Phó Tổng Giám Đốc TTXVN Lê Quốc Minh:

Điều gì đang xảy ra trong “Quốc gia” facebook?

Thứ Tư, 29/07/2020, 08:34
Đầu tháng 7 xuất hiện một thông tin xấu với Facebook: Hàng trăm nhãn hàng cùng tuyên bố ngừng quảng cáo trên mạng xã hội có độ phủ lớn nhất toàn cầu này. Lý do là Facebook đã không có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tin giả, tin xấu cùng các nội dung ít nhiều có màu sắc thù địch hoặc phân biệt chủng tộc. Những lời tuyên bố tạm thời tẩy chay Facebook xuất hiện như một cơn sóng nhú lên giữa đại dương bao la.


Theo nhiều nhà nghiên cứu truyền thông - quảng cáo thì “sóng nổi rồi sóng sẽ chìm” nhưng những cơn sóng này ít nhiều cũng gợi ra những ý tưởng mới về cách thức tương tác giữa các quốc gia, các công ty, doanh nghiệp, thậm chí là từng cá nhân đối với Facebook nói riêng và mạng xã hội nói chung. Liệu sẽ có một ngày phần còn lại của thế giới có thể cùng nhau đòi hỏi những nhà mạng phải sạch hơn và có trách nhiệm hơn trong quá trình hoạt động? Liệu sẽ có một ngày, quyền lực Facebook không thể là một thứ “quyền lực độc tôn”, âm thầm chi phối nhiều ngóc ngách của nhiều hoạt động quan trọng trong đời sống nhân loại?

ANTG GT-CT đối thoại với ông Lê Quốc Minh, Phó Tổng giám đốc TTXVN về chủ đề này.

Một mình Mark Zuckerberg quyết định tất cả

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Lê Quốc Minh, là một nhà nghiên cứu truyền thông báo chí lâu năm, ông có nhận thấy điều gì khác thường trước việc hàng loạt nhãn hàng cùng tuyên bố tẩy chay Facebook hay không?

- Nhà báo Lê Quốc Minh: Cho tới thời điểm chúng ta trao đổi với nhau thì có khoảng hơn 600 doanh nghiệp tạm gọi là tẩy chay quảng cáo trên Facebook. Nhưng theo ước tính thì 100 doanh nghiệp chi quảng cáo hàng đầu trên Facebook thì cũng chỉ chiếm 6-7% doanh thu quảng cáo của mạng xã hội này mà thôi.

Tôi không tin là nó sẽ có tác động đáng kể. Khoảng năm 2017, các nhà quảng cáo cũng kêu gọi tẩy chay YouTube vì trên nền tảng này có những nội dung thù hận và kỳ thị những người thuộc cộng đồng LGBT. Nhưng sau khi YouTube tuyên bố thay đổi thuật toán để ngăn chặn những nội dung như vậy thì mọi thứ lại về như cũ mà chẳng rõ tình hình có thực sự cải thiện hay không.

Bây giờ làn sóng phản đối Facebook có vẻ mạnh mẽ hơn. Rõ ràng không thương hiệu nào muốn sản phẩm của mình được quảng cáo cạnh những nội dung phân biệt chủng tộc, phân biệt sắc tộc hay kích động thù hận cả. Nhưng tôi không chắc là chiến dịch “tẩy chay” này sẽ có được hiệu quả cụ thể.

- Có thể những tác động về mặt kinh tế với Facebook là chưa có gì đáng kể nhưng việc tẩy chay này theo tôi ít nhiều có “ý nghĩa biểu tượng”. Nó khiến Facebook phải nghĩ đến tình huống: Nếu không chịu thay đổi sẽ có ngày mình sẽ bị tẩy chay lớn hơn. Theo ông, sau vụ này Facebook có tính đến chuyện rồi sẽ phải thay đổi hay không?

