Đối diện biến động như thế nào?

Thứ Hai, 09/03/2020, 11:19
Có thể nói, dịch cúm COVID-19 là một sự kiện biến động xã hội lớn nhất mà chúng ta phải chứng kiến trong suốt 20 năm qua. Chưa bao giờ có một đợt dịch bệnh lại tạo ra nhiều xáo trộn đến như vậy.


Từ chuyện khan hiếm khẩu trang, nước rửa tay diệt khuẩn cho đến chuyện có nên cho học sinh nghỉ học cho đến hết dịch hay không, tất cả đều tạo ra nhiều tranh cãi. Và qua đó, chúng ta cần đánh giá lại khả năng đối diện với biến động của mình.

Khi trẻ không đến trường

Nghỉ tết Nguyên đán Canh Tý đến cả chục ngày, vừa mới đi học lại đúng một hôm, lại nghỉ... Thằng nhỏ tiểu học bên nhà tôi lấy làm vui lắm, khi tuần rồi lại tuần nữa được nghỉ tiếp, chưa kể còn có thể tiếp thêm tuần nữa, nghỉ hết luôn tháng 2. Tết Cô Rô Na, như nó gọi, kéo dài bất ngờ. Quãng thời gian được sở hữu cái điện thoại của bố hoặc mẹ bỗng nhiên tăng vọt. Được ngủ và ăn tùy thích. 

Chỉ có bố mẹ nó, sau một hồi tỏ ra lo lắng rằng tại sao cho trẻ con đến trường khi chưa biết dịch bệnh thế nào, sẽ kiên quyết cho con nghỉ nếu chưa an tâm, kể cả nhà trường thông báo đi học, cho dù nghỉ hết tháng 3, lại bắt đầu chuyển sang trạng thái khác, cằn nhằn khi phải thay nhau nghỉ ở nhà trông con... 

Diễn tiến tâm trạng các bậc phụ huynh như thế nói chung chẳng có gì phức tạp. Chỉ là vì việc phải đối phó với dịch bệnh như trong lần đối phó virus COVID-19 này là một cái gì đó chưa từng được trải qua, chưa từng được tập dượt, nên rất khó để thích nghi. Chưa đầy một tháng trải qua dịch cúm COVID-19, nhìn nhau qua cuộc đối phó dịch bệnh, có nhiều điều để chúng ta giật mình.

Ngành giáo dục cũng gặp khó trong chuyện quyết định có cho nghỉ học hay không. Ảnh: Laodong

Điều giật mình thứ nhất liên quan đến chuyện trẻ em đến trường, khi mà ngay ngành giáo dục cũng gặp khó trong chuyện dứt khoát có cho nghỉ học hay không. Công văn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục mãi rồi cũng có, tuy nhiên trước đấy, tranh luận đã loạn cả mạng xã hội. 

Một tuần trước, Bộ Y tế chỉ đưa ra khuyến nghị chứ không bắt buộc, Bộ này cũng hướng dẫn các địa phương, trường học về cách thức phòng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm COVID-19. Thế là cha mẹ học sinh đầy những âu lo: “Sao lại đẩy trẻ con đến trường khi dịch bệnh vẫn hoành hành?”. Những động tác như là khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế ở các vùng không có dịch vẫn gây lo lắng, bởi COVID-19 lây lan qua tiếp xúc, qua đồ vật... mà lũ trẻ hệ miễn dịch còn kém, sinh hoạt tập thể ăn cùng ngủ cùng, thật khó để an toàn. 

Cho trẻ đến trường bị coi như một hành động mạo hiểm. Những ai lên tiếng rằng không nhất thiết phải lo lắng quá đồng loạt bị ném đá. Ở một phía khác, những cảnh báo bị coi là quá mức cũng bị xúc phạm tàn tệ. Đến lúc trẻ con được nghỉ thì lại một số không ít lên tiếng, rằng không cần thiết ở những vùng an toàn. Trong khi chắc chắn việc ra quyết định cho học sinh nghỉ phải dựa trên nhiều nguồn thông tin và các dự báo nguy cơ lan dịch. 

