Dân có quyền được biết

Thứ Bảy, 24/10/2020, 08:43
LTS: “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Đấy là khẩu hiệu người dân nào cũng biết và cũng đồng tình. Nếu đặt câu hỏi, yếu tố nào trong 3 yếu tố đó cần được thực hiện đầu tiên thì đó chắc chắn là “dân biết”, được thể hiện trước hết ở việc chương trình hành động của ứng viên cho các chức vụ quản lý trong bộ máy nhà nước cần được công khai rộng rãi. Dân có biết thì mới có thể kiểm tra. Đó là quy luật.


Sức mạnh của công khai

Truyền thông thế giới vừa trải qua những phút giây cảm xúc lẫn lộn sau một sự kiện gây tranh cãi: cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ông Donald Trump và ông Joe Biden.

Từ cuộc tranh luận xấu xí

Người dẫn dắt cuộc tranh luận Chris Wallace toát mồ hôi thừa nhận ông chưa từng trải qua chuyện gì như vậy. Ông cảm thấy tuyệt vọng vì việc hai ứng viên Tổng thống Mỹ thi nhau ngắt lời đối phương và hầu như không tuân thủ những quy tắc tranh luận tối thiểu. Mọi việc tồi tệ đến mức Ủy ban Tranh luận Tổng thống Mỹ cảm thấy cần thiết phải ban hành những quy định mới để duy trì lại trật tự trong các cuộc tranh luận sắp tới giữa họ.

Ảnh: L.G.

Với tư cách một hoạt động chính trị lẫn một sự kiện quảng bá tiến trình tranh cử, dường như cuộc tranh luận này đã thất bại. Nó để lại ấn tượng xấu xí, nơi hai ứng viên không phô bày những điểm tốt, thay vào đó là những cuộc công kích cá nhân thô kệch.

Nhưng, có một thái độ đáng lưu ý cần ghi nhận: tính công khai. 73,1 triệu người đã xem cuộc tranh luận này, chỉ kém cuộc tranh luận giữa ông Trump và bà Hillary Clinton vào năm 2016 với 84 triệu người chứng kiến. Các thông tin của hai ứng viên có đầy đủ trên Google và thậm chí với ông Trump, tin xấu xuất hiện gấp nhiều lần các tin tốt. Mỗi một lời họ nói ra, với sự ghi nhận của internet và các công nghệ lưu trữ hiện đại, sẽ tồn tại cả ngàn năm nữa. Bầu cử Mỹ, với sự công khai dạng này, biến thành một vấn đề toàn cầu.

Tất nhiên, sự công khai này, về mặt nhân quả, có thể có tác dụng rất nhỏ. Tôi có thể ngồi tìm trên Google ra cả cương lĩnh tranh cử của cựu Tổng thống Mỹ George Bush (con) từ cách đây 20 năm, hay cả những lời hứa tranh cử không trở thành sự thật của ông Trump cách đây 4 năm nhưng chẳng thể thay đổi được bất kỳ điều gì liên quan đến số phận ghế tổng thống trong thời gian đã qua, lẫn sắp tới. Tôi không phải một người Mỹ và ngay cả một người Mỹ, được biết tất cả những tốt xấu về ông Trump, cũng không bao giờ có thể đơn lẻ tác động đến một cuộc bầu cử.

Tôi cũng sẽ không ngạc nhiên nếu ông Trump tái đắc cử bất chấp việc những gì xấu nhất của ông đã hiển thị rất chắc chắn trên Google lẫn các phương tiện truyền thông, vì con người là một cái gì đó rất thiếu chắc chắn. Ngay cả khi sự thất hứa của ông Trump với nhiều vấn đề là rất rõ ràng thì tỉ lệ ủng hộ ông thậm chí còn tăng trở lại vào giữa tháng 9 vừa qua.

Nó cho thấy một thực tế của sự công khai tranh cử: ai cũng có quyền được biết nhưng mọi sự sẽ không xảy ra một cách logic theo véc-tơ thẳng từ điểm A đến điểm B. Biết, với tư cách một cá nhân và chỉ một lá phiếu, không có nghĩa là bạn có thể tác động đến cuộc bầu cử, theo nghĩa là có lợi cho bản thân mình - một công dân - nhất.

