Đối mặt với sai lầm

Thứ Bảy, 25/10/2014, 15:16
Chỉ có người bất động mới không có sai lầm và ngay cả thánh nhân cũng mắc sai lầm. Còn lại, tất cả đều có sai lầm. Có sai lầm thì phải có thừa nhận, bởi có thừa nhận thì mới có khắc phục, mới tránh đi vào vệt sai lần trước. Đáng tiếc, người Việt thì ít khi thừa nhận sai lầm. Đa phần họ đều có lý do hợp lý cho sai lầm của mình, những lý do bắt đầu bằng “Tại, vì, bởi, do...”.

Nhân vô thập toàn

Phàm đã làm người, thì không hoàn hảo. Người càng tu dưỡng, càng tránh được sai lầm. Chỉ là tránh được sai lầm, chứ không thể thoát khỏi sai lầm.

Có người sai lầm trong ý niệm, có người sai lầm trong hành động. Người may mắn, giữ được ý niệm để không chuyển tải thành hành động. Người xui rủi thì ý niệm muốn sao, tay chân làm vậy.

Đời sống nhiều vẻ, mỗi giới chọn cho mình một phong thái sống khác nhau. Và trong thế giới nghệ sĩ, có nhiều sai lầm chủ ý. Loại sai lầm này, tôi không bàn đến.

1. Theo tôi nghĩ, làm người, điều khó khăn nhất là thừa nhận sai lầm. Bởi tâm lý cá nhân họ thường nghĩ, nhận sai lầm chính là thừa nhận mình kém cỏi… Hay thậm chí là to xác nhỏ não.

Và cũng có khi, do nghĩ mình cao siêu quá, do nghĩ mình thuộc tầng lớp trên, do nghĩ mình thông minh quá nên dẫu mình có sai lầm là vì người khác chủ ý gài bẫy khiến mình mắc sai lầm.

Nghĩ vậy, là hết sức nhầm lẫn.

Tôi hồ nghi rằng, rất nhiều người trong chúng ta, ít nhất là bị cha mẹ mắng oan hay đánh oan một lần.

Tôi cũng hồ nghi rằng, rất nhiều người làm cha mẹ thừa hiểu chuyện mắng oan hay đánh oan con cái nhưng lại không thừa nhận điều này.

Rất nhiều người tin rằng, thời gian sẽ xóa được sai lầm dẫu người gây ra sai lầm có thừa nhận hay không.

Lại là một sai lầm khác. Bởi những sai lầm không được người gây nên thừa nhận, những sai lầm không được xóa bỏ bằng lời nói hay hành động hướng thiện, thì đó là sai lầm mãi mãi.

Vì gây ra một sai lầm xong để đó, thì sai lầm sẽ biến thành vết sẹo, mãi mãi không thể nào lành lại được.

2. Cậu chàng ca sĩ có chút danh vọng, đang vui tí tởn thì không may phạm phải một sai lầm. Tiếc thay, đây là một trong những sai lầm lớn nhất cuộc đời. Cậu chàng tạo ra một đứa bé cùng người con gái mà cậu cho rằng, cậu không yêu thương.

Một đứa bé, không phải là một hành động hay một lời nói. Một đứa bé, là sự may mắn được làm người, là sự sinh trưởng và phát triển, là một thân phận, là một chuỗi ngày nối tiếp cho đến lúc thôi rong chơi.

Thay vì thừa nhận, cậu chàng lại chọn một cách khác.

Vừa bảo, tôi yêu con tôi. Cậu vừa cùng người phụ nữ đã sinh ra con trai cho cậu tạo nên một trường thị phi.

Hình ảnh của con trai cậu tràn trên các mặt báo. Đáng buồn vô cùng.

Trước cậu, cũng một ca sĩ khác, cũng có con, cũng miệng thì thừa nhận nhưng chân thì bỏ đi.

Cậu ca sĩ này, khẳng định mình bị lừa. Chứ cậu đâu khi nào có tình cảm với cô gái kia.

