Đi tìm phẩm hạnh quan gia

Thứ Năm, 07/11/2019, 06:49
Quan sát những gì diễn ra trong phiên tòa xét xử vụ gian lận thi cử ở Hà Giang và Sơn La, chúng ta sẽ phải suy nghĩ nhiều đến mối quan hệ rất có vấn đề giữa cấp trên và cấp dưới trong hệ thống hành chính nhà nước hiện nay. Cái mối quan hệ mà vì không dám cự lại những mệnh lệnh hoặc những sự nhờ vả cực kỳ vô pháp của cấp trên mà nhiều người đã rơi vào vòng lao lý.

1. "Bị cáo rất hối hận vì những việc mình đã làm, bị cáo đã không làm chủ được mình khi nghe theo lời anh Hoài. Cái giá bị cáo phải trả là quá đắt". Đấy là lời nói của bị cáo Vũ Trọng Lương, nguyên Phó trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT Hà Giang trước HĐXX tại phiên toà vào ngày 14-10 vừa qua.

Nghe lời nói này người ta tất yếu phải đặt ra hai câu hỏi: "Anh Hoài" là ai vậy? Tại sao vì lời nhờ của "anh Hoài" mà Vũ Trọng Lương, người đã làm tới chức phó trưởng phòng của một Sở lại "không làm chủ được mình"? Tất cả những ai để ý đến phiên toà này đều biết "anh Hoài" ở đây chính là Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục. Nghĩa là "anh Hoài" là cấp trên, trực tiếp của Vũ Trọng Lương.

Vũ Trọng Lương rời phiên tòa chiều 16-10. Ảnh: Nam Trần.

"Anh Hoài" đã đề nghị gì mà Vũ Trọng Lương "không làm chủ được mình" như thế? À, một ngày đầu tháng 5-2018, "anh Hoài" đột ngột gọi Lương sang phòng, nói rằng trong kỳ thi tới cần xử lý nâng điểm một số trường hợp đặc biệt. "Anh ấy nói cần phải nâng điểm cho một số trường hợp đặc biệt, cũng chính anh ấy chuyển cho bị cáo danh sách các thí sinh cần nâng điểm" - Vũ Trọng Lương nói tiếp.

Xin được nhắc lại để những ai không theo sát phiên toà này nắm rõ, gọi là "một số trường hợp", chứ thực tế là 93 trường hợp. 93 rõ ràng là một số nhiều, rất nhiều. Nâng điểm cho 93 trường hợp rõ ràng là phạm pháp.

Một người như Vũ Trọng Lương không thể không nhận thức được cái điều cơ bản đó. Không thể không biết, nhưng vẫn làm. Thậm chí là hăm hở làm, nhiệt tình làm đến mức "đánh cả xe tải chở bài thi về sửa" - điều gì khiến Vũ Trọng Lương tự tin phạm pháp đến thế này?

Có một tình huống giả tưởng cần đặt ra để suy nghĩ thêm, không chỉ cho trường hợp của Vũ Trọng Lương, mà cho mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trong hệ thống công quyền của chúng ta nói chung: Đó là Vũ Trọng Lương không nghe theo sự nhờ vả của "anh Hoài", thậm chí cãi cự "anh Hoài" vì sự nhờ vả vô nhân vô pháp ấy! Nếu Vũ Trọng Lương của năm 2018  làm được như thế thì đã không có một Vũ Trọng Lương của năm 2019 ở trước vành móng ngựa. Nhưng vẫn cứ phải giả tưởng một tình huống như thế để suy nghĩ tiếp: trong mối quan hệ cấp trên - cấp dưới, liệu có một xác suất nào như vậy hay không?

Liệu có chuyện cấp dưới vì bảo vệ công lý và danh dự của mình mà sẵn sàng bất tuân theo mệnh lệnh/hoặc lời nhờ vả của cấp trên không? Và nếu câu trả lời là "có" thì cấp dưới liệu có bị đánh bật khỏi guồng quay mà cả cấp dưới - cấp trên suy cho cùng đều chỉ là những mắt xích trong một chuỗi những vận động hay không?

