Đi tìm những lựa chọn giáo dục khác

Thứ Tư, 19/08/2020, 11:23
1. Năm 1988, khi Trung tâm Đại học Thăng Long, tiền thân của Trường Đại học Thăng Long được thành lập, lần đầu tiên học sinh học hết bậc học THPT ở Việt Nam có một lựa chọn giáo dục đại học khác, ngoài nền giáo dục đại học công truyền thống: giáo dục đại học ngoài công lập, hay giáo dục đại học tư thục. Trong khoảng 10 năm tiếp theo, khắp trong Nam, ngoài Bắc các trường đại học tư thục lần lượt ra đời.

Tại Hà Nội có thể kể đến Trường Đại học dân lập Phương Đông (1994), Trường Đại học Đông Đô (1994), Trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội (1996). Trong Nam, có Trường Đại học Văn Lang (1995), Trường Đại học Hùng Vương (1995). Tại miền Trung, là Trường Đại học Duy Tân (1994).

2. Tương tự như ở bậc đại học, xu hướng tư thục hóa, ngoài công lập hóa lan đến cả bậc giáo dục phổ thông. Những cái tên nổi bật có thể kể đến ngay là Trường Lương Thế Vinh, Marie Curie (Hà Nội), Nguyễn Khuyến, Phạm Ngũ Lão (TP Hồ Chí Minh) Mặc dù vậy, cho đến những năm cuối thể kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, các trường này, dù là ở bậc cao (đại học) hay bậc thấp (phổ thông) vẫn chỉ dược xem là lựa chọn thứ hai.

Người học không thể thi đỗ được ở trường công và có điều kiện kinh tế để đóng học phí mới lựa chọn trường tư. Cộng với sự quản lý tương đối chặt của Nhà nước, các trường tư vẫn chỉ chiếm số nhỏ và tuyển lượng học sinh, sinh viên khiêm tốn so với quy mô công lập. Nếu phải vẽ hình thì cấu trúc giáo dục Việt Nam ở các cấp giai đoạn này giống như hình kim tự tháp ngược với các trường công có chất lượng cao hơn ở phía trên và chiếm đa số, trường tư có chất lượng thấp hơn.

Chương trình học tại gia quốc tế online chưa được bản địa hóa để phù hợp với học sinh Việt Nam.

3. Những năm 2000 trở đi chứng kiến một xu hướng mới, các trường tư mới thành lập trong giai đoạn này hoặc đã được thành lập từ trước không còn muốn bị xem là “hạng 2” nữa. Nhiều trường quyết tâm làm khác để cạnh tranh, thậm chí vượt lên trên các trường công. Ở bậc đại học, Đại học RMIT Việt Nam, trường đại học tư có yếu tố nước ngoài đầu tiên ở nước ta, thành lập năm 1999 là một ví dụ tiêu biểu cho xu hướng này.

Các ví dụ tiêu biểu khác có thể kể đến: Đại học FPT, Đại học Hoa Sen, Đại học Duy Tân và gần đây là Đại học Fulbright, Đại học VinUni. Ở bậc phổ thông, các trường tiêu biểu có thể kể đến Trường Olympia, Vinschool, Wellspring... Ở góc độ khoa học giáo dục, chúng tôi gọi đó là xu hướng “tinh hoa hóa” hoặc “bán tinh hoa hóa” giáo dục tư nhân.

4. Những vận động trong hệ thống giáo dục tư nhân kể trên thực tế vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người học và phụ huynh. Tầng lớp trung lưu mới nổi và ngày càng tăng tại Việt Nam đồng nghĩa với việc chúng ta xuất hiện một lớp người có học thức hơn, chịu chi hơn và hẳn nhiên có nhu cầu khác biệt hơn, cao hơn so với thế hệ trước đó. Họ không hài lòng với hệ thống trường công và hệ thống trường tư cũng không thỏa mãn họ.

Xu hướng du học ra đời và ngày càng tăng. Đầu tiên là bậc đại học và lan dần xuống bậc trung học phổ thông. Những năm gần đây, luôn có hơn 100,000 sinh viên, học sinh Việt Nam đi du học khắp nơi trên thế giới. Trong thực tế, nếu không kể Trung Quốc và Ấn Độ quá lớn, các nước thu hút sinh viên, học sinh quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Australia, Anh luôn nhìn Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất.

