Đời vẽ tôi trong cuộc tình

Thứ Hai, 25/05/2020, 21:53
Cố họa sĩ Lê Bá Đảng (1921-2015) có một khối lượng tranh khổng lồ vẽ trong 70 năm, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế và ông còn được nhận những danh hiệu về tài năng ở Mỹ, Anh, Pháp. Nhưng ông lại luôn luôn tự hào với "Huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước"của nhà nước ta và danh hiệu "Vinh danh nước Việt" do UBMTTQ Việt Nam cùng VietnamNet trao tặng. Chúng tôi dạo bước trong "Không gian ký ức Lê Bá Đảng" ở Huế với bao ký ức tràn về trên ngọn đồi lộng gió.

Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố

Sau khi tốt nghiệp Học viện Nghệ thuật Toulouse vào năm 1948, họa sĩ trẻ Lê Bá Đảng lần mò tìm kế sinh nhai ở Paris. Thời gian này họa sĩ đã lấy vợ và có một con trai nhưng hoàn cảnh thật cơ cực. Vợ anh là một người Pháp nhưng gia cảnh rất nghèo túng. Ba người sống trong một căn phòng nhỏ hẹp ở phố Montagne Ste Geneviève. Họ cực khổ đến nỗi hai vợ chồng phải đi chung một đôi giày khi cần ra đường. Cả nhà ăn uống phải chi li từng bữa, thậm chí nhiều tháng không được ăn thịt. Nhất là khi cậu con quý tử bị ốm mà trong túi không có lấy một xu để vào bệnh viện. Bế tắc và cùng quẫn, nhiều hôm Lê Bá Đảng đi lang thang khắp các phố để kiếm việc làm nhưng đâu có dễ.

Danh họa Lê Bá Đảng

Ấy thế rồi vào một buổi tinh mơ, Lê Bá Đảng dò dẫm đến Khu phố La Tinh thuộc Quận 5 thành phố Paris, nơi sầm uất nổi tiếng ăn chơi. Hơn thế, khu phố này còn có nhiều trường đại học và khách du lịch đến nhiều. Lê Bá Đảng dừng chân bên con phố nhỏ, một con phố đi bộ có cái tên ngộ nghĩnh "Rue du Chat-qui-Pêche", nghĩa là "Con mèo câu cá". Đúng lúc anh tựa lưng vào tường vì đã đói lả thì một tia chớp từ trong cõi vô thường chợt  loé sáng.

Nó được phát ra từ khe hẹp của con phố nhỏ. Hình một con mèo vụt chạy như một sự xuất hiện thần kỳ. Lê Bá Đảng muốn hét lên một tiếng để cám ơn trời đất. Bởi đó là sinh mệnh sự khởi đầu tràn ngập hy vọng. Thế là anh quyết định vẽ hình con mèo với sự mách bảo của trời đất. Những chú mèo một nét. Đó cũng là một thử thách bất thường mà anh phải đối đầu. Lúc này chỉ có cây bút lông trên tay, họa sĩ trẻ vội vơ một chiếc lá rơi bên đường để vẽ.

Mèo trong tranh Lê Bá Đảng

Tia chớp hình mèo hiện lên lá vàng như một lời mời gọi sự yêu thương sẻ chia và tràn đầy nước mắt. Đó là một buổi sáng mùa thu đầy lá vàng rơi trên bờ sông Seine. Những bức tranh lá vẽ hình mèo một nét bằng mực tàu được bày một cách hồn nhiên bên con đường nhỏ. Không ngờ du khách quá xúc động nâng niu những chiếc lá khô của người họa sĩ trẻ và trầm trồ vì hình con mèo ngộ nghĩnh đáng yêu. Đó là những bức tranh đầu tiên Lê Bá Đảng bán được với giá hai quan tiền.