Xin nhấn đi nhấn lại, đây chỉ là một tình huống giả tưởng để suy nghĩ về một mối quan hệ trên - dưới trong hệ thống, chứ với riêng trường hợp cụ thể của Vũ Trọng Lương, nó chắc chắn không thể xảy ra. Vì không chỉ nghe lời "anh Hoài" nâng điểm cho 93 trường hợp, Vũ Trọng Lương còn "nhân tiện" và qua mặt "anh Hoài" để nâng điểm thêm cho 14 trường hợp khác - 14 trường hợp mà "anh Hoài" tuyệt đối không nhờ vả. 

2. Bây giờ chúng ta không phân tích mối quan hệ trên - dưới của Vũ Trọng Lương - Nguyễn Thanh Hoài, mà chuyển qua mối quan hệ trên dưới của Nguyễn Thanh Hoài với các đối tượng/các nhân vật cộm cán khác. 

Khi vị chủ tọa đề nghị Nguyễn Thanh Hoài khai tên tuổi những người đã nhờ mình nâng điểm thì Hoài bảo rằng do số lượng người nhờ quá nhiều, nên không thể nhớ hết, mà chỉ nhớ sơ sơ là: Ông Phạm Văn Khuông, cựu phó giám đốc sở, chị La Thị Thúy Chinh, trưởng phòng tổ chức cán bộ, chị Nguyễn Thị Kim Tuyến, phó trưởng phòng GDTX.

Ngay sau đó, vị chủ tọa đã công bố danh sách những người đã cung cấp thông tin thí sinh cho Nguyễn Thanh Hoài, trong đó có cả phó phó chủ tịch UBND tỉnh. Nghĩa là, phần lớn những người nhờ vả này (người thì nhờ nâng điểm, người thì chỉ nhờ xem điểm theo lời khai trước toà)  đều ngang cấp hoặc trên cấp Nguyễn Thanh Hoài.

Xin nhắc lại, Nguyễn Thanh Hoài là trưởng phòng khảo thí và quản lý chất lượng của sở giáo dục tỉnh. Chắc chắn là với trình độ của mình, Hoài biết rõ những sự nhờ vả nói trên là phạm pháp. Nhưng cũng giống hệt như ứng xử của Vũ Trọng Lương khi được mình nhờ vả, Nguyễn Thanh Hoài cũng đã nhanh chóng nhận lời khi được cấp trên nhờ vả.

Lại một lần nữa, chúng ta giả tưởng và suy ngẫm: liệu có một mảy may xác suất nào Hoài dám từ chối những lời nhờ vả của cấp trên hay không? Và nếu Hoài dám làm như vậy, ông ta có thể tiếp tục trụ vững ở cái ghế trưởng phòng ở sở giáo dục tỉnh một cách lâu dài, vững chắc được không?

Có cảm giác rằng giữa cấp trên với Hoài, giữa Hoài với Lương, và có thể là giữa Lương với những bộ phận phía dưới của Lương là một chuỗi những vận động mà người dưới không dám từ chối người trên khi nhận được những lời nhờ vả mà mình biết chắc là phạm pháp.

Nguyên nhân sâu xa là vì cái bóng của cấp trên to quá, vì bản lĩnh và lòng tự trọng của cấp dưới kém quá, hay đơn giản là vì cái hành động ngoan ngoãn nghe theo/ngoan ngoãn vâng lời mang tính hệ thống ấy là một lý do/một điều kiện để tồn tại?

Thật ra không chỉ trong riêng vụ án gian lận thi cử tại một số tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, mà trong rất nhiều vụ án cộm cán, gây phẫn nộ dư luận khác, chúng ta cũng ít nhiều bắt gặp một tính chất như vậy. Ở đó, cấp trên hoặc chỉ đạo, hoặc nhờ vả những hành vi hoàn toàn sai trái, cấp dưới biết rõ đấy là sai trái nhưng vẫn làm theo, để rồi khi mọi chuyện vỡ lở thì cả hai rơi vào vòng lao lý.

