Tuyệt đỉnh nhố nhăng:

Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh: Làm mà để khán giả ném đá thì không nên

Thứ Năm, 24/04/2014, 16:18

- Là người đang tham gia sản xuất chương trình THTT, anh có nhận xét gì về tính thực tế của các chương trình truyền hình thực tế nói chung đang diễn ra hiện nay?

- Ai cũng biết tinh thần của một chương trình THTT là phải đi sát với những sự việc xảy ra trong cái chương trình đó. Tuy nhiên về mặt văn hóa, ở các nước phương Tây có thể thoáng hơn trong các hành động, lời nói trong chương trình còn nước ta cần hạn chế để phù hợp. Nhưng tính chất quan trọng nhất của THTT là phải thật nhất có thể.

Tất nhiên, khi mình làm thì khó có thể đạt được tính thực tế 100% được mà phải có những cảnh dàn dựng thêm, làm sao cho nó hợp lý để tăng tính hấp dẫn của chương trình. Mà việc dàn dựng ở đây là phải nương theo tính chất của chương trình chứ không phài là sắp xếp thế này thế kia để tính thực tế của chương trình trở nên méo mó, xô lệch. Điều đó là không nên!

- Như vậy theo anh thì các chiêu trò trong các chương trình THTT là cần thiết để tăng tính hấp dẫn, thu hút chương trình?

- Tất nhiên khi làm chương trình thì ai cũng nghĩ cách, nghĩ chiêu trò để chương trình hấp dẫn, đem đến cho người xem nhiều điều thú vị. Nhưng mỗi nhà sản xuất sẽ có những chiêu trò khác nhau. Và họ làm thế nào thì người xem cũng phần nào nhìn nhận được chuyện đó. Có chiêu trò của người này khiến khán giả chấp nhận được là bởi vì nó không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả chung cuộc. Nhưng cũng có những người lạm dụng chiêu trò quá nên khi bị lộ ra thì khán giả sẽ phản ứng, đó là chuyện đương nhiên.

Đạo diễn hình ảnh Nguyễn Tranh.

- Các scandal ồn ào từ các chương trình THTT ngày càng nhiều, nếu không nói là bị các nhà sản xuất lạm dụng, dùng một cách trắng trợn. Anh có nghĩ nó xuất phát từ áp lực cạnh tranh giữa các chương trình THTT vốn đang bùng nổ trên sóng truyền hình hiện nay không, thưa đạo diễn?

- Thật ra thương trường mà, cạnh tranh là có nhưng cạnh tranh thế nào mới là chuyện đáng bàn. Cạnh tranh để mọi thứ tốt hơn, anh làm hay, tôi công nhận nhưng tôi muốn làm hay hơn anh. Điều đó tốt thôi và để mọi thứ phát triển. Riêng cá nhân tôi khi nhận làm một chương trình THTT nào đó thì cái đầu tiên suy nghĩ là làm sao để chương trình hấp dẫn. Còn chuyện ai đó, hoặc một đơn vị nào đó họ làm thế nào là chuyện của họ. Đối với chiêu trò thì cá nhân mình không thích. Làm thế thì cảm giác khán giả không có cái nhìn tốt về chương trình của mình, mình không muốn làm đều đó!

Đối với những nhà sản xuất thì theo tôi họ giỏi hay không giỏi là khi họ mua format một chương trình nào đó. Họ giỏi thì họ sẽ nhìn ra được chương trình đó đem về Việt Nam thực hiện sẽ rất thành công. Còn những nhà sản xuất không giỏi, họ tìm những chương trình kém, họ thất bại thì đó là chuyện của bản thân họ.

- Chất lượng người chơi, nội dung chương trình phong phú… theo anh thì sự hấp dẫn của một chương trình THTT phụ thuộc vào yếu tố nào?

- Trước tiên là format chương trình, kế tiếp là người tham gia chương trình và người thực hiện chương trình. Hầu hết chương trình hiện nay đều mua format nước ngoài nên format nào hấp dẫn thì mang về làm mới hấp dẫn được. Còn người tham gia chương trình hiểu chương trình thế nào và tham gia với tinh thần ra sao. Tính chất của chương trình THTT cần những người có cá tính, mỗi người mỗi cá tính khác nhau thì chương trình sẽ hấp dẫn. Còn nhà sản xuất thì họ phải tính thêm dàn dựng hợp lý cho chương trình. Và tất nhiên còn có nhiều yếu tố liên quan khác nữa.

- Anh nghĩ gì về sự bùng nổ các chương trình THTT hiện nay trên sóng truyền hình?