Nhưng, nếu thực tế có thể phũ phàng như vậy thì tại sao việc phải công khai các hành động và chiến lược tranh cử lại quan trọng?

Ý niệm của sự công khai

Một trong những cấp “bầu cử” tại Việt Nam mà thông tin ứng viên dễ tiếp cận nhất chính là bầu... tổ trưởng dân phố, hay trưởng thôn, ấp. Tất nhiên là bà tổ trưởng dân phố chỗ tôi ở không có “cương lĩnh tranh cử” gì cả nhưng bà sống ở đây từ rất lâu nên ai cũng biết đầy đủ thông tin từ lý lịch đến quá trình làm việc trước đây và từ khi còn chưa được bầu, bà đã giúp gia đình tôi vài việc liên quan đến thủ tục hành chính ở địa phương thuận lợi hơn (tất nhiên là trong khuôn khổ luật). Thế là tôi bầu cho bà.

Đấy là cách tiếp cận thông tin lý tưởng nhất: cảm nhận được trực tiếp lời nói và hành động của các ứng viên, thông qua tiếp xúc. Và việc bầu tổ trưởng dân phố, vì thế, tạo một cảm giác rất rõ ràng rằng đây là việc của tất cả CHÚNG TÔI. Từ việc bầu, theo dõi, thậm chí góp ý, giúp đỡ bà tổ trưởng làm công việc của mình. Đây là một việc chung mà đến cả cô bán nước vỉa hè của quan tâm, chứ không phải chỉ có tính chất gói gọn trong vòng tròn các ban bệ.

Nhưng, ở các cấp cao hơn, dữ liệu về ứng viên chỉ có thể tiếp cận với đa số người dân ở mức độ gián tiếp, qua truyền thông, dưới dạng các hình ảnh, phát biểu, hành động và các thông tin cá nhân được công khai đăng tải chính thống trên không gian mạng. Nếu không tham gia các cuộc sinh hoạt chính trị thường xuyên, chúng ta thường không có thông tin sâu hơn về một ứng viên.

Tôi đã thử tìm kiếm thông tin về một lãnh đạo mới được bổ nhiệm tạo tiếng vang gần đây nhưng ngoài tiểu sử và những phát biểu chung chung về trách nhiệm vừa được giao phó, không thể tìm được những thông tin sâu hơn. Không có kế hoạch và mục tiêu cụ thể hóa bằng những con số, hay lời hứa tranh cử cho thành phố mà ông vừa được bổ nhiệm vào vị trí quan trọng. Hay các con số cụ thể về thành tựu của ông trong quá khứ, như là đã đưa GDP của tỉnh này tăng trưởng như thế nào, tỉ lệ xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, y tế... ra sao.

Tất nhiên là kể cả khi không được đăng tải rộng rãi, những thông tin này vẫn tồn tại: một cán bộ được bầu vào vị trí cấp cao như vậy có lẽ đã để lại không ít dấu ấn, thành tựu và việc không có nhiều người không biết đến những thông tin này có thể không làm ảnh hưởng gì đến hành trình sắp tới của ông. Cũng như ngược lại, việc thông tin về các ứng viên Tổng thống Mỹ được công khai chi tiết trên toàn cầu không có nghĩa là người Mỹ sẽ chọn ra được một tổng thống tốt nhất.

Nhưng, việc biết này có một ý nghĩa quan trọng: việc tin tưởng chọn ra, cũng như giám sát hành động của một ứng viên nên là mối quan tâm chung và mở rộng khả năng tiếp xúc thông tin về cá nhân ứng cử cũng có nghĩa là mở rộng vòng tròn giám sát công việc của họ. Một ứng viên không nên chỉ “nổi tiếng” và được bàn luận đến nhiều chỉ sau khi được bổ nhiệm. Một công trình khẩu hiệu 11 chữ với chi phí 11 tỷ sẽ không chỉ được bàn về tính hợp lý của nó sau khi đã được xây gần xong và có báo chí phanh phui, mà nên được đặt ra ngay từ đầu. Đấy là sức mạnh của việc biết và thứ tự ưu tiên của chúng ta nên là như thế.

