Dấu hỏi lớn cho phương Tây

Chủ Nhật, 19/04/2020, 20:17
Một tháng trước, giới truyền thông phương Tây còn “bình chân như vại” trước những diễn biến sơ khởi của đại dịch COVID-19. Bây giờ, họ đã phải cúi đầu im lặng, không chỉ với kẻ thù giấu mặt - virus SARS-CoV-2 - mà còn với cả những thực thể khác vốn bị họ coi thường.

Ánh sáng phương Đông

Trung Quốc, điểm bùng phát đầu tiên của bệnh dịch, bằng sự quyết liệt của mình, bỏ ngoài tai những lời chỉ trích ban đầu đã thu được những kết quả rõ ràng. Đó cũng là nơi mà Nga, một quốc gia cũng chìm trong giá lạnh vẫn đương đầu tốt với cuộc khủng hoảng này bằng những biện pháp quyết liệt không kém. Còn có Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam, những quốc gia bằng sự thận trọng và tỉ mỉ đã thu được những kết quả đáng ngưỡng mộ trong cuộc chiến chống lại một “kẻ thù toàn cầu”. Các nhà lãnh đạo phương Tây có học được gì từ những mô hình đó?

Đằng sau những “thuyết âm mưu” về chuyện con virus này do Trung Quốc tạo ra, hay chuyện nước Nga lợi dụng cuộc khủng hoảng để thao túng thị trường dầu, có lẽ một nỗi lo đang hiện lên trong tâm trí các nhà lãnh đạo phương Tây lúc này: Họ không còn có thể một mình quyết định những vấn đề của thế giới nữa.

Nền kinh tế Nga vẫn đứng vững sau cuộc tụt dốc thảm hại của giá dầu. Thay vì rơi vào trạng thái hỗn loạn như đã từng xảy ra vào cuối năm 2014, khi Ngân hàng Trung ương Nga phải “rút ruột”, “vá chằng vá chịt” để bơm 100 tỷ USD từ dự trữ vàng và ngoại hối cứu thị trường sau những lệnh trừng phạt của phương Tây, thì nay họ sẵn sàng “khiêu chiến” với các tập đoàn tài chính Mỹ trong một cuộc chiến tiền bạc.

Buộc phải nhận những món quà từ người bạn phương Đông mà họ không ưa.

Bất chấp những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, Tổng thống Nga trong thông điệp gửi đến toàn dân vẫn tuyên bố sẽ bảo vệ người dân của mình. Những khoản tiền trợ cấp lớn vẫn được phân bổ cho những đối tượng khó khăn nhất, những người thất nghiệp, người nghỉ hưu và cho các gia đình có con nhỏ. Điều này lại trái ngược với Mỹ, nơi hơn 2.000 tỷ USD sẽ được chính quyền sử dụng chủ yếu để bảo lãnh cho các nhà đầu tư, các nhà quản lý, những người rất giàu trong xã hội, vốn nắm vị trí chi phối nền kinh tế.

Còn với Trung Quốc lúc này, hãy quên đi những lời chỉ trích trước đó. Người ta nói nhiều về những chuyến hàng “ngoại giao khẩu trang” từ Bắc Kinh đang bay đi khắp thế giới. Nhưng, hãy lấy làm vui mừng vì cỗ máy sản xuất lớn nhất thế giới của Trung Quốc đã vận hành trở lại. Bằng cách đó, thế giới mới có cơ hội thoát được cơn khủng hoảng còn lớn hơn cả một bệnh dịch đang đi kèm - một cuộc đại suy thoái kinh tế. Đó mới là niềm hy vọng đích thực của thế giới vào lúc này.

Giữa thời điểm đại dịch, có thể thấy cả hai đại cường phía Đông đều đã không bỏ lỡ thời cơ để “ghi điểm” của mình. Nga cũng bắt đầu những chuyến hàng cứu trợ của mình tới châu Âu và cả Mỹ. Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Ghebreyesus không bỏ lỡ một cơ hội nào để ca ngợi Bắc Kinh. Trung Quốc, từ chỗ là nạn nhân trước hết của bệnh dịch đã lật ngược thế cờ để rồi xuất hiện như vị anh hùng mới của thế giới.

Ngay khi dịch bệnh tạm thoái lui, không chỉ phản kích mạnh mẽ những chỉ trích trước đó của phương Tây, họ cũng rất hăng hái có mặt khắp nơi trên mặt trận chống dịch, phân phối thuốc men, nhu yếu phẩm và cả những kinh nghiệm chống dịch để lấp đầy vào khoảng trống mà phương Tây để lại. Lần đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng quy mô toàn cầu, chúng ta không thấy nước Mỹ đóng vai trò lãnh đạo nữa.

