Hai mục tiêu 100 năm

Thứ Tư, 11/11/2020, 19:16
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định 2 mục tiêu chiến lược: 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (năm 2045). Hai dấu mốc tuy xa mà gần bởi với những mục tiêu lớn, tiền đồ lớn của đất nước thì 10 năm, 25 năm không phải là dài.

Dự thảo xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Như vậy, dự thảo đã xác định 2 mốc quan trọng: Năm 2030, nhân 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, nhân 100 năm thành lập nước. Còn mục tiêu đến 2025 là cụ thể với nhiệm kỳ Khóa XIII của Đảng.

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, Khóa XII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các tiểu ban soạn thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng phải có tầm nhìn dài hạn, phải dự báo và đưa ra các mục tiêu phát triển cho chặng đường dài hơi. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chỉ rõ: “Nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021-2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai. Bộ Chính trị đã cho định hướng mốc là đến năm 2026 là mốc kết thúc nhiệm kỳ Đại hội XIII, đến năm 2030 là mốc 100 năm thành lập Đảng và đến năm 2045 là mốc 100 năm thành lập nước”.

Vậy chúng ta định hướng, hình dung ra nước ta vào năm 2030 sẽ thế nào? Và đến năm 2045, nước ta lúc đó ra sao? Đây là những vấn đề rất lớn, vô cùng khó. “Vừa qua, họp Bộ Chính trị, họp lãnh đạo chủ chốt, tôi đã nói: Tất cả các địa phương phải theo cách này, không phải chỉ tập trung lo chuẩn bị nhân sự mà phải tập trung xây dựng văn kiện đại hội. Báo cáo trình ra đại hội không giống như báo cáo thành tích hằng năm, mà cũng phải phân tích quá trình của địa phương, đơn vị mình hiện tại và sắp tới hình dung xem địa phương ta đến năm 2030 sẽ ra sao, đến năm 2045 sẽ là như thế nào. Đây là việc khó lắm, không dễ, cho nên các đồng chí phải nghiên cứu, chuẩn bị hết sức công phu...” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ.

Như vậy, việc đặt ra mục tiêu và chiến lược phát triển đòi hỏi phải có tổng kết kỹ lưỡng và các dự báo, tầm nhìn trung, dài hạn, phải thực sự nhạy bén, khoa học. Lâu nay, các kỳ đại hội, chúng ta thường chỉ đặt mục tiêu tầm trung (5 năm) mà dự báo nhiều khi còn chệch, mục tiêu phát triển không đạt thì cả chặng đường dài, đặt ra mục tiêu và tính khả thi ra sao là cả vấn đề lớn. 

Từ thành tựu, kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới, chúng ta tiếp tục đề ra những mục tiêu phát triển tiếp theo. (Ảnh cầu Nhật Tân - cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hồng được xây dựng trong những năm gần đây).

Thực tế, kể từ sau đổi mới, chúng ta cũng từng đặt ra một mục tiêu phát triển với tầm nhìn 25 năm. Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”. Mô hình nước công nghiệp được vạch ra khi đó là: Lực lượng sản xuất lúc đó sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay.

Ở thời điểm năm 1996, nếu nói về mốc năm 2020 “trở thành nước công nghiệp”, ta thường có cảm giác còn xa. Bởi thế, khi đặt mục tiêu nước công nghiệp năm 2020 thì thực tế, trong quan điểm các nhà soạn thảo văn kiện ngày đó cũng chỉ áng lượng một cách chung nhất chứ chưa thể định hình nội hàm, mục tiêu cụ thể của “nước công nghiệp” có hình dáng, quy mô ra sao.

Nhìn lại chặng đường kể từ sau Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy nhiên nhiều vấn đề về điểm hẹn trở thành nước công nghiệp được nhìn nhận lại. Từ năm 1996 tới trước Đại hội XII, qua 4 kỳ đại hội Đảng, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là chiến lược xuyên suốt, nhất quán, được nêu rõ trong các văn kiện đại hội. Tuy nhiên, đến 2016 thì mục tiêu đã có sự điều chỉnh về thời gian.

Theo đó, văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát 5 năm (2016-2021) về kinh tế là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Như vậy, sau 20 năm, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được điều chỉnh về mặt thời gian, không còn xác định cán đích vào năm 2020. Cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, không ấn định cụ thể thời gian. 

Điểm lại tiến trình như vậy để thấy, mục tiêu “nước công nghiệp” đặt ra 25 năm trước đã lỗi hẹn, vậy hướng tới mốc 25 năm sau kể từ Đại hội XIII, chúng ta sẽ đặt ra mục tiêu làm sao để vừa thể hiện khát vọng hướng tới nhưng phải có tính khả thi. Hiện, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đã không còn dùng khái niệm “cơ bản trở thành nước công nghiệp” để xác định đích đến cho kế hoạch phát triển đất nước. Thay vào đó là các mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Vấn đề đặt ra: Vậy mốc năm 2025, nước “đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại” có phải là nước “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” như mục tiêu lâu nay chúng ta đặt ra không? Nếu khác nhau thì ở điểm nào? Vì sao không dùng khái niệm cũ như 25 năm nay (cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại) mà thay bằng khái niệm mới? Mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp thì “sớm” là khi nào, có phải năm 2025? Thiết nghĩ, vấn đề này ban soạn thảo văn kiện cũng cần có giải thích rõ hơn để nhân dân hiểu và hình dung các mục tiêu đặt ra, tránh mỗi giai đoạn lại đưa ra khái niệm, nội hàm khác nhau, cách hiểu khác nhau. 

Điểm nữa, việc đặt ra chỉ tiêu cần tính toán tính khả thi và các yếu tố tác động. Dự thảo đề ra mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây thực sự là khát vọng dân tộc về tương lai, tiền đồ đất nước. Tuy nhiên, tính khả thi cho mục tiêu này ra sao là vấn đề cần được làm rõ. Về mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt 7.500 USD/người, mục tiêu này gấp 3 lần hiện tại. Nếu đạt được sẽ là bước ngoặt mới về thu nhập bình quân đầu người. Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, liệu chỉ trong 10 năm tới, chúng ta có thể đạt được con số đó? Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, khó dự báo thì tốc độ phát triển kinh tế, thu nhập đầu người không phải lúc nào cũng thuận theo kế hoạch.

5 năm trước, khi xây dựng kế hoạch, mục tiêu phát triển, chúng ta không thể lường trước sự tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 khiến kinh tế thế giới đình trệ như hiện nay. Do đó, trong chặng đường phát triển tiếp theo, nếu có những diễn biến tương tự như vậy sẽ khiến kinh tế suy giảm mạnh, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu, lộ trình phát triển đặt ra.

Thực tế, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người là 1.200 USD, đến nay cũng chỉ gấp đôi. 2 năm qua, do kinh tế suy giảm, lương tối thiểu người lao động không tăng và dự kiến năm 2021 cũng “án binh”. Không tăng lương trong mấy năm liền trong khi giá cả biến động thì rõ ràng thu nhập bình quân đầu người giảm, con số tăng theo lộ trình lại vượt tầm tay.

An Nhi
.
.