Đỗ Doãn Phương (Hà Nội): Cứ diễn đi, còn hơn là nhìn sân khấu chết!

Thứ Ba, 13/09/2011, 15:59
Đang giữ cương vị Phó tổng biên tập Báo Thể thao & Văn hóa, là một trong những đại biểu tham gia nhiều hội nghị những người viết trẻ, Đỗ Doãn Phương không bi quan về lực lượng mới trong nghề. Anh cho rằng, đội ngũ này đáng để chúng ta đặt niềm tin, dù hiện tại mặt bằng tác phẩm chưa cao lắm!

- Chúng ta đều thống nhất rằng, hội nghị viết văn không phải là nơi "ươm mầm" văn chương hay đại loại cái gì đó to tát, nó như một lần "kiểm điểm lực lượng" thôi. Anh, một trong những đại biểu tham gia khá nhiều kỳ hội nghị viết văn, anh thấy 10 năm qua, văn trẻ có gì?

- Nói về cả một thập kỷ văn chương thì to quá, mà tôi thì lại không phải người làm văn chương "chuyên nghiệp" (tôi chẳng xuất thân từ lò văn chương nào và việc của tôi là làm báo) lại không dính gì đến phê bình. Hồi học sinh, học Thi nhân Việt Nam, thấy Hoài Thanh - Hoài Chân hân hoan nói rằng, một năm của ta (tức thời Thơ Mới) bằng 30 năm của người.

Trong hơn một thập kỷ thơ mới (từ 1930 đến khi Hoài Thanh viết xong Thi nhân Việt Nam, 1941), người ta thấy đúng như vậy thật. Bây giờ nhìn lại một thập kỷ văn chương của chúng ta đầu thế kỷ XXI, người ta thấy nó có vẻ đuối hơn cả thập kỷ trước, nói gì đến thập kỷ vàng thời tiền chiến.

Vừa qua, bạn bè Lãng Thanh kỷ niệm ngày mất của anh. Rất cảm động, nhưng cũng rất tiếc rằng giá trị được khẳng định (một cách khá tuyệt đối) lại thuộc về một người đã mất. Mà lại là một người mất khi chưa một bài thơ nào được in. Tôi đã đọc thơ Lãng Thanh nhiều lần, và tôi nhận thấy đấy là một giá trị lạ lùng, nó vừa trẻ trung mãnh liệt của người trẻ như mình, vừa tài hoa, cổ kính - thứ nghệ thuật mà những người biết thư pháp mới có.

- Cách đây 10 năm, chúng ta cùng bàn đến hiện tượng "nỗi buồn và cái tôi nhàn nhạt ở trong quán cà phê" như một vấn nạn của văn trẻ. Nghĩa là bị vụn vặt. Theo anh, 10 năm sau vấn nạn của văn trẻ khác gì? Và như thế nào?

- Tôi nghĩ thời nào cũng có những tác phẩm văn chương phù phiếm, thời nay không ngoại lệ, thậm chí cái phù phiếm còn nhiều hơn do sự bùng nổ của Internet cũng như thị trường xuất bản.

- Nhìn vào danh sách đại biểu dự hội nghị lần này, tôi cảm thấy có rất nhiều gương mặt mới. Có người cho rằng, có quá nhiều gương mặt không thực sự xuất sắc, cho thấy cái nền của văn học trẻ hiện nay khá thấp. Anh nghĩ sao?

- Công chúng ngày nay có nhiều sự quan tâm hơn văn chương. Nhã Nam vừa triển lãm các tác phẩm văn chương Tự lực Văn đoàn, trong đó lần đầu tiên trưng bày bằng chứng nhận giải thưởng của bà Mộng Tuyết, mà đối với chúng ta ngày nay như một di sản văn học quý giá.

