Nhan sắc làng ta:

Giai nhân tự cổ

Thứ Tư, 25/12/2013, 10:30

Bởi nếu không có nhan sắc, thế giới đã trở thành một căn nhà hoang vu.
Người nông dân không cần ra đồng, thương nhân không cần mỉm cười với đối tác.
Thi sĩ không cần làm thơ, văn nhân không cần viết sách.
Và một gã viết báo như tôi, thừa thời gian để rong chơi.

Nhan sắc hay không nhan sắc, phàm nhân hay thánh nhân, quan nhân hay thường dân… ai cũng đều có nhu cầu lập danh. Đó là một nhu cầu vô cùng chính đáng.

Sống trên đời, quanh đi quẩn lại cũng chỉ một chữ danh.

Cái đẹp, đâu chỉ cần trong mắt kẻ si tình. Cái đẹp phải được trang sức bằng danh hiệu, để những kẻ không si tình cũng phải muốn mình đẹp.

Cô em trẻ măng, muốn danh hiệu đã đành. Cô em đã không còn trẻ nữa, thành tre ngà rồi, vẫn khao khát danh hiệu đến khôn cùng.

1. Làng tôi có nhiều người đẹp. Có người đẹp tự nhiên, có người đẹp không tự nhiên. Trẻ con tếu táo: “Phi dao kéo, bất mỹ nhân”.

Người đẹp làng tôi, không biết làm gì mà ai cũng trở nên giàu có. Mặc cho, tiền không phải là tất cả nhưng tất cả phải vì tiền.

Người đẹp làng tôi, áo quần có giá bằng biệt thự, xe ngựa có giá bằng villa. Mái đình cong cong, phủ rêu nghiêng sắp đổ không ai quan tâm. Chứ người đẹp mà đi chơi đêm về bị chó đuổi, chạy sút dép thì lập tức ầm ĩ cả lên.

Thôi cũng phải, đình sập thì xây đình mới, chứ người đẹp có mệnh hệ gì thì biết lấy ai thay thế đây.

Xuân hạ thu đông, mỗi mùa làng tôi tổ chức một cuộc tìm kiếm người đẹp khác nhau.

Mùa xuân, thi người đẹp năm mới.

Mùa hạ, thi người đẹp áo manh.

Mùa thu, thi người đẹp lá rụng.

Mùa đông, thi người đẹp chăn bông.

Mùa nào, người đẹp đấy. Làng tôi vui như hội cả năm.

Cụ Tổng, cụ Lý, cụ Đề… đầu hôm tảng sáng, tất bật thét mõ loan tin về người đẹp, họp hành về người đẹp.

Phàm sinh con trai, người trong làng ngửa cổ cười sằng sặc, cười mà nước mắt rơi.

Phàm sinh con gái, người trong làng lặng im, tổ chức cỗ linh đình bảy đêm tám ngày ăn mừng lộc trời.

2. Sau khi lựa được người đẹp nhất trong số những người đẹp của làng, chức sắc trong làng sẽ hộ tống người đẹp làng tôi sang làng khác tham dự cuộc cạnh tranh nhan sắc với người ta.

Người đẹp làng tôi được chăm bẵm từng chút một. Y như, chăm trâu để tế trời.

Người đẹp làng tôi, đi thi người đẹp với làng khác, bao giờ cũng có giải. Không giải nhất thì giải nhì, không giải nhì thì giải ba, không giải ba thì giải tư, không giải tư thì giải năm, không giải năm thì giải sáu… Thể nào, cũng có giải gì đó.

Người đẹp mang giải về làng, làng vui hơn hội. Anh mõ rao đằng đông, chị mõ rao đằng tây.

Người đẹp làng tôi có giải, lập tức trở thành một người đẹp khác. Người đẹp làng có giải ăn vận sang trọng hơn người đẹp làng không có giải. Mỗi lần làng cần gì, người đẹp làng có giải sẽ đại diện cho làng, dấn thân vào chốn phong sương.

3. Người đẹp làng tôi đi thi nhan sắc với người đẹp làng khác, lắm lúc cũng gặp lỡ lầm. Có khi, đến phần thi áo tắm thì lại mặc áo dài, phần thi áo dài thì khoác đồ dạ hội, phần thi đồ dạ hội thì hồn nhiên nhầm sang phần thi ứng xử...

Không có sao đâu, dân làng tôi đều châm chước hết. Miễn sao, người đẹp mang được danh hiệu về.

Cụ Tổng nói: “Phúc đức ba đời cái làng này, toàn sinh người đẹp”.

Cụ Lý nói: “May mắn thay làng ta, giai nhân đông như mối trong hang”.

Cụ Đề nói: “Vừa đẹp người lại vừa đẹp nết, năm nào cũng có giải”.

Người đẹp làng tôi hôm đi thăm ruộng, nói bâng quơ: “Em đại diện cho các chị chân lấm tay bùn, vinh danh cái đẹp làng mình cho làng khác biết. Các chị phải nhớ ơn em, nha chưa?”.

Phụ nữ trong làng đang cấy lúa, tay bùn quẹt mặt, nhìn người đẹp mắng xơi xơi: “Cái đồ ấm đầu, cô đoạt danh hiệu gì đó là chuyện của cô. Liên quan gì đến chúng tôi mà đại diện với không đại diện”.

Người đẹp làng tôi nghe vậy, buồn lắm, quay người bỏ đi.

Nhưng, người đẹp không có buồn lâu đâu. Vì ngày mai, ngay ngày mai thôi, làng tôi lại tổ chức cuộc thi người đẹp khác.

Và lúc này, cụ Tổng, cụ Lý, cụ Đề đang hân hoan nghĩ về ngày làng được vinh danh.

Mặc mái đình cong cong đầy rêu chuẩn bị đổ...

Hoàng Lãm- Nguyệt Lãng (thực hiện)
.
.