viện. Hành lang bệnh viện hun hút gió và thưa vắng hơn trong thời điểm cuối ngày. Mở cửa từ phòng trực, nhìn thấy anh Trung, dường như đã quá quen, cô y tá nhẹ nhàng: “Anh ơi, hôm nay nhờ anh lo cho các bé, có 3 bé anh ạ”. Trung khẽ gật đầu, hai tay đỡ lấy chiếc hộp, rón rén và thận trọng.

Chẳng thể đếm được đã bao lần đỡ lấy những chiếc hộp như thế này, chẳng biết bao lần đến gõ cửa các phòng khám sản khoa, bệnh viện nhưng lần nào đón những hình hài đã lìa cõi thế trên tay, Trung cũng run rẩy, khẽ khàng như sợ làm chúng đau thêm. Những giây phút trao nhận diễn ra chóng vánh, những câu trao đổi gấp gáp và nhỏ nhẹ nhưng với anh và các nữ y tá, họ đã quen, đã hiểu và thực hiện như một nghĩa cử thiêng liêng và xúc động hằng ngày.

Tôi nhìn chiếc hộp trên tay anh, nước mắt bỗng trào ra, giật mình khi biết được rằng, hằng ngày hằng giờ trôi qua trong nhịp đời gấp gáp, có rất nhiều sinh linh bị cắt lìa sự sống khi đang hoài thai. Tôi thốt lên, tại sao người ta nỡ bỏ các bé đi như thế?... Trung vỗ vai tôi, có nhiều vô kể những lý do. Những bà mẹ còn đang tuổi cắp sách tới trường sẽ chẳng đủ hiểu biết và kĩ năng để nuôi bé, họ đành bỏ con đi. Những cuộc tình chớp nhoáng khi để lại hậu quả thì lập tức người ta nghĩ đến việc bỏ thai. Hay có những bà mẹ vì hoàn cảnh thiếu thốn, không thể nuôi nổi đứa con hay vì áp lực gia đình nên đành nuốt nước mắt lìa con...

9 giờ tối, theo chân anh Trung về địa điểm tập kết của nhóm tình nguyện viên tại một góc ngã tư, tôi gặp Đạo và Huế cùng một vài tình nguyện viên khác vừa thu gom xác thai nhi từ các ngả của Hà Nội tập trung về đây. Đạo lấy ra cuốn sổ dày cộp, hí húi ghi chép số lượng thai nhi xấu số gom được trong ngày. Tôi liếc nhìn cuốn sổ và biết được rằng ngày nào cũng có 40-50 sinh linh bị chối bỏ quyền xuất hiện trong cuộc sống này. Tính từ thời điểm bắt đầu ghi nhật ký cuối năm 2016, đến giờ, con số đã lên đến hơn 10 nghìn xác thai nhi được thu nhặt.

Đôi bạn Đạo và Huế cùng nhau đi gom xác thai nhi.
Đêm về, Đạo lại tắm rửa, gói ghém các bé cẩn thận. 

Bà bán nước ở góc ngã tư đã quá quen với nhóm tình nguyện và công việc chẳng giống ai của họ. Ôm chú mèo con trong tay, giọng bà sang sảng giữa phố thị ồn ào: “Chúng nó tốt lắm cô ạ. Ngày nắng cũng như ngày mưa, chẳng ngày nào nghỉ. Tôi già rồi còn thấy phục. Chỉ mong chúng nó có sức khỏe và lòng tin để duy trì công việc ý nghĩa này”. Những đêm muộn, bà hỗ trợ bát mỳ, cốc nước nóng. Thậm chí, có lúc nhóm còn gửi lại các bé nhờ bà trông giúp để đi gom ở các địa điểm khác.

Đạo và Huế thân nhau lắm, đi đâu cũng có nhau. Ngay cả việc đi gom các bé cũng là sự đồng hành. Đạo học giáo lý hằng ngày nên hiểu được sự sống là đáng quý, là quà tặng Chúa ban cho. Nghĩ thế nên ngay từ lúc học THPT ở quê, Đạo và Huế đã tham gia nhóm tình nguyện, cất công đến các bệnh viện, phòng khám ở quê xin các bé về chôn. Đạo xin cha xứ một mảnh đất để có nơi chôn cất tử tế cho các thai nhi. Không có tiền, Đạo thấy nhà ai đang xây dựng là đến xin một ít cát, xi măng, gom góp lại “xây nhà” cho các con. 

