Đơn phương yêu...nghệ thuật

Thứ Sáu, 16/01/2009, 16:00
Thiên hạ trước nay vốn hay nói rằng, nghệ thuật đích thực không bao giờ dành cho những kẻ bất tài. Nhưng câu nói ấy ở Việt Nam mới chỉ đúng một nửa. Nghệ thuật ở Việt Nam còn cần cả yếu tố "gặp may". Có tài mười năm lận đận, gặp may phút chốc thành ngôi sao. Thế nên, đã có biết bao mối tình đơn phương trong làng nghệ thuật, yêu nghề đến quên mình mà danh vọng chỉ là chút ít mỏng manh. Những mối tình ấy cứ thế mà trở thành cay đắng…

1. Nhà văn Nguyễn Khải có lần từng viết, đại loại rằng, con người lạ lắm, thế hệ sau giẫm chồng lên sai lầm của thế hệ trước. Nghề văn là nghề khắc nghiệt, có người tâm huyết cả đời, cặm cụi giấy đèn đến hộc cả máu tươi, nhưng con chữ cứ rời ra, đọc văn chương vẫn nhiều mệt mỏi. Và người đến sau vẫn hăm hở đi, không  biết sợ... Điều này không chỉ đúng với văn chương mà đúng với hầu hết những người làm công việc sáng tạo.

Yêu đến kiệt cùng, hy sinh trọn vẹn cuộc sống cho niềm đam mê, nhưng đến cuối đời đôi khi những tinh túy chỉ là những vẩy mỏng khiêm tốn đứng nép bên cạnh những anh tài. Như số phận, như sự gieo gặt của tạo hoá, có thể có những tác phẩm lấp lánh từ sự miệt mài lao động, nhưng trước hết phải có tố chất của người sáng tạo và sự rèn luyện như quá trình mài ngọc mà thôi. Còn sáng tạo không thể chỉ cần sự cần cù.

Thế nhưng, có biết bao người đã hăm hở đến với nghệ thuật bằng một tình yêu đơn giản. Một nhạc sỹ nổi tiếng thở dài khi nói về danh xưng "nghệ sỹ": Bây giờ nghệ sỹ thực ra không có nhiều. Chỉ có rất nhiều người muốn cố chứng tỏ mình là nghệ sỹ mà thôi. Nghệ sỹ không phải là chuyện ngẩn ngơ, nhớ nhớ quên quên hay những giai thoại đôi khi bị các bà vợ cho là gàn dở. Nghệ sỹ không phải là sự theo đuổi những mục đích ban đầu tưởng là nghệ thuật, nhưng thực ra mới chỉ là... nghệ thuật vỏ ngoài. Nghệ sỹ cũng không phải cố gắng tạo cho mình một vỏ bọc không giống ai và gặp người bình thường bỗng xưng mình là thiên tài. Nghệ sỹ, nhất là những nghệ sỹ lớn, thường là những người luôn sống giản dị. Họ sống bằng những tác phẩm thực sự của mình.

Bi kịch của những người yêu nghệ thuật và ham thích sáng tạo nhưng tài năng có hạn là luôn rơi vào tình trạng "lực bất tòng tâm". Đây là nói những người đam mê nghệ thuật chân thành, loại trừ những kẻ bất tài nhưng muốn mượn danh nghệ thuật để mưu lợi. Tình trạng "lực bất tòng tâm" giống như một thứ tình yêu đơn phương, mãi mãi chỉ là khao khát từ một phía và mãi mãi không thể lớn lên. Những tác phẩm có thể vẫn được cố gắng sinh ra đều đặn, nhưng chúng sẽ không thể tồn tại trong cuộc sàng lọc liên tục và cạnh tranh quyết liệt với những tác phẩm khoẻ mạnh của người khác.

