Giấc mơ 2021: Vaccine ngừa COVID-19 được tiêm đại trà

Thứ Tư, 10/02/2021, 10:28
Cùng với rất nhiều nước trên thế giới, ngành y dược Việt Nam đã bắt tay nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19. Rất nhiều người kỳ vọng năm 2021, chúng ta sẽ có vaccine tiêm đại trà cho người dân, tiến một bước quan trọng trong quá trình chiến đấu và chiến thắng một đại dịch bệnh. Giấc mơ này có bao nhiêu phần trăm khả năng thành hiện thực? ANTG GT - CT hỏi chuyện một số chuyên gia đầu ngành, những người cùng tham gia vào các công đoạn khác nhau của một trong những giấc mơ lớn 2021!


Tiến sĩ Dương Hữu Thái - Viện trưởng Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC): Chuẩn bị tiêm vaccine thử nghiệm trên người mới chỉ là vạch xuất phát

- Phóng viên (PV): Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) là đơn vị thứ hai ở Việt Nam tiến hành tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người. Những thuận lợi nào đã giúp nhà sản xuất IVAC rút ngắn được thời gian so với dự kiến thưa ông?

- Tiến sĩ Dương Hữu Thái: Thuận lợi duy nhất là chúng tôi có sẵn cơ sở hạ tầng, kinh nghiệm và công nghệ nền tảng sản xuất vaccine cúm, có thể chuyển đổi sang vaccine ngừa COVID-19.

IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi để thực hiện quy trình sản xuất vaccine COVID-19, đây cũng là công nghệ được nhiều hãng nghiên cứu vaccine trên thế giới sử dụng. IVAC có giống gà nhập từ Pháp, được lấy trứng theo quy trình sạch để phục vụ nghiên cứu và đã thành công với sản xuất vaccine A/H5N1 đã được thiết lập với công suất 3 triệu liều/năm.

Khi nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa COVID-19, chúng tôi sử dụng chủng NDV-Lasota-S làm vector biểu hiện protein S của virus Corona. Đây là chủng có độc lực thấp được sử dụng trong nhiều loại vaccine. Quá trình sản xuất vaccine trải qua nhiều bước. Đầu tiên, chủng NDV-Lasota-S được tiêm vào dịch niệu đệm trứng gà. Bước này giúp nuôi cấy virus. Khi chúng nhân bản, túi dịch chứa virus trong trứng gà được hút ra ngoài để tinh chế, lọc tách. Sau đó, virus được bất hoạt, không còn khả năng gây bệnh nhưng vẫn giữ nguyên đặc tính ban đầu rồi đưa vào bào chế sản xuất vaccine.

- Đối với SARS-CoV-2 - một virus mới và biến thể liên tục thì việc dựa vào công nghệ sản xuất vaccine truyền thống liệu có hiệu quả?

- Về cơ bản công nghệ cũ vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, vaccine phải trải qua một quá trình nghiên cứu, chế tạo, còn virus lây lan và biến đổi nhanh. Việc chúng tôi chuẩn bị thử nghiệm trên người vào cuối tháng 1-2021 mới chỉ là vạch xuất phát, còn cả một quá trình ở phía trước.

- Trong tình hình virus SARS-CoV-2 có biến thể tại Anh, Nam Phi và mới đây nhất là Nhật Bản, theo ông vaccine có đi sau virus hay không? Hiệu quả phòng bệnh liệu có được như mong muốn?

- Không ai có thể trả lời ngay được rằng virus biến thể mới có vô hiệu hóa vaccine hay không. Vì không chỉ là biến thể mới này, mà tiếp tục sẽ xuất hiện những biến thể mới khác nếu dịch bệnh COVID-19 chưa kết thúc. Cũng như cuộc chiến với dịch bệnh nói chung, khi dịch bệnh biến đổi thì vaccine cũng phải thích nghi, biến đổi theo để chống lại virus. Nhiều nhà khoa học cho rằng vaccine vẫn có tác dụng nhưng chưa có bằng chứng cụ thể, phải có đủ thời gian và dữ liệu.

- Xin cảm ơn ông!

