Cuộc di chuyển cuối cùng đến trại phong...

Chủ Nhật, 07/06/2020, 17:36
Tròn 20 năm sau khi căn bệnh phong chấm dứt ở cơ sở chữa bệnh thuộc xã Kim Tân (huyện Phú Bình, Thái Nguyên) nhưng với người bệnh cũng như người dân ở đây thì hai từ “trại phong” đã đóng đinh vào ký ức.

Mặc dù đã khỏi bệnh từ lâu nhưng cư dân của trại phong khi xưa vẫn bị ám ảnh mình là người bệnh và bám trụ lại nơi này. Đến đây từ thời trẻ, giờ đã là những ông già bà cả với cơ thể không lành lặn, họ coi đây là nơi trú ngụ an toàn cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Với họ, trại phong vừa là bệnh viện, là nhà, vừa là gia đình và cả quê hương…

Thế giới trong này và ngoài kia

Con đường đất dẫn vào Trung tâm Da liễu và Chống phong Thái Nguyên (thường gọi là Trại phong Phú Bình) sâu hun hút và quanh co theo những sườn đồi, lồi lõm ổ gà ổ voi. Trại nằm biệt lập giữa những vạt đồi bạt ngàn cây lá và thưa thớt dân cư. Sự tĩnh mịch của núi rừng bao bọc lấy những phận đời trầm buồn từng bị căn bệnh phong hành hạ, bị người đời xa lánh, hắt hủi. 

Từ trại phong, tôi men theo con đường đất lầy lội đến thăm gia đình ông Phạm Ngọc Hải - Trưởng Ban quản lý Trại phong Phú Bình ở cách đấy không xa. Ông Hải năm nay đã 83 tuổi, từng là bệnh nhân phong điều trị ở đây. May mắn là ông có sức khỏe tốt, bệnh thuyên giảm nhanh nên cơ thể còn khá lành lặn. Nặng lòng với trại phong, sau khi khỏi bệnh ông ở lại đây và quản lý trại đã hơn nửa thế kỷ nay.

Suốt mấy chục năm nay, nhiều cụ già không bước ra khỏi thế giới trại phong.

Dù đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay ở mảnh đất này nhưng ký ức về trại phong những ngày đầu thành lập còn in hằn trong trí nhớ của ông Hải. Năm 1958, ở một vùng đất hẻo lánh, tách biệt bởi đồi núi của huyện Phú Bình bắt đầu xây dựng một công trình và đến năm 1960 thì hoàn thành. 

Dân Phú Bình đồn đoán rằng những dãy nhà cấp 4 vừa xây kia là cơ sở của một trại chăn nuôi. Nhưng, đến tháng 3-1960, những chuyến xe lần lượt chở bệnh nhân phong từ các tỉnh phía Bắc tập trung về thì họ mới biết đây là cơ sở chữa bệnh cho rất nhiều bệnh nhân. Ngày ấy bệnh phong là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của toàn xã hội nên người dân ra sức phản đối.

Mấy năm sau, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, những người mắc phong ở trại Quỳnh Lập (Nghệ An) cũng được đưa về đây. Thời kỳ đông nhất, trại phong có gần 400 bệnh nhân điều trị.

Với tất cả những người đã sống trọn phần đời còn lại ở nơi này thì chuyến xe chở bệnh nhân về Phú Bình là cuộc di chuyển cuối cùng của họ. Kể từ đó đến nay, họ không bước chân khỏi thế giới trại phong. 

Sự dè bỉu, kỳ thị của những người ngoài kia khiến tất cả những người bị gọi là “con hủi” trong này co cụm, sống biệt lập. Xung quanh trại, người ra đào hào nước rộng tới 6m, sâu 2m để ngăn cách với bên ngoài.

Trong thế giới ấy, căn bệnh quái ác cứ âm ỉ tàn phá cơ thể họ. Họ cắn răng chịu đựng nỗi đau thấu xương cắn rứt cơ thể. Mỗi ngày trôi qua, bàn tay, bàn chân lại thêm méo mó, mòn đi khiến họ lo sợ và buồn tủi vô cùng. Không còn đường lùi, họ chỉ biết động viên nhau kiên trì chữa bệnh. 

