Dư âm từ đêm nhạc Tiếng lòng:

Giáo sư-NSND Trọng Bằng: Hình ảnh người Công an đẹp lên rất nhiều

Thứ Ba, 06/01/2009, 15:00

- Thưa nhạc sĩ Trọng Bằng, sau khi xem chương trình âm nhạc "Tiếng lòng" của Hữu Ước, cảm nhận của nhạc sĩ như thế nào?

- Tôi đã được nghe, xem 2 lần rồi đấy. Lần thứ nhất là anh Ước tổ chức làm từ  thiện để mua mấy ngàn con trâu cho đồng bào nghèo. Lần này lại tiếp tục đêm nhạc vì một cái Tết ấm cúng cho người nghèo. Tại sao tôi đến bởi tôi thấy anh Ước là một nghệ sĩ tuy không chuyên về âm nhạc nhưng cũng là một nghệ sĩ có truyện ngắn, thơ ca, và là một nhà báo rất sắc sảo.

Ở đây ta không bàn sâu về âm nhạc, mà phải nói rằng, Hữu Ước là một con người có một tấm lòng. Biết sử dụng những cái gì mình có, và biết tập hợp vận động những người giúp mình để có được một đêm nhạc. Đây là một điều rất đáng hoan nghênh.

Ở nước ta cũng có nhiều nhạc sĩ cũng chỉ làm nên những giai điệu và nhờ những người khác phối khí, chứ ít người có đủ năng lực và chỉ một mình là nhạc sĩ chuyên nghiệp và làm độc lập hết tất cả.

Ở đây tôi thấy anh Ước cũng đi theo con đường ấy thôi nhưng không chuyên bằng những người khác, chứ rất nhiều các nhạc sĩ khác đã làm nhạc của mình từ những giai điệu. Nhưng trong giai điệu ấy, anh Ước đã thể hiện được cá tính của mình.

Anh Ước là một người có tâm hồn nghệ sĩ, trong những giai điệu của anh ấy thôi, anh cũng đã học được, tập được, và cũng nắm bắt được những điều kiện và những yếu tố cần thiết để huy động những người quý mến anh, cũng có tấm lòng như anh để có được một đêm nhạc. Tôi cho rằng đó là một điều hết sức đáng quý, rất đáng hoan nghênh.

- Thưa nhạc sĩ Trọng Bằng, ông có thể nhận xét từ chương trình âm nhạc đầu tiên cho đến chương trình lần này, trong vòng 9 tháng, khoảng thời gian không phải là nhiều, liệu Hữu Ước đã có một bước chuyển mình nào không, hay chỉ là "vẫn như cũ"?

- Rõ ràng ở chương trình này nó có tính âm nhạc hơn, tính nghề nghiệp hơn. Lần trước, anh Ước huy động cả những nghệ sĩ nhân dân của nhiều ngành nghệ thuật như kịch nói, họa sĩ, âm nhạc để hát một bài "Chúng tôi là nghệ sĩ".

Lần này hoàn toàn là các nhạc sĩ, những người có tay nghề, những người biết hòa khí, phối khí, những người biết phối âm, những người biết dàn dựng, những người biết chỉ huy và làm nhạc rất chuyên nghiệp.

Anh Ước đã cùng họ (không nên nói là nhờ họ, vì chắc chắn anh Ước có ý đồ riêng của anh ấy) để làm nên những tác phẩm tương đối, có thể nói là hấp dẫn và nghe được, rất đáng hoan nghênh. Tôi khẳng định lại là tôi rất hoan nghênh tấm lòng của anh Ước.

Anh ấy nghĩ đến người nghèo, nghĩ đến những người thất cơ lỡ vận, những người bị thiên tai, những người tật nguyền, và anh cố làm thế nào, vận dụng được cái gì mình có và có đủ các điều kiện để lo cái Tết cho người nghèo. Anh Ước thì giàu hơn các nhạc sĩ kia nhiều (cười) bởi vậy, anh làm cái này giỏi hơn, giỏi lắm đấy (cười).

- Dưới con mắt một nhạc sĩ đơn thuần, một nhạc sĩ chuyên nghiệp, ông có thể nói một chút về chuyên môn trong âm nhạc của Hữu Ước?

- Ở đây, âm nhạc chuyên môn thì tôi cũng đã nói, cũng giống như một số nhạc sĩ, có cái giai điệu rồi nhờ người ta phối âm phối khí, cái này là quan trọng lắm. Một bức vẽ thì không thể vẽ mộc được, phải có màu sắc, tất cả. Anh Hữu Ước cũng có gu, có thẩm mỹ, biết hướng dẫn, biết đòi hỏi phải trình bày ra sao.

Tôi thấy anh Ước lần này khá hơn lần trước rất nhiều. Và để làm được một đêm nhạc không phải đơn giản đâu, một đêm nhạc hoành tráng, tất cả mọi thứ. Khi có đủ điều kiện (tôi không nói về tiền) như âm nhạc, tình bạn, người giúp đỡ thì làm thế là quá tốt.

Tôi đã từng nghe âm nhạc của những doanh nhân, ví như Hà Dũng đấy, họ cũng bỏ ra nhiều tiền, rất nhiều để làm âm nhạc hoành tráng. Còn họ có tấm lòng họ mời mình đi xem để mình góp ý kiến là tốt. Hôm qua tôi gặp anh Ước nói rằng, lần này cậu làm khá hơn lần trước nhiều lắm.

- Thế còn độ chuyên nghiệp?

- Âm nhạc của ta bây giờ thì độ chuyên nghiệp của hầu hết tác giả trong nước, kể cả những nhạc sĩ nổi danh nếu đứng ra một mình thì cũng chẳng thể tổ chức được một đêm nhạc đâu.