Tất nhiên rồi, cái giống đàn ông chán nhất là điều này. Cứ như người mù khua gậy ngoài đường, gặp ai cũng dùng gậy, gặp ai cũng sử gậy… bất chấp thân sơ, bất chấp có cảm tình hay không.

Tôi không nói tất cả đàn ông đều như người mù khua gậy. Tôi chỉ nói, đa phần đàn ông đều như người mù khua gậy.

3. Đã khua gậy, không may chạm chân người, thì phải có cách hành xử khác. Chứ không phải là kiểu hành xử, “Do, bởi, tại, vì”.

Trước khi khua gậy, trong lúc khua gậy sao không “Do, bởi, tại, vì”, sử gậy xong lại bảo “Do, bởi, tại, vì” thì ai nghe thuận tai cho được. Quan trọng hơn, khua gậy trúng chân không gây hậu quả thì còn mong cho ngày âm u chóng tan. Chứ còn đã gây hậu quả thì tốt nhất không nên nói nữa, thay vào đó nên tìm một giải pháp thích hợp. Lúc này, càng nói càng sai, càng biện hộ càng trượt dài. Dẫu rằng, vô tình. Nhưng, vô tình cũng là sai lầm.

Lại có người đã mắc sai lầm, xong lại mắng đám đông rồi vênh mặt xem sai lầm đó là một chiến tích. Mỗi cá nhân có một quan điểm khác nhau, nhưng dẫu là ai đi chăng nữa cũng cần phải hiểu bất cứ xã hội nào thì luôn có những chuẩn mực chung.

Chuẩn mực chung này không phải là sự trì trệ, bảo thủ hay cổ hủ... Mà những chuẩn mực chung giúp cá nhân sinh sống trong xã hội sống tốt hơn, tránh bớt sai lầm đi và phần nào đó bảo vệ cá nhân trong những chừng mực nhất định.

Thừa nhận sai lầm thì có khó không, hoàn toàn không khó. Chỉ đáng tiếc, là không phải ai cũng nghĩ như tôi.

Ca sĩ Phương Thanh: Gieo gió thì gặt bão

- Chị hẳn đã từng có một lỗi lầm nào đó trong đời đáng nhớ nhất. Khi đó, chị đã đối diện với nó như thế nào?

- Tôi sợ nhất trong cuộc đời mình là vô tình có những lời nói hay hành động gì đó bất hiếu với cha mẹ thôi, chứ tôi không sợ một điều gì khác. Mà tôi rất giống tính mẹ ở chỗ nóng tính, nên mẹ tôi và tôi hay “khắc khẩu”. Tôi biết đó từng là tội lớn nhất của tôi. Hiện nay tôi đã sửa đổi và không còn bất hòa với mẹ nữa rồi.

Tôi quan niệm, cả cuộc đời là một sự va chạm nên chuyện lớn nhỏ gì mình cũng va chạm. Bạn không thể làm đẹp mãi về hình thức, tức nước vỡ bờ, nhắm bỏ qua được thì bỏ không thì phải giải quyết cho ra lẽ. Tính tôi là vậy. Tôi cũng có lỗi trong chuyện tình cảm ít nhiều nhưng tôi sợ nhất là tội bất hiếu với cha mẹ, ông bà.

Ca sĩ Phương Thanh.

- Nói rộng ra một chút, trong giới showbiz, nghệ sĩ mắc lỗi lầm hay còn gọi là scandal là khá nhiều. Nhưng thú thật, tôi thấy không nhiều những trường hợp dám đối mặt thừa nhận và sửa sai một cách nghiêm túc. Chị nghĩ gì về điều này?

- Scandal có hai loại, một loại tự tạo ra để cho mình nổi tiếng mặc dù số mệnh mình không phải người nổi tiếng. Những người nổi tiếng có thể tạo ra thị phi từ những việc họ làm nhưng điều đó nằm trong vòng kiểm soát của họ. Còn những người không tài năng gì lại tạo ra những scandal thì sau đó được mọi người biết đến theo chiều hướng tiêu cực nhưng không có bản lĩnh để giữ được. Khi mình sống bằng hình thức thì người khác sẽ cứ nhằm ngay hình thức mình mà soi xét, khi đó nội tâm nhiều khi không đỡ nổi.