Đến năm 2000, bệnh nhân phong cuối cùng ở trại Phú Bình đã khỏi bệnh, cơ sở chữa bệnh xóa bỏ, những người khỏe mạnh rời khỏi trại. Bám trụ lại trại phong chỉ còn những người bị di chứng nặng nề với những vết thương lõm vào cơ thể, những cánh tay không bàn tay, những mẩu chân cụt ngủn, mất hoàn toàn cảm giác nóng lạnh. Trại phong trở thành nhà của họ. Đến nay, nhiều người già yếu, tàn tật đã lần lượt ra đi, chỉ còn 72 người ở trại phong.

Hạnh phúc hiện hình trong đau thương

Trong nỗi đau bệnh tật, nhiều bệnh nhân phong đã gạt bỏ nỗi mặc cảm, vượt qua sự kỳ thị để đến với nhau xây dựng nên hạnh phúc dài lâu. 

Ông Phạm Ngọc Hải quê gốc ở Lương Tài, Bắc Ninh nhưng thời trẻ đi dạy học ở Lục Nam, Bắc Giang. Năm thầy giáo Hải 21 tuổi, bỗng thấy những ngón tay trở nên gượng gạo không cầm nổi viên phấn viết bảng. Tìm hiểu, ông biết mình bị phong nên đã bỏ đi biệt tích và đến Trại phong Phú Bình. 

Khi đó cô gái Trần Thị Chắt cũng là bệnh nhân phong chữa trị ở đây. Họ cảm mến nhau và đến năm 1972 thì nên duyên vợ chồng. Cũng từ đấy, vợ chồng ông Hải chuyển ra sinh sống ở khu đất cạnh trại phong. 

Vài năm sau, chính quyền địa phương tạo điều kiện, giao cho trại một diện tích đất để tự sản xuất. Ông Hải đứng lên thành lập tổ hợp tác gồm những bệnh nhân phong còn lao động được ra sức vỡ hoang trồng trọt để tự túc cuộc sống.                                       

Tuy hai bàn tay đã cụt hết ngón nhưng ông Hải vẫn làm thợ may bao năm nay. Thời gian đầu, ông hì hụi tập cầm từ cái kéo, cái thước đến viên phấn. Đôi tay không đầy đủ nhưng cắt rất khéo léo và may quần áo rất đẹp. Khi người dân bớt đi những e dè với thứ bệnh ông mang trên người, họ tìm đến ông cắt quần áo ngày một đông. 

Ông bảo mới chỉ nghỉ cắt may vài năm nay khi mắt đã mờ yếu đi. Sau bao năm vất vả, ông bà giờ đây cũng đã xây dựng được ngôi nhà khang trang, có vườn cây trái xanh um. Ông bà có một con trai, người cháu nội đã lớn lăng xăng giúp ông mọi việc. 

Ông bảo, ngày bỏ ngôi trường ở Bắc Giang đi biệt tích, ông hoang mang không biết cuộc đời mình sẽ trôi dạt về đâu, liệu có còn sống không. Có mơ ông cũng không thể nghĩ rằng mình vẫn có một gia đình đúng nghĩa ở mảnh đất này.

Không chỉ ông Hải - bà Chắt mà có nhiều cặp đôi là bệnh nhân phong nên duyên ở đây. Như cặp vợ chồng bà Châu - ông Lãm cũng vậy. Bà Châu bị bệnh từ khi còn trẻ, bỏ quê Yên Bái xuống trại phong. 

Ông Lãm từ Bắc Kạn cũng buồn tủi phiêu dạt về đây. Sự đồng cảm bệnh tật đã biến thành tình yêu, giúp họ có nghị lực chữa bệnh và gắn bó keo sơn bao nhiêu năm nay. Ông bà có 2 người con, đã có cháu nội cháu ngoại. Từ lâu, họ coi mảnh đất này là quê hương thứ hai, không còn nghĩ đến chuyện về quê cũ nữa.

Có một điểm chung là tất cả những cặp vợ chồng bệnh nhân sau khi lấy nhau nếu vẫn có sức khỏe để lao động, tự túc cuộc sống đều chuyển ra ở ngoài trại phong, dựng tạm nếp nhà đơn sơ và sinh con đẻ cái. 

