Đích đến nước công nghiệp

Thứ Hai, 02/03/2020, 23:10
Suốt thời gian dài, chúng ta mặc định mốc 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp. Tới nay, dù phải lỗi hẹn ở mốc 2020 nhưng nhiều thành tựu chúng ta đạt được thì mấy thập niên trước, có “nằm mơ cũng không thấy”!

Diện mạo đất nước hôm nay thực sự “lột xác” nếu nhìn về thời điểm chúng ta đưa ra mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp (Đại hội VIII). Chỉ cần lấy thước đo về sự xuất hiện của thang máy, công cụ này thực sự tạo nên cuộc cách mạng đô thị, kéo theo sự hiện diện của hàng loạt khu đô thị mới với những cao ốc chọc trời. Cần nhớ rằng, năm 1996, khi nói về mục tiêu nước công nghiệp thì Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đa phần đang tồn tại các khu nhà thang bộ 5-6 tầng, khái niệm thang máy với những cao ốc hiện đại, khang trang chủ yếu “thấy trong tranh”!

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, quy mô càng lớn thì việc đạt được thêm 1 điểm phần trăm tăng trưởng sẽ càng khó hơn nhưng không phải là không thể đạt được. Năm 2018, Việt Nam có quy mô kinh tế gần 250 tỷ USD, lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế đạt hơn 262 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

Một buổi hội thảo về xác định tiêu chí trở thành nước công nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019, Việt Nam không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23-12 là thặng dư, tỉ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP; quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD...

Quy mô nền kinh tế lớn mạnh như vậy nhưng vì sao mục tiêu nước công nghiệp vẫn chưa thể chạm tới? Cùng nhìn lại chặng đường 25 năm khai phá mục tiêu này.

Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới và đạt kết quả có tính bước ngoặt: thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”.

Mô hình nước công nghiệp được vạch ra là: Lực lượng sản xuất lúc đó sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 8 đến 10 lần so với năm 1990.

Nhìn lại 25 năm sau Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, CNH, HĐH vẫn là mục tiêu, động lực xuyên suốt, tuy nhiên nhiều vấn đề về điểm hẹn nước công nghiệp được nhìn nhận lại. Năm 1996, chúng ta đề ra chỉ tiêu GDP đến năm 2020 tăng từ 8 đến 10 lần so 1990 thì điều này đã vượt xa kế  hoạch (năm 1990, GDP Việt Nam chỉ có gần 6,5 tỷ USD - một con số rất yếu và việc đặt ra chỉ tiêu gấp 10 lần đã là điều khó tưởng tượng nhưng đến 2007, chúng ta đã cán mốc trên khi đạt 71 tỷ USD, còn tính đến 2019, GDP đã đạt mức 262 tỷ USD, nghĩa là gấp tới hơn 40 lần).

Tuy nhiên, dù vượt xa mốc đề ra như vậy nhưng để trở thành một nước công nghiệp thì nhiều chỉ tiêu còn xa tầm với. Đặc biệt, mục tiêu “cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại” tỏ ra quá tầm bởi một nước công nghiệp với những tiêu chí cơ bản nhất đã khó, còn nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại lại càng cao hơn nhiều. Nhận thấy thực tế đó, từ Đại hội IX, mục tiêu nước công nghiệp được điều chỉnh phù hợp hơn, chỉ là “theo hướng hiện đại” chứ không phải hiện đại ngay.

Từ thực tiễn của 25 năm thực hiện CNH, HĐH ở Việt Nam trong bối cảnh trên thế giới khoa học và công nghệ có bước tiến nhảy vọt; kinh tế tri thức đã phát triển và có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã khẳng định quan điểm “Đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển kinh tế tri thức, tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”.

Đại hội XI (năm 2011), mục tiêu này tiếp tục được khẳng định, vẫn ấn định mốc năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và nêu rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.

