Hạnh phúc và khát vọng

Thứ Năm, 01/07/2021, 09:30
Ở kỳ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Đại hội chỉ là mở đầu. Còn làm được hay không, mai kia có biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra của cải vật chất, mang lại giàu có và hạnh phúc cho Nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của Đại hội". Và, bây giờ, sau bầu cử, đã là lúc bộ máy cần biến Nghị quyết thành hiện thực sinh động. Nhưng, trước hết, cần phải xác định rõ: hạnh phúc của Nhân dân là gì?”.


Hạnh phúc cũng quan trọng như tăng trưởng

Năm ngoái, khi đại dịch vẫn đang hoành hành khắp châu Âu, Đan Mạch cho mở Bảo tàng Hạnh phúc (Lykkemuseum) ở Copenhagen, như ngụ ý rằng cho dù ngoại cảnh khắc nghiệt thế nào thì tìm kiếm niềm vui vẫn rất quan trọng.

Khi vào đây, du khách được trải nghiệm một tour nhỏ để hiểu sâu hơn về hạnh phúc. Bên trong bảo tàng có 8 phòng riêng dành cho các lý thuyết khác nhau về bản chất của khái niệm này. Trên một màn hình, khách tham quan được yêu cầu lựa chọn giữa một “cỗ máy trải nghiệm” cung cấp niềm vui vô hạn mặc dù chỉ là ảo giác và thế giới thực có bao gồm cả nỗi đau và sự khổ sở.

Bảo tàng Hạnh phúc ở Copenhagen. Ảnh: L.G

Việc mở bảo tàng này là một quyết định mạo hiểm: theo số liệu của tờ Los Angeles Times, 1/6 số bảo tàng của Mỹ có nguy cơ phải đóng cửa vĩnh viễn do căng thẳng tài chính cộng thêm đại dịch COVID-19. Meik Wiking, Giám đốc Viện Nghiên cứu hạnh phúc Đan Mạch và cũng là người cho mở bảo tàng này, chia sẻ với CNN: “Trong những ngày này chắc ít người lui tới đây nhưng chúng tôi nghĩ rằng thế giới này vẫn cần thêm một chút hạnh phúc”.

Việc mở một bảo tàng kiểu này, trong một cảnh huống khác, rất dễ bị diễn dịch thành sự xa xỉ không cần thiết. Kiểu như đang đại dịch, tiền đấy sao không để đi làm từ thiện, mua thùng mì bao gạo hỗ trợ bà con thất thu mùa dịch. Kiểu như lúc này cả nước buồn thế, sao lại đi làm cái thứ đơn thuần mua vui này? Trông chẳng có gì hữu ích ở đây cả.

Tôi và nhiều bạn đọc ở đây, vốn trưởng thành và vẫn đang sống trong một môi trường mà các nguồn lực là hạn chế. Chúng ta cũng thường được dạy rằng hạnh phúc là cống hiến và cho đi, với cái ăn cái mặc được đặt lên hàng đầu.

Chúng ta đa phần có quan điểm thực dụng về khái niệm này. Tiền làm ra một bảo tàng, đặc biệt là một bảo tàng về một thứ trừu tượng kiểu hạnh phúc, đáng ra phải được phân bổ cho những thứ “thực chất” hơn. Ngay cả khi mọi việc đang diễn ra bình thường, chưa nói trong bối cảnh đại dịch. Nhưng, hãy thử hiểu sâu hơn về quan niệm về hạnh phúc ở đất nước đã nghĩ về nó theo một cách rất xa xỉ này. Đan Mạch thực sự kiến tạo được một hệ thống để mỗi người dân cảm thấy sống là việc dễ chịu. Đất nước này có một thị trường lao động rất linh hoạt và khiến các bên đều vui vẻ: người lao động trả trung bình 62,54 USD mỗi tháng cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp và có thể nhận được đến 2 năm lương nếu mất việc.

Christina Konig Koehrsen, một người từng làm việc trong ngành quảng cáo, nói trên trang CNBC rằng cô bỏ việc vì cảm thấy không hạnh phúc và hiện nhận 2.000 USD/tháng trợ cấp từ chính phủ. Trong số ấy có 1.000 USD trợ cấp giáo dục: Koehrsen được nhận vì cô muốn học để trở thành một họa sĩ.