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech): Sản xuất vaccine trước tiên là thử thách về mặt khoa học

- PV: Ông có thể cho biết tiến độ sản xuất vaccine ngừa COVID-19 của Vabiotech hiện đã đến giai đoạn nào?

- Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt: Chúng tôi đang trong giai đoạn thử nghiệm vaccine trên khỉ. Dự kiến trong tháng 1-2021 sẽ hoàn thành số liệu thử nghiệm trên động vật. Sang tháng 2, có thể chúng tôi sẽ làm thủ tục xin thử nghiệm lâm sàng trên người. Tuy nhiên, chúng tôi xác định đây là lần đầu tiên áp dụng công nghệ mới vào sản xuất vaccine nên các bước phải được tiến hành thận trọng.

- Đến thời điểm này, mục tiêu của Vabiotech trong sản xuất vaccine có thay đổi gì không, thưa ông?

- Thời điểm tháng 5-2020, khi chúng tôi đồng thời nghiên cứu với các quốc gia khác để tìm ra công nghệ sản xuất vaccine, cách đánh giá vaccine, câu hỏi ban đầu đặt ra là có sản xuất được vaccine hay không? Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều hãng lần đầu tiên áp dụng công nghệ vượt trội vào sản xuất vaccine và đã thành công, như vaccine của hãng dược Moderna hay của hãng Pfizer, điều này quả là một kì tích.

Nhiều quốc gia đã chuyển sang giai đoạn mới khi họ đã có vaccine thương mại sử dụng trên người, hiệu quả ngừa virus được chứng minh khá cao, từ 90-95%. Mỹ sẽ triển khai tiêm vaccine rộng khắp, có thể đến giữa năm 2021 sẽ hoàn thành việc tiêm vaccine cho người dân. Anh và Nga cũng bắt đầu tiến hành tiêm chủng đại trà cho toàn dân. Do vậy, đến thời điểm này chúng tôi phải xác định lại việc nghiên cứu sản xuất vaccine với mục đích gì, vaccine mình sản xuất ra sau này phải thể hiện đặc tính gì, từ đó mới xác định được là mình nên tiếp tục như thế nào.

- Theo ông, việc đi sau các hãng lớn trong cuộc đua sản xuất vaccine có đem lại thuận lợi nào không ?

- Thời điểm này, chúng tôi đã nắm rõ được bản chất của virius SARS-CoV-2. Hơn nữa, thành công của các hãng sản xuất minh chứng về tính hiệu quả của một số vaccine. Dựa vào đó, chúng tôi thấy được tính đúng đắn trong hướng nghiên cứu của mình. Bởi có nhà sản xuất cũng chọn công nghệ đấy, chọn vùng kháng nguyên đấy để làm vaccine và họ đã sản xuất được vaccine ở mức độ thương mại.

Vì đi sau nên chúng tôi sẽ bao quát được tình hình vaccine COVID-19. Các vaccine thế hệ đầu đã giải quyết được vấn đề giảm độ ảnh hưởng của virus ở người mắc bệnh nhưng chưa giảm được khả năng lây truyền ở những người không triệu chứng. Và vaccine thế hệ 2 sẽ hướng đến hiệu quả bảo vệ lâu dài và cả hiệu quả giảm lây truyền. Chúng tôi mong muốn vaccine của chúng tôi sẽ thuộc thế hệ 2 và cũng phải đi theo xu hướng đó.

- Còn những khó khăn gặp phải là gì, thưa ông?

- Đến giai đoạn này, chúng tôi gặp khó khăn về trang thiết bị. Vì mình làm vaccine theo công nghệ hoàn toàn mới, từ trước đến nay chưa từng làm, nếu chỉ làm trong phòng thí nghiệm sẽ không có vấn đề gì. Nhưng khi quy mô sản xuất nâng lên, nhu cầu về máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu lớn hơn nên gặp khó khăn. Hiện nay trên thế giới, các nhà sản xuất vacine đều có nhu cầu nhập thiết bị để sản xuất số lượng lớn khiến mặt hàng này trở nên khan hiếm.