Không chỉ là nước Mỹ

“Chủ nghĩa ngoại lệ Mỹ”, thứ vốn vô cùng khó hiểu mà lâu nay các nhà lãnh đạo Mỹ vẫn tự hào bỗng hiện lên rõ ràng trực quan nhất trong những ngày qua, giữa một thảm kịch toàn cầu. Riêng tại Mỹ, trong những ngày qua, số ca nhiễm mới luôn đạt con số chục nghìn làm người ta choáng váng. Mức tăng chóng mặt đó kéo số người nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Mỹ lên mức cao nhất thế giới kể từ ngày 26-3. Kể từ thời điểm đó, chính Mỹ mới trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới và vẫn đang không ngừng bùng phát.

Nhưng ngày 26-3 cũng sẽ đi vào lịch sử nước Mỹ theo một cách khác nữa đáng nhớ không kém, với một thông báo phát đi từ Lầu Năm Góc (trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ). Theo đó quân đội Mỹ sẽ dừng tất cả các hoạt động ngoại biên, từ triển khai lực lượng cho tới huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, trong ít nhất 60 ngày. Một công lệnh trăm năm có một. Như vậy, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Mỹ sẽ án binh bất động bên ngoài lãnh thổ.

Không chỉ Mỹ, các quốc gia châu Âu khác cũng đang bị cuốn vào cuộc khủng hoảng này - cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai như chính Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận.

Các kệ hàng trống rỗng tại châu Âu trong cơn dịch bệnh.

Nhìn số người bệnh tăng lên chóng mặt mỗi ngày, chúng ta thấy thất bại của một hệ thống y tế. Nhìn những chỉ số chứng khoán đỏ rực lao dốc, chúng ta thấy sự thất bại của hệ thống kinh tế. Nhìn từng chồng đơn trợ cấp thất nghiệp tăng cao, những người bệnh thiếu sự chăm sóc và những tranh cãi, hỗn loạn xảy ra, chúng ta thấy rõ những vấn đề của các hệ thống an sinh xã hội. Khi nước Pháp, cường quốc kinh tế thứ 6 thế giới phải gửi những chiến sĩ áo trắng của mình ra mặt trận mà không có trang bị bảo hộ, đó là một cảnh tượng bi thảm. Ngay tại Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất, CDC (Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ) đã phải khuyến cáo các bác sĩ dùng tạm loại khăn bandana thời trang làm khẩu trang.

Đó là sự sụp đổ của hình ảnh, của vị thế mà phương Tây đã dựng lên trong mắt thế giới cả trăm năm qua.

Một cuộc chuyển giao

Sự vắng mặt của phương Tây cũng như các định chế quốc tế vốn chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ khiến COVID-19 đang trở thành một đại dịch kinh hoàng, vượt qua tầm ảnh hưởng về mặt sinh học của con virus. Nhưng sự vắng mặt đó cũng đến bởi thất bại của chính những hệ thống mà người ta đã quen thuộc - những hệ thống đầy tranh cãi và mâu thuẫn đã bộc lộ từ lâu vốn được phương Tây lãnh đạo.

Nó như lời kêu gọi sự trở lại của vai trò nhà nước với một sức mạnh thống nhất như những gì đang diễn ra ở phía Đông. Sự hiệu quả của những mô hình nhà nước mạnh mẽ tập trung đang bảo đảm khả năng sinh tồn cho công dân, mà khi đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, còn gì quan trọng hơn sự tồn tại đó? Phương Tây đã nhận đủ đòn đau của mình. Giờ họ đang bắt buộc phải lùi lại, nhường chỗ cho những người mới, đến từ phương Đông.

Theo đó, sẽ có nhiều thứ sẽ được định hình lại sau đại dịch: một cục diện thế giới mới, những phương thức sản xuất mới của các nền kinh tế, những hệ thống y tế mới, các quyền và nghĩa vụ, các cơ cấu quân sự và dân sự,... thậm chí cả vị trí lãnh đạo toàn cầu.

Dĩ nhiên, vấn đề cuối cùng ấy sẽ còn là cả một cuộc tranh đấu, giằng giật lâu dài và quyết liệt. Nhưng, với sự dễ tổn thương của mình trước những biến thiên ngoài tầm kiểm soát mà đại dịch COVID-19 đang chứng minh, phương Tây (và đặc biệt là nước Mỹ) sẽ rất khó tiếp tục áp đặt hệ giá trị của mình lên toàn thế giới.

Cuộc chiến với con virus vẫn chưa kết thúc nhưng những lúc như thế này, hình ảnh vị Chủ tịch Trung Quốc nhoẻn miệng cười đi lại trên đường phố Vũ Hán trong cờ hoa, vẫy tay chào mọi người rõ ràng là giàu sức quyến rũ hơn nhiều hình ảnh một vị tổng thống khó lường luôn thay đổi nhưng lại thích điều hành qua vài dòng tweet.

Và bất cứ ai cũng có thể tự hỏi: Phương Tây, đến lúc này, đã thực sự cảm nhận được những luồng gió đổi thay hay chưa?

Tử Uyên
.
.