Khi người ta khóc:

Diễn viên Cát Tường: “Nước mắt là sự tự nhiên về cảm xúc”

Thứ Sáu, 04/05/2012, 11:50
"Nghệ sĩ có những lúc rất buồn, ngoài mặt gặp bạn bè lúc nào cũng vui, nhưng có những nỗi đau dành cho riêng mình thì chỉ có mình tự gặm nhấm nỗi buồn ấy mà thôi. Cho nên tôi nghĩ đây cũng là một điều hết sức thiệt thòi cho nghệ sĩ", diễn viên Cát Tường chia sẻ.

- Trên sàn diễn, người nghệ sĩ có thể khóc thoải mái theo nhân vật họ đóng. Nhưng ở ngoài đời, lúc vào vai chính mình thì có khi họ lại không dám bộc lộ cảm xúc thực, vì e ngại điều tiếng rằng mau nước mắt hoặc diễn trò. Chị có cho rằng đây là thiệt thòi của người nghệ sĩ không?

- Cơ bản thì điều chị hỏi rất đúng, vì điều này tôi gặp rất thường xuyên trong cuộc sống tình cảm của mình ở ngoài đời. Trong một mối quan hệ nào đó, kể cả trong công việc lẫn tình cảm, nhiều khi mình đang ở cao trào của cảm xúc và bật khóc, mà đối phương lại nói một câu “Không biết khóc lúc nào giả, lúc nào thiệt” thì thiệt là làm mình tan nát con tim. Bởi người ta đi coi mình diễn, thấy mình khóc ngon lành quá. Thành ra những lúc như vậy, mình phải nuốt nước mắt vào trong. Nghệ sĩ có những lúc rất buồn, ngoài mặt gặp bạn bè lúc nào cũng vui, nhưng có những nỗi đau dành cho riêng mình thì chỉ có mình tự gặm nhấm nỗi buồn ấy mà thôi. Cho nên tôi nghĩ đây cũng là một điều hết sức thiệt thòi cho nghệ sĩ.

Bây giờ tuổi đời của mình không còn nhỏ nữa nên tôi không quan trọng vấn đề đó. Ai hiểu được mình thì tốt, không hiểu được thì thôi, bởi vì cuộc sống này là của mình và cũng không ai cho mình đồng xu cắc bạc nào hết, nên tôi cứ làm những điều mình thấy thích. Nhiều khi đi chơi với bạn bè đang rất vui, nhưng có khoảnh khắc nào đó mình nghĩ ngợi và buồn điều gì đó rồi khóc ngon lành, bạn bè hỏi thì mình nói không có gì, cứ chơi đã đời đi rồi mình trở lại vui tiếp, không cần phải kềm nén cảm xúc quá. Có một giai đoạn tôi mới vào nghề thì rất bị sốc khi nghe người ta nói như vậy, nhưng riết rồi cũng lì, cũng quen à. Cho nên, thôi cứ sống cho bản thân mình đã, con người phải có hỉ, nộ, ái, ố. Tại sao các cô gái khác khi khóc lại được bạn trai dỗ dành, yêu thương hoặc làm cho đối phương lúng túng, còn nghệ sĩ mình khi khóc thì lại bảo không biết thật giả lúc nào.

- Cá nhân chị đã từng sử dụng đến loại “vũ khí nước mắt” này để phục vụ cho mục đích nào đó cụ thể chưa?

- Lúc trên sân khấu mình có thể khóc một cách ngon lành, ngọt ngào, ai người ta cũng nghĩ “Nhỏ này mau nước mắt lắm nè, muốn khóc là khóc”. Nhưng có những tình huống trong cuộc sống mà ngay lúc đó mình rất muốn rớt một giọt nước mắt để đạt được mục đích – trong tất cả các mối quan hệ luôn chứ không phải chỉ là trong tình cảm. Ngay cái câu đó, ngay thời điểm đó mà chỉ cần rớt một giọt nước mắt là đạt ngay hiệu quả. Nhưng tôi thề với chị, cứ 10 lần tôi tính toán vậy là hết 8 lần bị trật rồi, tức là cũng khóc mà không có nước mắt. Ai mà nói nghệ sĩ muốn khóc lúc nào thì khóc thì sai rồi, chưa hiểu được nghệ sĩ. Giọt nước mắt đó phải là một sự tự nhiên về cảm xúc.

