Cuộc “tập trận” của loài người

Thứ Hai, 06/04/2020, 10:10
Những hậu quả toàn diện của cơn tai ách mang tên COVID-19 - thứ dịch bệnh đang bùng phát khắp thế giới bởi virus SARS-CoV-2 - đã vượt xa mọi quy mô dự đoán ban đầu.

Hơn bất cứ đại dịch nào từng hiện hữu trên Trái đất (dịch hạch, AIDS, SARS, MERS…), COVID-19 đặt ra cho xã hội loài người hiện đại những mệnh đề hóc búa, khi bị đặt giữa sự giằng xé của nhu cầu sinh tồn với những tiêu chuẩn cơ bản của “tính người”. Và cùng lúc đó, đối diện với nguy cơ diệt vong.

“Đòi hỏi mang tính đạo đức”

Cho đến thời điểm bài báo này lên trang, COVID-19 đã lây nhiễm trên khoảng hơn 200.000 người, và kịp cướp đi sinh mạng của hơn 11.000 người trong số đó. Những số liệu ấy vẫn đang được cập nhật từng ngày và không ngừng tăng lên theo đà dồn dập xuất hiện các “hung tin” từ khắp mọi châu lục. Kể từ đầu thế kỷ XXI, chưa căn bệnh nào có tốc độ lây nhiễm khủng khiếp đến như vậy

Đó là một “thảm họa y tế” đích thực. Hàng loạt đất nước ban bố lệnh phong tỏa. Hàng loạt quốc gia tê liệt và trở thành những bệnh viện khổng lồ, như Italy, Iran, Hàn Quốc... Hàng loạt sự kiện được chờ đợi bị hủy bỏ. Hàng loạt tiến trình phát triển đông cứng hoặc thậm chí là bị đẩy lùi. Trên mọi phương tiện thông tin đại chúng lẫn các mạng xã hội toàn cầu, không gì có thể cạnh tranh nổi từ khóa “COVID-19” về sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng.

Và cuối cùng, ngày 19-3, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres chính thức lên tiếng cảnh báo: “Nếu không có sự kiểm soát kịp thời, tại những nước nghèo, hàng triệu người có thể còn tiếp tục tử vong do virus SARS-CoV-2”.

Lời kêu gọi thống thiết của Tổng Thư kí Liên Hợp quốc Antonio Guterres...

Đúc kết ấy được đưa ra sau những diễn biến kinh khủng của thực tế. Thực tế chứng minh rằng chỉ những quốc gia có cách tiếp cận nghiêm túc, sẵn sàng thực hiện những biện pháp mạnh mẽ một cách sớm sủa và nhất là sẵn sàng tập trung mọi nguồn lực cần thiết mới có thể bảo vệ tương đối hữu hiệu cho công dân của mình. Còn lại, kể cả không ít cường quốc, đã phải trả giá khá đắt, khi “bừng tỉnh” quá muộn hoặc quá hời hợt trong cách phòng chống dịch.

Đến hạ tuần tháng 3, có thể nói, Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) - khối các quốc gia phương Tây - thực tế đều đã bị đặt vào những cấp độ của tình trạng báo động như lúc có chiến tranh, khủng bố hay thiên tai. Sở hữu nền tảng y học phát triển cũng như những nguồn lực dồi dào nhưng những quốc gia - cộng đồng thịnh vượng đó cũng còn sẽ phải chiến đấu hết sức vất vả với căn bệnh chưa có thuốc đặc trị kia.

Vậy thì, ở những nước nghèo hơn, chính phủ và người dân sẽ phải làm gì? Và có thể làm gì?

Trả lời cho câu hỏi này, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc A.Guterres khẳng định: “Đoàn kết toàn cầu là một đòi hỏi cấp thiết mang tính đạo đức vì lợi ích của tất cả mọi người”. Ông kêu gọi chính phủ các nước thành viên Liên Hợp quốc ngừng áp dụng chiến lược y tế riêng mà thay vào đó là ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực đa phương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), minh bạch thông tin, tạo nên một mạng lưới phối hợp toàn cầu để có thể giúp đỡ các quốc gia chưa chuẩn bị sẵn sàng cho khủng hoảng.

Trên một thế giới “phẳng”

Ở một khía cạnh nào đó, COVID-19 chính là cuộc tập dượt đầu tiên mà loài người phải trải qua trong thế kỷ XXI, để  nhìn lại mình, tự thay đổi, củng cố sức mạnh và sẵn sàng đối diện những nguy cơ diệt vong lúc nào cũng có thể tiếp tục ập tới. Như một thứ dịch bệnh hủy diệt nào khác lại bất ngờ xuất hiện, hay như một vấn đề đang tạm bị đẩy khỏi tâm điểm chú ý của dư luận quốc tế: Sự hủy hoại môi trường và tiến trình nóng lên của Hành tinh xanh, bởi hiệu ứng nhà kính.

Cũng như biến đổi khí hậu, không ai, không quốc gia nào có thể tự tin rằng mình sẽ hoàn toàn bình an vô sự, khi cả thế giới đang bị nung chảy bởi những nỗi lo âu. Thế giới hiện đại - thế giới giao thương rộng mở của thời đại bùng nổ thông tin - không còn những “hầm trú ẩn” như vậy nữa. Sự phối hợp toàn diện ở quy mô khu vực, quốc tế và toàn cầu, từ lâu, đã thực sự trở thành xu hướng tất yếu.