Nhưng nói chung, cũng như trong hầu hết mọi cuộc tranh luận trên mạng, việc thổi phồng tin tức chỗ này chỗ kia khiến muốn tin nhau cũng khó. Và đó là điều buồn nhất, khi tai họa có thể đã cận kề, khi biến cố hiển hiện trước mắt, cái mà chúng ta đối đãi với nhau cơ bản vẫn là ghét bỏ và kỳ thị. 

Không chỉ là việc ai đó coi vụ dịch này như một cơ hội kiếm tiền, gom, tăng giá, đưa ra sản phẩm kém chất lượng với khẩu trang và nước rửa tay. Riêng việc đưa “fake news” và những bình luận gieo rắc sợ hãi, hoang mang tràn ngập, kỳ thị người vùng có bệnh, cũng thấy đạo đức con người thời có dịch ở giới hạn nào.

Điều giật mình thứ hai là khi thời gian nghỉ quá dài, các ông bố bà mẹ của chúng ta mới nhận ra sự lỏng lẻo của cơ chế giáo dục gia đình. Huy động ông bà nội ngoại, iPad, điện thoại thông minh..., chỉ được một phần nhỏ thời gian. 

Không nhiều lắm những người biến cái “tết Cô Rô Na” như thằng nhỏ bên nhà tôi gọi, theo hướng tích cực, tức là thành một cơ hội để dành cho con cái sự gần gũi. Công cuộc mưu sinh khiến các ông bố, bà mẹ quên mất cách lên kế hoạch học và chơi với con tùy theo lứa tuổi. 

Kỳ nghỉ dài này, nếu còn dài nữa, hy vọng sẽ là một cuộc trải nghiệm với cha mẹ và con cái dưới mái nhà. Cũng là một cuộc trải nghiệm bổ ích dành cho nền giáo dục. Bắt đầu đã có những trường cảm thấy “nhớ” học sinh bằng cách tiến hành dạy online. Cũng đã nhiều ông bố, bà mẹ học lại cách chơi với con khi phải trông nom chúng hằng ngày.

Nếu xem COVID-19 là một cơ hội để nhìn nhận cuộc sống xung quanh, thì thấy cũng có nhiều điều bổ ích. Thời gian phòng dịch dài hơn người ta hình dung, biến cố cũng nhiều hơn. Càng ngày, nỗi sợ hãi được thay thế dần bằng sự hiểu biết. 

Kỳ nghỉ dài rồi cũng khiến nhiều người nhận ra cơ hội kết nối tình cảm gia đình thật đáng quý, ngang với những liều vaccine chống dịch. Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch có vẻ như đã trở thành một thói quen rất tốt, nhất là với trẻ nhỏ. 

Những quan tâm của cả cộng đồng dành cho các vùng dịch, như Sơn Lôi, Vĩnh Phúc hay việc ở nhiều trường học, thầy cô thường xuyên gọi cho cha mẹ học sinh để xem các cháu có giữ vệ sinh không, có về quê ở những địa phương liên quan đến dịch không... cho thấy một sự lo lắng và sẻ chia chưa từng có. 

Và dù những điều rất buồn kể ở trên là thật thì những điều tốt đẹp hằng ngày đang diễn ra, có vẻ như diễn ra ngày một nhiều hơn, cùng những cố gắng chống dịch rất đáng ghi nhận của ngành y tế, cũng đáng để chúng ta vui thật nhiều.

Có lẽ cuộc chống dịch COVID-19 này là dịp để chúng ta học được một bài học. Một bài học khá mệt mỏi và kéo dài nhưng cần thiết. Và vì thế, hãy cảm ơn khoảng thời gian khi con bạn không đến trường! 

