Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump: Cuộc chiến đấu vẫn còn

Thứ Ba, 02/03/2021, 14:08
Việc Thượng viện Mỹ bác bỏ cáo buộc luận tội ông Donald Trump không có nghĩa là những kế hoạch kết tội vị cựu Tổng thống đã kết thúc. Và dường như, chính những nỗ lực đó lại đang tạo thêm sức ép lên chính quyền đương nhiệm của ông Joe Biden.


Thoát hiểm

Chiều 13-2, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu với 57 phiếu thuận, 43 phiếu chống trong cáo buộc cựu Tổng thống Donald Trump kích động bạo loạn ở tòa nhà quốc hội hồi đầu tháng 1. Số phiếu thuận đã không hội đủ điều kiện cần thiết để kết tội ông Trump, chấm dứt nỗ lực luận tội do đảng Dân chủ tiến hành trong suốt thời gian qua. Thoát khỏi cáo buộc này đồng nghĩa với việc ông Donald Trump vẫn được tiếp tục hoạt động chính trị trong tương lai.

Những cuộc khảo sát được tiến hành trước phiên luận tội cho thấy có 58% người Mỹ tin rằng cựu Tổng thống Donald Trump nên bị Thượng viện kết tội vì đã kích động nổi loạn. Nhưng những con số khảo sát cũng đồng thời cho thấy sự ủng hộ việc kết tội ông Trump hoàn toàn mang tính đảng phái. Gần 90% người đảng Dân chủ tham gia khảo sát tin rằng cựu tổng thống xứng đáng bị kết tội, trong khi chỉ có hơn 50% người độc lập và 10% người đảng Cộng hòa đồng tình quan điểm này.

Cuối cùng, chỉ có 7 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ luận tội ông Trump, con số còn thấp hơn cuộc bỏ phiếu tương tự ở Hạ viện trước đó 1 tháng, khi 10 nghị sĩ Cộng hòa đã đứng về phe Dân chủ. Trong cuộc bỏ phiếu đó, với 232 phiếu thuận, Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ dẫn dắt chỉ đạt 54% phiếu ủng hộ, thua xa con số 67% cần thiết. Điều đó cho thấy lực lượng ủng hộ ông Donald Trump tại Quốc hội Mỹ vẫn còn rất mạnh, đồng thời chứng minh rằng đảng Dân chủ đã không chuẩn bị đủ tốt cho kế hoạch của mình.

Cái bóng của ông Trump vẫn còn quá lớn ở Wasington ngay cả khi ông đã rời nhiệm sở.

Trước những cáo buộc của phe Dân chủ, luật sư của ông Trump lập luận rằng việc luận tội ông là không phù hợp, vì những phát ngôn thúc giục người ủng hộ "chiến đấu" không cấu thành hành vi kích động bạo lực. Họ gọi nỗ lực luận tội ông Trump là "đòn trả thù chính trị bất công". Còn bản thân ông Trump cáo buộc phiên luận tội thứ hai nhằm vào mình là "cuộc săn lùng khủng khiếp nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ông Trump là vị Tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội 2 lần, minh chứng rõ ràng cho thấy ông bị các đối thủ chính trị của mình “căm ghét” đến mức nào.

Bủa vây

Mặc dù một quyết định lập pháp đã không được đưa ra từ phía Quốc hội Mỹ nhưng những cáo buộc nhằm kết tội ông Trump vẫn chưa kết thúc. Không thể đánh bại ông trên nghị trường, những đòn tấn công tiếp theo sẽ đến từ các tòa án dân sự và hình sự cấp bang, nơi ông Trump không có quyền miễn trừ truy tố.

Chưa đầy 1 tháng kể từ khi ông Trump rời Nhà Trắng, các mối đe dọa pháp lý đã gia tăng chóng mặt. Những cáo buộc gian lận liên quan đến vài cuộc điện thoại trong thời gian bầu cử có thể rất khó chứng minh nhưng một bản báo cáo thuế của tập đoàn Trump thì rõ ràng hơn rất nhiều. Thậm chí, những cáo buộc tấn công tình dục từng được đưa ra từ năm 2016 cũng đang được phe chống ông Trump khơi lại. Các dân biểu của đảng Dân chủ ở khắp nơi đang rất nỗ lực thúc đẩy những vụ kiện kiểu này. Có điều, những cáo buộc như vậy lại nhắm vào hình ảnh cá nhân của ông Trump chứ không phải những quyết sách chính trị. Tất cả những "đòn thù" này đều nhắm vào mục đích: kết tội ông Trump bằng được, theo cách này hay cách khác.