Cho dù việc biết này, như đã nói, có thể không đem lại mối quan hệ nhân quả nào tác động thực sự đến bầu cử, với một lá phiếu đơn lẻ. Nhưng, nó là cách để bày tỏ một thái độ và phương châm hành động: chúng tôi BIẾT là một mệnh đề có sức nặng với bất kỳ một quan chức nào lãnh trách nhiệm trước nhân dân. Chúng tôi nhận thức rằng lời hứa này, đường hướng tranh cử này và cả những gì đã làm, đều sẽ được ghi lại và ai cũng có thể truy cập những thông tin này. Tính công khai tạo ra những cam kết quan trọng và phòng ngừa những sai lầm, cũng như để chúng ta có thể nhìn lại mọi thứ một cách khách quan nhất: những dữ liệu nào đã được biết, trong thời đại này, đều không thể xóa đi trong rất nhiều năm sau.

(Phạm An)

Để hiểu hơn về người dẫn đường

Trong tiến trình đi lên văn minh của đất nước, một biểu hiện minh bạch được đánh giá cao nhất, chính là quyền được biết của người dân. Sự tương tác hữu cơ được hình thành giữa hai khái niệm chính quyền “của dân, do dân, vì dân” và hoạt động “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. 

Để thúc đẩy yếu tố tích cực và đẩy lùi yếu tố tiêu cực, cuộc đấu tranh nội bộ “phê bình và tự phê bình” vẫn rất cần đến tai mắt của người dân. Không có cái tốt nào không được người dân ghi nhận và cũng không có cái xấu nào che giấu được người dân. Vì vậy, quyền được biết của dân càng mở rộng thì hiệu quả giám sát xã hội và quản lý xã hội càng thu được nhiều kết quả như ý.

Không có thước đo nào cho sự phát triển của cộng đồng, bằng mức độ hài lòng của người dân. Không ít người ái ngại về tâm lý đám đông khi hình dung phản ứng của người dân. Thế nhưng, sự lương thiện và sự nhẫn nại của người dân luôn tạo ra sức mạnh thần kỳ cho mỗi chặng đường lịch sử. 

Đó là lý do để câu nói “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó trăm lần dân liệu cũng xong” vẫn có giá trị tồn tại từ trong bom đạn khói lửa đến hòa bình hội nhập quốc tế. Vì vậy, công khai cho người dân được biết, sẽ góp phần quan trọng để thực hiện trọn vẹn mọi chiến lược xây dựng và bảo vệ non sông.

Ảnh: L.G.

Bất kỳ tập thể nào cũng cần có cá nhân dẫn dắt. Nói cách khác, vai trò của lãnh đạo bao giờ cũng được nhấn mạnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, để người dân chọn được lãnh đạo sáng suốt và tin cậy thì những thông tin xung quanh ứng viên phải cung cấp thật đầy đủ và thật rõ ràng. 

Vì sao xảy ra sự cố đáng tiếc ông Phạm Phú Quốc đương nhiệm đại biểu Quốc hội lại sở hữu quốc tịch Cyprus? Rất đơn giản, vì khi giới thiệu ông Phạm Phú Quốc ra ứng cử đại biểu Quốc hội, có thể các cơ quan hữu trách đã cung cấp quá ít dữ liệu cho cử tri. Thậm chí, trong những ngày tiếp xúc cử tri khi đã trúng cử thì ông Phạm Phú Quốc cũng giấu giếm quá nhiều điều khuất tất. Từ câu chuyện bẽ bàng của ông Phạm Phú Quốc, càng thấy quyền được biết của người dân phải được đề cao đúng mức hơn nữa.

Mỗi người đều có những bí mật không muốn chia sẻ, đó cũng là quyền riêng tư đáng được tôn trọng. Thế nhưng, cần phải phân định rành mạch, những thông tin liên quan đến đời sống cá nhân và những thông tin liên quan đến lợi ích xã hội. Một khi cá nhân đã dấn thân vào sứ mệnh lãnh đạo cho tập thể thì không được phép đánh đồng hai mảng thông tin trên. 