5. Du học có một hạn chế là người học phải đủ lớn thì mới có thể theo được. Còn ở bậc thấp hơn, từ mẫu giáo đến tiểu học, trung học cơ sở, nếu phụ huynh không hài lòng với cả hệ thống công lập và tự thục thì phải làm sao? Khoảng 2010 trở về trước, thì câu trả lời cho câu hỏi trên nói chung là không có. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây, đã có một giải pháp mới: đó là học tại gia (homeschool).

6. Học tại gia ở đây không đơn thuần chỉ là việc bố mẹ ở nhà và dạy con. Học tại gia cũng có thể được tổ chức thành các lớp nhỏ mà tại đó bố mẹ sẽ mời thầy cô về dạy theo một chương trình có sẵn (thường là của nước ngoài). Với sự hỗ trợ của công nghệ, có thể học sinh sẽ hoàn toàn được học online với giáo viên nước ngoài và các giáo viên Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ, chữa bài.

Đại dịch COVID-19 dẫn đến những thay đổi với việc học.

7. Cách đây chừng 4 năm, đã có một cuộc tranh luận rất gay gắt trên mạng xã hội về việc có nên hợp thức hóa mô hình học tại gia này không. Phe ủng hộ thì cho rằng hoàn toàn có thể học tại gia với các giải pháp hỗ trợ online và từng phụ huynh sẽ biết cần phải dạy cái gì tốt nhất cho con mình. Cá nhân tôi thuộc phe phản đối điều này.

Trong một bài viết trên Báo Tuổi trẻ Cuối tuần, tôi đã đưa ra 5 luận điểm để phản đối mô hình này, đó là: (1) Pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận mô hình học tại gia, (2) Chương trình học tại gia quốc tế online chưa được bản địa hóa để phù hợp với học sinh Việt Nam, (3) phụ huynh và giáo viên Việt Nam không được đào tạo để dạy hoặc hỗ trợ học sinh học tại gia, (4) Việt Nam chưa có các chương trình, giải pháp hỗ trợ bên cạnh cho phụ huynh, học sinh và giáo viên tại các chương trình tại gia, (5) Học sinh theo học tại gia sẽ bị mất cơ hội rèn luyện những kỹ năng xã hội trong tập thể với các bạn học trong môi trường truyền thống.

8. Cho đến cuối năm ngoái, quan điểm của tôi vẫn không thay đổi nhiều: cần phải rất thận trọng với mô hình giáo dục tại gia này. Mặc dù vậy, tôi cũng thừa nhận một điều, số lượng người ủng hộ mô hình này ngày càng tăng. Và họ không chỉ ủng hộ bằng quan điểm mà còn bằng hành động. Tôi đã biết khá nhiều phụ huynh đã quyết định lựa chọn cho con ở nhà và theo học chương trình online từ xa với hỗ trợ của giáo viên Việt Nam như tôi mô tả ở trên.

9. Nhưng một sự kiện diễn ra từ đầu năm nay khiến chính bản thân tôi, dù không muốn cũng đã phải rơi vào tình huống “học tại gia” giống như vậy. Đó là vì đại dịch COVID-19. Thực vậy, đại dịch COVID-19 đã khiến phụ huynh, dù muốn hay không, cũng trở thành những “trợ giảng” và toàn bộ học sinh bỗng nhiên trở thành học sinh tại gia, học qua mạng, thậm chí qua tivi.

10. Những ngày đầu tháng 8 này, mọi năm, tôi cũng như hàng triệu phụ huynh trên đất nước này sẽ đang chuẩn bị cho con vào năm học mới. Nhưng năm nay, khi làn sóng COVID-19 thứ hai trở lại, chúng tôi thực sự cũng không biết đầu tháng 9 tới đây các con có được đi học bình thường hay không?

Bất chợt, nhìn lại toàn bộ sự thay đổi của giáo dục Việt Nam suốt hơn 30 năm qua, tôi tự hỏi: phải chăng, chính bản thân mình đã hơi quá bảo thủ với học tại gia? Sự phản đối của tôi với học tại gia 4 năm qua, liệu có khác gì sự phản đối của một phụ huynh với trường tư 30 năm trước?

Thú thực, hiện tại, tôi vẫn chưa có câu trả lời cho chính bản thân mình đối với hình thức học tại gia này. Mặc dù vậy, tôi hiểu rằng, chừng nào đại dịch COVID-19 còn tiếp diễn, tôi sẽ phải sẵn sàng đón nhận mọi thay đổi diễn ra với việc học của con tôi.

Giáo dục trong và sau đại dịch COVID-19 chắc chắn không thể giống như xưa nữa!

Phạm Hiệp
.
.