Tiền ở đâu ra để vận hành hệ thống này? Đan Mạch nói riêng và các nước Bắc Âu thu thuế cao bậc nhất thế giới, ví dụ thuế bán hàng lên đến 25% và thuế ô tô là 150%. Năm 2016, Đan Mạch trả đến 900.000 USD để mua lại hồ sơ Panama hòng lần ra những đường dây trốn thuế của đất nước này. Một năm trước đó, bà Thorning-Schmidt, nữ thủ tướng đầu tiên của Đan Mạch, đã phải từ chức Chủ tịch đảng Dân chủ xã hội vì chuyện nộp thuế thu nhập cá nhân của... chồng bà. Ông này đã nộp thuế ở Thụy Sĩ từ 2007-2009, vốn có thuế suất thấp hơn, thay vì tại Đan Mạch. Vụ này gây ồn ào trên báo một thời gian dài và hủy hoại toàn bộ sự nghiệp chính trị của bà cựu thủ tướng.

Nền tảng “tài trợ” cho lối sống dễ chịu và được quyền nghĩ về hạnh phúc theo cách lãng mạn nhất nằm ở sự minh bạch này. Song song với các mô hình thỏa mãn hạnh phúc của công chúng luôn là những thiết chế mạnh mẽ để có ngân sách lo cho việc này.

Giờ hãy nghĩ lại về chúng ta: trong tư duy của những người đã lớn lên với nguồn lực có hạn, ta hầu như không có thời gian để đòi hỏi quá nhiều về hạnh phúc. Chương trình giáo dục vẫn còn quá nặng nề với học trò nhưng không rèn luyện làm sao nên người? Mạng lưới an sinh xã hội vẫn chưa bao quát được hết nhưng đòi hỏi sao được khi đất nước vẫn còn phải ưu tiên nguồn lực cho những vấn đề quan trọng khác?

Đất nước vẫn đang tăng trưởng tốt nhưng cần thêm rất nhiều nỗ lực và kiên nhẫn, kiểu con sẽ không chê cha mẹ khó. Trong cố gắng này, thực tế là chính người dân cũng không thực sự có nhu cầu tự hỏi rằng điều gì sẽ làm cuộc đời họ hạnh phúc và dễ chịu hơn.

Nhưng, một bối cảnh đen tối như đại dịch COVID-19 có thể nhắc nhở mỗi người rằng niềm vui bây giờ cũng quan trọng như thế nào. Có thể ý tưởng bảo tàng hạnh phúc là quá lãng mạn nhưng những mô hình xoa dịu những nỗi đau chung có thể được nghĩ đến ngay từ bây giờ, song song với những nỗ lực tăng trưởng.

Bởi vì làm thế nào để mỗi ngày sống trở nên dễ chịu hơn là câu hỏi của cuộc sống vốn đã có nhiều đau khổ thường trực. Tất cả chúng ta đều nên suy nghĩ về nó.

Phạm An

Sống được cùng đất

Năm 2014, ở xã biên giới Thanh Lòa, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, những cây hồng lăn ra chết. Đó là niềm hy vọng duy nhất cho kinh tế của vùng đất này. Nằm giữa những dãy núi bao quanh, thiếu nguồn nước, địa hình chỉ có những khoảnh đất nhỏ bị cắt nát dưới chân núi, họ không trồng được cây lương thực. Năng suất lúa của Thanh Lòa mỗi năm chỉ 2,5 tấn/ha - tức là bằng một nửa năng suất cả nước.

Có một thời dân Thanh Lòa tưởng mình đã tìm ra kế thoát nghèo nhờ cây hồng đặc sản. Nhưng, đến năm 2014, tháng 2, tháng 3 cây hồng còn ra hoa đầy cành. Tháng 5, tháng 6, hồng rụng trơ cành trước ngày thu hoạch. Những quả sắp chín rụng lộp bộp dưới gốc. Rồi chúng khô lại, chết dần.

Người Thanh Lòa từ đấy mất trắng sinh kế. Họ chấp nhận cái nghèo như một định mệnh. Đi vào chân núi, không xa đường lộ, là những dãy nhà đất san sát, mái ngói cũng đã rụng lả tả như những lá hồng khô. Những căn nhà ấy chưa một lần được cải tạo từ năm 1980. Hầu hết chúng được xây vào năm 1980, ai cũng nhớ rõ mốc thời gian: đây là đất biên giới Lạng Sơn, là nơi những chàng dân quân người Nùng đã cầm súng chống giặc xâm lăng năm 1979, chứng kiến đạn pháo tàn phá bản làng.