Phạm Hà

Tôi và chúng ta cùng vượt qua thảm họa

Dù đã được WHO nhận diện và đổi tên thành COVID-19 thì bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra vẫn đe dọa cuộc sống bình yên của mọi người. Đối phó đại dịch cũng là một dạng đối phó khủng hoảng trên diện rộng, từ y tế đến kinh tế, từ nhận thức đến thói quen, từ cá nhân đến cộng đồng. Để “tôi” và “chúng ta” cùng vượt qua hiểm họa thì nhất định trong “nguy” phải thấy “cơ”!

Giải cứu nông sản! Không phải một khẩu hiệu thú vị. Bởi lẽ, mỗi lần khẩu hiệu ấy vang lên thì kéo theo tiếng thở dài của hàng triệu người Việt Nam vẫn hăng hái với khát vọng hội nhập và phát triển. Mặt khác, khi đã dùng đến khái niệm giải cứu nghĩa là phải cầu cạnh đến sự độ lượng và sự hàm ơn. Thực chất, trái cây Việt Nam không cần đến những cuộc giải cứu bất thường nếu vận hành hiệu quả thị trường nội địa.

Một tệ xấu nảy sinh khi bùng phát dịch là những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi sau khi sử dụng. Ảnh: HNM.

Đành rằng giá trị xuất khẩu của trái cây sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn nhưng sức mua trong nước đã được khai thác triệt để chưa? Chắc chắn chưa! Ngay thời điểm COVID-19 hoành hành thì sản lượng trái cây Việt Nam cũng chưa đáp ứng đầy đủ kho hàng của hệ thống siêu thị và các chợ đầu mối. 

Và cũng phải thừa nhận một thực tế đáng ái ngại là đôi khi khẩu hiệu giải cứu nông sản bị thương lái lạm dụng để chèn ép người trồng trọt. Thật oái oăm nếu xảy ra nghịch lý, giá thu mua tại vườn bị đưa xuống thấp nhất mà thị trường nội địa vẫn khan hiếm trái cây Việt Nam.

Trong quá trình giao thương sôi động, trái cây của những quốc gia khác đã đổ về Việt Nam ngày càng đa dạng. Chỉ tính hai mặt hàng táo và nho đã có hàng chục loại của Mỹ, Pháp, Nam Phi, Úc, Hàn Quốc, New Zealand... xuất hiện choáng ngợp trước mắt người tiêu dùng Việt Nam. 

Chúng ta không có sản phẩm để cạnh tranh với những mặt hàng thuộc thế mạnh của họ nhưng trái cây nhiệt đới đặc trưng Việt Nam vẫn có chỗ đứng riêng đối với tiêu chí thụ hưởng của người Việt Nam. 

Đại diện siêu thị Vinmart cho biết, mỗi tuần đơn vị này cần 60 tấn dưa hấu để tiêu thụ nhưng không có nguồn cung cấp. Vậy, dưa hấu tồn đọng ở đâu, để nhiều người sốt ruột giải cứu nông sản? Phải chăng, quan hệ 3 bên giữa người trồng trọt, người phân phối và người tiêu dùng đang bị chi phối bởi các đối tượng trung gian thiếu thiện chí? Chỉ cần gỡ được nút thắt kia, sức mua của người Việt Nam sẽ góp phần ổn định thị trường trái cây Việt Nam.

Không riêng mùa dịch bệnh mà điệp khúc giải cứu nông sản vẫn thỉnh thoảng rúng động tâm can xã hội vào những ngày tháng bình thường mỗi năm. Xuất khẩu là một con đường hanh thông của trái cây Việt Nam, chứ không phải con đường duy nhất cho thị trường trái cây Việt Nam. 

Phải tin tưởng vào sức mua nội địa, dù Việt Nam chưa có được ngành công nghiệp chế biến như mong đợi. Người trồng trọt chắc chắn sẽ yên tâm gắn bó với trái cây Việt Nam mà không đoái hoài nỗi ám ảnh “mất mùa - được giá, được mùa - mất giá” khi thiết lập một cách bài bản các đầu mối thu mua cơ sở và kỹ thuật bảo quản sau thu hoạch!

