Giao thừa đáng nhớ:

Giáo sư,TSKH Võ Quý:Chuếnh choáng men say những ché rượu núi

Thứ Năm, 28/01/2010, 14:10
Tây Nguyên vào mùa khô, những ngày giáp Tết, trời se se lạnh. Đó là những năm đầu tiên sau giải phóng, tôi cùng một nhóm nhà khoa học người Nga, dẫn đầu là Tiến sĩ Xôcôlốp vào Tây Nguyên nghiên cứu về sinh vật học.

Mải mê mấy tuần trong rừng, lúc ngẩng đầu lên thì tết đã treo đầu ngõ. Mùa xuân, rừng Tây Nguyên xanh, hoa nở đầy đường đi. Chúng tôi quyết định ở lại cắm trại và thưởng thức không khí Tết trong rừng. Đối với những người nghiên cứu như chúng tôi, chuyện ăn Tết trong rừng là bình thường, vì cuộc sống của chúng tôi đã gắn liền với cỏ cây, đất trời.

Chúng tôi chạy vào một bản người Thượng gần đó, mua lợn, nếp và các gia vị cần thiết để chuẩn bị Tết. Rồi gói bánh chưng. Hì hục làm thịt lợn, giã giò, chả. Không khí lắm. Mấy ông bạn người Nga to khỏe nhìn chúng tôi ngưỡng mộ và tò mò. Dù ăn Tết trong rừng nhưng chúng tôi vẫn có đủ những hương vị ngày Tết.

Nhưng đó mới chỉ là những đồ ăn ngày Tết, chưa đủ để làm nên Tết. Đêm trong rừng vắng lặng và lạnh lẽo. Chúng tôi quyết định đốt lửa trại, nhưng giao thừa mà không có nhạc thì buồn lắm. Giờ này, giữa rừng Tây Nguyên, tìm đâu ra nhạc cụ. Tôi chợt nhớ đến tiếng cồng chiêng, đặc sản của Tây Nguyên và chạy một mạch vào bản mời các cô gái Thượng, cùng nhóm  đánh cồng chiêng ra vui giao thừa với chúng tôi. Và rượu cần. Vậy là đủ.

Anh em quây quần nhảy múa trong tiếng cồng chiêng rộn ràng và trong chếnh choáng men say của những ché rượu cần. Núi rừng Tây Nguyên đang hòa với chúng tôi. Con người Tây Nguyên đang chia sẽ niềm vui với chúng tôi. Giữa hùng vĩ của đại ngàn, khoảnh khắc giao thừa trở nên linh thiêng kỳ ảo.Tôi cũng thấy ngạc nhiên, cứ nghĩ người  châu Âu sẽ lạc trong tiếng cồng chiêng, một thứ hoàn toàn xa lạ với văn hóa của họ nhưng họ đã hòa mình trong điệu múa một cách mê say.Tiếng cồng trong đêm giao thừa như có một sức mạnh ghê gớm, cuốn mọi người say trong từng bước chân điệu nhảy.

Đêm giao thừa, cả hội chúng tôi không ngủ được, mấy ông bạn người Nga thì say tiếng cồng mãi không dứt. Đó là một giao thừa ấm áp đối với những nhà khoa học như chúng tôi, quanh năm lăn lộn với rừng, coi rừng là nhà.  Cách đây hai năm khi tôi trở lại, chỗ  năm xưa chúng tôi từng đốt lửa trại đón giao thừa, giờ đã thành đập nước. Tôi đi tìm về bản người Thượng và ngạc nhiên sau bao năm xa cách, họ vẫn nhận ra tôi, và nhắc lại đêm giao thừa năm xưa. Thế mới biết, ấn tượng về đêm giao thừa giữa rừng Tây Nguyên trong mỗi người sâu đậm đến nhường nào

Khánh Linh(thực hiện)
.
.