Họ giữ đất, dựng lại nhà nhưng vĩnh viễn không bao giờ có lại được cuộc sống sung túc. Hơn 20 ha bị phong tỏa vì bom mìn đến ngày hôm nay. Phần đất nông nghiệp còn lại của toàn bộ xã thì “hình như bị nhiễm độc”, không ai biết vì sao những cây hồng bỗng chết. Chính quyền huyện cũng đã đưa các nhà khoa học về nhưng không thể khẳng định nguyên nhân.

Dân Thanh Lòa cứ thế lay lắt tồn tại. Không cây nông nghiệp giá trị cao, không nghề phụ. Họ run rẩy trong những căn nhà tường đất, nền đất, mái ngói vỡ, chỉ có vài tấm phản kê cao làm giường. Trong thôn Bản Lòa, cán bộ xã than thở, là “không biết chấm điểm hộ nghèo như thế nào, vì cái gì cũng không có”. Chuẩn nghèo của Chính phủ là 700.000 đồng/người/tháng. Trong thôn, những nhà "chịu khó nhất" thì thu nhập khoảng 20 triệu đồng mỗi năm từ việc cạo mủ thông trên núi, chia cho 6 nhân khẩu, chưa được một nửa ngưỡng nghèo. Họ đói bụng, chỉ ăn cháo ngô. Họ ốm đau, chỉ dám dùng mấy lá thuốc trên rừng.

Việt Nam vẫn là một trong những “tấm gương sáng” của World Bank trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Từ chính quyền, cho đến các hội đoàn từ thiện với truyền thống “lá lành đùm lá rách” vẫn tích cực trong việc xóa đi những số phận như thế trên khắp đất nước. Và tăng trưởng GDP của chúng ta - ngay cả trong những ngày tháng khốn khó nhất của nền kinh tế toàn cầu - vẫn luôn tăng ở hàng top châu Á.

Nhưng, có một câu hỏi luôn cần được đặt ra: những con số có thể đánh lừa chúng ta theo cách nào không?

Khi đọc câu chuyện về thôn Bản Lòa ở trên, hẳn nhiều độc giả đã lờ mờ nhận ra, với bối cảnh như thế, những con người nơi này sẽ làm gì để sinh tồn. Họ di cư. Họ bỏ làng đi làm mướn. Không khó tìm thấy những ngôi nhà đóng cửa kín mít, không còn một thành viên ở Thanh Lòa.

Và đó là kịch bản bạn có thể gặp ở không ít vùng nông thôn tại Việt Nam - từ Tây Nguyên, miền Tây cho đến các vùng miền núi phía Bắc. Cho dù đó từng là những vùng trồng tiêu, trồng hồng hay nuôi tôm, bạn đều có thể bắt gặp nguyên cả một ngôi làng vắng lặng. Trong những ngôi làng ấy, chỉ còn người già, trẻ con và cán bộ xã. “Trong làng mà có người chết thì không đủ thanh niên khiêng quan tài”, một người Vĩnh Phúc nói với tôi. Suốt dọc một dải sông Hồng, người ta bỏ làng đi.

Những nhà máy, khu công nghiệp, các công ty may Đài Loan, Hàn Quốc và các đại đô thị chào đón họ, trao cho họ những công việc phổ thông có mức lương mà họ sẽ không bao giờ đạt được nếu làm nông nghiệp. 7 triệu mỗi tháng, 10 triệu mỗi tháng, gấp hàng chục lần thu nhập của một người dân Thanh Lòa cố bám trụ.

Những con số có thể đánh lừa chúng ta theo cách nào? Thu nhập tăng không có nghĩa là hạnh phúc tăng. Suốt mấy thập niên, cộng đồng ấy có thể đã định nghĩa hạnh phúc của mình bằng mùa hồng ra trái chín đỏ, mùa tôm thu hoạch, ngồi bên hiên nhà quây quần. Nhưng, giờ họ phải đi tìm hạnh phúc trong những dãy nhà trọ công nhân - chất lượng xây dựng còn tệ hơn cái nhà bằng đất - nóng như nung mùa hè và một mức lương có thể trông thì cao, nhưng không thể tạo ra tích lũy.