Hiện tại có đến 35 gia đình bệnh nhân phong sống quần tụ quanh trại. Sau họ, thế hệ con, cháu đang từng ngày gây dựng cuộc sống ở mảnh đất đặc biệt này. Giờ đây, mọi chuyện đã khác xưa, 35 gia đình đã hộ khẩu, con cái được học hành tại các trường của xã Kim Tâm. Họ tự do đi lại, gặp gỡ, lấy vợ lấy chồng mà không lo sợ điều gì.

Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào ở trại phong đến với nhau cũng hình thành nên một gia đình đúng nghĩa. Vì bệnh tật nặng, việc tự túc trong sinh hoạt hằng ngày còn khó khăn, cuộc đời dài ngắn kết thúc bất cứ lúc nào, nên chuyện sinh ra những đứa con là điều xa vời. Họ chỉ dọn về ở chung phòng trong trại phong, góp gạo thổi cơm chung, sống tựa vào nhau cho đến hết cuộc đời. Nỗi luyến tiếc, niềm khát khao làm mẹ, làm cha trôi dần theo năm tháng.

Người bạn đời ở chiếc giường bên cạnh đã ra đi, để ông Phạm Thành Trung lủi thủi một mình.

Khi tôi đến, ông cụ Phạm Thành Trung, quê ở Thái Bình vừa ăn xong bữa trưa. Đã thành thói quen, ông lại bắc ghế ra ngồi trước hiên nhà hóng gió, lặng nghe tiếng ve kêu ran giữa um tùm cây lá của trại phong. Bệnh phong đã “ăn” cụt đôi chân ông đến đầu gối, một bàn tay đã mất hết ngón. Trời thương vẫn để cho ông bàn tay phải lành lặn để làm mọi việc. 

Trong phòng ông, chiếc tivi nhỏ đang phát chương trình thời sự buổi trưa. Ông bảo tuy mắt kém, chẳng nhìn thấy hình nhưng vẫn mở tivi để nghe thấy tiếng người. 

Ông Trung chỉ vào phòng - nơi có 2 chiếc giường sắt kê sát nhau và bảo: “Người ở cái giường kia giờ đã bỏ tôi mà đi rồi cô ạ. Bà ấy cũng bị bệnh giống tôi. Chúng tôi gặp nhau ở đây, quý mến nhau và về sống với nhau hơn 20 năm cho đến ngày bà ấy ra đi...”. 

Rồi ông im lặng trong niềm xúc động. Người bạn đời của ông đã mất cách đây nhiều năm nhưng khi nhắc đến bà, giọng ông vẫn đầy tình cảm, trìu mến.

Ông Trung vẫn nhớ thời gian đầu khi ông tìm đường đến trại phong Phú Bình chữa bệnh. Từ đường lớn Cầu Mây vào đến trại phong có mấy cây số mà đi lại khổ sở vì bị người dân xua đuổi. Vì khát quá nên ông đành vào nhà dân xin nước uống. Bàn tay cùi hủi vừa chìa ra đã bị đuổi đánh, đến nỗi ông phải uống nước ruộng cầm hơi, nghĩ tủi cực vô cùng. Nhưng, thời đó đã qua lâu rồi, mọi chuyện đã khác xưa. Ông mừng vì hiện tại con cháu của người bệnh phong không còn bị bệnh nữa, có thể lấy người lành bệnh, sinh con đẻ cái bình thường.

Giờ đây, khi đã 87 tuổi, ông lại lủi thủi một mình, tự nấu ăn, giặt giũ. Ông bảo nhịp sống ở đây diễn ra chậm rãi, chả đi đâu mà vội, cứ túc tắc làm rồi cũng xong. Có ông hàng xóm nhà gần trại phong đạp xe vào chơi, ông Trung vui hẳn lên, lập cập hãm ấm chè tươi đãi khách. Rồi họ nói với nhau đủ thứ chuyện, rôm rả đến tận chiều...

Do di chứng của bệnh phong, cụ Vũ Thị Lụa mù lòa đã mấy chục năm, cụt một bên chân.