Suốt đêm hôm đó, Lê Bá Đảng vẽ hình con mèo một nét trên giấy với hy vọng sẽ gửi tranh ở một hiệu sách ngay trên bờ sông bán cho du khách trên phố đi bộ "Con mèo câu cá". Thật đúng là trời cho, ngay chiều hôm sau khi vừa bước chân về đến nhà thì chuông điện thoại reo lên.

Đó là một cú điện thoại để đời, bởi vợ chồng người bán sách hẹn anh sáng mai đến lấy tiền vì khách đã mua hết số tranh mèo. Họ không quên dặn dò đêm nay phải vẽ thêm mèo để mang ra bán. Lê Bá Đảng muốn hét lên nhưng mọi âm thanh nghẹn lại. Anh chỉ biết ôm lấy vợ con mà trào nước mắt.

Những con "mèo người"

Lê Bá Đảng bắt đầu sự khác người ngay từ những bức tranh lá đầu tiên với một nét vẽ hình mèo. Gia đình họa sĩ bắt đầu no ấm vì đã có tiền bán tranh. Con mèo gắn bó với Lê Bá Đảng như một định mệnh. Không ít lần họa sĩ trẻ đã có ý định thay đổi đề tài tranh, vẽ các cô gái khoả thân phơi nắng trên bãi cỏ nhưng ngay lập tức bị chủ cửa hàng từ chối.

Không gian ký ức Lê Bá Đảng

Ngược lại họ chỉ đòi anh vẽ tranh mèo với nhiều góc độ và những ý tưởng khác nhau. Vậy là Lê Bá Đảng lại chăm chút vẽ những chú mèo ngộ nghĩnh của mình trong mấy năm trời. Mặc dù sau đó họa sĩ có vẽ các con vật khác như ngựa, trâu, hoa, cũng đều bán được nhưng không đắt hàng bằng hình con mèo.

Có lẽ họa sĩ Lê Bá Đảng không thể nhớ chính xác mình đã vẽ bao nhiêu tranh mèo. Nhưng ước chừng cả ngàn bức tranh mèo của anh được rất nhiều du khách quốc tế mua. Người ta đã bắt đầu bàn đến nghệ thuật của anh và đã mổ xẻ đến chi tiết về phong cách hội họa Á đông đầy sức ám ảnh. Có người đã nói, một cách rất ngẫu cảm về mèo của Lê Bá Đảng rằng, mèo có thể là chim, là rắn. Hay vũ trụ mèo của Đảng là vũ trụ "NGƯỜI". Tính triết lý của mèo trong cả ngàn bức tranh là  những câu chuyện về con người với mọi nỗi đau nhân thế.

  Điều kỳ lạ của mèo người Lê Bá Đảng còn nằm ở sự giản đơn đến khắc nghiệt không màu sắc điểm tô. Mộc mạc mà đắng đót. Giản dị mà sâu cay. Mèo cho người mà mèo cũng như cho mình. Và đâu đây những vần thơ trong lời bài hát "Chỉ có ta trong một đời" của Trịnh Công Sơn, bỗng vang lên, da diết như chính hát lên cho người bạn đồng hành trên con đường vạn dặm:

"Đời vẽ tôi trong cuộc tình

Đầy những yêu thương giận hờn

Từ đó sớm chiều bâng khuâng

Đời vẽ tôi tên tuyệt vọng

Vì lỡ nơi đây nặng tình

Từ đó tôi chìm dưới mênh mông"

Nhưng điều còn lại trong tranh mèo của cây cọ Lê Bá Đảng lại đọng trong nhân gian cùng những nét thư họa chép lại cái kiếp lênh đênh buồn tủi nhưng vẫn ấm áp. Đúng như điệp khúc của bài ca, mà Trịnh đã cùng chia sẻ:

"Đời đã cho tôi ngậm ngùi

Đời sẽ cho thêm ngọt bùi

Đời sống chan hòa trong tôi

Đời đã cho tôi một ngày…"

Chính nhờ cái vũ trụ mèo đó, họa sĩ Lê Bá Đảng đã bắt đầu sự nghiệp của mình di từ niềm cảm hứng lấy từ quê hương biến hóa thành vũ trụ người. Biến từ không thành có. họa sĩ lý giải thành công mọi nét bí ẩn của con người với mọi buồn vui. Ông lập kỷ lục thế giới vẽ tranh mèo từ đó. 