Hạnh phúc của những cộng đồng được đo lường bằng gì? Và chúng đã được nghiên cứu đủ nhiều hay chưa? Chúng ta đã có đủ bộ chỉ số để gia tăng chất lượng sống thực sự của con người hay chưa, nếu như thu nhập, mức chi tiêu đều có thể là “vải thưa” che mắt ta về hạnh phúc của cộng đồng.

Nếu nghĩ kỹ về việc có quá nhiều cộng đồng đang không sống được cùng mảnh đất cha ông, ta sẽ nhận ra rằng đó là một bài toán nan giải: câu trả lời là khoa học nông nghiệp; là nghề thủ công; hay là phát triển các khu công nghiệp tại địa phương? Câu trả lời là tín dụng; là đào tạo hay là khung chính sách để tiêu thụ nông sản? Có quá nhiều hướng nghiên cứu và các đáp án cần tìm kiếm.

Thôn Bản Lòa rồi cũng sẽ sống. Cũng như thế là bao ngôi làng ở miền Trung, miền Tây, Tây Nguyên. Bằng bản năng sinh tồn, họ sẽ tìm cách bấu được vào nền kinh tế đang lên để kiếm được miếng ăn.

Nhưng, để bắt đầu trả lời câu hỏi hạnh phúc là gì, ta cần tự hỏi: Những con số có thể đánh lừa mình theo cách nào? Hay là cuối cùng, cứ để mọi thứ cứ diễn ra tuần hoàn như vậy và người ta chỉ còn một hạnh phúc an ủi là “ừ thì mình cũng vẫn sinh tồn”?

Đức Hoàng

Đi tìm hạnh phúc chung

“Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".

Ảnh: L.G.

Đó là một câu nói lịch sử. Đó là một câu nói nhiều người thuộc nằm lòng. Đó là một câu nói nằm trong bản Tuyên ngôn Độc lập được đọc trong ngày mà rất nhiều người Việt đã được sống chung một niềm hạnh phúc khi thấy quốc gia độc lập. Trong niềm hạnh phúc chung của ngày 2-9-1945 ấy, tôi tin chắc chắn, người Việt không còn quan tâm tại thời điểm ấy, họ đang no hay đói, họ đang giàu hay nghèo. Và trong tất cả các văn bản chính thức gửi các cơ quan nhà nước, của các tổ chức và cả các cá nhân, luôn có một dòng tiêu ngữ mà chúng ta cũng thuộc nằm lòng, được đặt trang trọng dưới quốc hiệu: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Điều đó cho thấy, cái ước nguyện hạnh phúc lớn lao đến nhường nào.

Đại hội XIII đã nhấn mạnh rất nhiều đến việc lấy con người làm trọng tâm, lấy hạnh phúc của nhân dân làm tôn chỉ cho mọi hành động. Đó là một quan điểm đúng đắn. Nhưng, từ quan điểm đúng đắn đến hành động đúng đắn lại là một con đường rất dài. Đặc biệt là khi chủ đề trung tâm của cả quan điểm lẫn hành động lại là một khái niệm trừu tượng như hạnh phúc và bản thân hạnh phúc cũng là một trạng thái cảm xúc vô cùng cá nhân biến thiên tùy thuộc chủ thể, bối cảnh và thời điểm.

Không ai dám trả lời chắc: “Hạnh phúc là gì? Cái gì mang lại hạnh phúc?”.

Hạnh phúc của một tài phiệt sẽ khác hạnh phúc một cô giáo mầm non ở một bản làng heo hút xa xôi. Hạnh phúc có thể là việc một người lính hải đảo bất ngờ được gặp vợ mình ra thăm theo một chương trình bất ngờ nào đó của Bộ Quốc phòng, của đài truyền hình... tổ chức nhân dịp tết Nguyên đán. Nhưng, sau những ngày gặp gỡ ấy là gì? Có thể họ sẽ mang một khát vọng hạnh phúc lớn lao hơn, tỷ như không còn bất kỳ nguy cơ xâm lăng nào nữa, để họ có thể không cần cầm súng, mà về với gia đình, mảnh ruộng, khu vườn, xưởng máy, thị trường... Thậm chí, có thể là cả gia đình định cư trên đảo để canh tác từ cái phì nhiêu của thiên nhiên nơi đó. Khái niệm sẽ khác đi rất nhiều theo không gian và thời gian, theo bối cảnh và hoàn cảnh riêng nhưng quan trọng nhất, do sự thay đổi của khát vọng và ham muốn của chủ thể.