Dĩ nhiên, ông Trump hiểu rõ mình đang đối mặt với điều gì. Nhưng, với lực lượng ủng hộ rộng rãi, ông đủ khả năng theo đuổi các vụ kiện tụng dân sự này trong nhiều năm, để giữ cho mình chỗ đứng trên chính trường Mỹ. Thậm chí, những vụ kiện đó còn khiến cho cái tên của ông được nhắc tới nhiều hơn trong thời gian tới, khiến cho tầm ảnh hưởng của ông không hề lu mờ đi ngay cả khi đã rời nhiệm sở.

Suốt thời gian qua, ông Trump gần như không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bởi các nền tảng mạng xã hội đã khóa các tài khoản của ông. Đó có lẽ là khoảng thời gian yên bình nhất của nước Mỹ trong hơn 4 năm qua nhưng giờ thì sự yên bình đã chấm dứt.

Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu ở Thượng viện được công bố, ông Donald Trump đã xuất hiện lần đầu tiên trên truyền hình. Dù cho đó chỉ là một vài lời tri ân dành cho người dẫn chương trình Rush Limbaugh mới qua đời nhưng nó được nhìn nhận như sự tưởng thưởng của cựu tổng thống với một người ủng hộ trung thành của mình. Những người đứng về phe ông Trump sẽ tìm thấy thêm động lực để tiếp tục ở bên cạnh ông.

Đường đua lại mở

Mục đích thực sự đằng sau nỗ lực luận tội ông Trump là gì? Đảng Dân chủ đang cố gắng chứng minh ông Trump là một con người tội lỗi hay chỉ tìm mọi cách để loại bỏ cơ hội chính trị của ông?

Mục tiêu luận tội ông Trump đang choán hết tâm trí của các nghị sĩ đảng Dân chủ.

Việc 43 trong số 50 thượng nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu phản đối kết tội ông Trump là tín hiệu rõ ràng cho thấy ông vẫn có sức ảnh hưởng lớn trong đảng. Những nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu luận tội ông Trump sau đó đều nhận những chỉ trích mạnh mẽ từ chính trong đảng cũng như phải đối mặt với phản ứng giận dữ tại quê nhà. Lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện Mitch McConnell là người đã bỏ phiếu luận tội ông Trump bị kêu gọi từ bỏ vị trí. Trong khi đó, nghị sĩ hạ viện Adam Kinzinger bị gia đình trách móc bằng một bức thư dài 2 trang trên báo, gọi ông này là "quỷ dữ".

Trong thông báo mới nhất, ông Trump tuyên bố ủng hộ tất cả ứng viên Cộng hòa nào đi theo chương trình nghị sự của ông trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 năm tới. Đây sẽ chính là lực lượng chống lại ông Joe Biden trong suốt nhiệm kỳ của mình.

Ở một góc độ khác, việc các nghị sĩ Dân chủ quá nhiệt tình trong cuộc luận tội ông Trump tạo cảm giác rằng chính quyền này đang mải mê với việc "trả thù" hơn là xây dựng một điều gì đó có giá trị. Ông Joe Biden đã rất cố gắng tránh nhắc tới việc luận tội người tiền nhiệm nhưng áp lực từ thất bại này sẽ tạo nên nhiều hệ lụy. Không tập hợp đủ sự ủng hộ sẽ khiến mọi quyết định của ông Joe Biden trở nên khó khăn hơn.

Bản thân việc luận tội một tổng thống cũng không phải là điều thường xảy ra trong nền chính trị Mỹ. Các đời Tổng thống Mỹ có thể mắc sai lầm nhưng họ đều được ghi nhận vì những đóng góp. Một vị tổng thống có thể bị đánh bại hoàn toàn mà không cần cuộc luận tội nào nếu ông ta "đủ xấu", như trường hợp của cựu Tổng thống Nixon vào năm 1974. Song, một nỗ lực luận tội thất bại thậm chí còn làm mạnh lên vị thế của ông Bill Clinton vào năm 1998.

Như lúc này, thay vì nói về những sắc lệnh mới của ông Joe Biden, người Mỹ lại quan tâm hơn đến việc ông Trump sẽ xuất hiện ở đâu trong thời gian tới. Những cuộc luận tội thất bại vừa dễ làm mờ đi những điểm yếu khác của ông Trump, vừa đẩy hình ảnh của ông nổi bật lên mạnh mẽ giữa muôn trùng gian khó. Người ta đã nói về những dấu hiệu cho thấy ông Donald Trump sẽ trở lại trong cuộc bầu cử cuối năm 2024. Vậy mà bây giờ mới là tháng 2 năm 2021, cuộc đua mới dường như đã lại mở ra.

Tử Uyên
.
.