Diễn biến của dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp. Với những bệnh nhân sau khi điều trị đã có kết quả âm tính với COVID-19, ngành y tế Việt Nam hoàn toàn đủ tự tin ứng phó với đại dịch này. Trách nhiệm của đội ngũ y bác sĩ rất nặng nề, còn nghĩa vụ của cộng đồng thì sao? Muốn dập tắt dịch hoàn toàn, nhất định phải chống dịch từ bên ngoài khu vực cách ly. Có 2 điều quan trọng, cần phải thực hiện song song: vệ sinh môi trường và cung ứng thực phẩm!

Về vệ sinh môi trường, nhiều năm nay đã tồn tại quá nhiều hoạt động gây ô nhiễm. Bãi rác, ao tù, chất thải... luôn là những nơi dung túng và phát triển của dịch bệnh. Ngay trong mùa dịch COVID-19, lực lượng chức năng nên tranh thủ dọn dẹp và xử lý các điểm đen xung quanh vùng dân cư đông đúc. 

Mặt khác, một tệ nạn nảy sinh khi bùng phát đại dịch, chính là những chiếc khẩu trang vứt bừa bãi. Trang bị khẩu trang cho từng cá nhân là hành vi đáng khuyến khích nhưng khẩu trang dùng xong không thể tùy tiện ném ra đường, làm cho nhem nhuốc bộ dạng đô thị. 

Sự tùy tiện của nhiều người đã khiến những cầu thang chung cư hoặc những lối đi công cộng bỗng dưng tràn ngập khẩu trang đã sử dụng. Chỉ biết an toàn cho mình mà không nghĩ đến an toàn của người khác là thái độ đáng chê trách.

Việc cung cấp thực phẩm cũng là mối bận tâm của xã hội.

Về cung cấp thực phẩm, cũng là mối bận tâm của xã hội. Chưa ai biết đại dịch kéo dài bao lâu nên quan niệm tích trữ đồ ăn, thức uống sẽ xuất hiện nhanh chóng. Vì vậy, các mặt hàng thiết yếu như gạo, dầu, nước mắm, mì gói... phải được giám sát từ khâu sản xuất đến khâu thương mại nhằm ngăn chặn những bàn tay đầu cơ kiếm lợi bất minh. Các chương trình bán hàng bình ổn giá cần được triển khai đồng loạt ở các thành phố lớn để tránh tâm lý giành giật mua sắm của đám đông.

Đối phó đại dịch bao giờ cũng là sự thử thách cho giá trị văn minh của cộng đồng. Sự đoàn kết và đùm bọc giống như nền tảng để cùng nhau vượt qua hiểm họa. Động thái tiến bộ từ ngoài khu vực cách ly sẽ là động lực cho thắng lợi trong khu vực cách ly. Chia sẻ thông tin đúng đắn và động viên tinh thần tích cực sẽ xóa bỏ lo lắng và hoang mang. 

Dù COVID-19 là chủng virus mới nhưng kinh nghiệm khống chế dịch SARS từng chứng minh khả năng chống chọi nguy nan của người Việt Nam. Hơn nữa, nền y học cổ truyền Việt Nam cũng có không ít bài thuốc có thể giúp tăng cường sức đề kháng và đẩy lùi dịch bệnh. Chăm sóc chu đáo cho người bệnh, khoanh vùng đối tượng nghi ngờ tiếp xúc với người bệnh để tiêu trừ sự lây nhiễm và nâng cao ý thức phòng bệnh cho mọi người thì không có gì phải sợ hãi COVID-19. 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Những bài học về sự chuẩn bị

“Cái trạm y tế ấy, cộng với cái loa phường (mà rất nhiều người trù ẻo) là cách rất tốt để tuyên truyền cũng như bắt buộc các bậc phụ huynh phải đưa con em mình đi uống vitamin A, tiêm phòng vaccine chống các loại virus ngày càng biến đổi nhanh như cách tiến sĩ Bruce Banner biến hình thành Hulk.