Một điều nữa là thời gian qua xuất hiện các biến thể virus mới có tốc độ lây lan nhanh. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi cũng như các nhà sản xuất khác đều tính đến trường hợp nếu virus SARS-CoV-2 tồn tại lâu trong cộng đồng và lây truyền nhiều thì biến thể sẽ xuất hiện. Đây là điểm mốc đầy khó khăn khi một loạt câu hỏi đặt ra còn bỏ ngỏ.

Thứ nhất, dù một số vaccine có hiệu quả bảo vệ cao nhưng khi biến thể xuất hiện thì có bảo vệ người tiêm được hay không, hiệu quả đó kéo dài bao lâu? Trong trường hợp chủng biến thể đã kháng vaccine rồi thì chiến lược tiếp theo của các nhà sản xuất vaccine là gì? Có nhà sản xuất cho rằng virus SARS-CoV-2 sẽ có cơ chế giống virus cúm. Mỗi năm sẽ xuất hiện những chủng cúm mới, đòi hỏi công nghệ phải thích ứng nhanh để thay đổi chủng mới cho vaccine cúm. Liệu cách này có làm được với virus SARS-CoV-2 hay không?

Thứ hai, vaccine có phát huy tác dụng ở nhóm người già, người mắc bệnh nền không? Vì virus không đơn thuần chỉ tấn công người khỏe mạnh, người trẻ nữa. Thứ ba, vaccine có hiệu quả bảo vệ ở người có bệnh, còn đối với người lành, không triệu chứng thì đã có hiệu quả chưa? Khi vaccine thế hệ 1 chưa giải quyết được thì các vaccine thế hệ 2 có giải quyết được không? Bây giờ chúng ta đã xác định được biến thể làm tăng nguy cơ lây truyền chứ chưa làm nặng bệnh nhưng đến lúc nào đó virus biến đổi làm nặng bệnh thì sao? Những câu hỏi còn bỏ ngỏ này chính là một loạt khó khăn mà trong quá trình nghiêu cứu vaccine, chúng tôi phải đặt ra để tìm cách giải quyết.

- Ở thời điểm này, Vabiotech đã tính đến thương mại hóa vaccine nếu việc sản xuất thành công?

- Chúng tôi xác định phải nghiên cứu từng bước một. Hiện tại, Vabiotech đang sử dụng công nghệ virus vector vì chúng tôi đã có nền tảng công nghệ về nuôi cấy tế bào, nuôi cấy virus. Mục tiêu ban đầu chúng tôi đặt ra là phải chứng minh được vaccine sản xuất theo công nghệ mới này có hiệu quả trên người. Khi chứng minh được rồi thì mới tính đến thương mại hóa, chứ không thể tính đồng thời cả hai bài toán được.

- Trong giai đoạn nước mình không bị bùng nổ dịch như nước khác, theo ông, Việt Nam có cần nhanh chóng nhập vaccine hay nên bình tĩnh chờ đợi vaccine nội?

- Điều cần phải đặt ra là liệu chúng ta đã thành công trong sản xuất vaccine nội hay không? Trong khi vaccine của nước ngoài đã sản xuất được và đã đánh giá hiệu quả vaccine ở các giai đoạn sau. Nếu như gian đoạn 1, giai đoạn 2 chỉ đánh giá về miễn dịch, độ an toàn thì giai đoạn 3 phải đánh giá được hiệu quả bảo vệ. Mà muốn đánh giá được tiêu chí này thì bắt buộc vaccine phải được tiêm ở những vùng dịch. Nếu chúng ta chờ đợi một thời gian nữa, lúc ấy nhiều nước trên thế giới đã hoàn thành việc tiêm đại trà cho người dân, dịch bệnh đã được đẩy lùi thì liệu chúng ta còn có mô hình dịch để thử nghiệm hay không. Việt Nam hiện tại không phải là quốc gia có dịch nên việc tiếp tục thực hiện đánh giá giai đoạn 3 sẽ khó khăn.