Khó như thế nên mới nói việc đặt hạnh phúc của nhân dân làm trọng tâm là một việc lớn lao, lâu dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực rất mệt mỏi của một tinh thần phụng sự thực chất. Cái mệt mỏi ấy không phải là đi tìm phương cách để thỏa mãn từng cá thể. Việc ấy là bất khả và vô ích. Cái mệt mỏi ấy sẽ nằm ở chỗ nghiên cứu và hành động để hiện thực hóa nghiên cứu ấy xem nhu cầu, khát vọng, ước muốn chung và dẫn tới, thỏa mãn chung,  hạnh phúc chung của số đông ở một thời điểm là gì?

Năm 1945, khát vọng chung là độc lập và do đó, hạnh phúc chung được nhận thấy rất rõ ràng. Cuộc cách mạng thành công là bởi nó đáp ứng được cái mong mỏi chung và do đó kéo theo niềm hạnh phúc chung. Còn ở thời hiện đại này, xác định nhu cầu chung, đòi hỏi chung là một công việc chi tiết hơn, ở cả mặt địa lý lẫn ở cả mặt giai tầng xã hội. Khó có thể định hình một mưu cầu chung của những người làm nông và đặt nó vào bối cảnh của những nhân viên văn phòng ở các đô thị để rồi xác lập được hành động mang lại hạnh phúc cho tất cả. Cái sự chi tiết ấy đòi hỏi một điều rất cơ bản với những người ở cấp quản lý của bộ máy nhà nước: trở lại đúng với vị thế của mình.

Từ mô tả một bộ trưởng trong tiếng Anh là minister, nguyên gốc từ tiếng Latin là “ministrare”, có hàm ý là kẻ tôi tớ. Cái hàm ý tôi tớ ấy cơ bản xuất xứ từ chỗ, những “minister” là người phụng sự cho người lãnh đạo một quốc gia, cho một vương quyền hay cho một nền cộng hòa. Vậy thì khi chúng ta đã đặt người dân làm trọng tâm, đặt người dân là chủ nhân ông, vai trò bộ trưởng có nên được hiểu là phụng sự cho một bộ máy hay không? Đó là một câu hỏi đừng nên trả lời một cách lý thuyết và máy móc theo kiểu “Thì rõ ràng chúng tôi phục vụ nhân dân mà”. Thay vào đó, nó phải được trả lời bằng hành động cụ thể, có kết quả cụ thể, có hướng trọng tâm vào “nhóm quần chúng” cụ thể mà bộ ấy phụ trách.

Người nông dân cảm thấy hạnh phúc khi nhu cầu của họ được thỏa mãn. Nhiệm vụ ấy phải thuộc về Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Song song đó, người nông dân ở một tỉnh Đông Bắc sẽ có nhu cầu khác với người nông dân ở miền Tây Nam bộ. Thế là lại phải thêm cả trách nhiệm của lãnh đạo địa phương ở đó. Muốn hoàn thành trách nhiệm ấy, nó không phải là câu chuyện của một nhiệm kỳ, với một cá nhân đứng mũi chịu sào, mà nó là cả một quá trình kéo dài, có tiếp nối một cách hệ thống để học và hiểu những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các chính sách của mình muốn gì, cần gì vào thời điểm nào.

Không có mẫu số chung cho hạnh phúc, ngoại trừ những việc có tính phổ quát như câu chuyện giành độc lập, hay câu chuyện của một đội tuyển bóng đá quốc gia hoặc cụ thể hơn ở hoàn cảnh này là câu chuyện tiêm vaccine COVID-19 miễn phí cho toàn xã hội... Đời sống đa dạng, với muôn hình vạn trạng hoàn cảnh và khác nhau rất nhiều trong cách tiếp cận một vấn đề tùy thuộc theo kiến thức, nhận thức, văn hóa, tập quán chung của một nhóm chủ thể. Đi tìm chìa khóa hạnh phúc cho các nhóm chủ thể ấy là một công việc đòi hỏi sự miệt mài, nhẫn nại mà chỉ khi bỏ hằn cái chất quan chức ra, may ra mới có thể phụng sự có hiệu quả một cách thực tiễn.

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.