Tuy nhiên, đến Đại hội XII của Đảng, mục tiêu này đã được điều chỉnh. Đại hội xác định mục tiêu tổng quát 5 năm (2016-2021) về kinh tế là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Như vậy, đây là lần đầu tiên kể từ 1996, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được điều chỉnh về mặt thời gian, không còn xác định cán đích vào năm 2020. Cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, không ấn định cụ thể thời gian.

Suốt thời gian dài, trong các văn kiện Đại hội cũng như các đề án, kế hoạch, chúng ta chỉ xác định những vấn đề chung, tổng quát chứ chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể và có khái niệm rõ ràng về nước công nghiệp. Với đà phát triển đất nước, chúng ta đều tin rằng việc cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Diện mạo đất nước đã đổi thay nhưng mục tiêu nước công nghiệp vẫn chưa thể đạt.

Chẳng hạn, một nghiên cứu được đưa ra năm 2007 cho rằng, tiêu chí định lượng mà Việt Nam cần và có thể đạt được vào năm 2020 để trở thành nước công nghiệp có thể hình dung như sau: GDP 180 - 200 tỉ USD, GDP bình quân đầu người 1.800-2.000 USD; tỷ trọng giá trị nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trong GDP 10-44-46%... Nhìn lại, cả GDP và thu nhập đầu người ta đều vượt con số đó, tuy nhiên mục tiêu nước công nghiệp thì chưa thể.

Tại hội thảo khoa học quốc gia “Hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại tiếp cận các mục tiêu phát triển đất nước” do Hội đồng Lý luận Trung ương làm chủ nhiệm, Trường Đại học Kinh tế quốc dân là cơ quan chủ trì trực tiếp nghiên cứu, đã đưa ra một số vấn đề cơ bản.

Thứ nhất: một quốc gia trở thành “nước công nghiệp” tức là đạt được trình độ phát triển như thế nào trong lộ trình phát triển và đặt ra những yêu cầu gì đối với hệ tiêu chí phản ánh? Thứ hai, những ràng buộc gì và yêu cầu đặt ra từ những ràng buộc đó đến xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp của Việt Nam? Thứ ba, kinh nghiệm của các nước trên thế giới và những bài học gì được rút ra đối với Việt Nam trong hình thành bộ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại?

Thứ tư, hệ tiêu chí nước công nghiệp áp dụng cho Việt Nam bao gồm những tiêu chí nào để đáp ứng được các yêu cầu phát triển đất nước và thỏa mãn với những ràng buộc mới đặt ra trong giai đoạn hiện nay? Thứ năm, những giải pháp và chính sách gì đặt ra trong thời gian tới để thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước.

Đặc biệt, theo đề xuất xin ý kiến tại hội thảo, hệ tiêu chí “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” cho Việt Nam có 6 tiêu chí, gồm: GNI (thu nhập quốc dân)/người đạt từ 12.000 USD trở lên; tỷ lệ lao động nông nghiệp/tổng lao động xã hội từ 20% trở xuống; chỉ số phát triển con người HDI bằng hoặc lớn hơn 0,8; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) bằng hoặc lớn hơn 53,1; chỉ số chất lượng môi trường (EPI) bằng hoặc trên 55. Nhóm nghiên cứu dự báo thời gian đạt hầu hết các tiêu chí trên ít nhất là năm 2035.

Văn kiện Đại hội XII không xác định rõ thời gian đạt tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại mà chỉ dùng từ “sớm”. Tuy nhiên, mục tiêu này được đưa ra trong Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành ngày 22-3-2018.

Nghị quyết xác định mục tiêu tổng quát: Đến năm 2030, Việt Nam hoàn thành mục tiêu CNH, HĐH, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về công nghiệp, trong đó một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.

Nước công nghiệp là nước đã hoàn thành quá trình CNH hoặc ngược lại, CNH là quá trình để một nước trở thành nước công nghiệp. Nhìn rộng ra, cán đích nước công nghiệp mới chỉ là một điều kiện cần. Dù đạt được những thành tựu vượt trội song so các nước trong khu vực, họ vẫn tiến rất nhanh khiến Việt Nam nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiển hiện.

An Nhi
.
.