Đại tu "Niêu cơm Thạch Sanh siêu việt" trong giáo dục

Thứ Hai, 05/01/2009, 13:00
Giáo dục nước ta hiện đương gặp nhiều khó khăn làm cho cả xã hội lo lắng. Nguyên nhân có nhiều nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là, kể từ khi chiến tranh kết thúc, ta đã không bảo quản, sử dụng tốt tài nguyên “tự học”, có thể ví như một “Niêu cơm Thạch Sanh siêu việt” (NCTSSV), để nó hoen gỉ, méo mó. Trong chiến tranh, nhờ có nó mà ta đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn và giáo dục được khen là một bông hoa của chế độ.

Chính việc phát huy nội lực tự học của cả thầy, cả trò đã đỡ rất nhiều cho ba nhược điểm lớn của ta về giáo dục trong chiến tranh:

- Chương trình phổ thông phải rút ngắn xuống 9 năm (thời kháng chiến chống Pháp).

- Giáo viên còn nhiều người không đạt chuẩn (hồi kháng chiến chống Pháp thì hầu hết giáo viên không đạt chuẩn).

- Cơ sở vật chất quá nghèo nàn (bây giờ, dù còn nghèo, vẫn hơn xa thời đó).

Học sinh kháng chiến học phổ thông có 9 năm cũng theo kịp học sinh vùng tạm chiến học phổ thông 12 năm. Khi cả hai cùng ngồi trên ghế trường đại học là một minh chứng hùng hồn cho mấy chữ "đỡ rất nhiều". Tiếc thay, ta không tổng kết sâu sắc điều này mà nghĩ rằng "9 năm là chuyện đã qua, chả bao giờ trở lại nữa". Nếu tổng kết sâu sắc thì thấy ra tầm quan trọng của "tự học", bất kể thời gian học là dài hay ngắn.

Sau chiến tranh, ba nhược điểm nói trên đã được cải thiện rất nhiều, đồng thời sự nghiệp CNH, HĐH cũng thôi thúc giáo dục phải phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, nhưng tiếc thay NCTSSV lại xuống cấp nghiêm trọng, thể hiện rõ ở những hiện tượng sau đây:

Việc luyện thi, dạy thêm, học thêm tràn lan phát triển mạnh mẽ đến mức tai hại như sau:

- "Học" là hầu như "để đi thi", môn nào không thi thì học trò không học, thầy không dạy ở học kỳ cuối trước khi thi để cả thầy, cả trò dồn hết tâm lực cho các môn thi.

- Học sinh ngày nay rất ít đọc ra ngoài những tài liệu liên quan đến thi, học sinh ngày xưa biết được nhiều điều ngoài chương trình học nhờ đọc sách. Ví dụ, ngày xưa cũng ít thầy dạy Sử hay nhưng học sinh, nhờ tự đọc thêm vẫn yêu môn Sử.

- Con chưa vào lớp 1 đã cho đi học thêm khi thấy nhà hàng xóm làm như vậy, vì lo rằng nếu để con chậm đi học thêm thì 12 năm sau sẽ khó mà vượt được cửa ải "thi vào đại học". Tệ nạn này làm cho trẻ em học mụ mị đầu óc, học nhiều vất vả mà chất lượng thấp, chả còn thì giờ nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí.

- Sinh viên mới vào đại học cho rằng học đại học nhàn hơn học phổ thông khi thấy số tiết lên lớp ít, mà bản thân chưa quen dùng thì giờ để làm việc độc lập với sách; họ vẫn quen như học ở phổ thông, chờ thầy giảng gì học nấy.

- Điểm chuẩn vào đại học nói chung là cao nhưng chất lượng sinh viên được tuyển không cao một cách tương xứng vì cách thi tuyển và nội dung thi không nhằm thử thách hai khả năng sau đây: Khả năng tự học và sự hứng thú với nghề nghiệp, là hai khả năng rất quan trọng đối với chất lượng học tập.

Trong tình hình như trên thì các giải pháp đề ra để giải quyết vừa thiếu, vừa yếu, vừa không đồng bộ; đường lối thì nói đến "tự học" nhưng chính sách thì đi ngược lại, không những không có chính sách gì ưu ái với những người "tự học" mà thành đạt, mà còn phân biệt đối xử đối với những người có bằng đại học không chính quy, vô hình trung là "vơ đũa cả nắm", vơ cả những người rất đáng khen ở chỗ họ học không chính quy, ít tốn kém cho Nhà nước, cho xã hội, cho gia đình, mà vẫn nghiêm túc, có chất lượng…

Tình trạng trên đã kéo dài hàng chục năm mà không được cải thiện, trong lúc đó thì yêu cầu của xã hội đối với giáo dục ngày càng cao, thế nên cần phải đại tu NCTSSV, gồm một hệ thống đồng bộ các giải pháp cụ thể cơ bản sau đây:

Trước hết là giải quyết nhận thức. Ngày nay, mục tiêu đào tạo không dừng ở đào tạo những con người thừa hành mà đã tiến lên yêu cầu đào tạo ra những con người năng động sáng tạo. Muốn trở nên năng động sáng tạo thì chỉ học hiểu kiến thức và làm bài tập là chưa đủ, mà phải đi sâu vào tư duy và nhân cách vốn ẩn sau kiến thức… Muốn đạt đến trình độ sáng tạo, không chỉ "hiểu" mà đủ, còn phải "nghiền ngẫm", vận dụng rộng ra ngoài bài học, phải lắng đọng, phải cảm thụ cái hay, cái đẹp v.v...  Muốn vậy, phải thực hiện sáu "mọi": Học mọi lúc, học mọi nơi, học mọi người, học bằng mọi cách, học trong mọi hoàn cảnh, học qua mọi nội dung, nghĩa là phải biết tận dụng thời gian, không gian, quan hệ, hoàn cảnh, phương tiện, nội dung. Học như vậy không vất vả vì nội dung học, cách học luôn thay đổi, không gây ra sự nhàm chán, khi thì học nghiêm chỉnh tại bàn học, khi lại học kiểu "đi một ngày đàng học được một sàng khôn". Dĩ nhiên, phải "tự học" là chính vì có thầy nào mà mọi lúc, mọi nơi đều có mặt cùng học trò. Người "tự học" vừa là trò, vừa là thầy.

Ta sẽ gọi thầy này là "thầy trong" để phân biệt với thầy đứng lớp là "thầy ngoài". Thầy trong là sự nhân cách hóa việc phát huy mọi nội lực để học. Nhiều người nghĩ rằng thầy ngoài được đào tạo hơn học sinh một cái đầu thì dạy mới được chứ, chứ thầy trong, cũng là chính mình. "Cơm chấm cơm", thì ăn thua gì. Nghĩ như vậy mới là cảm tính thôi. Thầy ngoài đúng là hơn học sinh một cái đầu nhưng gặp nhiều khó khăn khách quan để tiến hành việc dạy học. Học trò được tiếp xúc với thầy ngoài rất ít, mà tiếp xúc với thầy trong thường xuyên.

Hãy thử tính xem. Học sinh may mắn nhất được học chính quy từ mẫu giáo đến hết đại học là 20 năm, mỗi năm 9 tháng, mỗi tháng 100 giờ lên lớp, vị chi cả cuộc đời "học" được tiếp xúc với thầy ngoài 18.000 giờ, nhưng chỉ tính 1.800 giờ vì thầy tiếp xúc với cả lớp, xa điều kiện lý tưởng là "một thầy, một trò". Còn thầy trong thì trừ đi mỗi ngày 8 giờ để học sinh ngủ, với cách học "sáu mọi" thì mỗi ngày thầy làm việc 16 giờ, kể cả khi có thầy ngoài, ví dụ như khi thầy ngoài giảng bài thì thầy trong nhắc nhở học trò phải lắng tai nghe và hướng dẫn ghi chép, hướng dẫn hỏi thầy ngoài khi thấy cần thiết.

Cứ tính từ mẫu giáo đến 70 tuổi là 65 năm tức 23.625 ngày, thành 378.000 giờ, gấp hơn 200 lần 1.800 giờ. Thầy trong còn có lợi thế là dạy trong điều kiện lý tưởng là "một thầy - một trò", lại dạy cho chính mình nên hiểu học trò rất rõ. Người thầy ngoài giỏi là người biết giúp đỡ, kích thích các thầy trong của học trò làm việc cố kéo lại gần cái ngày "cai dạy". Làm được như vậy là rất khó, khó hơn là tự mình dạy, nhưng đem lại lợi ích lớn cho sự nghiệp giáo dục. Về mặt kinh tế đào tạo thì thầy trong là "tự có", không tốn công, của để đào tạo, không cần biên chế và trả lương khi sử dụng.

Hiện nay, ta có khoảng 1 triệu thầy ngoài, tốn bao nhiêu tiền của để đào tạo và sử dụng, trong lúc đó, cứ bỏ rẻ đi cũng có 60 triệu thầy trong. Lực lượng hùng hậu này, nếu biết chăm sóc, biết sử dụng thì làm nên chuyện... Phải đảo ngược chính sách hiện hành là ưu ái học tập trung, chính quy; miệt thị học không chính quy, tự học. Cần ưu ái những người học giỏi, trong số đó trước hết phải chú ý đến những người học không chính quy, tự học nhiều mà giỏi. Họ đáng được sự ưu ái vì việc học của họ ít tốn kém cho xã hội, cho gia đình và thói quen "tự học" của họ rất đáng quý ở thời đại mà "ai cũng phải học suốt đời".

