Đã đến lúc hàn gắn nước Mỹ!

Thứ Năm, 12/11/2020, 08:18
Cũng đã xuất hiện những dấu hiệu phân cực nhiều hơn, khi các cuộc biểu tình ủng hộ mỗi bên nổ ra ở nhiều thành phố Mỹ. Người ủng hộ ông Trump đã mang súng đến bao vây một số điểm kiểm phiếu. Nguy cơ nổ ra bạo loạn liên quan đến kết quả bầu cử đang treo lơ lửng...

37 ngày “xấu hổ” ở Florida

Vậy là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã tạm thời kết thúc. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ứng cử viên của đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden dưới thời chính quyền ông Obama, đã vượt qua đương kim Tổng thống Donald Trump, dành đủ số phiếu đại cử tri để chiến thắng cuộc đua này.

Nhiều tờ báo lớn và cử tri Mỹ đã gọi tên ông Joe Biden là tổng thống tiếp theo của nước Mỹ trong 4 năm trước mắt.

Liệu như vậy là cuộc đua đã ngã ngũ?

Chúng ta cùng xem xét lại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra cách đây chưa lâu, năm 2000, giữa Phó Tổng thống Al Gore, ứng cử viên đảng Dân chủ và George W.Bush, Thống đốc bang Texas, ứng cử viên đảng Cộng hòa.

97 triệu cử tri Mỹ tham gia cuộc bầu cử ngày 7-11-2000 đã không thể biết được tên của vị tổng thống mới bởi những tranh cãi pháp lý dằng dai tại bang Florida, nơi nắm giữ 25 phiếu đại cử tri. Khi những kết quả kiểm phiếu sơ bộ được công bố, căn cứ vào những kết quả thăm dò, các kênh truyền hình lớn ở Mỹ đều tuyên bố thắng lợi thuộc về ông Al Gore. Tuy nhiên, sau đó các kênh này đều rút lại thông báo này do những rắc rối xung quanh việc kiểm phiếu ở bang Florida.

Khi quá trình kiểm phiếu ở Florida tiếp tục diễn ra được 85% số phiếu, ông Bush dẫn trước ông Al Gore hơn 100.000 phiếu và ông Al Gore gọi điện thông báo chấp nhận thua cuộc. Các kênh truyền hình thông báo ông Bush chiến thắng nhưng sau đó một lần nữa phải rút lại thông báo này và ông Al Gore cũng tuyên bố rút lại tuyên bố thua cuộc.

Theo luật của Florida, khi khoảng cách chênh lệch giữa hai ứng cử viên quá thấp, khi đó chỉ còn khoảng 1.700 phiếu, chưa đầy 0,5% tổng số phiếu bầu của cả bang, thì phải kiểm lại phiếu. Vậy là chính quyền bang Florida chấp thuận yêu cầu kiểm lại phiếu.

Cuộc kiểm lại phiếu hoàn thành với khoảng cách giữa hai ứng cử viên còn sít sao hơn, ông Bush chỉ vượt hơn đối thủ có 537 phiếu, so với tổng số 6 triệu phiếu ở Florida là quá nhỏ. Dĩ nhiên là phía ông Al Gore không chịu, quyết định khởi kiện đòi kiểm phiếu lại, đẩy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sang một giai đoạn mới, kéo dài suốt hơn một tháng.

Tòa thượng thẩm Florida chấp nhận yêu cầu của phía ông Al Gore cho kiểm phiếu lại và quá trình này vừa bắt đầu thì 24 giờ sau quyết định của Tòa thượng thẩm Florida, Tòa Tối cao Liên bang Mỹ đã ra quyết định vô hiệu hóa phán quyết của Tòa thượng thẩm Florida. Điều đó có nghĩa là kết quả ông Bush hơn ông Al Gore 537 phiếu phổ thông ở Florida được giữ nguyên và ứng cử viên Cộng hòa vơ cả 25 phiếu đại cử tri tại Florida, trở thành Tổng thống Mỹ với 271 phiếu đại cử tri.