Rất tiếc là giờ loa phường đã bị khai tử ở Hà Nội, báo hại ông chú mình làm tổ trưởng dân phố phải đi từng nhà vận động hay gửi thông báo đi tiêm mà vẫn còn bị nhiều vị phụ huynh thờ ơ trách móc một cách rất phi lý, rồi đến khi con mình làm sao thì lại đổ lỗi cho nhà nước.

Xuất khẩu thanh long bị ngừng trệ ở cửa khẩu do dịch COVID-19.

Hôm trước, lúc đón con đi ngang qua phường Hàng Buồm, bắt gặp cảnh rất thú vị: mấy bác về hưu (chắc hội phụ nữ) mang băng đỏ vác loa ra giữa ngã tư phát ra rả bài tuyên truyền về Corona, khách Tây đi qua cũng rất khoái rút điện thoại ra quay.

Ai thấy phiền không biết nhưng mình thấy cách tuyên truyền này rất hữu hiệu vì nhiều người bây giờ chỉ quen xem Facebook đọc tít rồi share vô tội vạ mà không nắm được những nguyên tắc cơ bản của việc phòng ngừa dịch bệnh, hay virus lan truyền kiểu gì.

Nên nếu được, mình rón rén đề nghị Hà Nội cho sử dụng lại loa phường, chỉ cần giảm bớt âm lượng, hạn chế thời lượng, tập trung vào những tin dân sinh cần thiết, bớt mấy thứ văn nghệ quần chúng là OK” (hết trích).

“...Cơn ác mộng của cư dân đô thị đông đúc như Hà Nội. Hay trưởng ban dân vận của quận là người duy nhất còn sót lại của Hà Nội thời chưa có smart phone?

Giờ có ai mà còn nghe loa, ai cũng có điện thoại thông minh và có người yêu tên là Bộ Y tế ngày nhắn 4 phát dặn dò âu yếm rồi.

Đọc mà không tin vào mắt mình luôn!” (hết trích).

Trên đây là 2 dòng trạng thái tôi đọc được xoay quanh chuyện có nên sử dụng loa phường để tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 hay không. Chủ nhân của 2 dòng trạng thái ấy không quen biết nhau, không cùng chung mạng lưới bạn bè trên Facebook. Họ đều là những nhà báo giỏi, những trí thức tiến bộ. Quan điểm của họ về loa phường trái ngược nhau song người nào cũng có cái lý của họ cả. 

Tôi trích dẫn ra đây không phải để tranh cãi ai đúng - ai sai mà chỉ để thấy một hiện tượng rất chung ở thời điểm dịch bệnh này. Đó là sự đa chiều về thông tin và quan điểm. Cái đa chiều ấy chính là biểu hiện của sự hoang mang, lo lắng đến tột độ trong xã hội Việt Nam hiện thời. 

Có lẽ, trong suốt 20 năm qua, chưa bao giờ chúng ta phải đối diện một biến động xã hội nào ghê gớm như COVID-19. Và khi chúng ta hoang mang, thậm chí là hoảng loạn, chúng ta đã tự minh chứng rằng mình hoàn toàn không có một sự chuẩn bị nào cho một biến động xã hội lớn lao.

Phải thừa nhận, dù còn đầy rẫy những vấn đề nhức nhối nhưng xã hội Việt Nam nhiều năm qua quá bình ổn và người dân đón nhận sự bình ổn ấy như một lẽ dĩ nhiên. Thế giới thì đầy biến cố và mỗi một ngày lại có một đổi thay mới, thi thoảng lại có những “địa chấn” ở đâu đó, ví dụ những câu chuyện di dân ở Trung Mỹ, những câu chuyện bom đạn ở Trung Đông. Và, trong một thế giới như thế, sự bình ổn của Việt Nam còn quý hơn vàng. 

