Đối mặt và vượt qua khủng hoảng thời COVID

Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:40
Nhiều người bị khủng hoảng tinh thần do đại dịch COVID-19 đang vật lộn đối mặt và vượt qua bằng các liệu pháp tâm lý, dược lý.


Thời điểm Hà Nội ra lệnh cấm các quán bar, karaoke hoạt động và bắt đầu cách ly xã hội vào tháng 4/2020, anh Tùng (45 tuổi) - chủ quán cà phê ca nhạc trên đường T.B bị mất ngủ. "Trước tháng 1/2020, lượng khách đến quán bar của tôi luôn ổn định khoảng 100 đến 150 người/ một tối, vậy mà chỉ một ngày sau khi ca bệnh số 17 công bố vào  6/3/2020, lượng khách đột ngột chỉ còn 3 đến 4 người. Tôi chưa từng chứng kiến một điều nào như vậy trong đời" - anh Tùng hồi tưởng.

Quán cà phê bị đóng cửa, công ty tổ chức sự kiện tạm dừng hoạt động khiến anh Tùng mất đi hai nguồn thu nhập chính. "Cứ nghĩ đến việc phải trả tiền thuê cửa hàng, trả lương nhân viên, nộp học phí cho con, nuôi bố mẹ già, rồi tương lai sẽ ra sao khi thế giới chưa có vắc-xin và thuốc chữa… là tôi lại sợ hãi đến ngộp thở. Những suy nghĩ tiêu cực cứ chồng chất đè lên nhau giằng xé khiến tinh thần tôi suy sụp" - anh Tùng kể.

Lo lắng vì giảm thu nhập, thất nghiệp đã là một nhẽ, điều khiến anh trăn trở hơn cả là việc đóng cửa quán bar ca nhạc như một lưỡi dao tước đoạt niềm vui sống của anh gần 20 năm qua. "Tôi là linh hồn của quán. Từ khâu thiết kế, nội thất, âm thanh, ánh sáng, ban nhạc đến đồ uống, thực đơn, chủ đề sinh hoạt… đều do một tay tôi lên ý tưởng, chăm chút và biến thành hiện thực.

Giây phút sung sướng nhất của một ngày là khi màn đêm buông xuống, bạn ngồi ở một góc quán bar ngắm những lượt khách ra vào. Họ nhâm nhi ly cocktail, nghe nhạc, trò chuyện, cười vui, đắm chìm trong giai điệu. Tâm hồn của họ được thanh lọc, nâng đỡ, cứu rỗi nhờ âm nhạc. Cũng là âm nhạc, đã chứng kiến bao mối tình nảy nở, hàn gắn, chia ly. Quán cà phê này không chỉ là nơi họ đến thư giãn, mà nó là nơi lưu giữ ký ức của một thế hệ"- Anh bồi hồi chia sẻ.

Cơn "sóng thần" COVID-19 ập đến khiến việc kinh doanh trở nên khó khăn rồi quán phải đóng cửa hoàn toàn do chủ đất đòi lại mặt bằng.  Anh Tùng nhập viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia điều trị với các triệu chứng điển hình của bệnh rối loạn lo âu và trầm cảm. "Bệnh nhân luôn ở trong thạng thái tiêu cực, buồn khổ và thất vọng, có ý nghĩ muốn tử tự" - bác sỹ điều trị cho anh Tùng cho biết.

"Từ những sinh hoạt rất nhỏ cho ra dáng một con người như ăn, ngủ, thay quần áo, đi vệ sinh…, tôi cũng không muốn làm. Hai tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, tôi nằm bẹp dúm trên giường, không muốn tắm rửa cũng chả thiết ăn uống. Trước đây, âm nhạc là tất cả thì nay chỉ cần nghe một giai điệu phát ra từ ti vi nhà hàng xóm, tôi đã sợ sởn gai ốc. Đêm là thời khắc đau khổ nhất khi đã đếm hàng nghìn con cừu, đọc hàng trăm trang sách mà mắt cứ trơ trơ.

Có lúc điên loạn, tôi chỉ muốn đập vỡ đồng hồ để không phải nghe tiếng tíc tắc. Cái đáng sợ nhất của bệnh trầm cảm là mất hết mọi niềm vui, động lực sống. Con cũng không muốn gần, vợ chẳng muốn yêu, kể cả những ham muốn gần gũi vợ chồng" - anh Tùng nói. "Mổ xẻ, thương tích thì vết thương cũng sẽ lành nhờ băng bó, thuốc thang. Nhưng bệnh trầm cảm khiến con người ta buồn, sầu, thảm tột cùng, lôi họ xuống đáy sâu không biết khi nào mới có thể ngoi lên hít thở".

Anh Tùng chỉ là một trong số hàng nghìn bệnh nhân đã đến khám và điều trị tại Viện Sức khoẻ Tâm thần Quốc gia trong vài tháng qua với các triệu chứng liên quan đến những căn bệnh stress, rối loạn lo âu, trầm cảm, loạn thần, trong đó có nhiều trường hợp bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Một số người bệnh là giám đốc các doanh nghiệp lớn đột ngột mắc chứng căng thẳng, lo âu, kém ăn kém ngủ, suy nhược tinh thần do nợ nần, phá sản, kinh doanh đình trệ.

Một số người khác là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong ngành dịch vụ - du lịch, người lao động trong các nhà máy, công ty… bị phá sản, thất nghiệp, giảm thu nhập cũng phát tâm bệnh. Một khảo sát tâm lý cho thấy nhiều bác sỹ, y tá, điều dưỡng trong tâm dịch Đà Nẵng hay Bệnh viện Bạch Mai… cũng gia tăng sự căng thẳng, lo âu, mất ngủ nhiều hơn so với bình thường.

