Luận bàn về dân và nước:

Giữ dân có trước, giữ nước có sau

Thứ Sáu, 05/02/2010, 14:46
"Về nguyên tắc thì giữ dân có trước, giữ nước có sau. Có dân thì có nước. Hành trình cuộc văn minh loài người là thế. Nên các vị minh quân đời xưa bao giờ cũng quan tâm đến vấn đề giữ dân", Thiếu tướng - PGS.TS Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược CAND, ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, chia sẻ.

- Quan niệm về an ninh quốc gia đã và đang có những thay đổi như thế nào trong thời đại hiện nay, thưa ông?

- PGS. TS Lê Văn Cương: Nội dung của an ninh quốc gia bao gồm hai bộ phận. Phần thứ nhất là nói về độc lập thống nhất chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Ở đây người ta có gọi là an ninh sinh tồn. Bộ phận thứ hai là an ninh thể chế, tức là đảm bảo một thể chế chính trị ổn định, một xã hội bình yên. Hai nội dung này có từ xa xưa. Có nhà nước là có vấn đề an ninh quốc gia và có bảo vệ an ninh quốc gia. Nó tồn tại song hành với nhà nước ít ra 6.000 năm. Hiện nay an ninh quốc gia và nhận thức về nhiệm vụ an ninh quốc gia có gì mới? Những nhận thức mới và nhiệm vụ mới của an ninh quốc gia do những nhân tố mới tác động đến an ninh quốc gia.

Theo tôi có bốn nhân tố này. Thứ nhất là sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ nó kéo các quốc gia lại gần nhau làm cuộc sống nhẹ nhàng hơn nhiều.

Thứ hai là toàn cầu hóa trở thành một hiện thực khách quan. Sự phát triển của khoa học công nghệ tác động đến toàn cầu hóa và toàn cầu hóa tác động trở lại phát triển khoa học công nghệ. Đây là hai nhân tố quan trọng bậc nhất làm cho biên giới trở nên mềm hơn. Quốc gia vẫn tồn tại đấy nhưng rõ ràng an ninh quốc gia có những biến thái, những biểu hiện mới mà mỗi quốc gia dân tộc cần phải đề cập đến. Trong điều kiện các quốc gia dân tộc nương tựa vào nhau và không có ai độc lập hoàn toàn kể cả các siêu cường.

Thứ ba là nhân tố an ninh phi truyền thống. Trong đấy có nhân tố tồn tại từ trước chứ không phải ngay bây giờ nhưng đến bây giờ người ta khái quát thành một cụm gọi là an ninh phi truyền thống bao gồm an ninh kinh tế, an ninh mạng, vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái, dịch bệnh đối với người và cây trồng vật nuôi. Tất cả những vấn đề này thuộc cụm an ninh phi truyền thống buộc nhà nước và người dân phải nhận thức lại và đặt vấn đề an ninh quốc gia trong một điều kiện mới. Những vấn đề này đơn lẻ một quốc gia không thực hiện được. Nếu an ninh quốc gia truyền thống khoanh tròn trong "hàng rào"  lãnh thổ quốc gia thì bây giờ nó đã xâm nhập, lan tỏa và tác động vào nhau.

Thứ tư là vai trò ngày càng tăng của các tổ chức phi chính phủ. Điều này là mới. Cách đây 100   năm không có hoặc chưa rõ ràng. Bây giờ tất cả các quốc gia trên hành tinh này vai trò của tổ chức phi chính phủ càng ngày càng lớn. Các tổ chức dân sự này tham gia điều tiết, điều hòa các vấn đề xã hội, điều hòa quan hệ giữa nhà nước và công dân. Và như thế quản lý xã hội phần lớn vẫn là nhà nước nhưng một phần quản lý đã chuyển sang các tổ chức phi nhà nước, có bổ trợ lẫn nhau. Xã hội càng văn minh thì vai trò của các tổ chức phi chính phủ càng lớn. Nó chi phối mọi ngõ ngách đời sống. Có những vấn đề chính phủ không với tay được thì xuất hiện tổ chức phi chính phủ. Vì thế, nhận thức về an ninh quốc gia chắc chắn có những vấn đề mới. Nếu không chúng ta theo không kịp, thường xuyên ở trạng thái bị động ứng phó.

- Quan niệm về an ninh quốc gia này gắn chặt với vai trò và nghĩa vụ của mỗi công dân như thế nào? Từ trước đến nay chúng ta thường tập trung cho vấn đề "giữ nước". Trong bối cảnh hiện tại bên cạnh việc "giữ nước" vấn đề "giữ dân" cần được đặt ra như thế nào?