- Với Facebook, mọi quyền quyết định đều nằm trong tay một người, đó là Mark Zuckerberg. Khi một người duy nhất nắm quyền thì những quyết định đưa ra ít nhiều cũng có tính chủ quan. Và khi một người duy nhất nắm quyền quyết định thì việc người ấy có chịu thay đổi thực sự hay không cũng là một chuyện rất khó trả lời. Những ý kiến liên quan đến phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây chẳng hạn, khi Mark Zuckerberg bảo rằng chúng không vi phạm chính sách của Facebook thì Facebook sẽ không can thiệp.

Mà anh biết đấy, câu chuyện Facebook bây giờ không như cách đây dăm ba năm. Facebook hiện có 2,6 tỷ người dùng, tức là nó lớn hơn cả những quốc gia đông dân nhất thế giới. Và nó là nền tảng được hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như các cá nhân sử dụng để tiếp cận người dùng, với tổng doanh thu mang lại cho Facebook lên tới gần 70 tỷ USD vào năm ngoái. Họ không dễ thay đổi đâu.

- Điều gì đang thực sự xảy ra trong “quốc gia” đặc biệt này?

- Trước đây chúng ta lên mạng xã hội với tâm thế nó là một nơi để có thể nói tất cả những gì mình muốn và có thể nghe những ý kiến nhiều chiều. Nhưng bây giờ thì không đơn giản như vậy nữa. Thuật ngữ của Facebook để nhắm trúng đích các chương trình quảng cáo đã làm xuất hiện cái gọi là “bong bóng lọc” khiến mỗi người chỉ nhìn thấy những gì họ muốn thấy, nghe những gì họ muốn nghe.

Và Facebook cũng trở thành nền tảng cho những cá nhân hay tổ chức đưa ra những “nghị trình” của riêng mình: đó có thể chỉ là mục tiêu kiếm tiền nhưng cũng có thể là chủ trương của ai đó nhằm nói xấu, hạ bệ một cá nhân, một doanh nghiệp, một chế độ nào đó.

Người xây chợ chưa quản chợ

- Rất nhiều người dùng đã đề nghị Facebook phải có những thay đổi bước ngoặt, ví dụ như dán nhãn cảnh báo vào những status có nội dung bất ổn. Một nền tảng mạng xã hội khác là Twitter đã làm điều này rồi. Một số phát ngôn của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị Twitter dán nhãn cảnh báo là “thông tin cần kiểm chứng”, khiến ông Donald Trump đùng đùng nổi giận. Theo ông, Facebook có nên tạo ra những thay đổi giống như Twitter không?

- Nếu chúng ta dán nhãn theo kiểu tin này đúng, tin kia sai dựa trên phân tích của những trang kiểm chứng thông tin uy tín thì trong một chừng mực nào đó cũng chấp nhận được. Nhưng từ đó lại dẫn tới câu chuyện kiểm duyệt thông tin trên mạng xã hội thì sao? Tới lúc đó thì ai có thể cho mình cái quyền được kiểm duyệt? Với một lượng nội dung rất lớn trên mạng xã hội, liên quan đến triệu, hàng tỉ người thì việc kiểm duyệt này lại càng phức tạp. Facebook sử dụng cả con người lẫn hệ thống trí tuệ nhân tạo mà vẫn để xảy ra rất nhiều vấn đề. Đây chính là băn khoăn rất lớn của những nhà nghiên cứu truyền thông thế giới cũng như người dùng hiện nay.

Nói thế này cho dễ hiểu: Các nhà mạng xã hội như Facebook, Twitter giống như những người xây chợ. Vậy ở trong chợ, ai bán, ai mua cái gì, mua-bán ra sao phải là trách nhiệm của ai, có phải chỉ là việc của quản lý thị trường? Một doanh nghiệp xây lên cái chợ hấp dẫn, thu hút người vào chợ kinh doanh, thậm chí tạo ra nhiều cửa ngách để thuận tiện đi lại. Lúc đầu người ta vào chợ bán hàng tử tế nhưng sau đó bán hàng nhái, hàng giả, đánh lộn trong chợ. Người sở hữu chợ thu phí nhưng tuyên bố vô can, không chịu trách nhiệm có được không?