Bà cụ Vũ Thị Lụa đã khép cửa phòng đi nghỉ trưa nhưng thấy tôi đến, bà lại khua gậy mở cửa mời vào chơi. Tuy đã 81 tuổi nhưng giọng bà cụ quê ở Trực Ninh, Nam Định này vẫn sang sảng. Từ trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An), bà Lụa được chuyển về đây từ năm 1965. 

Bàn tay rờ rẫm lên mẩu chân cụt, bà Lụa bảo mắt bà mù lòa đã lâu, chân giờ không còn đau nữa nhưng khi có gió thổi đến thì vẫn buốt tận óc. Bởi thế mà bà quanh năm đội chiếc mũ len. Tài sản đáng giá nhất của bà là chiếc chân giả dưới gầm giường và thùng mì tôm cất kỹ trong hòm sắt. Gia đình bà Lụa ở quê giờ không còn ai nên đã từ lâu lắm bà không có khái niệm gặp người thân, họ hàng.

Cạnh giường bà là bàn thờ tưởng nhớ người bạn đời đã ra đi mấy năm. Lúc ông mất, bà không khóc. Bà bảo “Khóc chẳng để làm gì, giữ trong bụng thôi”. Không ngày nào bà không nhớ về ông. Nhớ từ chuyện ông tuy què cụt nhưng vẫn chịu khó trồng nhiều đu đủ và rau trên mảnh vườn nhỏ ngay trước cửa phòng. Ông thường buộc con dao vào cánh tay để chặt củi, buộc mảnh vải nhỏ vào tay để rửa bát. Bà nhớ từng lời ông nói, sự chăm sóc tận tình của ông dành cho bà như để bù đắp phần nào cho những thiệt thòi bà phải gánh chịu.

Cái bàn cũ kỹ, 4 chân được nối thêm 4 thanh gỗ do ông làm giờ lại thành nơi đặt bát hương ông. Ngày giỗ, tết, bà lại nhờ người thắp nén hương cho vong linh ông đỡ tủi. Trên bàn thờ đơn sơ phủ đầy bụi là khay hoa quả bằng nhựa bày quanh năm suốt tháng. Bà Lụa bảo một nhóm từ thiện biết tâm nguyện của bà muốn được thờ chồng nên đã mua tặng, coi như là cả năm đều có hoa quả thắp hương ông.

Từ ngày ông mất, bà Lụa chẳng thể tự nấu ăn. Bà cũng như nhiều ông bà ở đây được nhân viên của Bệnh viện Đa khoa Phú Bình hằng ngày đến phục vụ. Những khay cơm, phích nước được mang lên tận phòng. Đều đặn cứ 9 giờ sáng và 3 giờ 30 chiều là các cụ ăn cơm. Bà bảo, trong cuộc đời đằng đẵng của mình, dù sao bà cũng đã có những tháng ngày được ông chăm sóc, yêu thương, thấu hiểu. Vậy là bà mãn nguyện lắm rồi...

Những ám ảnh phận người

Các cụ già ở đây luôn thèm tiếng người, thích được trò chuyện, hỏi han. Những tưởng họ không nhớ nhiều nhưng thực ra trong ký ức lại hằn sâu hình bóng cha mẹ, anh chị em và những kỷ niệm quê hương. Người còn sống chẳng thể nhớ hết số người đã mất ở trại phong này. Chỉ thấy trại phong ngày càng thưa thớt. Cách vài phòng lại có phòng đã đóng cửa vì không còn người ở. 

Các ông bà bảo, ngày xưa khi còn trẻ thì không dám ra khỏi trại, bây giờ đi lại thoải mái thì chả còn sức mà đi nữa. Quãng đường xa nhất cũng chỉ ra đến chợ mua thức ăn. Đã từ lâu, họ coi nhau là người một nhà, nay ông bà này khỏe thì đi chợ mua giúp nhau mớ rau, tấm đậu, mai bị ốm lại có người khác đi thay.

Ngoài 35 cặp vợ chồng đã rời trại phong ra ngoài ở, còn lại rất nhiều người cả một đời thui thủi cô đơn. Thời trẻ, họ cũng khát khao một tình yêu, một mái ấm gia đình, về già thèm cảm giác con cháu vui vầy. Nhưng, họ biết rằng, cho đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay thì ước mơ đó vẫn mãi xa vời.