"Tự học" phải đi đến "tự giác" học nhưng bước đầu cũng phải có cưỡng chế một cách thích hợp, nghĩa là không dùng hình phạt để ép học mà dùng tổ chức để lôi cuốn song song với việc xây dựng dần "hứng thú". Nên tránh kêu gọi chung chung mà nên tổ chức các lộ trình từng bước "cai dạy", giống như các bà mẹ tổ chức các lộ trình "cai sữa" cho con.

Ngay từ lớp 2, khi trẻ đã đọc thạo, nên định kỳ giao cho từng em đọc một sách gì đó vừa sức (ví dụ sách cho nhi đồng) rồi kể lại cho giáo viên nghe, cứ thế càng lên lớp trên càng được giao tự đọc nhiều hơn, nội dung khó hơn và lên đến trung học phổ thông, có cả tự đọc tài liệu tiếng Anh. Làm tốt điều này thì trở lại được như ngày xưa là tốt nghiệp trung học cơ sở là đã có khả năng tự học, lên đến đại học thì đã quen "làm việc độc lập với sách". Cần cho học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học bằng cách mỗi trường đại học liên kết với một mạng lưới trường phổ thông để sử dụng các giờ ngoại khóa, lao động sản xuất mà đưa học sinh vào làm cộng tác viên cho các đề tài khoa học thích hợp. Đó là cách tốt nhất để truyền đến cho học sinh tư duy sáng tạo và tác phong công nghiệp và đó cũng là cách tốt để liên kết đại học với phổ thông, cùng nhau gắn với đời sống, biến được học sinh phổ thông thành người chuyển giao công nghệ vào cuộc sống.

Thời đại ngày nay, nghiên cứu khoa học không còn là độc quyền của những người có học vấn đại học trở lên. Cả năng lực phát hiện vấn đề và năng lực giải quyết vấn đề đều phải coi trọng. Các kỳ thi quốc tế tổ chức cho học sinh hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đó vì vấn đề được nêu ra trong đề bài, học sinh chỉ còn lo giải quyết. Cho nên, chúng ta cũng không nên quá say sưa với các giải quốc tế để tự ru ngủ mình rồi quên mất nghịch lý là học sinh ta được nhiều giải quốc tế hơn cả học sinh các nước “con rồng” nhưng số lượng bằng sáng chế (patent) của ta lại ít hơn học một cách thảm hại… Cần phấn đấu để thực hiện khẩu hiệu "ai nấy được học hành" cho những người có bằng tú tài, nói cách khác là cố gắng phấn đấu để sớm phổ cập đại học (hơn 50% tú tài được học đại học).

Chắc sẽ có ý kiến phản biện: "Ta thừa thầy, đào tạo làm chi cho lắm". Ai bảo ta thừa thầy? Đó là một cách nhìn thiển cận. Gần đây, đầu tư của nước ngoài đổ vào nhiều thì nạn "thiếu thầy" càng rõ, và hình như ta đang bị động đối phó bằng cách cho "đẻ non" nhiều trường đại học… Hãy cứ tạm giả thiết rằng có nhiều người có bằng đại học mà chưa có việc làm. Đào tạo để "thừa tạm thời" hay "không đào tạo" đều "xấu", vậy chọn cái "xấu" nào? Đã là thanh niên thì sợ nhất là "nhàn cư vi bất thiện". Họ phải hoặc đi làm, hoặc đi học. Đi làm thì chưa có nghề, đi học thì không được vào đại học. 85% thí sinh hàng năm hỏng thi vào đại học đã dẫn tới vấn nạn luyện thi dạy thêm, học thêm tràn lan. Cho nên, "cứ đào tạo" thì ít xấu hơn vì còn được mấy năm trước mắt, họ không "nhàn cư", lại có trình độ đại học, nếu chưa "để làm" thì còn ba cái "để" khác của UNESCO cũng sẽ phục vụ cho "để làm". Còn tốn kém ư? Thì không "học", họ cũng phải ăn, mặc, đi lại, giải trí. Cho nên thượng sách là nên cố gắng xóa sớm tình trạng "cửa trường đại học cao vời vợi" bằng hai biện pháp vừa bảo đảm cả số lượng, cả chất lượng.

Xin tạm kết thúc bằng nêu ra yêu cầu sau đây: Phải tổng kết rất kỹ hơn giáo dục ở trong nước để đãi cát lấy vàng. Ta đương lãng phí nhiều vàng giáo dục thời phong kiến, thời Pháp thuộc cũng không được bỏ qua… Phải ôn cố để mà tri tân, nhưng trong ngành Giáo dục của ta, việc ôn cố hãy còn sơ sài nên việc tri tân dễ rơi vào "bắt chước mà không sáng tạo"…

.
.