 Trách nhiệm của người xây chợ ở chỗ này là một vùng mờ, rất khó phân định cho rạch ròi. Tất nhiên, không phải một mình người xây chợ chịu trách nhiệm mà có nhiều bên cùng phải chịu trách nhiệm trong câu chuyện này. Trong câu chuyện mạng xã hội, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra trách nhiệm của các nền tảng, các chính trị gia trong việc đề ra các quy định pháp lý cần thiết, trách nhiệm của chính người dùng và kể cả của các cơ quan báo chí chính thống nữa.

- Theo quan điểm của ông, phần trách nhiệm của “người xây chợ” có thể được thể hiện trên những khía cạnh nào?

- Trách nhiệm của người xây chợ - tức là các nền tảng mạng xã hội - là phải tạo ra những thuật toán để hạn chế lây lan những nội dung xấu độc, cảnh báo những tài khoản thường xuyên phát tán những nội dung đã bị dán nhãn là không đúng sự thực, thậm chí xóa bỏ những tài khoản đăng tải và phát tán những nội dung sai lệch.

Nhưng tôi cũng muốn nói luôn phần trách nhiệm của những bên liên quan khác. Ví dụ như của cơ quan quản lý, việc xử lý cũng phải thay đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế, bằng chứng là ở nhiều nước, người ta đã phải đưa ra những hình phạt mới, rất nặng dành cho những ai tung tin giả trên mạng xã hội. Một bên nữa cũng phải hành động có trách nhiệm là báo chí chính thống.

Báo chí không chỉ phát hiện tin giả khẳng định tin thật, bởi khi đó có nghĩa là báo chí đã đi sau. Tin giả đã xuất hiện trước rồi báo chí mới chạy theo để xác minh. Báo chí phải chủ động ngăn chặn tin giả, tin xấu, để nó không thể xảy ra.

Muốn vậy báo chí phải nâng cao nhận thức của mọi người trong việc phân biệt, đánh giá thông tin trên mạng xã hội, từ đó không tạo dựng, lan tỏa tin giả, tin xấu. Và cuối cùng, bản thân người dùng cũng phải nâng cao ý thức. Người dùng không thể đơn giản nói “Tôi thấy hay nên cứ đọc và chia sẻ thôi” bởi có thể họ đang góp phần lan truyền những thông tin thất thiệt, gây tác hại cho xã hội hoặc cá nhân, tổ chức nào đó.

Tuy nhiên, nếu chỉ nói loanh quanh theo kiểu “người dùng phải thông thái”, “người dùng phải có trách nhiệm” thì vẫn mang tính lý thuyết. Bởi nhiều nghiên cứu cho thấy, không chỉ người dùng bình dân, ngay cả nhiều trí thức hẳn hoi, khi tham gia mạng xã hội vẫn mắc bẫy tin giả như bình thường. Lý do là các luồng thông tin bây giờ nhiều quá.

Có một nghiên cứu thế này: người ta cho một nhóm người vào một căn phòng nhất định và cứ nửa tiếng lại đẩy một ít thông tin vào đó, rồi tăng dần lượng thông tin. Các chuyên gia nhận thấy đến một mức độ nhất định, nhóm người tham gia nghiên cứu không thể tiếp thu thông tin được nữa.

Tin giả trên mạng bây giờ cũng vậy thôi. Đứng trước 5 tin - 10 tin, mỗi người thấy có thể dùng các kĩ năng cá nhân để phân biệt đó là thật hay giả. Nhưng khi bị đẩy lên hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn tin thì thật-giả hỗn loạn ngay. Nó khủng khiếp quá, dồn dập quá, khiến trí não con người không xử lý nổi nữa.

- Đấy là chưa nói, rất nhiều tin giả rất tinh vi?