Khi vaccine của các nước đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ, tại sao chúng ta không có xu hướng nhập về để bảo vệ người dân. Cũng sắp đến lúc Việt Nam phải mở cửa trở lại, khi ấy các nước đã tiêm phòng đầy đủ, dịch bệnh ở đất nước họ được đẩy lui rồi. Tuy nhiên, nguy cơ tiểm ẩn về dịch COVID-19 vẫn còn mà lúc đó người Việt Nam chưa được tiêm vaccine, chưa có miễn dịch thì nguy cơ virus xâm nhập là rất cao. Tôi nghĩ, thời điểm này cần thiết phải nhập vaccine.

- Vậy theo ông, nên đưa ra kịch bản tiêm vaccine như thế nào?

- Chúng ta phải chuẩn bị một lượng vaccine nhất định, không cần triển khai tiêm đồng loạt và nhanh chóng như các nước có tốc độ lây truyền mạnh, xuất hiện nhiều biến thể. Hiện tại, Mỹ và Anh đều thực hiện đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội, đồng thời tiêm vaccine cho người dân. Khi họ sản xuất được nhiều vaccine thì họ sẽ tiêm rất nhanh và sau đó các quốc gia đó sẽ mở cửa. Và Việt Nam cũng phải mở cửa, lúc đó những người tuyến đầu như y, bác sĩ, những người làm ở cửa khẩu, biên giới... phải được tiêm vaccine. Sau đó, xếp dần theo thứ tự ưu tiên. Có thể vùng sâu vùng xa chưa cần tiêm ngay, ưu tiên cho thành phố tập trung đông dân cư.

- Nghĩa là, theo ông, cần có sự ưu tiên để công bằng trong phòng dịch?

- Đúng vậy, chúng ta phải có chiến lược, kịch bản rõ ràng, khi có vaccine thì tiêm cho đối tượng nào trước, sau đó đến đối tượng nào. Không thể tiêm đồng loạt ngay được, nước nào cũng thế thôi. Vấn đề là ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ ở mức nào, có thể bao cấp cho đối tượng nào, còn đối tượng nào phải tự trả tiền, cũng giống như các vaccine khác đang lưu hành hiện nay.

- Hiện tại, Vabiotech đang tập trung sản xuất vaccine với tâm thế như thế nào, thưa ông?

- Nhiều người hỏi tôi có thấy sốt ruột không khi những nhà sản xuất vaccine khác đã đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, giai đoạn sản xuất thương mại. Còn với Vabiotech, đây là lần đầu tiên chúng tôi sản xuất vaccine với công nghệ mới. Chúng tôi xác định trước tiên đây là thử thách về mặt khoa học. Cần phải làm chủ được công nghệ nền để tạo được vaccine. Từ đó, chúng tôi sẽ có nền tảng để ứng dụng vào sản xuất các vaccine khác, với các tác nhân khác.

Hiện tại, máy móc thiết bị đặt hàng từ nước ngoài về nhỏ giọt, khó khăn và tốn kém. Chúng tôi đặt ra mục tiêu làm phải thận trọng, tính toán kĩ để hạn chế rủi ro trong quá trình làm thí nghiệm, đồng thời cũng tiết kiệm thời gian, công sức và kinh phí. Sau khi có số liệu trên động vật chắc chắn, tin tưởng thì mới áp dụng trên người.

- Từ khi COVID-19 xuất hiện, hành trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine của Vabiotech cũng đi gần như song song với khoảng thời gian đó. Kỉ niệm sâu sắc nhất mà ông có thể chia sẻ với độc giả là gì?

- Đến giờ, với tôi và các cộng sự ở Vabiotech, kỉ niệm đáng nhớ nhất là thời điểm đầu tiên khi chúng tôi bắt tay vào nghiên cứu vaccine. Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 xảy ra, một nhóm nghiên cứu của Vabiotech đang ở Anh tiếp cận công nghệ virus vector. Trong tình hình đó, chúng tôi quyết định chuyển hướng sang nghiên cứu vaccine COVID-19 và các nhà khoa học Anh đồng ý hợp tác. Vài tuần sau đó, nước Anh thực hiện giãn cách xã hội vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng tôi đặt mục tiêu cố gắng làm được chủng virus COVID-19 đầu tiên để kịp mang về nước.