Ban đầu, không mấy người tin một cậu bé như Đạo lại có thể nghĩ đến và dám làm công việc này. Nhưng thấy Đạo thực tâm, cần mẫn và chu đáo nên họ đã giúp đỡ để em hoàn thành tâm nguyện. Bố mẹ biết chuyện, ngăn Đạo làm những việc “bao đồng”. Họ biết việc con mình làm là việc thiện nhưng Đạo còn trẻ, còn phải học hành. Ngăn thế nào cũng không được, thấy con toàn tâm toàn ý, làm một cách tận tình, không kêu ca, dần dần bố mẹ cũng quen đi, không lên tiếng phản đối nữa.

Đạo bị ám ảnh bởi những vỉ thuốc phá thai, vỏ lọ thuốc còn vương vãi lại quanh khu vực nhặt xác thai nhi. Bởi vậy, học hết THPT, Huế và Đạo cùng nhau nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, muốn hiểu rõ về các loại thuốc với những thành phần, tác dụng để có thể tư vấn, giúp đỡ người bệnh. 

Ngay trong ngày đầu tiên nhập học trên Hà Nội, Đạo đã lang thang khắp các phòng khám sản để tìm hiểu và đặt vấn đề muốn được xin xác thai nhi về chôn cất. Nhiều nơi đồng ý, chủ động gọi điện cho Đạo khi có ca nạo hút thai. Nhưng, nhiều nơi nghi ngờ việc Đạo làm có điều mờ ám nên từ chối, xua đuổi. Đạo phải đợi đến khuya, khi phòng khám đóng cửa, nhân viên về hết mới đến bới tìm các bé trong túi rác vứt lăn lóc bên lề đường. 

Không ít người bảo Đạo bị điên, lại có người hỏi em nhận được bao nhiêu tiền từ công việc này? Những lúc ấy, Đạo chỉ im lặng, không thanh minh. Bởi Đạo làm vì cảm thấy như mắc nợ những sinh linh xấu số không bao giờ được chào đời, như  một định mệnh không thể khác.

Để tránh những lời dị nghị của những người ác ý và không muốn bố mẹ phải lo lắng, Đạo kín tiếng trước những việc mình làm. Mỗi tháng, với số tiền bố mẹ cho để ăn học, Đạo tính toán, chi tiêu tiết kiệm nhất có thể để dành một phần lo cho các bé. 

Giờ đây, khi đã học xong cao đẳng, Huế và Đạo đang học liên thông lên đại học và vẫn tiếp tục công việc gom các bé như bao năm qua vẫn thế. Huế nói với tôi sẽ cố gắng học hành để sau này ra trường có điều kiện cứu giúp nhiều người. Giọng Huế trong veo. Tôi nghe và hiểu, những điều em nói xuất phát từ trái tim.
Những ngày mưa ngập, Đạo vẫn cố gắng đi gom thi thể các bé xấu số. 

Bao năm qua, Đạo chỉ ước có một ngày nào đó đi tìm các bé và về tay không. Nếu có một ngày không gặp bất kì một sinh linh tội nghiệp nào bị vứt bỏ, hẳn là tâm hồn em sẽ thanh thản, nhẹ bẫng, cuộc sống sẽ đẹp biết bao.

Có những ngày mưa ngập ở Hà Nội, Đạo bì bõm trong nước đến các địa điểm quen thuộc. Nước ngập đến bụng nhưng điều duy nhất mà Đạo lo lắng là nếu đến trễ, cơ hội nhặt các bé về vuột mất trong tíc tắc, những hình hài, giọt máu sẽ lẫn vào rác, vào nước và tan biến trong đau đớn. Thế nên, mưa mấy cũng đi, rét mấy cũng đi, em chấp nhận vất vả và hoàn toàn tự nguyện. 

Chính sự tự nguyện của Đạo đã khiến em gặp không ít rắc rối, có những vướng mắc không thể giải tỏa, không được thừa nhận, cảm thông. Nhiều người nghi ngờ việc làm của Đạo và nhóm tình nguyện nhằm lợi dụng các nhà hảo tâm hay tư lợi cá nhân.
Lễ chôn cất tập thể cho các thai nhi.

