Hành trình đi tìm sự bình đẳng của người da đen ở Mỹ:

Gian khó dài lâu

Thứ Tư, 26/11/2008, 10:00
Năm 1652, bang Rhode Island đã thông qua đạo luật đầu tiên ở cả khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ cấm sở hữu nô lệ. Đưa ra sáng kiến thực hiện việc này là nhà thần học Roger Williams. Ông cũng là người đầu tiên đã xác định nguyên tắc tách nhà thờ khỏi nhà nước... Từ đó tới nay, hành trình đi tìm sự bình đẳng của người da đen ở Mỹ đã trải qua nhiều thăng trầm và rất từ từ nhưng rốt cuộc cũng đã đạt được nhiều bước tiến to lớn.

Bắt đầu từ sau cuộc bầu cử Tổng thống ngày 4/11/2008 vừa qua, nước Mỹ sẽ có vị Tổng thống đầu tiên là người da đen, ông Barack Obama.

Năm 1807, vị Tổng thống Mỹ thứ ba Thomas Jefferson đã ký ban hành sắc lệnh cấm buôn bán nô lệ. Và cũng khá trớ trêu là, trong suốt giai đoạn lịch sử sau đó ở Mỹ chỉ có duy nhất một thuyền trưởng bị xử lý hình sự vì chuyên chở nô lệ trên tàu của mình. Ông ta không gặp may.

Các tay buôn nô lệ thời đó thường sử dụng tàu treo cờ của các quốc gia khác, thí dụ như của Anh chẳng hạn, mỗi khi có tầu Mỹ tiến lại gần tàu của chúng. Viên thuyền trưởng trên đã nhìn nhầm tàu Mỹ thành tàu Anh nên đã trương lá cờ Mỹ lên và để cho những người lính tuần dương khám xét tàu và phát hiện ra gần 120 nô lệ. Viên thuyền trưởng đó đã  bị xử ở New York và bị treo cổ...

Năm 1857, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ đã đưa ra một quyết định mang tính biểu tượng trong vụ Dred Scott chống lại Sandford. Dred Scott vốn là một nô lệ ở bang Missouri. Từ năm 1833 tới năm 1843, Scott sống ở bang Illinois, nơi chế độ nô lệ bị cấm. Khi trở về Missouri, Scott kiện ra toà với lời khẳng định rằng anh ta là người tự do vì đã cư trú một thời gian dài ở một bang "tự do".

Toà án Tối cao công nhận rằng, nô lệ sẽ là nô lệ cho tới khi được chủ nô chính thức giải phóng. Quyết định này là một chiến thắng lớn của những kẻ ủng hộ việc duy trì chế độ nô lệ.

Bốn năm sau đó tại Mỹ bùng nổ nội chiến, một phần bị châm ngòi cũng bởi vấn đề nô lệ. Rốt cuộc là chế độ nô lệ đã bị xoá sổ ở Mỹ. Cũng trong thời gian diễn ra nội chiến, tháng 5/1862, vị Tổng thống Mỹ thứ 16 Abraham Lincoln đã ký Tuyên ngôn giải phóng những người nô lệ (có hiệu lực từ ngày 1/1/1863) mang lại tự do cho 4 triệu người.

Giai đoạn lịch sử này ở nước Mỹ chứa đựng khá nhiều mâu thuẫn tới tức cười. Trong vai trò các chuyên gia xác định mức bồi thường cho các chủ nô cũ lại là chính những kẻ buôn bán nô lệ. Viên tư lệnh của lực lượng miền Bắc, tướng Ulysses Grant (về sau trở thành vị Tổng thống Mỹ thứ 18) lúc đó vẫn có tới 4 nô lệ mà suốt một thời gian dài ông cứ cương quyết không chịu giải phóng cho họ, bất chấp cả luật pháp. Còn đối thủ của ông, viên tướng của những người miền Nam Robert Lee lại là người cực kỳ phản đối chế độ nô lệ và ngay từ năm 1840 đã trả lại tự do cho các nô lệ của mình...

