Diễn viên múa Linh Nga: Múa vẫn có thể độc lập đứng vững cả một chương trình
Trở về nước làm việc, liên tiếp gây bất ngờ cho công chúng lẫn những người làm nghề với hai chương trình riêng: Vũ và Sen, Linh Nga đã trở thành một trong những cái tên “hot” trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí hiện nay…
- Trong khi rất nhiều đồng nghiệp khá chật vật để sống được bằng nghề đúng nghĩa, Linh Nga gần như được “trải thảm đỏ” đón chào khi trở về nước, thành công liên tiếp. Hình như số phận đang rất ưu ái với Linh Nga?
- Linh Nga có đặc biệt may mắn hơn nhiều diễn viên múa trẻ khác là có cả gia đình làm nghệ thuật. Cũng phải khẳng định là múa rất vất vả. Để đứng được trên sân khấu, người diễn viên phải trải qua một quá trình đào tạo rất dài, qua 7 năm trung cấp, học tiếp đại học nữa phải thêm 4 năm. Trong khi tuổi đời diễn viên múa lại ngắn, qua ngưỡng tuổi 30 là đã bắt đầu bước qua đỉnh dốc.
Nhưng nói múa là vất vả nhất cũng không đúng. Nga thấy ở nhiều lĩnh vực khác như xiếc, thể dục thể thao, người theo nghề còn vất vả hơn. Nhưng nếu có đam mê, khát vọng với nghề thì sẽ không thấy mình vất vả nữa. Được diễn, được đứng trên sân khấu, được cọ xát với sân khấu để trưởng thành hơn và nhất là được khán giả đón nhận là hạnh phúc lắm.
Nga đến với nghệ thuật múa như một tờ giấy trắng, lúc nhỏ không thích múa mà do bố mẹ đam mê múa, hướng con gái theo. Có những điều thế hệ trước chưa làm được, bố mẹ chưa làm được nên truyền lại, dồn cả khát vọng vào con. Gắn bó với múa, Nga dần yêu thích. Từ thích đến đam mê và quyết tâm giữ gìn cho được cái nghề của mình, của gia đình mình. Vì vậy có thể nói, quyết tâm của Linh Nga, đam mê của Linh Nga là của 3 người cộng lại. Mỗi chương trình của Nga, bố mẹ đều vất vả.
Múa là nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi nhiều thứ mà điều kiện nước mình còn nhiều hạn chế. Làm một chương trình, diễn viên chính phải lo đủ thứ chứ không chỉ tập trung lo có chuyên môn. Bố mẹ thương con, kỳ vọng và lo cho con nhưng bố mẹ Nga đều được đào tạo ở Nga, chuyên ngành vũ ba lê. Nga theo múa dân gian. Dù cố gắng đến đâu thì bố mẹ cũng chỉ lo được phần nào. Nói thật là nhiều lúc mệt quá, Nga đã nghĩ hay mình dừng lại ở đây thôi…
- Thời điểm nào Nga từng nghĩ mình sẽ dừng lại?
- Cũng nhiều lần nhưng chỉ một thời gian ngắn, lấy lại tinh thần, được sự động viên của mọi người, cuốn vào guồng quay công việc thì thôi. Ví dụ như lần Nga tổ chức chương trình Vũ. Ngoài tập trung lo cho chuyên môn, Nga còn phải lo rất nhiều thứ, từ biên đạo múa, tìm nhạc sĩ đặt bài, lo sân khấu, phục trang… Có bố mẹ hỗ trợ, chăm chút như chính chương trình của mình mà Nga còn thấy đuối. Sau này có thêm rất nhiều người nữa, toàn những người giỏi nghề ở nhiều lĩnh vực khác như đạo diễn Tất My Loan, họa sĩ, nhà thiết kế Sĩ Hoàng… ủng hộ, hỗ trợ. Đến chương trình Sen thì còn có cả ê kíp Công ty Vương Vũ của gia đình chăm lo cho Nga và chương trình nên cũng đỡ được cho Nga rất nhiều.
- Nga nghĩ sao khi dư luận cho rằng, sở dĩ Vũ và Sen thành công được như thế là nhờ có những đại gia đứng sau “chống lưng”?
- Khi Nga làm chương trình Vũ, may mắn có hãng hàng không Indochine tài trợ, các thầy cô cũ ở Bắc Kinh cũng hỗ trợ rất nhiều. Nhưng nói đi cũng phải nói lại thế này. Đầu tiên, Vũ chỉ đơn giản là chương trình được gia đình Linh Nga tổ chức như một buổi biểu diễn báo cáo kết quả học tập của Linh Nga sau hơn chục năm theo học ở nước ngoài.
Khi Nga về nước, bắt tay vào làm chương trình, thấy rằng làm như thế thì rất phí. Nga đã từng đi xem những chương trình biểu diễn múa ở nước ngoài. Có chương trình khán giả phải xếp hàng mua vé trước cả tháng. Nga tự hỏi họ làm được tại sao mình không làm được? Cũng không thể đổ lỗi cho múa là bộ môn nghệ thuật kén khán giả được. Bố mẹ ủng hộ ý kiến của Nga.
Cả gia đình tập trung cho một mục đích. Sau này đến chương trình Sen cũng thế. Ban đầu chỉ là những nhà tài trợ nhỏ lẻ, yêu nghệ thuật và đến tài trợ mà không đòi hỏi treo logo to đùng trên sân khấu như các chương trình khác. Sau mới có các nhà tài trợ lớn hơn. Nga cảm ơn các nhà tài trợ rất nhiều. Nói gì thì nói, không có tài trợ cũng khó làm được những chương trình như thế nhưng đây cũng là quan hệ hai chiều.
Các nhà tài trợ không đòi hỏi logo trên sân khấu song chương trình thành công, người ta vẫn nhớ đến họ, chưa kể những người quyết định tài trợ cho chương trình cũng đều là những người yêu nghệ thuật, cái đẹp, tâm huyết với văn hóa, nghệ thuật. Nga nhớ là khi chương trình kết thúc, không ít người trong số họ đã đến chúc mừng Linh Nga và chia sẻ rằng họ rất xúc động, và rằng, lâu rồi họ mới được thưởng thức một chương trình như thế.
Riêng với Linh Nga, có lẽ đến cuối cuộc đời hoạt động nghệ thuật, Vũ và Sen vẫn là hai chương trình có nhiều cái để Nga nhớ và tự hào. Chúng cũng chứng tỏ rằng, múa vẫn có thể đứng vững trên sân khấu suốt cả một chương trình mà vẫn thu hút khán giả, không hề nhàm chán. Khán giả không hề quay lưng với múa. Vấn đề là có đủ tâm huyết, tài năng và cách thức tổ chức như thế nào mà thôi.
- Sau Vũ và Sen, Linh Nga có một kế hoạch dài hơi nào không?
- Nga sợ nhất là câu hỏi như thế này. Sau mỗi chương trình, mình đã bỏ vào đấy rất nhiều tâm sức rồi nên rất cần một thời gian để dưỡng sức. Hiện tại Nga vẫn đi về nhiều nơi, tham gia biểu diễn các chương trình khác ở các tỉnh, thành, đóng quảng cáo, giúp học sinh ở nhà hát tập luyện… Công ty tổ chức biểu diễn Vương Vũ cũng đã được thành lập, trực thuộc nhà hát Bông Sen nhưng không tham gia tổ chức các sự kiện mà chỉ mang các hợp đồng về cho nhà hát. Công ty cũng có các chương trình giúp đỡ diễn viên trẻ như tìm kiếm các học bổng ở nước ngoài…
- Cảm ơn Linh Nga!