Nhiều tờ báo sau này đã coi ông Bush là người được Tòa án Liên bang Mỹ “đặt” vào ghế Tổng thống chứ không phải là cử tri Mỹ và 37 ngày tranh cãi sau cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 là quãng thời gian “đáng xấu hổ” đối với hệ thống bầu cử Mỹ. 

Một cuộc bầu cử có tính giải trí cao

Giờ đây, sau 20 năm, cơn ác mộng phải xem một vở “opera xà phòng” hậu bầu cử lại hiển hiện trước mắt người dân Mỹ.

Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 là cuộc bầu cử có tính giải trí cao. Nó bắt đầu từ rất sớm trong chiến dịch tranh cử của cả hai phía, khi những lời cáo buộc, cả có chứng lý lẫn không có chứng lý, được ném vào nhau.

Ông Trump bị tố đủ thứ tội, từ kích động bạo lực, gây chia rẽ, ủng hộ các nhóm cực hữu theo đường lối “chủng tộc thượng đẳng” cho đến dùng uy thế của tổng thống gây sức ép với Chính phủ Ukraine điều tra ông Biden để làm mất uy tín ông Biden (điều đã khiến phía Dân chủ đòi luận tội ông Trump nhưng bất thành).

Ông Biden thì bị tố cáo che giấu những sai trái của người con trai làm ăn ở Ukraine, rồi bỗng nhiên xuất hiện những nhân chứng tố cáo ông “quấy rối tình dục”!

Nói tóm lại là có đủ mọi đòn thế cả trên và dưới thắt lưng được tung ra để nhằm triệt hạ lẫn nhau.

Đỉnh điểm của khuynh hướng giải trí là cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên, một show trình diễn khổng lồ với 73,1 triệu người Mỹ xem trực tiếp trên truyền hình. Và đó là một buổi trình diễn hỗn loạn. Trong hơn 90 phút tranh luận, ông Trump có 73 lần ngắt lời ông Biden, còn ông Biden, trong những phút hiếm hoi mất bình tĩnh, đã buột miệng trả đũa Tổng thống Mỹ rằng “hãy ngậm miệng lại đi ông” và “làm sao có thể có ý kiến với một gã hề như thế này chứ!”.

Những trục trặc trong lần tranh luận thứ nhất đã buộc ban tổ chức cuộc tranh luận thứ ba (cuộc tranh luận thứ hai bị hủy do ông Trump bất ngờ mắc COVID-19) phải thực hiện những biện pháp cực đoan như cắt điện micro của một người trong 2 phút người kia đang phát biểu!

Rồi cuộc bầu cử diễn ra, với những cuộc bám đuổi nghẹt thở ở các bang chiến trường, những khoảng chênh lệnh khổng lồ bị san lấp trong vòng 24 giờ đồng hồ, những lời cáo buộc gian lận mà hầu hết không được chứng minh, những tuyên bố chiến thắng hoành tráng nhưng rồi sau đó đã bị chứng minh là quá sớm.

Cũng đã xuất hiện những vụ kiện (và bị bác bỏ) đầu tiên, những tranh cãi về tính hợp pháp của các lá phiếu... Tất cả diễn ra trong một cơn lốc quay cuồng, các bình luận viên thay ca nói liên tục 24 giờ đồng hồ mỗi ngày trên truyền hình trực tiếp, như một bộ phim gay cấn dài kỳ chưa biết kết kết cục sẽ như thế nào.

Một cuộc bầu cử chia rẽ nước Mỹ

Theo thống kê sơ bộ, ông Trump có hơn 70 triệu phiếu cử tri phổ thông, trong khi ông Biden vượt hơn 4 triệu phiếu với hơn 74 triệu cử tri ủng hộ qua cả đường bầu trực tiếp và đường bưu điện. Điều đó cũng có nghĩa là mỗi ứng cử viên nhận được gần một nửa trong tổng số hơn 144 triệu cử tri Mỹ đi bầu tại cuộc bầu cử lần này.

Nó cho thấy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ lần này đã chia rẽ nước Mỹ như thế nào. Bất chấp cuộc thăm dò trước bầu cử, kết quả bầu cử sơ bộ cho thấy những người ủng hộ trung thành của mỗi ứng cử viên không thay đổi lập trường của mình và mang lại sự cân bằng tương đối trong cuộc bầu cử. Người chiến thắng rồi đây cũng sẽ chỉ nhờ có được sự chênh lệch hết sức mong manh.