Trong một lần đi tìm kiếm thai nhi năm 2017, khi mở bịch nilon rác, Đạo đã bị kim tiêm đâm vào tay chảy máu. Một thời gian dài sau đó, Đạo phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV. Người Đạo xanh xao, sút cân nhanh chóng nhưng công việc gom các bé thì quyết không bỏ ngày nào. May mắn, Đạo đã không sao. Có lẽ bởi em tốt quá, thiện tâm quá, nên trời thương em, để em sống và tiếp tục hành trình đầy ám ảnh này?

Đạo và Huế được người dân và các đồng chí công an hỗ trợ trong vụ và chạm giao thông tối 19-11.

Tối 19-11, khi trận bóng đá Việt Nam - Thái Lan đang nảy lửa, trên chiếc xe máy cà tàng, đôi bạn Huế và Đạo vẫn rong ruổi trên đường Phùng Hưng (Hà Đông) với công việc thường lệ thì va chạm với một phụ nữ vượt đèn đỏ. Hai em đã quen với những lần bị dọa nạt, tấn công khi đi gom các bé. 

Nhưng đau đớn nhất là lần này, Đạo đã không bảo vệ được các con. Đó là khi người phụ nữ hùng hổ chửi bới và đạp mạnh vào yếm xe, chiếc hộp đựng thai nhi rơi xuống đường, vỡ toang, xác hài nhi vương vãi. Đạo cuống quýt, lo sợ để mất các bé mà không gom lại được. 

Xót xa cho các con, Đạo nhanh chóng nhặt lại tất cả, mặc cho người phụ nữ kia chửi bới và hùng hổ ngay bên. May sao, người dân và các đồng chí công an giao thông đến kịp thời. Biết việc thiện tâm mà Đạo và Huế đang làm, ai cũng cảm động, gom góp mỗi người một chút tiền để các em kịp ăn bữa tối. Các đồng chí công an đã đưa hai em về nhà trọ an toàn.

Những va chạm như buổi tối 19-11 chỉ là một trong số rất nhiều sự cố mà Đạo và các bạn gặp phải trên hành trình gom xác thai nhi mấy năm qua. Được bênh vực, giúp đỡ, động viên, Đạo thấy vững tâm hơn để tiếp tục thực hiện công việc của mình. 

“Em ngủ cùng các con bao năm nay...”

Căn phòng trọ của Đạo có 4 người bạn ở cùng nhau, đều là tình nguyện viên của Câu lạc bộ, đều làm công việc gom xác thai nhi hằng ngày. Ở căn phòng đó luôn có sẵn găng tay, vải xô trắng, hộp nhựa, cồn,... những thứ thiết yếu để cả nhóm lặng lẽ tắm rửa, gói ghém từng bé cuối mỗi ngày trước khi bảo quản trong chiếc tủ đông kê ở một góc phòng trọ. 

Nếu không tận mắt chứng kiến cảnh ấy, tôi sẽ không tin nổi một chàng trai trẻ như Đạo lại có thể làm công việc đặc biệt này khéo đến vậy, cần mẫn đến vậy, bình tâm đến vậy. 

Đạo bảo, công việc đã thành quen, em không cảm thấy sợ, không cảm thấy ghê tay khi khâm liệm cho các bé. Nhưng em sợ cảm giác lạnh người khi nghĩ đến sự vô tâm của những người mẹ nỡ hủy hoại con mình. Những cái rùng mình thương cảm, những lúc con tim như nghẹt cứng khi chạm tay vào các bé luôn trở đi trở lại hằng ngày và không thể quen được. 

Càng thương, càng xót xa, Đạo và các bạn càng cố gắng đi đến nhiều địa điểm gom các bé lại, tìm cho các bé một nơi an nghỉ tử tế để các con đỡ tủi hờn. Với những thai nhi chưa thành hình mà chỉ là những giọt máu đỏ hỏn, Đạo đựng trong các chai thủy tinh. Những thai thi đã già ngày bị ép sinh non, các bộ phận bị tách rời, Đạo khâu lại, tắm nước thơm cho các con trước khi gói lại, đánh số và tự đặt tên cho các con. 