Rõ ràng tình yêu của người sáng tạo là có thực. Nhưng tài năng chỉ mãi ở dạng vàng chưa đủ tuổi. Nghệ thuật không dành cho sự châm chước. Và bạn đọc khi đối diện với tác phẩm không chấp nhận tình trạng vừa thưởng thức vừa thể tất. Thế nên, cuộc tranh đấu tưởng như vô hình ấy, lại trở nên nghiệt ngã hơn bao giờ hết. Nhưng, chữ nghĩa nói riêng, nghệ thuật nói chung, có khả năng dẫn dụ con người từ cơn mê này sang cơn mê khác. Và khi đã dính chút ít vào những công việc viết lách, vẽ hay diễn, người ta như bị gây nghiện và khó dứt bỏ.

Mặc dù đôi khi không phải không có những ý nghĩ, hãy đoạn tuyệt những ước mơ để bắt đầu một hành trình khác. Khi một số người viết trẻ dừng cuộc chơi văn chương để dấn thân vào một lựa chọn khác, một số nhà phê bình đã tỏ ra tiếc nuối. Nhưng thời đại đã thay đổi và người trẻ có nhiều lựa chọn hơn. Và người ta được quyền rời bỏ những giấc mơ quá tầm với để đi vào con đường gần gũi với mình hơn. Tất nhiên, số người rời hẳn văn chương để đi vào con đường khác là không nhiều, và thực sự đó là những người dũng cảm và quyết liệt. Bởi khi ấy, những vinh quang (dẫu đơn sơ bé nhỏ) từ nghiệp viết đã được coi là kỷ niệm. Và họ chấp nhận một cuộc dấn thân khác.

Nếu nhìn nhận một cách tỉnh táo và logic, thì đó chính là sự đoạn tuyệt một mối tình đơn phương. Hay đoạn tuyệt một tình yêu mơ hồ mà không ai biết được đích đến. Bởi nghề văn vốn là con đường dài đằng đẵng, càng đi càng thấy dài...

2. Cái tin Lý Hùng và Diễm Hương chuẩn bị quay lại đóng cặp đôi trai anh hùng - gái thuyền quyên trong một phim cổ trang có vốn đầu tư lên tới hơn 10 tỷ đồng, là một cái tin bất ngờ dành cho người hâm mộ. Một số người trong nghề còn tỏ ra sửng sốt! Thời gian hơn 10 năm với biết bao nổi nênh của phim Việt, sự "đổi ngôi" liên tục của các dòng thần tượng đã khiến những cái tên như Lý Hùng, Diễm Hương trở thành kỷ niệm. Họ là những người vào đời may mắn.

Rất nhiều lứa diễn viên trước và sau họ đều rất chật vật để có được những cơ hội trong nghề diễn. Còn Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh, Lê Tuấn Anh... nhanh chóng có cơ hội khẳng định mình và trở thành những ngôi sao thời thượng. Những hợp đồng lên tới 30 triệu cho 7 ngày quay một phim video mì ăn liền. Mỗi tháng đóng vài phim, có ngày quay hai phim cùng lúc. Tất cả đều chóng vánh. Họ hiện diện trong mọi ngõ ngách đời sống. Người lớn và trẻ em đều nhắc đến họ. Họ có thực tài không? Xin thưa là có! Nhưng họ là những người gặp nhiều may mắn. Bởi may mắn nên họ có nhiều cơ hội phô diễn khả năng, nhan sắc của mình đúng vào lúc họ nhiều năng lượng nhất. Nhưng thời của họ đã nhanh chóng qua đi.

Đã trót mang nghiệp vào thân, để dứt bỏ là điều vô cùng đau đớn. Nhưng, tiếp tục với hình ảnh cũ của mình, đó là biết trước một vết xe đổ mà vẫn tiếp tục bước chân vào. Làm thế nào để người phụ nữ chuẩn bị bước vào tuổi 40, đã sinh hạ 3 đứa con, trở nên trẻ trung và nhí nhảnh để đóng vai công chúa Ngọc Hân mới ngoài hai chục tuổi trong điều kiện hoá trang và công nghệ quay phim như ở Việt Nam? Và làm thế nào để xoá đi những vết chân chim đã bắt đầu in đậm trên khoé mắt, cái bụng tuổi 40 đã bắt đầu có mỡ, để Lý Hùng vào vai chàng tráng sĩ hào hoa?

