Đi tìm cơ hội trong thách thức
Kính gửi các anh/chị ở Tòa soạn Báo ANTG GT - CT!
Thời gian vừa qua, tôi rất trăn trở với câu chuyện các em học sinh của chúng ta phải nghỉ học dài ngày vì dịch Covid-19. Trăn trở ở chỗ, trong suốt thời gian đó, các em được thầy/cô giáo giao rất nhiều bài tập. Nhìn con tôi - một học sinh lớp 6 phải gò lưng làm hết đề trắc nghiệm này đến đề trắc nghiệm khác mà tôi tự hỏi: chẳng nhẽ chúng ta chỉ có thể quản trị thời gian của những đứa trẻ bằng bài tập thôi sao? Mà không riêng gì con tôi, rất nhiều con cái của bạn bè tôi cũng có chung cảnh phải gò lưng làm bài tập như vậy.
Thưa các anh/chị trong toà soạn, việc nhà trường giao bài tập về nhà là hoàn toàn chính xác. Khi học sinh nghỉ dài ngày, việc giao nhiều bài tập cũng là chính xác. Nhưng nếu nhất nhất chỉ có bài tập, mà ít có các hình thức giáo dục khác thì liệu những ý định tốt đẹp của chúng ta có được các em học sinh thực hiện một cách hiệu quả hay không?
Tôi đã đọc rất nhiều bài báo liên quan đến chủ đề này, và biết rằng không phải bất cứ trường học nào cũng nhất nhất quản trị thời gian của học sinh bằng bài tập, nhưng có vẻ như đây là "phương pháp phổ biến" nhất.
Cho nên tôi muốn gửi một thắc mắc đến toà soạn: Theo các anh/ chị, chúng ta có thể tìm một cách thức nào khác để quản trị thời gian của học sinh hay không? Cá nhân tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề quan trọng, cần phải trả lời một cách cặn kẽ và thấu đáo. Bởi vì, có thể dịch Covid-19 rồi sẽ đi qua, các em học sinh rồi sẽ trở lại trường lớp như thường ngày, nhưng trong một môi trường tự nhiên với rất nhiều biến động mà chúng ta đối diện thì không loại trừ khả năng một đại dịch nào khác lại xuất hiện trong tương lai, và ngành giáo dục vì thế sẽ phải đối diện với những bất trắc liên đới. Rất mong lắng nghe quan điểm của toà soạn trong câu chuyện này.
Xin chân thành cảm ơn
Vũ Quỳnh Nga (Nghệ An)
Kính gửi độc giả Vũ Quỳnh Nga.
Vấn đề mà độc giả đặt ra cũng là mối quan tâm lớn của đông đảo các bậc phụ huynh học sinh trong suốt thời gian vừa rồi. Bản thân chúng tôi cũng có con em đang ở tuổi đến trường, nên chúng tôi đồng cảm với những tâm tư, trăn trở của độc giả. Quả nhiên là có một số trường lớp đã quản trị thời gian ở nhà của học sinh bằng cách liên tục ra bài tập như những gì độc giả chia sẻ trong bức thư của mình.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm của độc giả: giao bài tập là đúng, nhưng nếu chỉ có bài tập - cái thứ mà học sinh vốn đã đối diện hằng ngày thì rất có thể lại tạo ra những sự khô khan, nhàm chán, thậm chí là cả những sức ép không đáng có lên những đứa trẻ và những bậc phụ huynh chúng ta.
Cho nên bây giờ, cần phải trả lời thẳng thắn một câu hỏi: ngành Giáo dục nói riêng và toàn xã hội nói chung rút ra được bài học gì từ đợt nghỉ học dài ngày vì đại dịch Covid-19? Và những bài học đó liệu có thể được áp dụng nếu không may chúng ta bị rơi vào tình trạng tương tự trong tương lai?
Chúng tôi đã đặt câu hỏi này cho thầy giáo Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường PTTH Anhxtanh (Hà Nội), và thầy Đạt đã thẳng thắn chia sẻ một góc nhìn riêng của mình: "Cho đến trước kỳ nghỉ học đột ngột vì dịch bệnh, nhiều thế hệ học sinh chúng ta đã sống trong một chu kỳ cố định, lặp đi lặp lại qua nhiều năm: Đi học - nghỉ hè - nghỉ tết - rồi lại đi học.
Bây giờ đột ngột có một kỳ nghỉ ngoài kịch bản, và có thể nói đấy chính là một đợt nghỉ phá chu kỳ. Khi cái chu kỳ cố định bị phá vỡ cũng là khi đời sống xã hội, trường lớp có nhiều khác biệt. Vẫn là đường phố, nhưng đường phố có vẻ khác ngày thường. Vẫn là nỗi nhớ thầy cô, bạn bè nhưng nỗi nhớ thầy cô, bạn bè cũng có nhiều nét khác ngày thường.
Do vậy giai đoạn này cả thầy cô lẫn học sinh cần làm một điều rất quan trọng: hãy cho mình một khoảng nghỉ ngơi, thư giãn, để cùng nhau cảm nhận cái khác ấy. Cảm nhận những điều khác biệt, không có trong chu kỳ bình thường cũng là một năng lực, và có được năng lực ấy, người ta có thể sẽ có nhiều cái nhìn khác nhau về đời sống". Với quan điểm này, thầy giáo Đào Tuấn Đạt cho biết trường thầy không chủ trương giao nhiều bài tập, trái lại, thực hiện nhiều trao đổi Online để thầy/trò cùng chia sẻ những cảm nhận khác biệt về đời sống.