Không ít lần chính tay Đạo phải vuốt mắt cho những sinh linh tím ngắt để các con ra đi thanh thản. Những đôi mắt ấy cứ ám ảnh Đạo mãi, như một sự tiếc nuối hành trình làm người dang dở...

Nhớ những ngày đầu ở Hà Nội, các em không có nổi một chiếc tủ đông để trữ lạnh thi hài các bé, nên cứ 3-4 ngày, các em phải mang các bé về quê. Có lúc chẳng còn tiền đi ô tô khách, Đạo và Huế chở nhau bằng xe máy, ôm chiếc thùng xốp bỏ đá lạnh đựng đầy xác thai nhi về quê an táng. Bây giờ thì đỡ hơn vì có nhà tài trợ đã tặng cho nhóm 2 chiếc tủ đông, các bé có thể ngủ yên để đợi đến lễ chôn cất tập thể. 

Cứ vài tuần, khi những thi thể thai nhi đã chất đầy tủ đông, nhóm tình nguyện lại có một cuộc hành trình đưa các bé về quê Hải Hậu, Nam Định để chôn cất theo nghi thức Thiên chúa giáo. 

Để việc chôn cất luôn diễn ra suôn sẻ hằng tháng, các thành viên trong Câu lạc bộ phân công nhau mỗi người một việc, tất cả xuất phát từ thiện tâm nên chẳng có chuyện cãi nhau, lừa việc cho nhau. Trung bình, mỗi chuyến chôn cất 400-500 thai nhi. Khi các bé đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ, với nến thơm và nhành cúc trắng, nhóm tình nguyện viên mới tạm yên lòng. 

Đã bao năm làm công việc này, Đạo đã quá quen với những thời điểm được coi là “mùa phá thai”. Đó là những ngày giáp tết hoặc sắp nghỉ hè, số lượng xác thai nhi bị bỏ rơi nhiều hơn, đồng nghĩa với số ca nạo phá thai tăng vọt, xác thai nhi nặng trĩu trên tay sau mỗi buổi thu gom.

Đạo không thể quên được lần đầu tiên chôn các bé ở nghĩa trang, một người mẹ bất ngờ lao đến, khuỵu xuống, ôm chặt chiếc tiểu sành, giọng lạc đi: “Mẹ xin lỗi con”. Đó là lần đầu tiên Đạo hiểu được tận cùng nỗi đau khi tình mẫu tử bị chia lìa. Người mẹ ấy, trước đó đã cãi nhau với người thân và trong lúc quẫn trí không kiềm chế được đã đến phòng khám tư bỏ đứa con đang mang trong bụng. 

Đạo cũng chính là một trong những tình nguyện viên đã chôn cất thi hài bé gái bị mẹ chối bỏ, ném từ tầng 31 của chung cư trong khu đô thị Linh Đàm vào tháng 10-2018 gây xôn xao dư luận. Những kỉ niệm buồn luôn đeo đẳng, mỗi khi nhớ lại vẫn thấy xót xa...

Cứu sống những sinh linh

Đã gần 10 năm qua, những thành viên trong Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội lặng lẽ lo hậu sự cho những thai nhi xấu số với mong muốn các con được yên nghỉ và siêu thoát. Nhưng điều quý giá hơn, trong nhiều trường hợp họ đã cứu sống được các bé. 

Anh Trung bảo với tôi rằng, nếu không cần mẫn làm công việc này, sẽ không bao giờ các tình nguyện viên của câu lạc bộ có thể tiếp cận được những bà mẹ có ý định bỏ con. Và khi đó, họ sẽ nỗ lực bằng mọi cách để giành lại cho đứa bé sự sống từ chính mẹ của chúng. 

Đạo và nhóm tình nguyện có một đàn con ở mái ấm.

Bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tế, Đạo và các bạn đã tư vấn, giúp đỡ cho những nhiều người mẹ lầm lỡ. Qua những buổi trò chuyện trực tiếp, tìm cách tác động, khuyên những người mẹ từ bỏ ý định dại dột, hãy yêu và thương những đứa trẻ vô tội trong bụng. 