- Theo chị, khi một nghệ sĩ khi đã mắc lỗi lầm thì họ phải đối mặt với nó như thế nào được xem là đúng đắn nhất?

- Còn phải xét đó là lỗi lầm như thế nào bởi các nghệ sĩ khác nhau thì scandal không giống nhau. Đối với tôi thì tùy lỗi lầm mà ta có những cách ứng xử khác nhau. Nếu là scandal vô tội vạ từ trên trời rơi xuống thì tôi nghĩ không cần lưu tâm đến nhiều. Dù đôi lúc mình có bị tổn thương chút ít nhưng mình phải bình tĩnh, sáng suốt để xử lý, đó là điều quan trọng nhất. Còn những trường hợp lỗi lầm do chính sự vô ý của mình tạo ra thì phải thẳng thắn đối diện, nhận lỗi và sửa sai. Với những scandal tự tạo thì cho dù có bị lên án, “ném đá” tơi tả tôi nghĩ người đó cũng phải cố chịu, gieo gió thì gặt bão thôi!

- Dường như văn hóa xin lỗi của các thần tượng chúng ta chưa được cao. Tôi hiếm thấy ai có lời xin lỗi chân thành sau những lỗi lầm?!

- Chuyện xin lỗi phù hợp hơn với những người cố tình tạo ra scandal. Tôi cũng không rõ những lời xin lỗi kia thế nào, đâu ai biết bên trong họ như thế nào, tính toán ra sao. Nhiều khi họ tạo ra scandal để làm ăn kinh tế bằng hình thức này hay hình thức khác thì sao?! Hiện nay tôi thấy điều cần làm nhất là báo chí đừng đẩy những trường hợp không đáng có lên báo nữa. Đừng để những nhân vật scandal lợi dụng truyền thông hay truyền thông đừng đứng về phía họ tạo ra những bài câu view!

- Chị nghĩ gì về hình ảnh những ngôi sao nước ngoài cúi đầu xin lỗi khán giả vì lỗi lầm của mình?

- Tôi thấy thực sự khán giả chân chính cũng rộng lượng lắm bởi họ biết cuộc đời không ai là không mắc lỗi lầm. Với những người biết nhận lỗi, quay đầu thì nên được tha thứ, bỏ qua. Ngoại trừ một số đối tượng cố chấp, cố phá, cố bôi nhọ thì tôi không bàn về họ. Tôi thấy, khi người của công chúng vướng scandal thì một lời xin lỗi chân thành cũng làm cho vấn đề trở nên dễ dàng hơn hẳn, khán giả vẫn sẽ yêu mến người nghệ sĩ đó. Còn nếu cố chấp không xin lỗi thì sau cùng họ cũng bị phá, sẽ dần mất tên tuổi mà thôi.

Cũng đồng thời là lời xin lỗi đấy nhưng lại có ý nghĩa khác nhau tùy vào nội dung và cách xin lỗi. Có lời xin lỗi chân thành và cũng có lời xin lỗi chỉ là giả tạo.

- Tôi thấy nhiều “sao” khi mắc lỗi lầm thường quanh co hoặc “tại, bị, vì, bởi…”. Có thể, họ sợ khi thừa nhận sẽ bị mất hình tượng trong mắt công chúng. Nhưng tôi nghĩ rằng, đó là quan niệm sai lầm. Bởi khi có lỗi, biết nhận lỗi và sửa lỗi mới là điều đáng quý hơn, đúng không chị?

