Đại dịch vắc-xin giả chưa bao giờ dừng lại…

Thứ Tư, 17/03/2021, 14:40
Đó là vấn nạn làm giả các loại thuốc đặc trị và vắc-xin là một mối họa rất thật thời gian gần đây, đặc biệt nổi lên trong các đại dịch.

Trong đại dịch COVID-19 này, khi vắc-xin là niềm hy vọng cứu rỗi thế giới, thì gần như ngay lập tức, vắc-xin giả xuất hiện. Ngay từ đầu tháng 12 năm 2020, Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế Interpol đã lên tiếng cảnh báo: "Điều cực kỳ quan trọng là lực lượng thực thi pháp luật phải được chuẩn bị tốt nhất có thể để đối phó làn sóng các hành vi tội phạm liên quan vắc-xin COVID-19 thời gian tới". 

Còn nhớ, tiểu thuyết "The Third Man" của tác giả Graham Greene mô tả số phận của một  kẻ buôn thuốc penicillin giả người Anh với kết cục bi thảm - bị trừ khử dưới cống ngầm ở thành Vienne. Nhân vật ấy, trong những trang viết khốc liệt và bi thương ấy, có thể chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng của nhà văn, nhưng nó phản ảnh một sự thật có ý nghĩa thời đại. Đó là vấn nạn làm giả các loại thuốc đặc trị và vắc-xin là một mối họa rất thật thời gian gần đây, đặc biệt nổi lên trong các đại dịch.

Vụ vắc-xin giả tai tiếng nhất thập niên

Đó là vụ xảy ra tại Mỹ vào năm 2006, khi Iyad Abu El Hawa, chủ một phòng khám tư tại Mỹ bị phạt 4 năm tù giam vì đã tiêm vắc-xin ngừa cúm giả cho 1.600 nhân viên công ty Exxon Mobil cùng 14 người cao tuổi tại nhà dưỡng lão La Porte với giá 20 USD/mũi. Theo như chưởng lý Chuck Rosenberg, Iyad dùng vắc-xin giả với giá thành rẻ mạt để trục lợi bảo hiểm y tế Medicare, và đây là một hành vi phạm tội cực kì nghiêm trọng, kể cả khi không có nạn nhân nào thiệt mạng. Theo như xét nghiệm của cơ quan chức năng, các liều "vắc-xin" này chỉ chứa đúng một thành phần là… nước lọc, và may mắn thay, Iyad đã không sử dụng những hóa chất có thể gây chết người hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của các nạn nhân. Các kim tiêm cũng được khử trùng trước đó, không mang virus HIV, viêm gan C hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.

Cục Y tế Cộng đồng và Môi trường hạt Harris - nơi xảy ra vụ việc - đã ngay lập tức đưa ra cảnh báo người dân về vắc-xin giả, cũng như tiến hành điều tra rà soát vắc-xin cúm được tiêm bởi hơn 2.000 phòng khám khác. Chưởng lý Rosenberg tin rằng đây là bước đi đúng đắn để nâng cao cảnh giác của người dân cũng như tránh gây hoang mang dư luận. Lúc đầu, Iyad khai nhận rằng hắn vốn là bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tại quê nhà Israel nhưng điều tra đã cho thấy hắn khai man, và Iyad cũng không hề có giấy phép hành nghề tại Mỹ.

Bà Margaret Ross, phát ngôn viên của Công ty Exxon Mobil cho biết công ty thuê một phòng khám tại thành phố Baytown để tiêm vắc-xin cho 1.000 nhân viên, nhưng sau đó phòng khám này lại thuê Iyad mà không hề báo cho Exxon Mobil. Y tá, bác sĩ và cả dược sĩ đều được phép tiêm vắc-xin cúm cho người dân, nhưng những công ty lớn như Exxon Mobil thường sẽ chọn các bệnh viện lớn bệnh viện Giám Lý Texas để tiêm chủng cho nhân viên. Đây là lần đầu tiên Exxon chọn một phòng khám tư nhân, và kết quả điều tra cho thấy, một nhân viên ở phòng khám này có người thân làm việc tại Exxon Mobil.

Phát hiện này dấy lên nhiều mối nghi ngờ vì Iyad, ngoài kinh doanh phòng khám, còn là một tên làm nhái hàng hiệu khét tiếng, từng suýt bị truy tố năm 2003. Nhờ vào lời tố cáo của một y tá được Iyad thuê ngoài để tiêm vắc-xin đã giúp cảnh sát bắt giữ Iyad chỉ một ngày trước khi hắn tiếp tục tiêm vắc-xin làm từ nước lọc cho những người ở nhà thờ Lake Charles.  Y tá này bắt đầu nghi ngờ phòng khám của Iyad khi toàn bộ nhân viên phải thức trắng đêm để bơm thuốc vào xi-lanh, trong khi vắc-xin ngừa cúm thật thường được bơm đầy từ quá trình sản xuất tại các xí nghiệp dược phẩm. Ngoài ra, các nhân viên còn không biết việc phải ghi lại số lô hàng để tìm ra người mua cũng như người được tiêm vắc-xin phòng khi có biến chứng, và một "y sĩ" dởm còn… tự chọc kim vào đầu ngón tay khi bơm thuốc vào xi-lanh, sau đó dặn y tá không được để bất kì bác sĩ nào không làm việc ở phòng khám của Iyad nhìn thấy kim tiêm và lô vắc-xin.