Bởi lẽ, sự sòng phẳng về thông tin ứng viên lãnh đạo cũng ít nhiều nói lên sự chân thành và sự cống hiến của một con người đang chấp nhận hy sinh lợi ích riêng để phục vụ lợi ích chung. Nếu một người không dám nói với cử tri về nguồn gốc tài sản mà mình đang có thì làm sao có thể cùng cử tri vun đắp tài sản cho quê hương? Nếu một người không dám nói với cử tri về khuyết điểm mà mình đang cố gắng khắc phục thì làm sao có thể cùng cử tri kiếm tìm ưu điểm hùng mạnh cho đất nước?

Không có cái mặt nạ nghiêm trang hoặc đạo mạo nào mà người dẫn đường có thể trưng trổ trước tập thể trong sáng và nhiệt tình. Người dẫn đường chỉ có thể thuyết phục tập thể bằng tài năng, tâm huyết và tận tụy. Vì vậy, chia sẻ thông tin thật tử tế với tập thể luôn là khởi đầu thiết yếu của người dẫn đường đàng hoàng.

Trong một thế giới đang đặt ra nhiều thách thức thì vai trò của người dẫn đường càng phải được củng cố hơn. Những cá nhân được quy hoạch để làm lãnh đạo đang gặp không ít bỡ ngỡ trước thời đại công nghệ số. Dư luận không phải lúc nào cũng chính xác nhưng nếu triệt tiêu tinh thần phản biện thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường. Người dẫn đường hôm nay nhất định phải thấu hiểu điều ấy một cách cơ bản nhất. Để quá trình “Đảng cử, dân bầu” không có những lá phiếu lầm lạc thì ứng viên lãnh đạo không được phép áp dụng thứ chiêu trò “ngậm miệng ăn tiền”.

Mỗi vị trí lãnh đạo đòi hỏi một khả năng và mỗi lĩnh vực công tác lại đòi hỏi một tiêu chí. Thế nhưng, quyền được biết của người dân thì không thể có giới hạn nào. Đã qua rồi cái thời những người làm lãnh đạo có thể hứa hẹn ba hoa và lấp liếm tinh ranh. Người dân sẽ rất nhanh chóng nhận ra chân tướng những người nhân danh điều cao cả để làm điều thấp hèn. Và người dân cũng thừa trí tuệ để kiểm chứng những hành vi ăn gian làm dối. Do vậy, ứng xử khôn ngoan ở chốn quan trường là thái độ thật thà với quần chúng. Đừng nghĩ lưỡi không xương thì một tấc ắt đến... trời.

Quyền được biết của người dân là đòn bẩy của ổn định và thịnh vượng cho xã hội. Đã đến lúc những ứng viên muốn làm người dẫn đường của tập thể phải trình bày chương trình hành động cụ thể của mình trong các cuộc tranh cử. Thông qua chương trình hành động của từng ứng viên, người dân sẽ đánh giá trình độ và tấm lòng mỗi cá nhân lãnh đạo. 

Và quan trọng hơn, thông qua chương trình hành động cụ thể, ứng viên mới chứng minh được bản lĩnh làm người dẫn đường cho tập thể. Những câu giao đãi chung chung, những câu hô hào sáo rỗng, sẽ không có giá trị gì với khát vọng vươn xa của cộng đồng mà mỗi người dân đang chờ đợi và hy vọng.

Chương trình hành động cụ thể không những hiển lộ “tâm” và “tầm” của cá nhân lãnh đạo khi ứng cử hay khi tranh cử, mà cũng trở thành hồ sơ lưu trữ để người dân theo dõi và kiểm tra hiệu quả quản lý xã hội. Nếu chương trình hành động của cá nhân lãnh đạo chỉ giống như cái “bánh vẽ” thì lá phiếu khách quan và khắt khe từ phía người dân sẽ được sử dụng thông minh và đích đáng.