- Đừng nhất thiết bắt người nghệ sĩ phải xin lỗi công chúng, tôi nghĩ điều đó là hơi khó. Bởi còn tùy theo cá nhân mỗi người họ có thích xin lỗi hay không. Mình không phải là người trong cuộc nên không hiểu hết được. Người ngoài cuộc mong muốn người ta xin lỗi, còn người trong cuộc gian về hình thức đúng về nội tâm, hay gian nội tâm đúng về hình thức, kiểu  tình ngay lý gian làm sao mình hiểu hết được. Mà bên ngoài nhìn vào thì cứ bắt họ xin lỗi!

Đương nhiên việc ai đó có lỗi và thẳng thắn nhận lỗi, sửa lỗi chân thành thì đó là điều hết sức đáng quý. “Nhân vô thập toàn” mà, không mong gì một ai đó không có lỗi mà chỉ mong họ biết nhận ra và tránh lỗi lầm về sau!

Diễn viên Trịnh Kim Chi: Lỗi lầm thì cũng nhiều dạng

- Chuyện “con rơi” của thần tượng gần đây khiến tôi hơi chạnh lòng khi vài ông bố nổi tiếng lại phủ nhận đứa con, hoặc có nhận cũng đổ lỗi cho người con gái thế này thế kia. Chị có cảm xúc gì khi đối diện với những thông tin này?!

- Có thể điều này là do nền tảng giáo dục cũng như vấn đề trách nhiệm của mỗi người làm cha, làm mẹ. Hơn nữa đây còn là chuyện của tư cách con người. Một giọt máu thiêng liêng nhất mà họ còn chối bỏ thì họ có thể chối bỏ được tất cả mọi thứ. Cho nên thực ra những người cha, người mẹ như vậy thì tôi nghĩ không xứng đáng với những đứa con của mình. Mình làm thì mình phải có trách nhiệm với những việc mà mình làm ra. Chối bỏ con rơi là một điều đáng lên án và tôi không thể nào chấp nhận được người đàn ông như vậy.

Diễn viên Trịnh Kim Chi.

- Dường như một số người nổi tiếng chưa có thói quen xin lỗi khi mắc lỗi lầm, cũng như không nhiều những trường hợp nghệ sĩ dám đối mặt thừa nhận và sửa sai một cách nghiêm túc. Chị có thấy thế không?

- Lỗi lầm hay scandal thì có nhiều dạng, một số là do tai nạn, số khác do cơ chế thị trường bây giờ đưa đẩy. Họ muốn tên tuổi của mình được biết đến, được “nổi tiếng” bằng cách dùng những chiêu trò để tạo scandal. Tôi nghĩ khi họ cố tình tạo ra scandal thì việc sửa sai là không có thật và nếu có thì cũng có sự tính toán trong đó chứ không chân thành. Họ sửa sai sau đó lại tạo ra một scandal khác như vậy thì sửa sai để làm gì?! Việc sửa sai đó cũng là một mục đích tạo ra một điều gì đó để truyền thông chú ý, rồi lại rầm rộ lên một lần nữa. Cho nên tôi nghĩ nếu như tất cả mọi thứ đều trong một sự sắp đặt thì việc họ xin lỗi rồi sửa sai cũng không đáng để mình quan tâm nữa.

Thực ra văn hóa xin lỗi ở nước ta cũng có nhưng nó thiếu hụt và số người thật sự có văn hóa xin lỗi trong giới biểu diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nếu là một nghệ sĩ chân chính thì người ta sẽ hành xử thông minh, tinh tế.

- Vậy theo chị thì người nghệ sĩ đối mặt với lỗi lầm thế nào thì tốt đẹp nhất?

- Có những lỗi lầm mà nghệ sĩ không cố tình tạo ra thì tôi tin bản thân họ cũng không mong muốn điều đó xảy ra. Họ lo lắng, mất ăn, mất ngủ vì nó. Khi đó họ cần bình tĩnh, thông minh và sáng suốt để đối mặt với nó. Có những người nổi đóa lên rồi lên báo, đòi kiện tụng hay tố cáo, thanh minh này kia… tôi nghĩ không nên, thay vào đó là tùy chuyện mà mình xử lý scandal của mình làm sao cho nhẹ nhàng nhất. Và tốt nhất là chúng ta nên im lặng, sau một thời gian thì mọi việc cũng trôi vào quên lãng. Còn nếu như truyền thông cứ chĩa mũi dùi vào thì cũng nên có một biện pháp nào đó để củng cố lại cách nhìn cũng như niềm tin của khán giả đối với mình.