- Vâng. Nhiều tin giả được thực hiện với lớp lang rất tinh vi, không dễ gì nhận biết. Báo New York Times từng có phóng sự về một bậc thầy tin giả, đẩy việc sản xuất tin giả lên tầm cao. Rồi còn những nội dung mà ban đầu, người chia sẻ không hề có mục đích tạo tin giả nhưng khi nó được lan truyền thì cuối cùng lại trở thành tin gây rối cho xã hội.

Tôi lấy ví dụ như vài năm trước, có người chụp hình 2 người bạn mình rồi tung lên mạng, trêu đùa vui vẻ rằng: Mọi người cẩn thận nhé, hai người này chuyên bắt cóc trẻ em. Nhưng sau đó, cái tin đùa vui này được lan truyền trên mạng, nhiều cư dân mạng sau đó tưởng thật liền tung ra những lời thóa mạ, mạt sát, thậm chí còn tìm đến nhà hai người này với ý định xử lý theo “luật” riêng.

Bài toán cho những thế hệ tiếp theo

- Bình tĩnh nhìn nhận, chúng ta sẽ thấy đây là một hệ lụy tất yếu của sự phát triển. Chúng ta không thể tránh được, vấn đề chỉ là nhất định phải tìm ra một cách thức tương tác có lợi nhất mà thôi?

- Ngày xưa một chiếc điện thoại khá đắt tiền, không phải ai cũng có, mà không phải điện thoại nào cũng quay video được. Quay được rồi thì còn phải sử dụng công cụ biên tập, đòi hỏi có kỹ năng dựng video. Dựng rồi thì cũng chưa có mạng xã hội để chia sẻ. Phương tiện chia sẻ thông tin khi đó là các cơ quan báo chí chính thống mà thôi. Và các cơ quan báo chí chính thống thì không bao giờ chia sẻ những thông tin độc hại, thông tin không rõ nguồn gốc.

Thời đại bây giờ thì khác rồi. Điện thoại thông minh ngày càng rẻ tiền, có camera quay/chụp chất lượng cao, kết nối Internet là một xu thế không thể đảo ngược. Người ta có thể tự quay, tự dựng, tự chia sẻ, tức là đóng vai trò của một người tổ chức và phát hành nội dung từ A đến Z. Sự phát triển này là đương nhiên và hoàn toàn phù hợp nhu cầu của xã hội cũng như xu hướng công nghệ.

 Vấn đề là trong quá trình phát triển về công nghệ và mạng xã hội, nhân loại đã bỏ quên việc định hướng nhận thức cho người dùng. Một thời gian rất dài, có ai dạy cách nhận diện tin giả đâu, có ai bày cho cách phải đọc tin như thế nào để không bị lừa đâu. Thế rồi ai cũng có thể đăng ký các tên miền, các trang web, các dịch vụ mạng một cách dễ dàng.

Bây giờ một người có thể mở hàng chục, hàng trăm tài khoản mạng xã hội với những mục đích khác nhau. Thậm chí, có trường hợp một người sử dụng nhiều nick khác nhau và tự tạo ra các luồng quan điểm đối chọi nhau để tạo sóng hoặc nhằm một mục đích gì đó. Ngay tại nhiều quốc gia phát triển, ban đầu người ta coi các mạng xã hội như là những công cụ thực thi dân chủ nhưng bây giờ chính họ cũng phải đau đầu tìm cách thức để điều tiết nhiều hoạt động đã vượt tầm kiểm soát.

- Ông có thể đưa một vài ví dụ về việc ở các nước phát triển bây giờ, người ta đang áp dụng những công cụ hữu hiệu nào để điều chỉnh, tương tác với các vấn nạn mà mạng xã hội gây ra?

- Nhiều hãng thông tấn nổi tiếng trên thế giới cũng như các tổ chức độc lập đã xây dựng các trang kiểm chứng thông tin. Tất nhiên, không phải là tin nào cũng kiểm tra nhưng ít nhất những tin nổi bật, thu hút sự quan tâm của nhiều người thì sẽ được kiểm chứng ngay.

