Giữ đạo lý và thể diện dân tộc

Thứ Sáu, 15/11/2019, 14:03
Trong gia đình, bổn phận con cháu phải giữ đạo hiếu với truyền thống tổ tiên, ông bà, cha mẹ; trong quốc gia, dân tộc, mỗi người dân phải sống, hành xử sao cho không hổ thẹn với tiền nhân, phải giữ gìn những giá trị cao cả, thiêng liêng. Đó là thể diện, lòng tự tôn dân tộc, là cốt cách khi hội nhập vào thế giới sôi động.

Vậy mà không ít người lại có tư tưởng, quan điểm chỉ nhằm bới móc tiêu cực, thậm chí dựa vào những vụ việc đau thương của đồng bào để miệt thị, phỉ báng nước nhà. Điều ấy thực là tai hại.

Có hai sự việc diễn ra gần đây mà xét theo cả lý lẫn tình, phát ngôn và hành xử của họ chẳng những chà đạp vào nỗi đau con người mà còn hướng lái, suy diễn lệch lạc, miệt thị, phỉ báng dân tộc. Thật khó lý giải khi đó chẳng những là thế lực thù địch hay phản động lưu vong mà ngay chính những người đang dung dưỡng, hít thở trong bầu không khí thanh bình của quê hương, đất nước mà lại có những hành xử đi ngược với lẽ sống, đạo lý ở đời.

1. Vừa qua, trên một số báo chí trong nước và nước ngoài thông tin về việc hộ chiếu Việt Nam đứng hàng thứ 90 trong số 107 bậc của bảng xếp hạng mới nhất năm 2019, do hãng tư vấn đầu tư và định cư Henley & Partners (có trụ sở ở London) công bố ngày 1-10. Việc công bố thứ hạng hộ chiếu của các nước không phải là chuyện mới, tuy nhiên một số trang mạng nước ngoài và trang cá nhân của những kẻ chống đối đã lợi dụng chỉ số này để ra sức miệt thị, bài bác, phê phán từ vấn đề hộ chiếu đến vấn đề thiêng liêng là quốc thể.

Một số người đưa lên trang mạng các bình luận, nói rằng họ “hổ thẹn khi mang hộ chiếu Việt Nam”, cảm thấy “nhục nhã”, “xấu hổ” khi đi ra nước ngoài, khi ai đó hỏi “có phải người Việt Nam không”. Có đối tượng còn nêu ra những tồn tại của xã hội, từ việc kinh tế còn chậm phát triển đến vấn đề tham nhũng, tiêu cực để quy chụp đất nước “xuống đáy” do sự lãnh đạo của Đảng, do độc đảng, do mô hình CNXH...

Thực tế, trong vấn đề hộ chiếu, cần phải có cách nhìn nhận đầy đủ, khách quan. Bảng xếp hạng quyền lực hộ chiếu của Henley & Partners dựa trên cơ sở dữ liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), với tiêu chuẩn về số lượng quốc gia và vùng lãnh thổ mà công dân mỗi nước có thể dùng hộ chiếu đi vào mà không cần xin visa trước. Với căn cứ đó, mỗi nước tùy vào điều kiện cụ thể để đưa ra quy định có thể tăng hay giới hạn độ mở của hộ chiếu, cho phép công dân đi đến bao nhiêu quốc gia mà không cần visa.

Đây thực ra chỉ là một thủ tục chứ không có gì ghê gớm để nói “quyền lực hộ chiếu” hay sức mạnh thế này, thế kia. Không thể nói hộ chiếu đi được nhiều quốc gia thì nước đó văn minh, tiến bộ hơn nước có hộ chiếu đến được ít quốc gia hơn.

Mang hộ chiếu ra nước ngoài, chúng ta được bè bạn quốc tế tự hào bởi hai chữ Việt Nam. Đó là một Việt Nam anh dũng, bất khuất, chiến thắng trong chiến tranh và một Việt Nam hòa hiếu, mến khách, con người Việt Nam năng động, thông minh, cần mẫn trong hòa bình. Đương nhiên, cũng còn đó những thói hư, tật xấu vốn là tồn tại xã hội nhưng chỉ nhắc đến hai từ thiêng liêng Việt Nam, ở đâu trên địa cầu này, là con người đất Việt cũng phải có ý thức, lòng tự tôn, giữ thể diện dân tộc.

“Cáo chết quay đầu về núi”, vừa bước ra bên ngoài chưa ráo chân đã thị phi nơi mình sinh ra, lớn lên; rồi thì kẻ đang “trong bụng mẹ” cũng chửi bới cha mẹ mình thì họ làm gì có đủ tư cách để nói đến văn hóa, đạo đức?

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi báo chí liên quan vụ việc 39 người thiệt mạng trong container ở Anh.

2. Vụ 39 thi thể trong thùng container đông lạnh thuộc hạt Essex, Vương quốc Anh, gây bàng hoàng dư luận thế giới. Những cái chết nơi xứ người, nhất là trong những trường hợp di cư như vậy, việc phối hợp, xác định danh tính, quốc tịch, đưa thi thể nạn nhân về quê hương phải qua nhiều công đoạn, khó khăn về thời gian, không gian, địa lý, các thủ tục ngoại giao... Vậy nên, trong lúc này, không gì hơn, chúng ta cần sự chia sẻ, động viên về tinh thần tới những gia đình đang có thân nhân được nhận định liên quan đến vụ việc tang thương này. 

Thật đau lòng, ngay từ khi thông tin chưa rõ ràng, vụ việc đang được cơ quan chức năng Việt Nam và Anh, các bên liên quan vào cuộc một cách khẩn trương, trách nhiệm thì trên mạng internet, nhiều người đã vội vàng phán xét, đưa ra những bài viết, lời lẽ đi ngược với tình nghĩa đồng bào, đi ngược với đạo đức, lối sống, đạo làm người.