Thưa độc giả, đấy có lẽ cũng là một cách "quản trị thời gian" ngoài cách giao bài tập mà chúng ta có thể tham khảo chăng? Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, một số trường lại tận dụng khoảng thời gian này để giúp các học sinh trau dồi những kỹ năng đã có hoặc phát triển thêm những kỹ năng mới, mà điển hình nhất là kỹ năng đọc sách. Có một chuyện rất vui trong gia đình chúng tôi, khi đứa cháu gái đột nhiên hỏi bố mẹ nó là: nhà mình có các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không?
Hỏi ra mới biết, cô giáo dạy Văn ở lớp đề nghị tất cả các bạn trong lớp tìm hiểu tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp sau đó viết bài cảm nhận. Thưa độc giả, kể lại tất cả những câu chuyện này, chúng tôi muốn nói rằng: trong đợt nghỉ học vừa rồi, nhiều trường/ lớp đã thực hiện những cách quản lý học sinh rất phong phú và ý nghĩa, bên cạnh việc giao bài tập như thường ngày.
Và chúng tôi nghĩ rằng, sau đợt dịch này nếu ngành giáo dục tổ chức một hội thảo để các trường tổng kết lại những cách "dạy học từ xa", "quản trị từ xa" thì chắc chắn chúng ta sẽ khái quát được nhiều phương án dạy và học hiệu quả.
Còn một vấn đề đặc biệt nữa mà chúng tôi chú ý, đó là cũng trong đợt nghỉ học vừa rồi, nhiều trường lần đầu tiên tổ chức những lớp học online. Một thầy hiệu trưởng ở một trường học tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: "Lần đầu tiên các thầy/ cô giáo của chúng tôi đeo míc, đứng trước camera… Kể ra cũng có nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau đó bắt nhịp được ngay. Và cũng chính từ những buổi học online lần này, chúng tôi rút ra được rất nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy.
Sắp tới, khi học sinh đi học lại, có thể chúng tôi sẽ áp dụng thêm những hình thức giảng dạy này". Câu chuyện cụ thể của một thầy hiệu trưởng gợi chúng tôi nhớ tới một đặc điểm tối quan trọng của xã hội học tập thời số hoá, đó là học tập online. Thầy giảng bài online.
Học sinh tiếp nhận bài giảng online. Và toàn bộ quá trình thảo luận, trao đổi giữa người dạy với người học, và giữa người học với nhau cũng diễn ra dưới dạng Online. Hoá ra chính "nhờ" Covid-19 mà lần đầu tiên nhiều trường học ở Việt Nam lại bị/ được làm quen với loại hình học tập rất phổ biến và đặc trưng của thời 4.0.
Và chắc chắn là từ đó sẽ có rất nhiều bài học bổ ích được rút ra. Hẳn nhiên, khi đại dịch qua đi, học sinh quay trở lại trường lớp thì chúng ta vẫn sẽ quay trở lại với hình thức học tập truyền thống của mình. Nhưng hoàn toàn có thể xen kẽ những phương pháp truyền thống với những phương pháp Online để có thể đạt được một hiệu quả cao nhất.
Thưa độc giả, vấn đề ở đây không chỉ là những bài học về những hình thức học hay phương pháp học, mà còn là đặc điểm, tính chất của việc học. Ví dụ đơn giản: kiểu học truyền thống thường mang tính một chiều, thầy đọc - trò chép, còn kiểu học online lại đòi hỏi tính chủ động từ cả hai phía, với không ngừng những trao đổi và phản biện.
Rất có thể trong cái giai đoạn bất đắc dĩ sử dụng phương pháp học online, nhiều trường lớp/ thầy cô sẽ nhận ra điều này, và từ đó sẽ có những thay đổi tích cực hơn khi quay trở lại với kiểu học truyền thống. Có một lý thuyết về quản trị xã hội rất đáng chú ý, đó là trong thách thức có cơ hội, do vậy người giỏi phải là người biết tìm ra những "yếu tố cơ hội" trong bộn bề thách thức.
Nhìn nhận như vậy sẽ thấy Đại dịch Covid-19 đúng là một thách thức đột ngột và đầy khó khăn với ngành giáo dục, nhưng đó lại cũng là một cơ hội để ngành giáo dục có thể nhìn ra những hướng thay đổi và phát triển, nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Chúng tôi nhớ rằng, Bộ GD&ĐT từng khẳng định: Bộ đã khẳng định: "Những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội. Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu".
Vậy thì rõ ràng sau đại dịch Covid-19 này, chúng ta có quyền chờ đợi và hy vọng ngành giáo dục sẽ tiếp tục có những cải cách triệt để và hiệu quả, để chúng ta thực sự có được những thế hệ tương lai với nền tảng văn hoá vững chắc và có năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội, theo đúng mục tiêu mà ngành giáo dục đã đặt ra.
Xin chân thành cảm ơn độc giả!