(Lê Thiếu Nhơn)

Phải bắt đầu bằng cam kết

Công tác nhân sự được coi là then chốt của then chốt trong kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII sắp tới. Và nếu cần phải tìm hiểu những yếu tố nào là then chốt của công tác nhân sự, chúng ta có thể lựa chọn gì?

Tôi sẽ chọn “cam kết”.

Hãy đặt câu hỏi kể trên cho những người quen ngẫu nhiên của bạn, những người dân bình thường thôi, tôi tin chắc đa số họ cũng sẽ có câu trả lời tương đồng với tôi. Bởi vì tất cả chúng ta, ai cũng như ai, đều rất muốn người nào đó đã hứa với mình việc gì thì phải thực hiện lời hứa ấy, đúng thời hạn và đúng kết quả. Lời hứa là một dạng cam kết. Và khi không có cam kết, sẽ không có tiêu chuẩn nào để đánh giá cả.

Ảnh: L.G.

Chúng ta hay nói nhiều về phẩm chất của cán bộ lãnh đạo với những thứ rất chung chung như sự công chính, năng lực, sự liêm khiết... Nhưng có lẽ, đã đến lúc phải chi tiết hóa để có một quy chuẩn phẩm chất cán bộ lãnh đạo thay vì chỉ nêu “đại ý” như bao nhiêu thập niên đã qua. Trong sự công chính có vô vàn tiêu chuẩn nhỏ cấu thành nên nó. Một tiêu chuẩn nhất thiết phải có chính là “cam kết và thực hiện cam kết”.

Sau Đại hội Đảng lần thứ XIII sẽ là bầu cử hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Chúng ta cũng đã bắt đầu thí điểm việc xóa bỏ HĐND cấp cơ sở rồi. Khi HĐND bắt đầu mang tính bao trùm hơn về địa lý và dân cư, đòi hỏi việc công khai cam kết của từng người được bầu vào HĐND để từ đó người bỏ phiếu cho họ có thước đo đánh giá năng lực, đánh giá độ tin cậy... là một đòi hỏi cấp bách. 

Thời đại đã rất khác rồi, với sự tân tiến và tinh vi hơn của công nghệ. Và nếu chúng ta không tiêu chuẩn hóa một cách tối ưu nhất, những thế lực thù địch và phá hoại hoàn toàn có thể lợi dụng khả năng dẫn dụ mà công nghệ mang lại để tạo mầm bất ổn trong cộng đồng, gây nguy cơ đe dọa tính ổn định của xã hội và của thể chế.

Cái cam kết kể trên đối với những thành viên được bầu vào HĐND chính là một dạng “cương lĩnh tranh cử”, thứ vốn dĩ hiếm tồn tại trong các cuộc bầu cử từ xưa tới nay. Người dân đi bầu không hề biết ứng viên sẽ hứa thực hiện những gì trong nhiệm kỳ của mình nếu trúng cử. Thứ duy nhất họ biết chỉ là bản lý lịch khá chi tiết và quá trình hoạt động của ứng cử viên mà thôi.

Như vậy, chúng ta vô tình đã thừa nhận những ứng viên không cam kết tham gia vào các cuộc bầu cử. Và khi họ không cam kết, nhiệm kỳ của họ khó có thể được coi là thành công. Còn câu chuyện sau khi đã thắng cử, người ủy viên HĐND, người chủ tịch HĐND tuyên bố kế hoạch của mình cho khu vực trong nhiệm kỳ lại là một lời hứa đơn thuần. Nó chưa đủ tầm của một cam kết thực sự.

Một cam kết chỉ tồn tại khi có đủ hai bên. Ứng viên tuyên bố cương lĩnh tranh cử, đó là lời hứa một chiều. Nhưng, nếu cử tri tin vào cương lĩnh ấy và bỏ phiếu cho ứng viên, tương tác đã thành hai chiều và được ngầm hiểu là một cam kết đã ra đời. 