Tới năm 1865, Quốc hội Mỹ đã thông qua điều tu chính thứ 13 đối với Hiến pháp, loại bỏ hoàn toàn chế độ nô lệ. Kết quả là 40 nghìn nô lệ còn lại ở bang Kentucky và 1 nghìn ở bang Delaware (những bang này đã không được nêu tên trong Tuyên ngôn Giải phóng của Lincoln) được giải phóng. Cũng trong năm đó, tổ chức Ku Klux Klan (KKK) xuất hiện với mục tiêu sử dụng các biện pháp bạo lực để duy trì giả định về sự ưu việt của những người da trắng...

Năm 1866, điều tu chính thứ 14 đối với Hiến pháp đã được thông qua, bảo đảm  cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ như nhau từ phía pháp luật. Luật Dân quyền (Civil Rights Act) quy định, tất cả những ai sinh ra trên lãnh thổ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đều có quyền có quốc tịch Mỹ, ngoại trừ những người da đỏ (được coi là công dân của bộ tộc mình).

Tới năm 1869, Quốc hội Mỹ đã thông qua điều tu chính thứ 15 đối với Hiến pháp, cấm phân biệt chủng tộc khi áp dụng pháp luật trong quyền bầu cử. Tất cả các công dân Mỹ đều có quyền bầu cử không phụ thuộc vào chủng tộc, sắc tộc và "những điều kiện làm việc cũ" (tức là những cựu nô lệ). Tất cả các nam công dân da đen ở Mỹ khi đó đã được nhận quyền bầu cử. Và cũng trong thời điểm này ở Mỹ đã xuất hiện nhà ngoại giao đầu tiên là người Mỹ gốc Phi: ông Ebenezer Bassett được cử làm đại sứ Mỹ ở đảo quốc Haiti.

Năm 1870, tại Thượng viện Mỹ lần đầu tiên đã có một thượng nghị sĩ da đen, ông Hiram Revels. Cũng trong năm đó tại Hạ viện cũng có một đại diện dân bầu là người da đen: ông Joseph Rainey. Theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội Mỹ, (Congressional Research Service), từ thời điểm đó tới nay tại Quốc hội Mỹ đã có 121 nghị sĩ da đen, trong số này kể cả những ông nghị đại diện cho quận liên bang Columbia và quần đảo Virginia thuộc Mỹ  vốn chỉ có quyền tham nghị...

Tới năm 1873, nước Mỹ đã có một vị Thống đốc bang đầu tiên là người da đen: ông Pinckney Pinchback được Washington cử làm Thống đốc bang Louisiana vì người tiền nhiệm ở đây đã bị bãi chức. Vị Thống đốc da đen này chỉ trụ được ở vị trí của mình vẻn vẹn có 35 ngày. --PageBreak--

Và phải tới năm 1990 nước Mỹ mới có vị Thống đốc bang thứ hai là người da đen: ông Douglas Wilder ở bang Virginia. Ông Wilder là người da đen đầu tiên trở thành Thống đốc bang nhờ bầu cử. Năm 2008, tại Mỹ có hai vị Thống đốc bang là người da đen mà trong đó, Thống đốc bang New York David Paterson lại là vị Thống đốc bang duy nhất là người khiếm thị.

Lịch sử cho thấy, diễn tiến của hành trình đi tìm sự bình đẳng xã hội của người da đen ở Mỹ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Thậm chí tới năm 1896, Toà án Tối cao ở Mỹ còn đưa ra học thuyết cùng tồn tại riêng rẽ nhưng bình đẳng giữa người da trắng với người da đen. Học thuyết này trong thực tế đã hợp pháp hóa tâm lý kì thị sắc tộc còn tồn tại ở các bang miền Nam. Mọi sự diễn ra tới mức năm 1954, Tòa án Tối cao đã phải bãi bỏ quyết định cũ đó của mình.

Năm 1914, vị Tổng thống Mỹ thứ 28 Woodrow Wilson lại bắt đầu tiến hành chính sách kỳ thị sắc tộc ở các cơ quan cấp chính quyền liên bang - ông ra lệnh bãi miễn tất cả những quan chức da đen ít nhiều có ảnh hưởng. Trong khi đó, oái oăm thay, trên chính trường quốc tế, ông Wilson lại ra sức đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của những cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số (!).

Tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn đeo đẳng trí óc người Mỹ một cách dai dẳng. Mãi tới năm 1941, vị Tổng thống thứ 32 Franklin D. Roosevelt mới ký sắc lệnh lừng danh số 8802 (Executive Order 8802), bãi bỏ chính sách phân biệt chủng tộc khi nhận người vào làm việc tại các xí nghiệp quốc phòng được nhận đơn đặt hàng của nhà nước. Sắc lệnh này được thông qua dưới sức ép của những tổ chức công đoàn tập hợp trong đội ngũ của mình những người công nhân da đen.

Năm 1948, vị Tổng thống Mỹ thứ 33 Harry Truman đã cấm phân biệt chủng tộc trong các lực lượng vũ trang Mỹ...

Theo dòng thời gian, những hạn chế đối với người da đen ở Mỹ trong lĩnh vực học tập cũng dần dà được tháo gỡ. Năm 1955, chỉ có khoảng 4,9% số sinh viên đại học ở Mỹ là người da đen. 5 năm sau đó, tỉ lệ trên đã tăng lên tới 6,5% nhưng ở 5 năm tiếp theo, nó lại tụt xuống còn 4,9%. Phải nhờ tới những biện pháp triệt để hơn trong việc củng cố cơ sở luật pháp cho quyền tiếp nhận tri thức bình đẳng giữa các sắc tộc, tỉ lệ sinh viên đại học là người da đen ở Mỹ mới bắt đầu gia tăng rõ rệt vào những năm 60-70 của thế kỷ trước.

Năm 1954, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết về vụ việc vô tiền khoáng hậu "Brown chống lại Hội đồng Giáo dục". Khi đó tại nhiều bang ở Mỹ có những trường da trắng và những trường da đen.

Năm 1951, ông Oliver Brown, da đen, đã kiện Hội đồng Trường học Thành phố nhân danh cô con gái 8 tuổi của mình. Ông Brown muốn con gái mình vào học ở trường dành cho trẻ em da trắng cách nhà 5 khu chứ không phải ở trường dành cho trẻ em da đen nằm cách nhà 21 khu. Công nhận là hai trường đó như nhau, toà án đã ra phán quyết ủng hộ ông Brown.

Theo đà này, các bậc phụ huynh của các em học sinh da đen ở các bang Nam Carolina, Virginia và Delaware cũng kiện lên toà án với lý do tương tự. Toà án bang Delaware đã công nhận rằng, các trường học dành cho trẻ em da đen kém hơn các trường dành cho trẻ em da trắng và buộc phải chuyển trẻ em da đen vào học ở các trường da trắng.

 Thế nhưng, lãnh đạo nhà trường đó không đồng ý và kháng cáo lên Toà án Tối cao Hoa Kỳ. Tòa án tối cao sau khi nghe lập luận về các vụ việc trên đã ra phán quyết  rằng, học thuyết về các quyền riêng rẽ nhưng bình đẳng không thể có chỗ trong lĩnh vực giáo dục và việc phân biệt đối xử trong các trường công tước bỏ quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng của trẻ em da đen. Phán quyết này đã đặt dấu chấm hết cho sự phân biệt chủng tộc đối xử ở Mỹ....

Cũng theo dòng thời gian, số lượng những khu vực mang tính cấm kị (không phải bằng luật pháp mà trong ý thức của con người) đối với các đại diện da đen ở Mỹ dần dà bị thu hẹp lại. Năm 1966, vị Tổng thống Mỹ thứ 36 Lyndon Johnson lần đầu tiên đưa một người da đen vào thành phần chính phủ. Đó là ông Robert Weaver. Ông Weaver được cử làm Bộ trưởng Bộ Nhà ở và phát triển đô thị. Năm 1967, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một thành viên của Tòa án Tối cao là người da đen: ông Thurgood Marshall...

Tới năm 1983, Quốc hội Mỹ quyết định chọn ngày Luther King, vị mục sư da đen bị ám sát (thường được kỷ niệm vào ngày thứ ba trong  tháng 1 hàng năm) làm ngày lễ ở tầm quốc gia. Lần đầu tiên ngày lễ này được kỷ niệm là vào năm 1986.

Năm 2001, lần đầu tiên có một người da đen được giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Đó là ông Colin Powell. Trước đó, ông Powell cũng là người da đen đầu tiên trở thành vị tướng lãnh đạo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ vào năm 1989. Người da đen thứ hai được đảm đương chức Ngoại trưởng Mỹ là bà Condoleezza Rice...

Thế Phượng
.
.