Lực lượng chức năng Mỹ sẵn sàng đối phó với những phức tạp đến từ cả hai phe trong cuộc bầu cử.

Nhưng, cũng đã xuất hiện những dấu hiệu phân cực nhiều hơn, khi các cuộc biểu tình ủng hộ mỗi bên nổ ra ở nhiều thành phố Mỹ. Người ủng hộ ông Trump đã mang súng đến bao vây một số điểm kiểm phiếu. Nguy cơ nổ ra bạo loạn liên quan đến kết quả bầu cử đang treo lơ lửng.

Và, với tính cách của mình, đương kim Tổng thống Donald Trump không chấp nhận thua cuộc. Ông đã lên tiếng cảnh báo quá trình pháp lý mới chỉ bắt đầu, có thể hình dung ra một cuộc chiến pháp lý dài đằng đẵng đang chờ đón ở phía trước. Con trai cả của ông Trump cũng đã hô hào kêu gọi cha mình “chiến đấu cho đến chết” và “mở cuộc chiến tổng lực” để giành phần thắng trong cuộc chiến trước mắt.

Bất chấp việc những người ở phe Cộng hòa, do e sợ tính cách của ông Trump, đã lập ra cả một danh sách dài những ai sẽ là người đầu tiên chính thức báo cho tổng thống rằng quá trình bầu cử đã ngã ngũ (đứng đầu danh sách này là cô con gái Ivanka), các cố vấn pháp lý của ông Trump đang tiến hành hàng loạt vụ kiện ở các bang chiến trường. Chưa biết kết quả những vụ kiện đó sẽ ra sao nhưng nó báo hiệu nước Mỹ sẽ tiếp tục bị chia rẽ, như 20 năm trước.

Những hồ sơ khó khăn trước mắt

Phát biểu về chiến thắng tại thành phố quê nhà Wilmington, bang Delaware, trước đông đảo người ủng hộ, ông Biden kêu gọi đoàn kết và hàn gắn lại nước Mỹ.

Ông cũng đã bắt đầu những động thái chuẩn bị cho một nhiệm kỳ sắp tới. Vậy, ông Biden sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ nặng nề như thế nào?

Đầu tiên là sẽ phải hàn gắn lại nước Mỹ, một nước Mỹ bị phân cực nặng nề sau chiến dịch tranh cử dài ngày và một cuộc bầu cử vô cùng kịch tính. Như chính ông tuyên bố trước cử tri ở Wisconsin: “Tôi được bầu với tư cách là một thành viên đảng Dân chủ nhưng tôi sẽ không điều hành đất nước với tư cách là một tổng thống của đảng Dân chủ; tôi sẽ làm điều đó với tư cách là một tổng thống đích thực. Tôi sẽ chiến đấu cho những người đã ủng hộ tôi, cũng như những người đã không ủng hộ tôi”.

Đồng thời, ông Biden cũng hứa sẽ quan tâm đến tất cả người dân bất kể họ thuộc đảng phái nào. “Đây không phải là vấn đề đảng phái mà là vấn đề của nước Mỹ”, ông Biden nói và hứa sẽ phục vụ hết mình cho nước Mỹ.

Tiếp đó sẽ là một vấn đề cực kỳ quan trọng đang trực tiếp đe dọa nước Mỹ: dịch bệnh COVID-19. Ngay trong thời gian bầu cử, dịch bệnh COVID-19 đã tổng tấn công nước Mỹ với số người nhiễm bệnh trong vòng 24 giờ cao đến mức kinh hoàng. Rồi quan hệ Trung-Mỹ, cũng đang ở thời khắc khủng hoảng; rồi Trung Đông, quan hệ với châu Âu, hồ sơ hiệp định hạt nhân với Iran, quá trình phi hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên...

Tất cả cho thấy những năm tháng không hề dễ chịu trước tân Tổng thống Mỹ.

Yên Ba
.
.