Thời điểm cuối tháng 2, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Ngày hôm đó chúng tôi vẫn đang trao đổi với bên Anh về hướng nghiên cứu thì chỉ đến tối, họ đã thông báo rằng nhóm nghiên cứu phải về nước ngay, tình hình rất gấp. Hằng ngày hằng giờ, nhóm nghiên cứu và chúng tôi liên lạc, trao đổi với nhau qua mạng liên tục để nắm bắt thông tin. Nhóm nghiên cứu gấp rút tạo được chủng virus để gửi về nước trước khi lên máy bay.

Ở thời điểm đó, các quốc gia đã hạn chế chuyến bay. Chúng tôi rất sốt ruột và tìm đủ mọi phương án mua vé bay nhưng đều không dễ dàng. Cuối cùng, chính tôi đã quyết định nhanh chóng đặt vé máy bay của một hãng bay đến Hong Kong ngay trước thời điểm hãng này ngừng bán vé. Và, nhóm nghiên cứu đã về nước an toàn. Sau 15 ngày thực hiện cách ly theo quy định, đáng lẽ họ được về với gia đình. Nhưng, thời điểm tháng 3-2020 ở Việt Nam đang thực hiện giãn cách xã hội nên nhóm nghiên cứu bắt tay vào làm việc ngay cho kịp tiến độ, ăn ngủ luôn tại cơ quan. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua nỗi lo lắng, căng thẳng đến tột độ, những quyết định cân não nhưng cũng thể hiện sự gắn bó tuyệt vời. Kết quả cho đến thời điểm này là minh chứng cho sự nỗ lực của cả một tập thể Vabiotech.

- Xin cảm ơn ông!

Tiến sĩ Trương Quốc Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ có 30 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 nhập khẩu về Việt Nam

- PV: Trong khi hiện tại chưa có vaccine ngừa COVID-19 sản xuất đại trà trong nước để tiêm cho người dân, Việt Nam có kế hoạch nhập khẩu vaccine không, thưa ông?

- Việt Nam đang đàm phán với 4 nước Anh, Mỹ, Nga và Trung Quốc để mua vaccine COVID-19. Trong đó, chúng ta đang có kết quả gần nhất với công ty của Anh để mua vaccine AstraZeneca. Chúng ta đã ký với họ đảm bảo vaccine cho 15 triệu dân, nghĩa là khoảng 30 triệu liều. Theo lộ trình quý I đến quý IV đều có vaccine. Công ty Pfizer, Mỹ, cũng đặt ra lộ trình đến quý IV này sẽ giao vaccine cho chúng ta. Với vaccine của Nga, Việt Nam đang đàm phán theo hướng chuyển giao công nghệ sản xuất cho một công ty trực thuộc Bộ Y tế.

- Xin ông cho biết giá cả và hiệu quả lâm sàng của các loại vaccine ngừa COVID-19 nhập về có chênh lệch nhau không?

- Giá vaccine không chênh lệch nhiều giữa các đối tác đàm phán. Việc mua vaccine còn phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, thanh toán, giao hàng. Tuy nhiên, hiệu quả thử nghiệm lâm sàng của các loại vaccine này là khác nhau: Thấp nhất là loại 65%, còn cao nhất là loại 94,5%, trung bình là 80-90%.

- Xin cảm ơn ông!

PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: Không nên ỷ lại vào vaccine

- PV: Ông có kì vọng vào vaccine ngừa COVID-19 “made in Vietnam”? Liệu đến thời điểm nào chúng ta chính thức có vaccine nội để tiêm cho người dân?

- Việt Nam đang có một loại vaccine COVID-19 tự sản xuất và trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng thứ nhất. Sắp tới, chúng ta dự kiến có thêm 2 loại vaccine COVID-19 bước vào thử nghiệm lâm sàng. Đối với vaccine “made in Việt Nam”, tôi cho rằng chúng ta nên kỳ vọng bởi hiện tại, mọi thứ vẫn đang tốt, chưa có vấn đề đáng lo ngại. Hơn nữa, Việt Nam có kinh nghiệm sản xuất vaccine.