Độc giả sau khi đọc tin trên mạng xã hội thường vào những trang này để kiểm tra lại và các hãng tin cũng hợp tác với mạng xã hội để cảnh báo cho người dùng những nội dung mà họ xác định là tin không đúng sự thật. Những tài khoản cố tình phát tán các thông tin giả có thể bị hạn chế chức năng. Đây là một trong nhiều cách để ngăn chặn tin giả. Ở Việt Nam hiện nay chưa có những trang kiểm chứng thông tin như vậy. Vì chưa có nên sau khi mọi chuyện xảy ra chúng ta chỉ có cách truy cứu và xử phạt những người tung tin và lan tin.

Xử phạt là đúng nhưng nó chỉ là biện pháp tức thời, khi mà tin giả đã bị lan truyền và có thể đã tạo ra những hậu quả nhất định. Các nước như Đức, Cộng hòa Séc, hay ở gần chúng ta là Thái Lan, Singapore đều đã có những trung tâm chống tin giả. Nhiều quốc gia mới đây đã áp đặt những biện pháp trừng phạt vô cùng nghiêm khắc, án phạt có thể lên tới vài chục ngàn đôla hoặc nhiều năm tù.

- Nhìn lại lịch sử phát triển nhân loại, chúng ta thấy có rất nhiều thời điểm nhận thức xã hội thường đi sau các hiện tượng gắn liền với sự phát triển của khoa học, công nghệ mới. Tôi nhớ là khi cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra ở Anh và máy móc được ứng dụng phổ biến thì nhiều công nhân đã đập phá máy móc. Họ lo sợ máy móc sẽ cướp việc của họ. Nhưng, cùng với thời gian, một thế hệ công nhân mới - một thế hệ con người mới rồi cũng tìm ra cách thích ứng với máy móc. Thậm chí, nhờ thích ứng với máy móc mà con người vừa không mất việc, vừa đạt được năng suất lao động cao hơn. Những sự lo lắng, hoảng loạn, sợ hãi thường diễn ra ở những thế hệ bản lề và có vẻ như chúng ta bây giờ đang là những thế hệ bản lề trong tương quan với sự phát triển vượt mọi tưởng tượng trước đó của công nghệ và mạng xã hội. Nhưng, những thế hệ sau chúng ta rồi sẽ khác, bài toán này sẽ được giải và con người rồi sẽ tìm ra cách tương tác hữu hiệu nhất với cái chủ thể đang khiến chúng ta đau đầu nhất. Tôi nghĩ như vậy có đúng không, thưa ông?

- Vấn đề của những thế hệ bản lề như anh nói là họ đứng trước một hiện tượng mới và thường chưa hiểu đúng bản chất của nó, cho đến khi phải trả những cái giá rất đắt. Đơn cử như bây giờ, tôi thấy có nhiều người mà chuyện gì của cá nhân cũng đăng lên Facebook nhưng không hiểu được rằng mỗi dữ liệu mình đăng lên đều được Facebook thu thập và phân loại. Bây giờ có những công cụ phân tích tinh vi đến mức chỉ cần phân tích 50 hay 100 cái like của cá nhân là xác định được quan điểm chính trị, quan điểm xã hội của người đó như thế nào.

Cứ như thế, từng dòng nội dung, từng cái like của người dùng sẽ được các mạng xã hội thu thập, phân tích và họ sẽ sử dụng chúng. Mục đích trong sạch nhất là để “bắn” quảng cáo, tức là qua sự phân tích họ biết đặc điểm của từng người dùng và từ đó giúp các nhãn hàng có thể quảng cáo được trúng đối tượng mà họ muốn nhắm đến. Nhưng ngoài ra còn rất nhiều mục đích khác mà chúng ta hoặc có thể lường trước, hoặc có thể chưa lường hết được. Ví dụ khi xảy ra một cuộc bỏ phiếu, những nhóm công nghệ cao hoàn toàn có thể  tận dụng mạng xã hội để thao túng và chi phối cuộc chơi.