- Thói thường người ta chỉ khóc khi buồn bã hoặc đau đớn, một số ít khóc vì hạnh phúc, sợ hãi, xúc động; một số khác thấy người ta khóc nên mình cũng khóc; một số khác nữa khóc vì đó là nghề của họ; nói chung nước mắt dạng này thì vô hại. Tuy nhiên có một số người lại khóc mà người ta gọi là “nước mắt cá sấu”, kiểu như hôm trước khóc rất nhiều về sự cố ảnh sex, hôm sau lại tung ra loạt ảnh đầy gợi cảm. Từ vị trí của một người làm nghệ thuật cũng như khán giả, chị nhìn nhận thế nào về trường hợp lạm dụng nước mắt để lấy lòng khán giả?

- Bản thân tôi là người trong nghề nên có thể nhìn nhận được có những cái là xúc động thực sự, còn có những cái đôi khi nó cũng giả tạo. Phân định rạch ròi thì khó lắm!

Ví dụ như một nghệ sĩ đứng trên bục vinh quang để nhận giải thưởng, đôi lúc người ta cảm ơn này nọ các kiểu, đối với riêng tôi thì thấy hơi sáo rỗng. Nhưng cũng có những lúc người ta nghẹn ngào tới mức không nói nên lời mà chỉ có thể bày tỏ bằng những giọt nước mắt thực sự, nhưng lại bị nghi ngờ thì cũng tội nghiệp cho người ta quá. Tôi thuộc týp người rất mau nước mắt, dù bình thường rất bản lĩnh, rất lì, nhưng có những lúc mình không muốn khóc nhưng lại không kềm được.

Cái việc khóc đôi khi nó hại mình lắm, khóc không đúng lúc đúng chỗ thì người ta coi thường mình, chứ không ích lợi gì đâu. Chẳng ai thương tiếc ai. Nhiều khi về nhà, tôi lại cảm thấy ân hận vì mình đã khóc, là nhục, là hèn. Cho nên, với câu hỏi của chị, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nghệ sĩ với ánh mắt thiện cảm thì sẽ trả lời được một cách nhẹ nhàng, vì người nghệ sĩ rất đa cảm, dễ thăng hoa, mau buồn mà cũng mau vui. Đối với riêng tôi thì nghệ sĩ nên sống thật, vì mình đã diễn trên sân khấu rồi thì không việc gì phải diễn ngoài đời nữa.

- Người thông minh, theo chị có phải là biết khóc đúng lúc, đúng chỗ và trước mặt ai?

- Nếu đã nói như vậy thì giọt nước mắt đó có chủ đích rồi, biết khóc đúng nơi, đúng chỗ, đúng người thì không là thật nữa. Còn cái im lặng hay giải thích bằng lời thì tùy theo cách ứng xử của mỗi người, nhưng tôi nghĩ mình như thế nào thì “thanh giả tự thanh”, chỉ cần tinh ý một chút là biết liền à, không cần phải cố làm ra vẻ thế này thế nọ. Rủi có nghệ sĩ nào vấp ngã thì đó cũng là chuyện bình thường, nghệ sĩ cũng là con người, không ai là không phạm lỗi hết, đừng săm soi người ta như thế. Nếu nghệ sĩ nào “bản lĩnh” thì cứ việc đôi chối, lên truyền hình mà bày tỏ, còn người nào không muốn nói thì họ sẽ chọn cách im lặng, chuyện đó cũng bình thường thôi

Thực hiện: Hoàng Thụy Yên - Nguyệt Lãng
.
.