Trung bảo, anh đã cứu sống được 247 đứa trẻ khi mà mẹ chúng đang định bỏ chúng đi. Mục đích lớn nhất của nhóm là ngăn cản ý định hủy con, cho các con cơ hội được tiếp tục sống trong bụng mẹ và được sinh ra làm người. Rất nhiều bà mẹ có ý định phá thai, sau khi được khuyên nhủ đã giữ lại đứa bé và nuôi chúng.

Trong phòng trọ, chiếc bình ôxi và túi sưởi được một đơn vị tài trợ luôn sẵn sàng để có thể được mang đi bất cứ lúc nào, khi nhóm của Đạo nhận được tin có bà mẹ bỏ con, đứa con vẫn còn thoi thóp, có thể có cơ hội làm người. Vậy là Đạo lại tức tốc đến nơi, chờ chực để đón bé. 

Nhưng vì các bé mới sinh yếu ớt nên dù đã cố hết sức, nhóm tình nguyện cũng chỉ giữ các bé sống thêm được 1-2 ngày hoặc 1 tuần ở dương gian. Những lúc để tuột mạng sống của một đứa trẻ, Đạo cảm thấy bất lực, đau đớn lắm. Cuộc sống của những người như Đạo là cuộc chạy đua với tử thần, giành giật sự sống cho những đứa trẻ tội nghiệp, cam go và nhiều bất trắc. 

Thời điểm ngồi nói chuyện với tôi, Đạo bảo ngày mai, em sẽ chờ chực để gặp bằng được một bà mẹ mang thai gần đến ngày sinh nở nhưng do hoàn cảnh gia đình có chồng bị bệnh thần kinh, luôn bị đánh đập, bạo hành nên chị có ý định khi sinh con ra sẽ cho con đi. Đạo đã khuyên chị đừng cho con đi. Thay vào đó, Đạo sẽ nhận bé mang về mái ấm nuôi giúp chị đến khi nào chị có cơ hội đón bé.

Có lần, nhận được cuộc gọi cầu cứu, Đạo vội vã chạy xe đến một địa chỉ ở Hà Nội. Người mẹ với chiếc bụng vượt mặt đang chờ ở đó. Đứa trẻ đã được 35 tuần và chị vừa uống thuốc để sinh non. Cả nhóm vội đưa sản phụ vào bệnh viện, cứu sống được hai mẹ con. 

Người mẹ ấy đã có 3 đứa con. Chồng chị mất khi chị mang thai đứa con thứ tư này được 2 tháng và không hề hay biết. Cái thai lớn dần lên, trước áp lực bị nghi ngờ, chị quyết định hủy con đi. May mắn là đứa bé vẫn sống sót. Người mẹ ấy nhờ cậy Câu lạc bộ nuôi con giúp. Hiện tại, bé gái này đang bình an tại một mái ấm ở Nam Định cùng những đứa trẻ may mắn được nhóm tình nguyện viên cứu sống.

Đạo và các bạn đồng hành không chỉ lo việc gom nhặt và chôn cất thai nhi mà còn nuôi cả một đàn con. Hằng ngày hằng giờ, cả nhóm vẫn nỗ lực lo từng hộp sữa, từng bộ quần áo, từng cuốn vở cây bút để các bé đỡ thiệt thòi.

Đạo bảo, em chẳng nghĩ gì xa xôi, ngày nào còn sức lực làm được thì em sẽ cố làm, có thể là cả đời không mệt mỏi. Chỉ mong cộng đồng hiểu đúng những công việc Đạo và các bạn đang làm và chung tay ủng hộ. Chỉ mong giới trẻ có một tình yêu lành mạnh và có ý thức hơn với những việc mình làm, mong rằng những người mẹ đừng tước đi quyền sống của con mình mà tội nghiệp. 

Với Đạo và các bạn, chỉ cần sự nghĩ lại của một người mẹ trước quyết định hủy con, chỉ cần một người mẹ quay lại mái ấm tìm con mình là cả một niềm vui đong đầy, là động lực để các em tiếp tục dấn thân vì cộng đồng. Tôi luôn mong các em sẽ tìm được nhiều niềm vui như thế - niềm vui “bao đồng” của những người tử tế.

Huyền Châm
.
.