Một điều nữa về những nền tảng mạng xã hội mà chúng ta cần phải hiểu rõ, đó là suy cho cùng thì các mạng xã hội như Facebook cũng là một nền tảng kiếm tiền. Họ muốn nhiều ngươi xem, nhiều người dùng không phải là để cổ súy cho một làn sóng văn hóa, tư tưởng tốt đẹp nào đó trong xã hội, mà là để thu thập dữ liệu người dùng, từ đó phục vụ cho mục đích kinh doanh.

Nguồn thu quảng cáo của Facebook đã lên tới con số khổng lồ và để đạt được con số đó, họ phải không ngừng thay đổi thuật toán nhằm thu được nhiều dữ liệu người dùng nhất, từ đó có thể đẩy cho những nhà quảng cáo một cách hiệu quả nhất.

Rốt cuộc chúng ta cứ chạy theo thuật toán của họ và cúc cung dâng hiến những dữ liệu về bản thân cũng như những người xung quanh. Có câu nói rằng trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, dữ liệu là thứ quý giá nhất, như là dòng dầu thô trong nền kinh tế công nghiệp trước đây vậy. Chúng ta thì đang hồn nhiên cung cấp miễn phí những thứ quý giá đó cho người khác kiếm tiền.

- Chúng ta không/hoặc chưa hiểu hết về Facebook nên chúng ta hoặc ngây thơ “bán mọi thứ mình có” cho Facebook, hoặc phải trả giá vì quá nhiều hệ lụy, phiền toái mà Facebook gây ra?

- Một cuộc khảo sát của CB Insights vào năm 2017 từng đặt ra câu hỏi: “Trong 10 năm tới, theo bạn công ty nào sẽ gây ra hậu quả tiêu cực cho xã hội”? Có đến 59% gọi tên Facebook. Đứng thứ hai là Amazon thì tỷ lệ chỉ là 11%, Google là 4%. Theo một cuộc thăm dò khác của NBC News và Wall Street Journal vào tháng 3-2019, có đến 82% người trả lời nói rằng mạng xã hội chỉ khiến họ phung phí thời gian, từ 55-61% cho rằng mạng xã hội phát tán tin sai trái, những lời dối trá, tin đồn và những kiểu công kích không công bằng. Khi nhìn vào tỉ lệ này, tôi nghĩ rằng cách thức phát triển của mạng xã hội bây giờ có vẻ đã đi quá xa khỏi mục tiêu tốt đẹp ban đầu của nó.

Chúng ta phải thừa nhận rằng, mạng xã hội mang lại rất nhiều lợi ích, ví dụ như giúp chúng ta tăng tính kết nối với nhau, giúp cho tri thức được lan tỏa, giúp nhiều người thể hiện khả năng sáng tạo, v.v... Nhưng, hình như cái phần tốt đẹp đang bị lấn át bởi cái phần xấu, phần có hại. Và khi người ta dần dần thấy phần xấu, phần hại tăng lên, mạng xã hội làm mình mệt mỏi và phiền phức, thì người dùng sẽ điều chỉnh hành vi của mình.

Nhiều người trẻ giờ đây gần như không chia sẻ trên Facebook nữa. Bởi vì họ nhận ra rất nhiều hệ lụy trong việc chia sẻ thông tin với rất nhiều người mà vốn không biết là ai. Họ chỉ trò chuyện thông qua các ứng dụng tin nhắn, tức là chỉ chia sẻ riêng với một hoặc một nhóm người cụ thể.

Câu hỏi đặt ra là: Trong tương lai, những người dùng như thế liệu có buộc các nền tảng mạng xã hội như Facebook phải sửa chữa những điểm yếu của mình, hay thế hệ này thậm chí tìm đến một cách thức tương tác hoàn toàn khác? Nếu họ chọn cách thứ 2 thì cũng không loại trừ khả năng mặc dù bây giờ Facebook đang lên ngôi nhưng rồi nó cũng có thể đi xuống và thậm chí lụi tàn. 

- Xin cảm ơn ông!
Phan Đăng
.
.