Và để hình dung rõ hơn nhu cầu đó, đặc biệt là từ những quốc gia kém phát triển, xin được dẫn một câu chuyện, một thí dụ liên quan đến công dân Việt Nam. Ngày 20-3, trong nhóm Facebook Cựu học sinh THPT Hà Nội khóa 1993-1996, xuất hiện lời “cầu cứu” của một thành viên: “Có bạn nào làm bác sĩ và từng điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 chưa? Mình muốn hỏi cách tự điều trị ở nhà! Vì khả năng nếu mắc bệnh mình phải tự chữa là 99%! Thanks (tất cả các nước đều cấm bay rồi, mình lại đang ở châu Phi)”.

Thành viên đó đang sống và công tác tại Angola. Anh vô cùng lo lắng nhưng anh không biết phải làm gì. Anh biết rằng ở quê hương, Việt Nam đang làm rất tốt mọi điều cần thiết và anh cũng biết rằng Angola không thể có được những hành động quyết liệt, mạnh mẽ và chuẩn xác như vậy. Thế nên, anh nhờ cậy bạn bè cũ.

Sẽ có bao nhiêu người trên thế giới rơi vào tình cảnh như anh? Và bao nhiêu người không có cả cơ hội để làm điều tương tự anh?

Với thành viên đó, cộng đồng cựu học sinh THPT Hà Nội 1993-1996 có thể đưa ra những lời khuyên hữu ích, ít nhất là trong thời điểm ấy. Nhưng, giả sử, xem anh là một ẩn dụ - một mô hình đồng dạng thu nhỏ phóng chiếu từ một quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, thì những sự giúp đỡ hữu hiệu sẽ còn đòi hỏi quy mô lớn đến nhường nào.

Mà thực ra, cho đến thời điểm hiện tại, đã có được bao nhiêu sự chung tay góp sức như thế, trên bình diện toàn cầu? Qua đến giai đoạn này của COVID-19, thế giới mới chỉ chứng kiến những nỗ lực san sẻ - đồng hành tự phát và thưa thớt. Bù lại, khắp nơi là những cánh cửa đóng kín, khắp nơi xuất hiện tình trạng kỳ thị và lác đác có cả những trường hợp chặn đường “trấn lột” thiết bị y tế cần thiết.

Trong khi đó…

Tất cả đều là công cụ.

Ngày 19-3, Mỹ tiếp tục áp đặt trừng phạt đối với 5 công ty có trụ sở đặt tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (U.A.E) với cáo buộc là những công ty này đã mua hàng trăm nghìn tấn sản phẩm dầu mỏ từ Iran - một trong những quốc gia đang trở nên hoang tàn vì COVID-19. Trước đó 2 ngày, 9 thực thể khác đã bị áp đặt trừng phạt bởi những lý do tương tự.

Phía Iran, dĩ nhiên, phản ứng vô cùng gay gắt. Tehran cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến Iran không thể mua được thuốc men và thiết bị y tế từ thị trường toàn cầu dù dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ. Còn theo Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), nếu không được cộng đồng quốc tế giúp đỡ củng cố và tăng cường hệ thống y tế, những hệ lụy mà Iran - vốn vẫn vô cùng khó khăn bởi các lệnh trừng phạt và cấm vận từ Mỹ - tiếp tục phải gánh chịu sẽ không chỉ là con số 1.284 người chết và hơn 18.400 người bị lây nhiễm.

...và nỗi công phẫn của Ngoại trưởng Iran Zarif.

2 tuần trước đó, ngày 7-3, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mahammad Javad Zarif gọi đích danh những hành động trừng phạt của Mỹ nhắm vào nước Cộng hòa Hồi giáo ấy trong thời điểm này bằng một thuật ngữ mới: “Chủ nghĩa khủng bố y tế” (Medical terrorism). Trên trang mạng xã hội Twitter cá nhân của mình, ông kết tội: “Donald Trump đang ác ý siết chặt các lệnh cấm vận bất hợp pháp với mục tiêu nhằm làm cạn kiệt nguồn tài nguyên của Iran cần cho cuộc chiến chống COVID-19, bất chấp việc người dân của chúng tôi đang chết dần chết mòn vì nó”.

Nước Mỹ không dừng lại, cho dù Iran phản đối, cho dù ICRC cố gắng tác động và cho dù COVID-19 đã thực sự được WHO đánh giá là “đại dịch” (pandemic). Những lợi ích địa chính trị và kinh tế vẫn cứ được đặt cao hơn tất cả, hơn cả những giá trị nhân bản hay nguy cơ tồn vong của loài người.

Thực ra, động thái này cũng không khác là mấy so với khi nước Mỹ đơn phương chối bỏ những cam kết về cắt giảm khí thải, ngược với xu hướng chung của toàn thế giới. Nhưng cũng chính vì thế, câu chuyện này càng khiến lời kêu gọi của Tổng Thư Ký Liên Hợp quốc mang màu sắc vô vọng, như rất nhiều vấn đề vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

Trước “đại nạn”, có lẽ ai cũng biết cần phải làm gì. Vấn đề là họ có muốn làm điều đó hay không...

Đông Phong
.
.