Không phải tất cả các tác phẩm Tự lực Văn đoàn đều là kiệt tác, nhưng vì nó quý hiếm, và thời đó, nếu tôi nhớ không nhầm, thì cũng chỉ nổi lên giải thưởng đó, cho nên ai cũng biết, ai cũng đọc, và ai cũng bàn luận. Ngày nay, bạn thử tính xem một năm có bao nhiêu giải thưởng văn chương? Chưa nói đến số tác phẩm được in ra. Công chúng không có thời gian để đọc hết. Cho nên, nếu không phải là dạng tác phẩm best-seller thì tất cả sẽ chìm nghỉm. Mặt bằng văn học ngày nay, theo tôi nghĩ, tương đối thấp. Một phần thiếu người tập hợp và… tạo đỉnh. Tôi nhớ trong một tiểu luận, Paustovski nói rằng, các nhân tài mới như "cam không hề ngừng chín trong vườn". 

- 10 năm qua, anh làm gì? Và anh có còn coi thơ như một nhu cầu mỗi ngày, hay chỉ lâu lâu nhớ tới như nhớ một người tình ở xa?

- Sau tuổi hăm ba, tôi cảm thấy cuộc sống như trượt đi ở ngoài mình. Chính vì thế ghi nhật ký hay sáng tác chính là một cách để "chống trượt", để "sắp xếp lại" đầu óc rối loạn của mình. Thực sự đó là cảm giác chiến thắng được sự chết đi của mỗi ngày. Làm thơ để "tập thể dục" tinh thần, khiến nó không bị rối loạn.

- Tôi nhớ là cũng khoảng 10 năm trước, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và thế hệ của anh ấy coi Đỗ Doãn Phương là một hiện tượng và sẽ tỏa sáng. Nhưng, dường như đời sống báo chí đã làm anh hờ hững với thơ? Hay chính đời sống ấy đòi hỏi ở anh sự tỉnh táo và lý trí, để anh buộc phải đánh chìm mình đi, ẩn thân kỹ hơn?

- Tôi chưa được nghe kỳ vọng đó của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Nếu vậy thì tôi rất vui. 10 năm qua tôi hoạt động trên lĩnh vực báo chí, và 10 năm tới cũng vậy. Đó là công việc chính yếu, duy nhất, đòi hỏi phải luôn tỉnh táo, lý trí, và phải quên mình là người sáng tác. Tôi không bao giờ lẫn lộn giữa hai công việc đó, càng ít đồng nghiệp cơ quan biết mình là người sáng tác càng tốt. Vợ con không biết cũng càng hay. Việc sáng tác là khoảng trời riêng, hết sức độc lập.

- Anh có nghĩ rằng văn chương đang là cánh cửa hẹp để người trẻ tìm một chỗ đứng trong đời sống? Và sự trôi tuột của đời sống tiêu thụ làm cho các tác phẩm văn học cũng khó tìm được những bạn đọc chân thành hơn?

- Báo TT&VH có giải Cống hiến trong lĩnh vực âm nhạc cũng khá uy tín. Tôi có ý tưởng mở rộng Cống hiến sang cả lĩnh vực văn hóa đọc, với cách thức là mỗi năm báo giới bầu chọn một cuốn sách "cống hiến" nhất cho công chúng. Nhưng ý tưởng này bị xem là không khả thi, với lý do: âm nhạc còn có dư luận để báo giới đánh giá, chứ sách văn học thì làm sao tạo được dư luận để các nhà báo có cơ hội bầu chọn? Tôi vẫn kiên trì ấp ủ ý tưởng của mình.

Bạn nghĩ xem, nếu văn học thực sự vẫn có những người quan tâm, nhất là các nhà báo trên lĩnh vực văn hóa, thì tất cả chúng ta hãy cùng TT&VH làm giải Cống hiến trong lĩnh vực văn hóa đọc, chắc chắn nó sẽ có chỗ đứng so với các giải sách đẹp, sách hay hiện nay.

- Vâng, quả là một ý tưởng ấm áp. Nhưng anh nghĩ thế nào, nếu báo chí chỉ toàn những trang PR sách, còn chúng ta, những người viết thì lại quá mệt để… "chống lại mafia"?

 - Điều đó bình thường thôi. Cuộc sống cũng như sân khấu, lúc nào cũng phải có người nhảy lên đó làm diễn viên, nếu không sẽ thấy trống trải.  Còn màn diễn có đọng lại không thì lại là chuyện khác. Cứ diễn đi, nó chỉ có lợi thôi, còn hơn là để sân khấu "chết"…

Hoài Phố
.
.