Vaccine COVID-19 cũng như các loại vaccine khác, sau khi thử nghiệm lâm sàng xong, sẽ cần các thủ tục để được cấp phép lưu hành. Có thể trong bối cảnh này, thủ tục cấp lưu hành cho vaccine COVID-19 sẽ nhanh. Với tiến độ hiện nay, tôi cho rằng phải cuối năm 2021 sang cuối quý 1 năm 2022 và giữa năm 2022, chúng ta mới có vaccine COVID-19 nội để tiêm cho người dân.

- Trong trường hợp Việt Nam sản xuất được vaccine để tiêm đại trà cho người dân thì kịch bản tiêm sẽ thế nào? Hoặc nếu chúng ta nhập khẩu vaccine thì ưu tiên cho những đối tượng nào để đạt hiệu quả phòng dịch cao?

- Ngoài vaccine trong nước, chúng ta cũng có kế hoạch nhập vaccine COVID-19 từ nước ngoài. Cục Y tế dự phòng đang lên kế hoạch triển khai, khi được duyệt sẽ công bố vào thời điểm chúng ta chính thức có vaccine COVID-19 để tiêm. Nguyên tắc là dù vaccine nội hay ngoại thì đều phải có kế hoạch triển khai, không phải có vaccine, chúng ta sẽ tiến hành tiêm đại trà ngay. Trong đó, trước mắt và quan trọng là phải tiêm trên đối tượng ưu tiên trước như nhân viên y tế, bộ đội biên phòng, người có nguy cơ cao, người trong khu cách ly, công an, sau đó là người già, người có bệnh nền... Sau đó, mọi việc tốt mới tiêm đại trà. Với vaccine nhập khẩu, chúng ta cũng phải làm đúng các thủ tục, làm sao để an toàn và hiệu quả và có các kế hoạch triển khai cụ thể.

- Nhiều người thắc mắc là họ đã nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh, vậy họ có cần tiêm vac-cine COVID-19 nữa không? Ông có thể giải đáp vấn đề này ra sao?

- Về việc người mắc COVID-19 và đã khỏi bệnh có cần tiêm vaccine COVID-19 hay không thì hiện tại chưa trả lời được. Vì COVID-19 là bệnh mới, nhiều vấn đề chưa rõ ràng, đặc biệt là vấn đề sinh và tồn tại của kháng thể, còn đang tiếp tục nghiên cứu.

- Trong năm 2021, nếu Việt Nam có vaccine ngừa COVID-19 tiêm đại trà cho người dân thì liệu công tác phòng, chống dịch có thể nới lỏng hơn trước được không?

- Trong trường hợp Việt Nam có vaccine ngừa COVID-19 tiêm đại trà cho người dân, công tác phòng, chống dịch được nới lỏng hay không còn phụ thuộc vào miễn dịch cộng đồng. Chúng ta phải đảm bảo 60-70 % miễn dịch cộng đồng. Để đạt được điều đó, chúng ta phải tiêm 60-70% dân số và vaccine có hiệu lực cao. Mà tiêm được chừng ấy số lượng là điều không dễ. Trên thế giới, chưa có quốc gia tiêm được 60-70% dân số. Đến nay, COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Các quốc gia đã tiến hành tiêm vaccine COVID-19 cũng không dám lơ là. Họ vẫn giãn cách, phong tỏa để phòng, chống dịch.

Việt Nam cũng vậy, có vaccine thì chúng ta vẫn phải thực hiện các biện pháp chống dịch như hiện nay, không khác gì. Người dân không nên ỷ lại vào vaccine, xuất hiện tâm lý lơ là, chủ quan sẽ rất nguy hiểm. Cần tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc 5K do Bộ Y tế khuyến cáo: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.

Chúng ta phải ngăn chặn không để xuất hiện ca mắc trong cộng đồng. Để làm được điều đó, thời điểm này, chúng ta phải ngăn chặn cho tốt, kể cả nhập cảnh hợp pháp và bất hợp pháp đều phải cách ly 100% đủ 14 ngày. Thứ hai là phát hiện sớm ca bệnh, cách ly nghiêm ngặt, không để sơ hở, lọt ca bệnh ra bên ngoài. Khi phát hiện thì khoanh vùng, truy vết, dập dịch.

- Xin cảm ơn ông! 

Huyền Châm - Thanh Hà (thực hiện)
.
.