Ngay sau đó, y tá này đã trình báo với FBI sự việc, và nộp luôn cả 2 mẫu vắc-xin nước lọc được dùng để tiêm cho 1.000 nhân viên làm việc cho công ty Exxon Mobil. FBI báo lại sự việc với Cục Dịch vụ Y tế Texas, và ngay trong ngày hôm đó, Cục Dịch vụ Y tế đã triệu tập cả người đứng đầu phòng khám Baytown mà Exxon Mobil thuê lúc đầu cùng nhân viên có người nhà làm việc tại Exxon Mobil, rồi tiến hành khám xét phòng khám của Iyad.

Các thanh tra y tế và đặc vụ FBI phát hiện một túi chứa rất nhiều kim tiêm qua sử dụng trong thùng rác đối diện phòng khám, thu hồi 32 ống tiêm trong số đó và sử dụng dữ liệu bảo hiểm y tế tìm ra tất cả những bệnh nhân cao tuổi ở nhà dưỡng lão bị tiêm vắc-xin nhái. Sau vụ việc này, Cục trưởng Cục Y tế hạt Harris Herminia Palacio vẫn khuyến khích các công ty tổ chức tiêm phòng cúm cho nhân viên nhưng phải kiểm tra thật kĩ phòng khám, cũng như các lô vắc-xin được sử dụng.

Một người dân Uganda được tiêm vắc-xin viêm gan B.

Thị trường hàng nhái sôi động ở Uganda

Đất nước Uganda cũng là một thị trường màu mỡ cho những kẻ làm vắc-xin nhái. Tại đây có khá nhiều người dân bị nhiễm viêm gan B, vốn là một căn bệnh dễ lây và viên gan B còn khiến nhiều người dân thiệt mạng hơn cả HIV-AIDS. May mắn thay, không giống như HIV-AIDS, viêm gan B có thể được ngăn ngừa bằng vắc-xin. Người dân Uganda đã đổ xô đi tiêm vắc-xin phòng viêm gan B khiến các bệnh viện nhanh chóng cạn kiệt nguồn dự trữ và người dân buộc phải trả một khoản tiền khá lớn để tiêm phòng ở các bệnh viện, phòng khám tư. Vào năm 2018, một chiến dịch truyền thông phòng chống viêm gan B ở Uganda đã đẩy nhu cầu tiêm ngừa bệnh lên đỉnh điểm, và giá thành cho một lần tiêm đã tăng gấp đôi ở vùng nông thôn, gấp 3 ở các thành phố lớn. Giá thành đắt đỏ và nguồn cung khan hiếm đã tạo điều kiện cho vắc-xin viêm gan B hoành hành.

Vào tháng 3-2018, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia phát hiện ra hàng loạt lô vắc-xin viêm gan B giả tại rất nhiều phòng khám tư ở các thành phố Kampala, Mbarara, Mbale và Ntungamo. Theo như ông Amos Atumanya, lãnh đạo Cơ quan Quản lý Dược phẩm, vắc-xin giả thường được bán rong vậy nên việc lần ra nơi sản xuất cũng như kẻ đứng đằng sau các lô vắc-xin giả là rất khó. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn thu được vài lô và đã bắt giữ một số kẻ tình nghi. Hiện tại, Tập đoàn Novik là nhà nhập khẩu vắc-xin viêm gan B duy nhất tại Uganda nhưng Novik lại chọn nhập nhiều nhãn hiệu vắc-xin viêm gan B khác nhau, trong đó có hãng Serum của Ấn Độ, và đây chính là loại bị làm giả. Vắc-xin thật có nhãn trắng in 2 vạch tím và có hạn sử dụng dài 3 năm, trong khi hàng nhái thì không có đủ nhãn, in sai hạn sử dụng và chữ in trên nhãn có thể tẩy xóa được.

Ông Amos cho biết các lỗ hổng về mặt quản lý trong khâu nhập khẩu và phân phối thuốc ở Uganda khiến ai cũng có thể tham gia kinh doanh dược phẩm, và kết quả là Uganda trở thành thiên đường thuốc nhái. Không chỉ dừng lại ở vắc-xin. Vào năm 2017, một đường dây phân phối thuốc điều trị ung thư Avastin đã bị bắt giữ. Kết quả xét nghiệm cho thấy thuốc giả thiếu hoàn toàn các thành phần quan trọng nhất, và trong khi thuốc Avastin thật là thuốc tiêm thì hàng nhái lại được… đựng trong lọ nhựa.