Không lẽ, sự xuất hiện của họ chỉ nhằm để khán giả nhớ lại thành công cũ của họ trong "Phạm Công - Cúc Hoa"? Nếu khán giả nhớ để so sánh (và tất nhiên người ta sẽ trầm trồ ngợi khen sự non tơ tươi mới của Phạm Công - Cúc Hoa của hơn 10 năm về trước) thì sự trở lại này có còn gì tươi vui ngoài tâm tư trĩu nặng đầy hoài niệm? Đó chính là câu chuyện của tài năng, cơ hội và sự may mắn. Tuổi thọ của diễn viên Việt Nam quá ngắn. Hầu hết đều toả sáng ở tuổi trên dưới 20. Nữ diễn viên bước vào tuổi 30 sẽ phải nhận những vai lỡ làng, hẩm hiu, nhiều bi kịch. Còn những chàng diễn viên từng đóng vai công tử ở tuổi 20, bước vào tuổi 30 với vóc dáng bắt đầu ục ịch và cái bụng bia lùm lùm chỉ còn cách nhận những vai ông bố mà thôi.

Với mỗi năm vài phim truyện nhựa được sản xuất và chủ yếu lấy các ngôi sao ca nhạc làm... "nền tảng", thì các diễn viên của "thời chưa xa" sẽ phải đứng ở hàng dự bị rất dài. Phim truyền hình ào ạt sản xuất, và vì nội dung tương đối giống nhau, nhiều phần nhạt nhẽo, nên người ta phải lấy những diễn viên trẻ trung mới lạ hòng kéo lại đôi phần hấp dẫn. Cơ hội cho những diễn viên kỳ cựu đã thực sự không còn. Nếu muốn xuất hiện trở lại và thành công, có lẽ họ phải có được một cơ may quá lớn. Và đó phải là bộ phim "đúng tuổi", chứ không phải là những vai diễn "cưa sừng". Nên, tình yêu nghề có thể vẫn cháy trong lòng họ. Nhưng nếu thực sự bình tâm nhìn lại, nghệ thuật cũng đã yêu họ. Nhưng tình yêu đó đã không còn mặn nồng như xưa. Giờ chỉ là sự kéo dài của những thói quen, nên cũng xem như tình yêu đơn phương vậy.

Nhìn vào hoạt động nghệ thuật, đặc biệt là trong ngành nghệ thuật biểu diễn thời gian qua, sự dễ dãi đã biến nhiều mối tình đơn phương của các bạn trẻ bị bay trong ảo tưởng của phù hoa. Một thanh niên chưa biết cách hát cho đúng phong cách âm nhạc của một bài hát, nghĩa là không có khả năng "vỡ" bài hát mới, vẫn đường hoàng ra album. Và rồi, anh được một vài tụ điểm mời, lại đem đĩa nhạc thu sẵn hát lại bản đã được thu âm. Anh bỏ cả chục triệu đồng để được lên bìa một ấn phẩm xuất bản dành cho đàn ông. Cứ như thế, anh mang khao khát của một ca sỹ thực sự, muốn chinh phục số đông khán giả. Mà quên mất rằng, dường như chỉ có anh mới cả tin vào sự thành công của chính mình mà thôi.

Khán giả đã quá thông minh để biết, anh đang đứng ở đâu. Và những chiêu thức anh tự lăng xê đó đã là của thời... mông muội, khi showbiz Việt còn sơ khai và khán giả còn nhiều cả tin. Những nỗ lực của anh, xét trong một chừng mực nào đó, cũng là những khao khát chính đáng. Nếu cộng với tài năng thực sự, nó sẽ có cơ may thành công. Còn với một giọng hát tầm thường, một trí tuệ mỏng dẹt và một mớ tham vọng ngổn ngang, thì tình yêu đơn phương ấy không những làm cho nhọc thân mà đã nhuốm màu tuyệt vọng.

Trong nghệ thuật, chỉ yêu thôi, đó là điều chưa đủ...

Bạch Đàn
.
.