Nhiều người khi thấy thông tin có khả năng liên quan đến con em lao động người Việt thiệt mạng trong thùng container đã ngay lập tức phê phán chính sách đưa người đi lao động tại nước ngoài của Nhà nước Việt Nam. Mượn gió bẻ măng, nhiều người đã có tư tưởng cổ súy cho những quan điểm lệch lạc rằng, đã độc lập, tự do rồi, sao lại phải trốn đi nước ngoài lao động, từ đó tung ra những luận điệu mang tính thù hận rằng, người Việt ra đi là vì không chịu được với thực cảnh trong nước, vì chế độ, vì mất tự do, dân chủ, mất niềm tin...

Họ so sánh sự việc này với thực cảnh nhiều người Việt rời đất nước ra đi sau năm 1975 dạng “thuyền nhân” để miệt thị chế độ, nguyền rủa Đảng, Nhà nước với những lời lẽ rất tiêu cực. Có người suy diễn rằng, những nạn nhân “là hình ảnh chúng tôi ngày xưa, những người tỵ nạn! Họ hoàn toàn mất niềm tin vào cuộc sống nơi quê nhà, chết họ cũng ra đi, xin đừng nghĩ rằng họ ra đi chỉ vì tiền, họ can đảm hơn nhiều”.

Trong khi đó, nhiều người viện dẫn những hành động từ nước bạn rồi so sánh với trong nước, đưa ra những bình luận có tính suy diễn chủ quan, áp đặt với ý đồ nhằm tạo ra cách nhìn phản chiếu giữa nhà cầm quyền nước tư bản với thực tại ở Việt Nam.

Điều đáng nói, quan điểm, tư tưởng đó không chỉ xuất hiện trên những trang mạng thù địch, phản động nước ngoài mà ngay cả trong nước thì không ít người vẫn có tâm lý a dua, hùa theo, cổ súy theo. Họ share bài viết có nội dung xấu, độc về tường Facebook của  mình hoặc đưa ra các bình luận, ý kiến có tính cổ súy. Không ít người từng được Nhà nước cho ăn học ở nước ngoài, ở những nước tư bản phát triển để họ tích lũy tri thức về xây dựng đất nước, vậy mà trước sự việc đau lòng như vậy lại đi cổ súy cho những quan điểm miệt thị dân tộc, đất nước.

Đạo nghĩa, truyền thống dân tộc là gì? “Thương người như thể thương thân”, “nghĩa tử là nghĩa tận”, trong lúc bao gia đình còn đau đáu ngóng tin con, buồn bã, đau lòng khi có các dữ liệu, cơ sở cho thấy nhiều khả năng con mình là nạn nhân trong 39 thi thể được phát hiện nơi xứ người, chúng ta cần sự chia sẻ, sự cảm thông, động viên, giúp đỡ. Như thế mới là đạo nghĩa, là cái lẽ sinh tử ở đời. Sao trong lúc hoang mang như thế, trong lúc đau lòng như thế, lại đi bình phán, miệt thị, xúc xỉa ở đây và lại đưa những sự suy diễn, quy kết rất lố lăng?

Thực tế, trong vụ việc này, chúng ta đã, đang nỗ lực phối hợp với chính quyền sở tại tích cực giải quyết. Trước thông tin xác định nạn nhân người Việt trong vụ việc trên, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, đây là một thảm kịch nhân đạo nghiêm trọng.

“Chúng tôi hết sức đau lòng và xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân và mong họ sớm vượt qua những đau thương, mất mát to lớn này. Hiện Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan Cảnh sát Anh đang nỗ lực phối hợp tích cực xác minh danh tính các nạn nhân, nghi là người mang quốc tịch Việt Nam và sớm công bố thông tin. Việt Nam lên án mạnh mẽ các hành vi mua bán người, coi đây là tội phạm nghiêm trọng và phải bị trừng trị đích đáng...” - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.

Ngày 5-11, trước  Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân. Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các nước liên quan xác minh, làm rõ, có biện pháp bảo hộ công dân, đề nghị Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra làm rõ đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định rõ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực phối hợp với Vương quốc Anh để giải quyết vụ việc, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, xử lý hiệu quả tình trạng này.

Vụ 39 thi thể bị phát hiện trong thùng container ở Anh là thuộc trường hợp di cư  bất hợp pháp, người lao động đã rơi vào đường dây đưa người trốn ra nước ngoài, bị thao túng bởi các đường dây buôn người quốc tế. Việc so sánh vụ việc với chính sách xuất khẩu lao động của Đảng, Nhà nước là hết sức sai lệch về bản chất. Thứ hai, xuất khẩu lao động là chính sách phát triển của nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Do đó, không thể xuyên tạc việc lao động ra nước ngoài làm việc là vì mất niềm tin, không có chỗ sống, làm việc trong nước, càng không thể nói theo kiểu nước nhà độc lập, tự do, sao dân phải xa rời quê hương! Không thể lấy hình ảnh, vụ việc đau lòng đó để miệt thị con người Việt Nam là bỏ nước đi “lao động khổ sai, nô lệ”! Thứ ba, từ vụ việc, cũng là sự cảnh báo với các gia đình, hãy tỉnh táo trước khi quyết định cho con em ra nước ngoài.

Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên số, mọi thông tin đều bùng nổ toàn cầu. Dù ở đâu, trước bất cứ sự việc gì, thiết nghĩ mỗi người khi phát ngôn và hành động cần nghĩ đến quốc thể, vì lòng tự tôn dân tộc để hành xử sao cho đúng tư cách công dân.

An Nhi
.
.