Đặc biệt, trong vài tháng qua, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội cũng tiếp nhận 72 trường hợp phát bệnh tâm thần hoặc rối loạn lo âu đến từ các khu cách ly. Dù chưa có nghiên cứu chính thức nhưng nhiều bác sỹ trong lĩnh vực tâm thần cho biết đại dịch COVID-19 là một trong những nhân tố "tàn phá" sức khoẻ tinh thần người dân, nhất là ở những người vốn đã có vấn đề về rối loạn tâm lý hoặc trên nền một nhân cách yếu.

"Lo âu - sợ hãi là cảm giác bình thường của mọi người khi phải đối đầu với sự vật hay sự việc không quen, lạ lùng hay nguy hiểm. COVID-19 là đại dịch  toàn cầu, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng triệu người, chưa có thuốc chữa triệt để và vắc-xin phòng tránh, lại liên tục biến đổi thành nhiều chủng mới, nên tâm lý hoảng hốt trước một căn bệnh mới - lạ là hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, nếu sự sợ hãi trở thành ám ảnh triền miên, không có lý do chính đáng, làm cá nhân luôn cảm thấy căng thẳng, khổ sở, làm ảnh hưởng đến những sinh hoạt trong đời sống hàng ngày thì với mức độ đó, sự sợ hãi được xem là một chứng bệnh cần phải chữa trị nếu không sẽ để lại hậu quả" - một bác sỹ tâm thần phân tích.

Vì vậy, ngay từ đầu tháng 3/2020, Tiến sỹ - bác sỹ Dương Minh Tâm (Viện Sức khoẻ Tâm thần Bạch Mai) đã cùng với các đồng nghiệp đã lên kịch bản quốc gia bảo vệ sức khoẻ tâm thần của người dân trong thời kỳ COVID-19. Theo đó, những rối loạn lo âu và căng thẳng stress ở mức độ nhẹ được kiến nghị nên chữa trị bằng chiến lược tâm lý xã hội là phương thức chính.

Đầu tiên, bác sỹ Dương Minh Tâm khuyến nghị người dân nên tìm cách phòng tránh căng thẳng bằng việc duy trì lịch trình sinh hoạt đều đặn, chú ý đến ăn uống điều độ và kiêng cữ, tránh những thực phẩm xấu có hại cho sức khoẻ như quá nhiều đường, mỡ, muối, rượu bia, nước ngọt; tăng cường thực phẩm nhiều chất xơ và vitamin như rau củ quả…

Tập thể dục tối thiểu 30 phút mỗi ngày tuỳ theo điều kiện và thể trạng từ nhẹ nhàng như yoga, thái cực quyền, đi bộ cho đến tập gym, chạy marathon, sẽ giúp giảm căng thẳng, tăng cường thể trạng, phòng chống bệnh tật. Việc ngủ đủ giấc từ 7 đến 8 tiếng/ một ngày rất quan trọng vì mất ngủ là một trong những tác nhân dẫn đến lo âu, trầm cảm. Mỗi ngày đi ngủ đều đặn, đủ giấc, đúng giờ sẽ làm giảm căng thẳng, nạp năng lượng, gia tăng cảm giác thoải mái.

Bên cạnh đó, nghỉ ngơi và thư giãn bằng cách duy trì các thú vui như làm vườn, ca hát, đánh đàn, đi dạo, gặp gỡ bạn bè với tác dụng thú vui sẽ mang lại cảm xúc tích cực cho con người. "Khi gặp phải tình huống khó khăn dẫn đến tâm trạng căng thẳng, tiêu cực vượt quá khả năng kiểm soát của cá nhân thì có thể cố gắng bù đắp bằng các hoạt động làm dịu căng thẳng (thư giãn cơ bắp, hít sâu thở đều, thở bụng, yoga, âm nhạc…. giữ cho tâm trí bình ổn)" - Bác sỹ Tâm chia sẻ.

Đối với những người mắc bệnh trầm cảm hoặc các rối loạn tâm lý nghiêm trọng sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi và liệu pháp nhóm. Theo đó, bệnh nhân như anh Tùng sẽ được trò chuyện, chia sẻ với những bệnh nhân cùng cảnh ngộ. "Có những người phải trải qua các sự kiện bi thảm hơn tôi rất nhiều nhưng họ vẫn nỗ lực đối mặt và vượt qua, vậy tại sao tôi lại nghĩ đến việc bỏ cuộc? Ý nghĩ đó an ủi tôi rất nhiều và tạo động lực cho tôi muốn cố gắng tiến lên mỗi ngày, dù chỉ là từng bước nhỏ" - anh Tùng tâm sự.

Ngoài ra, bác sỹ Phạm Toàn - chuyên gia trong lĩnh vực trị liệu tâm lý cũng nhấn mạnh khi đối mặt với stress thì một trong những liệu pháp hiệu quả là tích cực trong nhận thức và hành động: "Thái độ tiêu cực sẽ làm cho mọi việc trở nên bế tắc, không có lối giải quyết cho vấn đề. Hãy thay đổi thái độ tiêu cực bằng những hành động và nhận thức theo chiều hướng tích cực.

Chẳng hạn, khi phải đương đầu với những vấn đề khó khăn và trở ngại thì hãy xem đó như là những thử thách để mình vượt qua và lớn mạnh, và hãy xem những thất bại là cơ hội để ta học hỏi thêm kinh nghiệm. Khi có những vấn đề nhận thấy mình không giải quyết được thì hãy mạnh dạn tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác như gia đình, bạn bè, cộng đồng để được hỗ trợ".

Bảo Châu
.
.