Dân Việt Nam chúng ta không phải đối diện những biến động vĩ đại khiến cho đời sống xoay chiều bất ngờ. Bởi vậy, khi đại dịch COVID-19 xảy ra mà nơi phát xuất lại là Vũ Hán - Trung Quốc, một quốc gia sát biên giới phía Bắc và có nhiều mối quan hệ giao dịch ở mọi cấp với Việt Nam, dư chấn nó tạo ra với xã hội Việt Nam là quá đột ngột. 

Trọng tâm lớn nhất của những hoang mang trong kỳ đại dịch này có thể nói đến việc trẻ em có nên tiếp tục đến trường sau tết Âm lịch hay không. Nhiều người trách cứ ngành giáo dục cứ lúng túng trong việc ra quyết định cuối cùng và việc 2 công văn cho trẻ em kéo dài kỳ nghỉ được công bố vào ngày cuối tuần, tức là sát lịch đi học trở lại, được xem là ví dụ điển hình của sự lúng túng ấy. 

Nhưng, thú thật, nếu tôi có may mắn được làm người lãnh đạo ngành giáo dục, tôi cũng rất khó để đưa ra quyết định. Muốn có một quyết định chuẩn xác, khâu thu thập thông tin là vô cùng quan trọng. Tất nhiên, tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cũng quan trọng không kém. Nhưng, nếu chỉ nói về thông tin thì chúng ta sẽ thấy độ khó của quyết định là như thế nào. 

Diễn biến của một đợt dịch bệnh thực sự bất trắc và khó lường. Hôm nay tình hình có thể thế này, sáng sớm hôm sau tình thế đã xoay chuyển kiểu khác. Ra một quyết định chiều lòng được các phụ huynh đang nuôi nỗi lo sợ trong người thì dễ được lòng những phụ huynh ấy. Nhưng, với những phụ huynh vững tin vào khả năng chống dịch từ học đường, quyết định ấy dễ vấp phải những phê phán. 

Cơ bản, trẻ em nghỉ học kéo theo vấn đề về người giữ trẻ và chắc chắn nó ảnh hưởng trực tiếp tới công ăn việc làm của cha mẹ. Bởi vậy, bảo sao ngành giáo dục không lúng túng khi đưa ra một quyết định có tác động xã hội vô cùng lớn như thế.

Nhưng trận dịch COVID-19 này không chỉ tác động xáo trộn câu chuyện học hay nghỉ với mỗi gia đình, nó còn xáo trộn các mối quan hệ khác nhau trong xã hội. Giao thương đình trệ và việc chúng ta kêu gọi nhau giải cứu nông sản, giải cứu tôm hùm v.v... cho thấy sự xáo trộn đã ở mức độ nào. 

Chỉ cần nhìn vào đoạn video clip ghi lại cảnh hai người phụ nữ đánh nhau trước một tiệm thuốc Tây ở quận 4, TP Hồ Chí Minh chỉ vì tranh nhau quyền mua chai nước rửa tay là đủ thấy sự căng thẳng trong mỗi con người hôm nay ra sao. 

Rồi kế đó là những nghi ngờ mà mỗi người dành cho những người đối diện. Đơn cử như chuyện một ai đó từ xa về, quý mến mình, muốn đến thăm mình chẳng hạn, chắc chắn mình cũng nghi ngại, chẳng hiểu người ấy liệu có đến từ nơi có nguy cơ mang mầm bệnh hay không. 

Và con người thường không có khả năng chịu đựng nổi căng thẳng kéo dài. Căng thẳng dồn nén lại sẽ khiến người ta phải bung xả như chiếc lò xo mà khi bung xả, hành vi rất khó được kiểm soát.