Hiếm người đứng ra một mình, tự tổ chức được đêm nhạc, nhất là giao hưởng từ phối âm phối khí cho đến dàn dựng cũng của mình là hiếm lắm. Ở hoàn cảnh nước ta, ta chấp nhận thế.

Cái quan trọng là tác dụng và sự hưởng ứng của quần chúng, lôi cuốn được mọi người, hấp dẫn được mọi người. Tôi khẳng định chương trình lần này có tính chuyên nghiệp hơn, không chỉ riêng anh Ước mà trong đó có rất nhiều người, thậm chí có rất nhiều học trò tôi. Phạm Ngọc Khôi là học trò của tôi đấy chứ. Họ đã góp sức để làm cho hiệu quả đêm nhạc thành công tốt đẹp.

- Thưa nhạc sĩ, nếu làm một người nhặt sạn thì nhạc sĩ sẽ nhặt ra được những thiếu sót nào?

- Cái gì mà chẳng có sạn, huống hồ là một đêm nhạc lớn như thế. Một đêm nhạc lớn như thế, hoành tráng như thế dù có hoàn hảo đến mấy cũng phải có những thiếu sót. Ví dụ như đêm đầu tiên thì âm thanh nhiều khi không kiềm chế được, to quá,…

Nhưng cũng có lẽ không nên nói về hạt sạn, làm thế nào mà tránh được những thiếu sót, song thiếu sót so với thành công thì cái thiếu sót đó không đáng kể, mà thành công là đáng nói hơn.

- Nhạc sĩ chắc hẳn đã nghe nhiều dư luận trước khi đêm nhạc diễn ra, trong đó không ít những ý kiến từ nhiều phía không mặn mà ủng hộ. Thế còn ý kiến của nhạc sĩ khi Hữu ước tổ chức chương trình âm nhạc của riêng mình?

- Tôi rất tôn trọng mọi người. Mặc dầu tôi là một nhạc sĩ chuyên nghiệp. Đêm nhạc của tôi thì tất cả đều là của tôi. Nhưng đó là tôi, còn những người khác làm được cái gì thì rất hoan nghênh họ. Thế cho nên tôi nghĩ không nên đả phá, ai đả phá thì cứ đi làm đi để lấy tiền mà mua trâu lo Tết cho người nghèo.

Khó lắm, phải không cháu, không phải đùa đâu. Cho nên ta phải nên khen ngợi. Chứ anh Ước có nói ta đây là một trường phái âm nhạc đâu, hay ta đây là khai sinh một dòng nhạc mới đâu. Như thế là không được, anh Ước không bao giờ dám tuyên bố như thế.

Tất cả đây là một sáng tác cho nên có nhiều người xúm lại giúp đỡ anh ấy để ra được một chương trình biểu diễn là chuyện bình thường. Và có bao giờ anh Ước nhận mình là nhạc sĩ đâu. Ngay cả đến giới thiệu đêm nhạc, MC cũng chỉ nói là Thiếu tướng, Nhà văn Hữu Ước cơ mà.

- Có phải những ý kiến này nọ xuất phát từ thói quen tị hiềm của một số người?

- Cuộc sống âm nhạc, đời sống âm nhạc trong xã hội là cả một con đường dài. Và tùy trong hoàn cảnh này nó mới sinh ra cái ấy, còn trong hoàn cảnh khác thì khó lắm. Ai có điều kiện thì làm, làm thành công và với mục đích (đặc biệt tôi luôn luôn nói về tấm lòng của Hữu Ước, chính nhờ có tấm lòng ấy mới đẩy ra được những cái đó).

Còn những ý kiến chê bài, dè bỉu, không xây dựng là không cần thiết. Mình là mình chứ, nhạc giao hưởng là nhạc giao hưởng ông Bằng chứ ai nói nhạc giao hưởng ông Ước. Thế nhưng mỗi người có một lĩnh vực và phải rất tôn trọng nhau chứ.

Anh làm nhạc có thể làm thơ, viết báo, viết văn và vẽ tranh. Anh làm thơ có thể viết nhạc, vẽ tranh. Nào ai cấm ai! Cho nên tôi muốn nhấn mạnh tôi không tán thành các ý kiến hẹp hòi, đố kị mà rất hoan nghênh ý đồ, cái tâm của anh Ước. Chương trình âm nhạc đặt tên "Tiếng lòng" là đúng.

Chương trình âm nhạc của anh Ước mấy ngày qua dù nó như thế nào, chưa phải là đêm nhạc chuyên nghiệp nhưng nó đã huy động được sức mạnh, sức sáng tạo của những người khác để làm nên một đêm nhạc hoành tráng là đáng hoan nghênh. Anh Ước là một người ở trong ngành Công an, mà anh lại rất đam mê nghệ thuật, anh Ước làm được như thế là rất đáng hoan nghênh.

Anh đã góp phần làm đẹp nên hình ảnh người cán bộ Công an không chỉ có những bản án nghiệt ngã, những quyết định lạnh lùng liên quan đến sinh mệnh của một con người mà trong tâm hồn người cán bộ Công an còn có tiếng lòng được cất lên đẹp đẽ và hướng thiện.

Tôi chỉ muốn khẳng định lại một lần nữa những gì đóng góp được cho đời sống âm nhạc một cách chân chính (chân chính ở đây là không làm điều gì bậy bạ), chân chính đây là bỏ vốn ra, huy động được nhiều người có tay nghề góp sức mỗi người một thế mạnh để làm nên một đêm nhạc hoành tráng như thế là rất đáng hoan nghênh

.
.