Điển hình nhất là câu chuyện một ông bộ trưởng từng chỉ đạo một ông thứ trưởng thực hiện một vụ mua - bán phạm pháp để rút tiền nhà nước, để rồi sau đó thì ông bộ trưởng được lại quả 3 triệu USD, ông thứ trưởng được lại quả 200.000 USD. Và sau những con số ngàn đô, triệu đô dễ khiến người ta choáng váng ấy, cả hai ông đều đang phải đối diện với những bản án cuộc đời.

Chúng ta đã và đang tiếp tục xây dựng một xã hội pháp quyền, nơi mà mỗi một cá nhân/một tổ chức đều phải sống và làm việc theo pháp luật. Nhưng sau hàng loạt những vụ án cộm cán thời gian qua, chúng ta lại giật mình với những sự chỉ đạo/sự nhờ vả/ và những mối quan hệ cấp trên - cấp dưới giẫm lên trên pháp luật.

Những mối quan hệ mà ở đó, cấp dưới biết chắc hành động của cấp trên là sai, nhưng không những không tìm cách ngăn chặn lại, hoặc ít ra là tìm cách để tách mình khỏi cái sai, thì lại cố tình, chủ động hùa theo cái sai hệt như những kẻ đã trót "đâm lao" thì phải "theo lao" đến cùng.

Bị can Nguyễn Thanh Hoài nghe đọc quyết định khởi tố

3. Có một câu chuyện kinh điển của người phương Đông xưa để nói về nguyên tắc "hành pháp" của một vị tể tướng đi theo tư tưởng pháp gia. Chuyện rằng có một cậu thị đồng được vua ưu ái, khiến vị tể tưởng hết sức khó chịu. Một ngày nọ cậu thị đồng nhận được tin báo mẹ chết, thế là vua liền cho tiền và cho cậu ta mượn xe về quê chịu tang mẹ.

Khi cậu thị đồng trở lại kinh thành, quan tể tướng liền hỏi: ngươi có công trạng gì mà dám hưởng lộc vua? Vua cho là việc của vua, nhưng theo nguyên tắc "pháp gia" ngươi không được nhận, vì thế phải chém đầu. Biết chuyện vua liền chạy đến và bảo với vị tể tướng: "Nước này là nước của ta, tiền ấy là tiền của ta, xe ấy là xe của ta".

Vị tể tướng (cấp dưới) liền phân tích với vua (cấp trên) của mình rằng: tất cả những tài sản ấy xét cho cùng là của quốc khố, người không có công thì không được nhận. Không có công mà vẫn nhận thì phạm pháp, nhất định phải chém đầu.

Để bảo vệ nguyên tắc và pháp luật quốc gia, vị tể tướng còn bảo, nếu vua quyết tha thì mình sẽ trả lại chức tể tướng cho vua. Trước sự đấu lý kiên quyết và đầy thuyết phục của vị tể tướng, cuối cùng vua phải nhắm mắt chứng kiến cảnh cậu thị đồng yêu quý của mình chết chém.

Trong lịch sử mấy ngàn năm quân chủ chuyên chế Việt Nam cũng đã có không ít trường hợp những quan lại (cấp dưới) đấu lý với vua (cấp trên) để bảo vệ công đạo. Khi vua không chịu nghe theo thì những vị quan ấy đã trả lại mũ áo, tìm cách rời bỏ quan trường. Họ chính là những tấm gương sáng về sự tiết tháo của người làm quan. Và với những ông quan giàu tiết tháo như vậy thì công lý vượt lên trên cả quan hệ vua/tôi - cấp trên/cấp dưới, cho dù thời đại họ sống là thời đại "trung quân" điển hình.

Càng theo dõi những phiên toà xét xử các quan chức với những ràng buộc cấp trên - cấp dưới hôm nay, chúng ta càng thấy nhớ người xưa, và càng thấm thía: phẩm hạnh, tiết tháo quan gia là ngọc sáng muôn đời!

Vương Trọng Tín
.
.