Những "chú vịt xấu xí" của điện ảnh Việt:

Đạo diễn Nguyễn Đức Việt: Người ta quỳ gối dưới chân khán giả nhưng vẫn xúc phạm họ

Thứ Tư, 04/05/2011, 15:59
Có một thực tế là, những nhà làm phim hãy dũng cảm và những khán giả cũng phải dũng cảm. Chúng ta đến với khán giả, ngồi cạnh họ chứ không nên quỳ gối trước họ. Khán giả có nhiều tầng lớp và thực tế là một bộ phim ra mắt, đạo diễn đích thực phải có khuynh hướng thẩm mỹ tốt và phải tin vào điều đó.

- Mặc dù phim của anh “Vũ điệu đam mê”  được giải nhưng bản thân anh có thấy tiếc điều gì?

 - Nếu có điều kiện, có thể tôi đã dựng lại một số đoạn để tạo được sự hấp dẫn hơn nữa.

- Vậy thì anh thích điều gì từ bộ phim, như tạo hình chẳng hạn?

- Bộ phim có những cảnh quay rất tốt. Phim đoạt nhiều giải trong Cánh diều vàng vừa qua là một ghi nhận đáng trân trọng của giới chuyên môn và tôi cám ơn những điều này.

- Anh đánh giá thế nào về những bộ phim nổi đình đám trong năm nay?

- Tôi thấy, những bộ phim được để ý nhiều cũng sản xuất dựa trên những bối cảnh đẹp có sẵn, kịch bản cốt truyện hay, những diễn viên nổi tiếng có sẵn và chỉ phát hiện ra rất ít gương mặt mới như Lan Ngọc, Đinh Toàn chẳng hạn. Khán giả Việt Nam, trong đó có một số người, vẫn chưa đánh giá đúng về mặt chuyên môn. Khi nhìn một sản phẩm nghệ thuật cần đánh giá ê kíp sản xuất đã tạo ra những gì.

Cảnh đẹp có sẵn, nhân vật sống trong khung cảnh ấy thì không được chú ý, chăm chút. Những nhân vật, diễn viên không sống thật đúng với bối cảnh, tưởng là diễn hay, thoại hay nhưng lại không hay. Có những diễn viên rất giỏi và nổi tiếng nhưng lại là những người yếu nhất trong bộ phim. Đừng bảo họ không giỏi mà do đạo diễn ỷ vào việc họ có tiếng nên làm không chăm chút và làm hỏng nhân vật.

- Bộ phim được anh trau chuốt nhưng về mặt dư luận lại không được tốt như những bộ phim khác?

- Tôi thấy điều này không công bằng. Ở đây có hai vấn đề: Một là, hãng phim nhà nước không đủ kinh phí để làm PR. Số lượng tiền PR không đủ khiến cho khán giả không được chăm sóc. Hai là, bộ phim không được ra rạp đúng thời điểm.

- Nhưng một trong những bài toán đặt ra là những bộ phim ở phía Bắc tập trung vào đối tượng là những người làm lý luận và cho rằng đó là những bộ phim nghệ thuật. Tuy nhiên, phim ra rạp thì công chúng cũng nên là một thước đo?

- Có một thực tế là, những nhà làm phim hãy dũng cảm và những khán giả cũng phải dũng cảm. Chúng ta đến với khán giả, ngồi cạnh họ chứ không nên quỳ gối trước họ. Khán giả có nhiều tầng lớp và thực tế là một bộ phim ra mắt, đạo diễn đích thực phải có khuynh hướng thẩm mỹ tốt và phải tin vào điều đó.

Anh được đào tạo từ Nhà nước ra thì chất lượng và yêu cầu cần phải đạt được điều này. Khi xem xong phim phải thấy sự trân trọng cuộc sống, sự hướng thiện chứ không phải thấy khán giả ngứa chỗ nào thì gãi chỗ đó.

Từ "phim thị trường" cũng cần đánh giá một cách chính xác và nên gọi là dòng phim thịnh hành. Tôi thấy giá trị thẩm mỹ của một số bộ phim rất thấp, chiếu trong ngày một ngày hai, thu về một món tiền là thôi. Họ làm có mục đích của họ, tạo ra những nốt ngứa cho khán giả rồi họ gãi.

Thậm chí, khán giả không "ngứa" họ cũng xoa xoa lên, tạo ra những scandal. Tôi không coi thường họ nhưng không đi theo cách đó. Cái khó nhất là Nhà nước làm những sản phẩm một cách rất bài bản và biết cách PR cho sản phẩm được công chúng đến với nó.

- Anh có hay ngồi cạnh khán giả để nghe họ bình luận về phim của mình?

- Có chứ. Thỉnh thoảng tôi vẫn ngồi xem cùng khán giả và tôi thấy rất thú vị. Họ có những nhận xét rất thú vị và tôi lưu tâm đến nó. Thực tế, nói hơi quá thì những người xem phim một cách nghiêm túc không phải là nhiều. Hơn nữa, người dân của mình hay a dua, thấy người ta nói thế nào là cũng nghĩ thế. Bản thân họ không có định kiến cụ thể khi đưa ra những suy nghĩ và phát biểu.

- Cái khó của phim nhà nước vẫn là tư duy cũ, không hướng đến thị trường và câu chuyện tài chính?

- Thực ra cho thêm một triệu đô chưa chắc làm phim đã hay hơn. Vấn đề là bộ phim được chuẩn bị tốt và ra mắt nó phải được PR. Điều này không thể không có. Chúng ta chưa làm được điều này trong khi thị trường bắt buộc phải có. Đối với Hãng Phim truyện Việt Nam cũng chỉ cố gắng đưa phim ra rạp thôi. Được ra rạp đã là đáng mừng rồi.

- Bản thân anh có thấy một số đạo diễn vì sự tự cao mà không thừa nhận sự yếu kém của mình trong dòng chảy năng động của điện ảnh?

- Đấu tranh mãi, đến một cái tuổi nào đó thì một số nghệ sỹ cũng nản. Chỉ tổ chức hội thảo, nói ra những điều mình nghĩ nhưng để thực hiện những suy nghĩ ấy thì rất khó.

- Anh mong chờ điện ảnh Việt trong những năm tới?

- Hãy để điện ảnh Việt không chỉ xoa những vết ngứa của khán giả

Đào Gia (thực hiện)
.
.