Rất may là việc kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam suốt tháng 2 vừa qua đã được thực hiện rất tốt nên những hoang mang, lo sợ cũng bắt đầu lắng dần khi những thông tin tích cực được đưa ra. 

Nhiều lúc tôi hình dung mà rùng mình. Giả sử không may, trời bắt chúng ta phải gánh chịu đại dịch như Vũ Hán thì không biết điều gì sẽ xảy ra nữa. Cả nước mới chỉ có 16 người nhiễm virus Corona chủng mới mà đã hoang mang như thế. Nếu con số ấy lớn hơn, với tốc độ lây lan nhanh hơn, có lẽ chúng ta dễ chết vì phát điên trước khi dịch bệnh đụng đến mình.

Và quay lại, tôi chợt nhận thấy rằng chúng ta thiếu sự chuẩn bị để đối diện một biến động xã hội cực lớn. Ví dụ như chuyện xuất khẩu nông sản, thủy, hải sản thôi cũng đủ thấy sự thiếu chuẩn bị là như thế nào. Chúng ta quá phụ thuộc vào một vài thị trường “tiện nghi” và không bao giờ đưa ra câu hỏi “nếu không còn thị trường ấy, chúng ta sẽ bán cho ai?”.

Những khó khăn kiểu bị thương lái dìm giá chỉ là những khó khăn vặt vãnh, mang tính thời vụ đơn thuần. Còn những khó khăn kiểu như một cơn đại dịch giống như COVID-19 lần này mới đáng là thách thức đối với khả năng chuẩn bị đa phương án của chính mình.

Ngay cả chuyện cái tên của đợt dịch này thôi cũng đã đủ để nói về sự thiếu chuẩn bị về kiến thức cộng đồng rồi. Virus Corona vốn dĩ là cái tên để chỉ một nhóm virus gây nhiễm trùng đường hô hấp. Và ở đợt dịch lần này, thứ virus ấy được gọi là virus Corona chủng mới (NeoCorona Virus). Còn cái tên COVID-19 là tên của dịch bệnh mà nếu dịch nguyên văn ra là “dịch bệnh 2019 được gây ra bởi virus Corona”. 

Khi chúng ta thiếu sự tìm hiểu, chúng ta dễ sa đà vào chuyện tranh cãi rằng gọi tên thế nào mới là đúng. Và nguy hiểm hơn cả là nếu thiếu sự tìm hiểu ắt sẽ dẫn tới việc càng hoảng hốt hơn, lo sợ hơn khi đối diện với những gì liên quan tới nó.

Tôi muốn nhắc lại một ví dụ rất đáng tự hào trong đợt dịch bệnh này. Đó là việc đội ngũ các nhà khoa học của chúng ta (nhóm của TS Lê Quang Hòa) đã nhanh chóng tìm ra phương pháp xét nghiệm virus Corona cho kết quả sau 70 phút. 

Vâng, để có được hai chữ “nhanh chóng” kia, nhóm của TS Lê Quang Hòa đã phải cật lực và liên tục nghiên cứu nhóm virus Corona suốt gần 20 năm qua, kể từ thời của bệnh SARS hoành hành. Đó chính là sự chuẩn bị thầm lặng của họ và chỉ có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ấy mới khiến họ đối diện đại dịch bằng một thắng lợi vẻ vang.

Hãy nghĩ đến tương lai với những kịch bản biến động lớn để tự chuẩn bị cho mình phương cách đối diện nó một cách hiệu quả nhất. Đơn giản, nếu một người thiếu chuẩn bị, xã hội sẽ thêm 1 hoang mang. Nếu 1 triệu người thiếu chuẩn bị, xã hội chắc chắn sẽ thêm 1 triệu lần hoảng loạn. Mà trong các biến động lớn của xã hội, hoảng loạn sẽ chỉ càng làm biến động tạo nên hậu quả nghiêm trọng hơn. 

Hà Quang Minh

Phạm Hà - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.