Iyad Abu El Hawa, kẻ đứng đằng sau vụ tiêm vắc-xin ngừa cúm giả cho 1.000 người ở Texas, Mỹ.

Nỗ lực toàn cầu

Những loại dược phẩm từng bị làm giả bao gồm thuốc nhỏ mắt diệt khuẩn và vắc-xin ngừa viêm não làm từ… nước máy, thuốc ho paracetamol được làm từ chất tẩy rửa công nghiệp, ampicillin làm từ bột nghệ, thuốc tránh thai "nặn" bằng bột lúa mì, vắc-xin chống sốt rét không hề chứa thuốc…

Theo một nghiên cứu gần đây về thị trường dược phẩm Philippines, 8% số thuốc được mua bán trên thị trường là giả. Ở Campuchia vào năm 1999, có tới 60% trong tổng số 133 nhà thuốc được khảo sát đã bán thuốc chống sốt rét giả làm từ sulphadoxine-pyrimethamine - một chất hóa học hoàn toàn không có tác dụng điều trị bệnh, hoặc những viên thuốc… không hề chưa bất kì dược liệu gì. Được biết, những viên thuốc này bị lấy cắp từ nhiều lô hàng giả đáng lẽ phải bị tiêu hủy từ rất lâu trước đó.

Một khảo sát khác tại 5 nước Đông Nam Á cho thấy 38% thuốc chống sốt rét thế hệ mới AS là hàng giả, và điều này đặc biệt nguy hại vì AS là một loại thuốc được sử dụng rộng rãi do AS hiệu quả và gần như không có tác dụng phụ. Chính điều này cộng với giá thành chót vót của AS đã khiến loại thuốc này trở thành món hời béo bở trong mắt tội phạm buôn hàng giả, và chúng đã sử dụng chloroquine để tạo vị đắng, sao y thiết kế thật và… tự in cả tem đảm bảo 3 chiều. Một số loại thuốc nhái không chỉ chứa giả dược vô hại, mà còn có những nguyên liệu gây nguy hiểm cho người dùng như aspirin, vốn là nguyên nhân số 1 gây nhiễm toan hoặc bệnh viêm não Reye cho bệnh nhi sốt rét.

Để ngăn ngừa nạn làm giả vắc-xin và thuốc điều trị bệnh, nhiều chuyên gia cho rằng thông tin về hàng giả cần phải được chia sẻ với chính phủ, cơ quan hải quan và cảnh sát các nước, cùng các tập đoạn dược phẩm, tổ chức phi chính phủ và người sử dụng. Thêm vào đó, cần tổ chức nhiều chiến dịch truyền thông để giúp người dân phân biệt được hàng giả và hàng thật; trên thực tế cách thức này đã mang lại những hiệu quả rất tích cực tại Campuchia. Cụ thể hơn, chính quyền Campuchia đã liên tục phát trên radio và truyền hình cách phân biệt dược phẩm giả và thật, và thị trường làm nhái dược phẩm đã gần như biến mất sau khi chiến dịch tuyên truyền này kết thúc. Do các phương pháp chống hàng giả như tem 3 chiều thường khá đắt đỏ, các chuyên gia khuyến cáo nhiều tập đoàn dược phẩm sử dụng một số cách thức rẻ tiền hơn như dùng chất artemisinin để xét nghiệm thuốc artesunate.

Vấn nạn vắc-xin và thuốc đặc trị giả thường có liên quan trực tiếp đến các tội phạm có tổ chức, nạn tham nhũng, các đường dây buôn ma túy xuyên lục địa… chính vì vậy, các quốc gia cần chung tay để xóa bỏ thị trường này. Mới đây, theo số liệu của Interpol, 400 lọ vắc-xin, tương đương với khoảng 2.400 liều vắc-xin giả, đã được phát hiện tại một nhà kho ở Germiston, gần thành phố Johannesburg của Nam Phi. Còn tại Trung Quốc, cảnh sát đã triệt phá thành công một mạng lưới bán vắc-xin COVID-19 giả trong một cuộc điều tra do Interpol hỗ trợ. Họ đã đột kích vào cơ sở sản xuất, bắt giữ được khoảng 80 nghi phạm và thu giữ hơn 3.000 liều vắc-xin giả tại hiện trường.

Tuy nhiên, trang The Guardian (Anh) dẫn lời Tổng thư ký Interpol Juergen Stock cho rằng,  số lượng vắc-xin giả bị tịch thu chỉ là "phần nổi của tảng băng chìm" trong vấn đề tội phạm liên quan đến vắc-xin COVID-19. Và, cảnh báo da cam được Interpol đưa ra hồi đầu năm nay cảnh báo các cơ quan chức năng trên toàn thế giới chuẩn bị đối phó với các mạng lưới tội phạm có tổ chức nhắm mục tiêu vào vắc-xin COVID-19 cho thấy sự nghiêm trọng của loại tội phạm này và nỗ lực ngăn chặn nó cần được sự chung tay của mạng lưới cảnh sát toàn cầu. 

Huyền Thi
.
.