- Thời điểm này THTT khá nhiều. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là một xu hướng tất yếu. Phim điện ảnh mỗi năm mình làm không được nhiều, cung cầu bị chênh lệch nhau quá. Phim truyền hình thì khá nhiều nhưng chất lượng lại không cao, làm kiểu chụp giật quá! Ca nhạc cũng vậy, mỗi năm vài chương trình. Mà nhu cầu của khán giả là cao nên mọi người nghĩ là nên làm cái gì. Gameshow thì cũng một đợt bùng nổ, giờ thì đến THTT và phải thừa nhận rằng THTT cũng có độ hấp dẫn riêng của nó. Nên khi có những chương trình THTT hấp dẫn dần thì người ta bắt đầu lại nhảy vào làm nhiều chương trình hơn. Tôi nghĩ, nếu mọi người làm nghiêm túc thì THTT là loại hình hấp dẫn với khán giả.

- Anh có cho rằng việc mua format các chương trình THTT nước ngoài đang tạo ra trào lưu ăn sẵn, triệt tiêu động lực sáng tạo của người viết các chương trình truyền hình thuần Việt?

- Đó là một điều tôi hơi buồn vì hiện tại mình vẫn phải đi mua những format của nước ngoài để làm. Tuy nhiên việc này liên quan đến nhiều thứ. Ở nước ngoài khi bạn nhận viết một chương trình nào đó thì bạn có đầy đủ điều kiện, thời gian và chỉ có viết thôi. Còn ở mình thì một kịch bản ra đời với bao rắc rối về mặt tác quyền tác giả, thù lao cho một kịch bản cũng không đủ để họ tập trung toàn bộ cho viết một format.

- Một thí sinh lột hết đồ ra để giảm cân; một thí sinh quỳ sụp xuống xin giám khảo cho thi tiếp. Là một người làm đạo diễn hình ảnh cho THTT, anh nghĩ gì về việc quay lại và đưa những hình ảnh này lên sóng truyền hình?

- Với tư cách là đạo diễn hình ảnh thì tôi “setup” toàn bộ camera quanh khu vực thí sinh ở, không có một góc nào mà mình không quan sát được. Tôi phải đảm bảo rằng mọi hoạt động của thí sinh đều được ghi lại. Đó là trách nhiệm của người làm đạo diễn hình ảnh. Còn chuyện lấy hình thế nào để đưa lên truyền hình thì đó là quyết định của đạo diễn chương trình.

Còn trường hợp thí sinh quỳ gối trong Vietnam Idol thì thật ra tính cách của mỗi người tôi không thể nào hiểu được. Họ có nhiều cách thể hiện trước ban giám khảo, có thể là trong hoàn cảnh đó họ quá mong muốn để được vào sâu hơn nữa thì họ thể hiện như vậy. Nhưng chọn phát sóng hay không thì vẫn qua đạo diễn chương trình.

Làm THTT thì việc đưa lên những hình ảnh đó cũng là chuyện bình thường thôi vì thực tế nó đã xảy ra như vậy. Nếu mình là đạo diễn thì mình cũng cân nhắc đưa lên. Như Idol nước ngoài thậm chí còn có những hình ảnh ghê gớm hơn nữa. Những hành động giống như cậu Quân Kun thì tôi nghĩ khán giả họ thích xem những trường hợp thỉnh thoảng cá biệt xảy ra như vậy. Hơn nữa, tôi nghĩ những bạn trẻ khi xem những hình ảnh đó sẽ rút ra được kinh nghiệm cho bản thân mình, tức tránh những chuyện không hay như thế. Đó cũng là một ý nghĩa tích cực của những hình ảnh đó.

Và như tôi đã nói, phải hết sức cân nhắc với những hình ảnh phát sóng, làm sao nó không vượt quá giới hạn cho phép.

- Nếu như ở nước ngoài, sự dàn dựng, sắp xếp, chiêu trò trong các chương trình THTT được công chúng gọi là “sự lừa dối ngọt ngào” thì ở nước ta, những scandal vừa qua không cho thấy sự ngọt ngào nào. Trái lại đó là những lừa dối người xem trắng trợn. Anh nghĩ sao?

- Khi khán giả xem sự lừa dối đó mà chấp nhận được thì nhà sản xuất đã làm chương trình đó tốt rồi. Tức là có dàn dựng nhưng sự dàn dựng đó hợp lý, mang đến sự thú vị và khán giả chấp nhận được. Còn sự lừa dối cay đắng cũng diễn ra khá nhiều ở các chương trình của ta, khán giả phản ứng thì cũng điều hết sức bình thường. Nhưng lừa dối người xem là hoàn toàn không nên. Chắc chắn là khi mình lừa dối người ta, thì bản thân mình cũng thấy áy náy. Và đã là THTT thì việc dàn dựng để chương trình hấp dẫn hơn chứ không phải dàn dựng để thay đổi kết quả chung cuộc hay là lừa dối bằng cách giả mạo.

Người làm nghề thật sự ai cũng muốn cạnh tranh nhau theo hướng tích cực, ai cũng mong muốn ngành nghề mình đi lên, đi xa hơn. Chứ làm mà để khán giả ném đá thì không nên!

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.