- PGS. TS Lê Văn Cương: Vai trò và nghĩa vụ của công dân đối với xã hội, với nhà nước cũng có những thay đổi nhất định. Trong chế độ nô lệ, quyền lực nằm trong tay chủ nô. Trong xã hội phong kiến kéo dài hàng nghìn năm vai trò thần dân cũng bị chi phối bởi quân vương, người dân làm chủ vận mệnh bản thân không được bao nhiêu. Trong  xã hội tư bản có một bước nhảy vọt lớn so với các xã hội trước. Còn trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa chúng ta đang xây dựng vai trò của người dân đến mức độ trở thành nhân vật trung tâm của lịch sử. Mọi hoạt động của nhà nước phải hướng vào người dân, phục vụ người dân và ngược lại, người dân cũng có vai trò ngày càng lớn trong việc kiến tạo một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Nó có hai mặt. Người dân ngày càng được giải phóng họ phải có ý thức về bản thân mình đối với mình, đối với cộng đồng, đối với đất nước.

Như vậy, đặt ra một vấn đề là trước kia chúng ta tập trung vào vấn đề giữ nước còn bây giờ thì vấn đề "giữ dân" đặt ra như thế nào? Về nguyên tắc thì giữ dân có trước, giữ nước có sau. Có dân thì có nước. Hành trình cuộc văn minh loài người là thế. Nên các vị minh quân đời xưa bao giờ cũng quan tâm đến vấn đề giữ dân. Trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay bờ cõi còn đấy nhưng đã bị vượt qua bởi hệ thống truyền thông đại chúng. Trước đây 100 năm, người dân ngồi một chỗ chỉ nghe thông báo của nhà nước qua các cơ quan chức trách về việc này việc kia trong nghĩa vụ của mình. Giờ đây người dân ngồi một chỗ có thể tiếp cận với cả thế giới.

Thế nên vấn đề giữ dân trở nên hết sức quan trọng và bức thiết. Trong bối cảnh này thì đây là vấn đề rất mới, hoàn toàn mới. Nhà nước muốn giữ được đất nước thì phải giữ dân. Muốn giữ được dân thì điều kiện phải là nhà nước trong sạch vững mạnh, người dân thấy tự hào về nhà nước của mình. Nhân dân tin cậy lãnh đạo, nhân dân quy tụ và đồng lòng nhất hô bá ứng. Thứ hai là nhà nước phải phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Khi đời sống được nâng lên rõ ràng, con người gắn bó với nhà nước, với cộng đồng thì chắc chắn việc giữ dân sẽ thành công.

- Chúng ta có một truyền thống rất lớn là tình yêu nước. Nhưng tình yêu nước phải được phát huy như thế nào để nó không chỉ thức dậy mỗi khi có giặc ngoại xâm mà trở thành niềm tự hào được là công dân Việt Nam, để hiểu mình vừa là chủ thể, vừa là tài sản quý giá nhất của quốc gia?

- PGS. TS Lê Văn Cương: Tình yêu nước của người Việt Nam ta không tự nhiên mà có. Ít nhất nó cũng được hun đúc từ mấy ngàn năm nay rồi. Trong đó có hàng ngàn năm cầm vũ khí chống ngoại xâm. Lịch sử nước Mỹ chỉ bằng một phần ba, một phần tư số năm chống ngoại xâm này. Trên thế giới này không có dân tộc nào như vậy cả. Thế hệ trước truyền lại thế hệ sau một lời nhắn gửi đã được trầm tích là hãy bảo vệ không gian sinh tồn của dân tộc. Nó trở thành bản năng, trở thành phản ứng tự vệ của từng cá nhân, của dân tộc. Truyền thống này vẫn còn đấy. Nó không chỉ ở những người dân trong nước mà còn ở cả 3 đến 4 triệu người Việt Nam ở nước ngoài nữa.

Để khơi dậy truyền thống này thì vai trò nhà nước ở vị trí số một. Năm 1300, trên giường bệnh Trần Hưng Đạo nói với vua Trần rằng "Không sợ gì giặc giã hết. Khoan thứ sức dân, trên dưới đồng lòng, vua tôi hòa thuận thì không có kẻ thù nào lấn át được ta". Chúng ta đã đứng trên bục vinh quang của sự nghiệp đánh giặc giữ nước thì giờ đây phải từng bước bước lên các bậc vinh quang của khoa học công nghệ, thể dục thể thao…Chủ trương và quyết sách của Đảng và Nhà nước đang đi theo hướng này. Có như vậy chúng ta mới khơi dậy được lòng yêu nước thường trực. Thế hệ này tự hào với dân tộc truyền lại cho thế hệ sau. Dù có đi bốn phương trời, người ta vẫn hướng về cội nguồn, vì chỗ ấy là mảnh đất sinh thành và đang sinh sôi nảy nở một cuộc sống bình yên tốt đẹp…

Lê Thành Tùng
.
.