Cánh diều vàng 2011:

Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn: Đừng chờ đợi với tâm trạng ăn thua

Thứ Ba, 08/03/2011, 15:01
Ngoài việc là một đạo diễn lâu năm trong nghề, tạo dựng được uy tín với đồng nghiệp và khán giả qua những bộ phim ấn tượng, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn còn được nhắc đến như một người thực sự có tâm với nghề, với lớp trẻ.

Ông có thể ngồi khen, góp ý, đánh giá thẳng thắn những tác phẩm của những đạo diễn trẻ trên cương vị một người đồng nghiệp chứ không phải là sự phủ nhận đầy đố kị như thường thấy trong giới sáng tạo.

Ngồi ở vị trí thành viên Hội đồng giám khảo thể loại phim nhựa - vị đạo diễn của "Trăng nơi đáy giếng" này chia sẻ về hai câu hỏi lớn cho mỗi LHP là: Giải thưởng có thực sự là một niềm tự hào, sự vươn tới của người làm nghề và có nên trẻ hóa thành phần BGK?

"Có thể không nên quá chờ đợi với tâm trạng ăn thua, được mất, nhưng tôi nghĩ rằng những giải thưởng, những LHP là những khoảng dừng đầy hứng thú và ích lợi cho cả người làm phim lẫn khán giả. Đó thực sự là những phản hồi đa diện nhất mà một người làm phim chuyên nghiệp có thể nhận được đối với tác phẩm của họ.

Có một vài đạo diễn cho rằng mình làm phim không vì giải thưởng nên không quan tâm đến viêc tranh giải. Ngoài những lý do riêng của mỗi người, tôi nghĩ có thể họ chưa thực sự tự tin với tác phẩm của mình. Dù gì đi nữa nó cũng là một sản phẩm hàng hóa phục vụ người xem, người đạo diễn cần lắng nghe những đánh giá từ em học sinh, bà nội trợ, buôn bán cho tới giới phê bình…

Chính những phản hồi từ nhiều góc nhìn khác nhau đó sẽ giúp cho người đạo diễn, giới phê bình và cả công chúng biết vị trí của một bộ phim khi nó ra đời. Như với phim "Trăng nơi đáy giếng", bản thân tôi biết mình đã làm được gì và còn chưa được những điều gì, và tôi thấy thích thú khi đối chiếu những điều mình biết đó với những đánh giá của người xem qua các LHP trong và ngoài nước.

Cái tôi cần ở đây là xem sự phản hồi nhiều chiều của khán giả, nghe được tiếng vọng từ nhiều đối tượng công chúng mà chúng ta cần phải tiếp cận. Nó giống như khi bạn nhìn một vật thể bạn phải có nhiều góc nhìn, từ trên xuống, nhìn từ dưới lên, từ trái qua, từ phải lại. Chính những tiếng vọng đó trong một LHP sẽ làm bật lên nhiều vấn đề phải suy nghĩ cho những người quản lý điều hành điện ảnh, đến giới làm phim và cả công chúng.

Về vấn đề trẻ hóa BGK, tôi cho rằng cái trẻ này không dựa trên độ tuổi. Chất trẻ là ở những người luôn biết làm mới mình, mở rộng tầm mắt, xem nhiều, tiếp xúc nhiều để cập nhật kịp thời với sự phát triển của điện ảnh. Trẻ theo kiểu như rắn lột da. Có những bậc đàn anh trong nghề, nhưng họ đã tách rời với sinh hoạt nghề nghiệp quá lâu, sẽ không tránh khỏi những quan điểm đánh giá xưa cũ về nội dung cũng như hình thức thể hiện, hoặc quy chụp những ý đồ tư tưởng cứng nhắc.

Nhưng ngược lại, nếu những người trẻ tự giam hãm mình, đóng khung trong một số kiến thức nhỏ hẹp, thì cũng là già. Những người như các đạo diễn Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Quang Dũng, Phan Xi Nê… là những nhà làm phim trẻ đúng nghĩa. Họ luôn khát khao tìm tòi, khám phá, đó thực sự là sức bật của điện ảnh chúng ta. Những người đó lại đang bận làm phim, không rảnh để tham gia BGK"

Nguyễn Hà (thực hiện)
.
.