Cam kết ấy chính là một dạng khế ước xã hội thu nhỏ. Anh hứa sẽ làm điều đó? Tốt, tôi rất thích, tôi tin vào lời hứa của anh, tôi sẽ bỏ phiếu cho anh. Vậy chúng ta cùng cam kết nhé, tôi bỏ phiếu bầu và anh thực hiện. Nôm na, mối quan hệ giữa ứng viên và cử tri là như vậy. Và, khi không có cương lĩnh tranh cử được công bố công khai, mối quan hệ trên không thể nào ra đời.

Vấn đề bầu cử ủy ban nhân dân cũng vậy thôi. HĐND sẽ là đơn vị bỏ phiếu bầu ủy ban nhân dân. Tức là các thành viên HĐND là tiếng nói đại diện cho người dân trong một cam kết khác để hình thành bộ máy chính quyền. Cương lĩnh tranh cử vì thế rất cần có và phải được công khai, để đảm bảo các ràng buộc về trách nhiệm cụ thể, về tính tiếp nối giữa các nhiệm kỳ. 

Chỉ có cương lĩnh tranh cử công khai mới có thể khiến tình trạng nhiệm kỳ sau xóa bỏ toàn bộ những gì nhiệm kỳ trước đang làm và khi đang tiến hành dở dang, nhiệm kỳ ấy lại bị xóa bỏ bởi nhiệm kỳ sau nữa. Không có kế thừa khoa học, không có tiến bộ.

Nếu ứng viên công bố cương lĩnh tranh cử của mình trước đảng ủy mà anh ta sinh hoạt, sau đó được cấp ủy này phê duyệt, cương lĩnh tranh cử của anh ta đã có sự đồng thuận tập thể phù hợp Hiến pháp và hoàn toàn có thể được công khai với dân chúng. Tính tập trung dân chủ vẫn được đảm bảo. Vai trò cá nhân được tôn trọng. Và quan trọng hơn cả, trách nhiệm lãnh đạo được soi chiếu mạch lạc, rõ ràng, chi tiết và không thể tránh né.

Muốn phát huy vai trò người dân làm chủ, chúng ta phải đặt người dân vào cương vị “chủ nhân ông” đúng nghĩa. Chủ nhân ông là người có quyền “thương thảo” trong các cam kết, có quyền giám sát tiến trình thực hiện cam kết, có quyền lên tiếng phản bác khi cam kết đang có dấu hiệu bị phá bỏ. Và khi tiếng nói chủ nhân ông cất lên, vai trò của thanh tra, xử lý kỷ luật trong nội bộ chính quyền, nội bộ Đảng sẽ phát huy sức mạnh toàn diện của nó. Muốn chống tham nhũng, dứt khoát phải thực hiện các phương cách đó chứ không chỉ giao phó cho một cơ quan, một bộ máy nào cụ thể đơn thương độc mã chiến đấu với một bóng ma thiên hình vạn trạng được.

Quyền được biết của người dân là một quyền thiêng liêng. Có thể, ở nhiều cấp độ hiểu biết khác nhau, mỗi người dân sẽ tiếp nhận thông tin khác nhau và đưa ý kiến phản hồi có giá trị khác nhau. Nhưng, cơ bản nhất, dù người dân có thể không tham góp được gì vì hạn chế năng lực nào đó nhưng họ không thể không được biết những gì đang diễn ra trong một bộ máy mà đời sống của họ phụ thuộc vào bộ máy ấy. 

Và, trong cái quyền được biết này, không chỉ là chuyện được biết quan chức lãnh đạo đang làm cái gì đơn thuần. Người dân cần được biết quan chức lãnh đạo đã cam kết sẽ làm gì để so sánh nó với thực tế hành động của quan chức ấy. Được biết, nó là một nhu cầu chính đáng. Nhu cầu ấy không thể nào bị tảng lờ với những ngụy biện đổ lỗi cho chính sách. Đơn giản, không có chính sách nào ở Việt Nam ngăn cản quyền được biết của người dân và không có chính sách nào có thể vượt qua cái khung mà Hiến pháp đã đặt ra.

(Hà Quang Minh)

Phạm An-Lê Thiếu Nhơn-Hà Quang Minh
.
.