Chuyện phía sau kỷ lục

 Sau giai đoạn 5 năm vẽ mèo, họa sĩ Lê Bá Đảng tiếp tục mạch tư duy lóe sáng từ cái phố nhỏ ấy với một sự nghiệp thật to lớn. Cùng những khám phá táo bạo về nghệ thuật hội họa, ông tạo được một phong cách riêng. Đó là phản biện với không gian ba chiều và theo đuổi tư duy lập thể. Ông quan niệm đối tượng vẽ không im lìm, không tĩnh lặng mà phải chuyển động, hứng khởi.

Không gian ánh sáng Lê Bá Đảng.

Ông khao khát muốn tìm chiều chuyển động cho hội họa trìu tượng, chứ không bị bó buộc bởi cái "tự do giới hạn" của nó. Do đó, ông tạo nên những vết chuyển động qua mỗi lần xuất hiện trước công chúng. Đó là các triển lãm "Tấn tuồng nhân loại", là "Mắt", là "Thiền", là "Bước chân giao chỉ", hay còn là "Tranh hai mặt"…Kể cả khi ông vẽ "Hạt gạo" và con đường "Trường Sơn", họa sĩ cũng có cách chuyển động trong không gian 4 chiều của mình.

Người ta gọi đó là "Không gian Lê Bá Đảng" và chính nó đã tạo nên thương hiệu mà nhiều nhà nghệ thuật học đã khảo sát nó với một khái niệm mới trong nền hội hoạ thế giới. Lê Bá Đảng được trao Huân chương Văn hóa Nghệ thuật Pháp. Giới nghệ thuật coi ông là bậc thầy của hai thế giới Đông-Tây.

Danh vọng và tiền bạc không bao giờ làm lay chuyển tình yêu quê họa sĩ nghèo ngày nào. Còn nhớ những năm tháng chiến tranh, tuy sống ở Pháp nhưng Lê Bá Đảng thường đứng ra quyên góp nhiều tiền bạc gửi về ủng hộ quê nhà. Họa sĩ kêu gọi đấu tranh, phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của giặc Mỹ tại Việt Nam. Những sáng tác trong thời kỳ này, họa sĩ Lê Bá Đảng thường hướng về đề tài ủng hộ cuộc kháng chiến của dân tộc. Nhiều lần ông còn xin bằng được những mảnh xác máy bay Mỹ bị bắn rơi để làm chất liệu sáng tác. 

Chính do tài năng và với sự đóng góp rất tâm huyết của họa sĩ Lê Bá Đảng đối với Tổ quốc nên nhà nước ta đã dành cho ông một "Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng" tại Huế. Nơi đây là xưởng vẽ đặc biệt, tạo điều kiện cho ông sáng tác, mỗi khi về nước và trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật hiến tặng cho thành phố Huế.

Nay lại thêm một "Không gian ký ức Lê Bá Đảng" (khai trương 4-2019) đã được xây trên một ngọn đồi ở Hương Thủy (Huế) tạo nên trường ánh sáng nghệ thuật mà danh họa đã ấp ủ bấy lâu nay. Giờ đây đứng bên sông Hương, tôi như đang mơ đến hình ảnh danh họa Lê Bá Đảng thường hay dạo bước trên bờ sông Seine với bao nỗi thăng trầm trong cuộc đời. Những chiếc lá vàng vẫn rơi đầy trên con đường đi bộ của du khách như cách đây 80 năm.

Vương Tâm
.
.