Và hơn hết, là người nghệ sĩ thì phải biết giữ hình ảnh đẹp cho mình, không chỉ trên sân khấu. Khi về với gia đình, bạn còn là người vợ/chồng, người mẹ/cha của các con thì bạn cũng nên để họ có niềm tin, sự hãnh diện đối với bạn. Chứ đừng để đi ra đường mọi người nói mẹ/cha bạn thế này, thế kia thì nó đau lắm. Do đó tôi nghĩ đã là người của công chúng được mọi người yêu mến và chú ý thì chúng ta nên ý thức tất cả mọi thứ dù là điều nhỏ nhặt trong cuộc sống xung quanh chúng ta.

Diễn viên – ca sĩ Trương Quỳnh Anh: Day dứt khôn nguôi

- Theo Trương Quỳnh Anh khi một nghệ sĩ mắc lỗi lầm thì họ phải đối mặt với nó như thế nào được xem là đúng đắn nhất?

- Thật ra nghệ sĩ cũng chỉ là một người bình thường họ cũng có những lúc mắc sai lầm này hay sai lầm khác. Có những lỗi lầm do vô ý, hoặc cố ý trong lúc nông nổi nhưng cũng có những lỗi lầm là mong muốn để đạt được mục đích khác sau đó. Với dạng lỗi lầm này thì Quỳnh Anh không muốn nhắc đến ở đây.

Quỳnh Anh nghĩ một khi đã mắc sai lầm thì điều đầu tiên là nên bình tâm nhìn nhận lại sự việc xem mình đã sai ở chỗ nào để sửa sai. Có một điều cũng khá bất công với nghệ sĩ là vì họ là người của công chúng nên khi mắc sai lầm thì “tội lớn gấp đôi”. Nếu là Quỳnh Anh khi vướng lỗi lầm làm ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin yêu của khán giả thì Quỳnh Anh sẽ công khai xin lỗi khán giả của mình. Còn nếu đó là chuyện riêng tư của nghệ sĩ thì Quỳnh Anh sẽ chọn cách im lặng chờ dư luận lắng xuống.

Diễn viên - ca sĩ Trương Quỳnh Anh.

- Quỳnh Anh nghĩ gì về văn hóa xin lỗi của các ngôi sao xứ ta hiện nay?

- Quỳnh Anh là một nghệ sĩ nhưng lại sống như một người bình thường nhiều hơn nên cũng có thể nói rất khó tin là Quỳnh Anh ít tiếp xúc với nghệ sĩ, trừ phi là chuyện công việc. Vì thế vấn đề này có thể nhận xét không chính xác lắm. Nhưng theo cảm nhận riêng của Quỳnh Anh thì thời gian gần đây trong showbiz có nhiều những scandal tự tạo rồi lên đính chính, xin lỗi nhằm mục đích là để khán giả đừng quên mình. Bản thân Quỳnh Anh thì chưa dám nghĩ đến vấn đề đó. Nói tóm lại thì lời xin lỗi thì có nhưng mức độ chân thành thì nên xem xét lại.

- Tôi thấy nhiều “sao” mình khi mắc lỗi lầm, họ thường quanh co hoặc “tại, bị, vì, bởi…”. Có thể, họ sợ khi thừa nhận sẽ mất hình tượng. Nhưng tôi nghĩ rằng, đó là quan niệm sai lầm. Bởi khi có lỗi, biết nhận lỗi và sửa lỗi mới là điều đáng quý hơn. Quỳnh Anh nghĩ sao?

- Nghệ sĩ cũng không phải là thần thánh gì, họ có cái tôi của mình cũng như có sự nhút nhát e dè của bản thân nên không phải ai cũng có thể mạnh dạn đứng lên nhận lỗi mà chỉ âm thầm sửa lỗi. Khi một người bình thường mắc sai lầm, họ chỉ cần xin lỗi một người nào đó mà họ làm buồn lòng, nhưng nghệ sĩ phải xin lỗi bao nhiêu, biết phải bắt đầu từ đâu? Chưa kể lỗi của họ đôi khi chỉ là một mà bị đồn đại thành mười nên Quỳnh Anh nghĩ là ai đó phải can đảm lắm mới dám đối mặt với dư luận. Công chúng cũng nên cảm thông cho người nghệ sĩ vì điều đó bởi áp lực dư luận là áp lực khủng khiếp nhất với người nghệ sĩ. Và hình tượng của một người là cả một quá trình xây dựng gian nan chứ không phải một sớm một chiều là được nên ai cũng lo sợ sụp đổ. Nhưng Quỳnh Anh ủng hộ những ai biết nhìn nhận lỗi và sửa sai, bất kể họ là người bình thường hay nghệ sĩ. Quỳnh Anh cũng sẽ chắc chắn làm như vậy.

- Tôi nghĩ truyền thông, công chúng cũng cần có tiếng nói quyết liệt. Bởi có như vậy thì người của công chúng mới không dám tạo ra scandal để thu hút khán giả nữa. Tôi thấy điều này ở KPop họ làm rất tốt. Công chúng KPop rất quyết liệt nên nghệ sĩ mà mắc lỗi đều phải cúi đầu xin lỗi. Quỳnh Anh nghĩ sao?

- Về việc này thì Quỳnh Anh cũng suy nghĩ khá nhiều khi vô tình đọc những comment của khán giả dưới những bài viết “lá cải”, nguồn tin không chính xác, thêu dệt sự thật. Họ thắc mắc sao một vấn đề như vậy cũng có thể đưa lên mặt báo để mọi người mổ xẻ, càng nhiều những thắc mắc như vậy thì lượt xem cứ thế tăng lên. Và như vậy thì đúng ý đồ của những bạn suy nghĩ thích tạo scandal để nổi tiếng. Nếu chúng ta cứ phớt lờ đi và truyền thông không đăng tin thì có phương tiện đâu mà những gương mặt như vậy tạo scandal.

Nói đến KPop, Quỳnh Anh từng rất ấn tượng với diễn viên Song Hye Kyo khi mới đây cô cúi đầu xin lỗi khán giả vì “trốn thuế”. Trong khi đó ngành thuế Hàn không công khai danh tính cụ thể nữ diễn viên này, vậy mà cô ấy đã dũng cảm nhận lỗi và xin lỗi. Điều đó làm Quỳnh Anh cảm thấy rất ấn tượng. Dẫu biết mọi sự so sánh đều khập khiễng vì văn hóa mỗi nước có sự khác nhau nhưng những điều gì tốt của KPop thì chúng ta cũng nên nhìn nhận và học hỏi.

- Trước khi phải xin lỗi thì nghệ sĩ phải biết giữ gìn và bảo vệ hình ảnh của mình. Quỳnh Anh đồng ý chứ?

- Xin lỗi là một chuyện còn người khác có bỏ qua không là một chuyện khác. Và bỏ qua mà vẫn chưa quên lại là một chuyện khác nữa. Khi mình làm ảnh hưởng đến người khác thì dù có xin lỗi nhưng trong lòng vẫn thấy day dứt khôn nguôi. Vì thế tốt nhất là suy nghĩ thật kĩ trước khi làm một việc gì đó để tránh làm tổn thương hay ảnh hưởng không tốt đến người khác. Và cứ sống đúng với con người thật của mình vì cuối cùng nghệ sĩ cũng chỉ là một người bình thường như bao con người khác mà thôi! Đừng cố nghĩ mình là một cái gì đó quá cao xa!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.