Trong phòng bà cụ Nguyễn Thị Nguyệt, hầu như đồ đạc đều có từ thời xa lắc. Từ chiếc mâm mỏng mảnh cong vênh như bánh đa nướng, cái bát men xanh sứt sẹo, đến 2 cái xoong nhôm đen sì nhọ nồi được đặt trên rế tre, cả phích nước in hình bông hoa hồng hoen gỉ và chiếc thìa nhôm... Cuộc sống của bà bao nhiêu năm nay cũng đóng băng như những đồ đạc kia. Hằng ngày, bà Nguyệt tỉ mẩn phơi lá cau vua rồi bó lại làm chổi - công việc quen thuộc để giết thời gian của bà.

Bà quê Ý Yên, Nam Định, chỉ vì bệnh tật mà phải rời quê đi từ năm 20 tuổi. Nay đã 78 tuổi và bà vẫn ở đây, chưa một lần ra khỏi cánh cổng trại phong. Dù nhớ quê hương, người thân nhưng bà chưa một lần quay trở lại. May mắn hơn so với các ông bà ở trại này, bà Nguyệt vẫn còn đôi chân và đôi tay lành lặn. 

Nhưng, có ai biết được rằng, sau manh áo mỏng kia là một cơ thể tàn tạ với những vết thương hằn lên trên lưng, ở bụng, ở cánh tay. Bà cũng như tất cả mọi người ở trại phong này mỗi tháng được nhận gần 1,5 triệu tiền trợ cấp và gạo ăn. Với số tiền ít ỏi đó, bà phải ăn uống tằn tiện để dư ra đôi chút mua thuốc lúc trái gió trở trời.

Những người bạn già ở ngoài trại phong ngày ngày vào chơi với bà cụ Nguyễn Thị Chọn (ngồi giữa).

Dưới gốc mít trước cửa phòng, cụ Nguyễn Thị Chọn đang ngồi trò chuyện với mấy người bạn già từ khu dân cư gần đấy vào chơi. Bà bảo các ông bà ở lại trại phong này đều què cụt cả, ai cũng đi tất kín cả ngày, phần vì sợ gió - di chứng của bệnh phong, phần để che đi cơ thể tật nguyền. 

Bà Chọn năm nay đã 88 tuổi, rời quê An Thụy, Hải Phòng lên đây đã 40 năm. Bà khỏi bệnh từ lâu nhưng sợ sự ghẻ lạnh, hắt hủi ở quê nên chẳng dám quay về. Bởi người tàn tật như bà sinh hoạt khổ sở lắm, người không hiểu được trông thấy cũng khó lòng thông cảm. 

Khi chẳng còn đôi bàn tay cầm đũa và bê nổi bát cơm, nhiều người phải buộc chiếc thìa vào sợi dây vòng qua cổ để khỏi rơi, cúi gập người, xoay xở xúc từng miếng cơm. 10 phần cơm thì vương vãi ra ngoài 7-8 phần.  

Rồi bà cụ chỉ tay về phía quả đồi phía sau nhà và nói với tôi: “Sau này tôi chết thì chôn ở đấy cô ạ. Gần thôi”. Khu chôn cất người bệnh phong nằm khuất nẻo trên quả đồi phía sau trại. Những ngôi mộ san sát nhau, đủ thấy có rất nhiều phận người bị bỏ lại nơi đây. Có mộ có tên tuổi, có mộ vô danh. 

Ông Hải - Trưởng Ban quản lý trại phong là người đứng ra xin vạt đồi này để làm nơi chôn cất những người xấu số. Rồi cũng chính ông vận động con cháu của những người bệnh phong đứng ra tổ chức tang lễ cho các cụ. Dịp lễ tết, họ cắt cử nhau đến làm cỏ, thắp hương. 35 gia đình lo việc chung của trại phong đã thành nếp bao năm nay. Bởi những người trại phong coi nhau như họ hàng, cái nghĩa cái tình nặng lắm.

Tiếng khóc trẻ thơ ở trại phong

Gian phòng nằm cuối dãy trại phong vang lên tiếng khóc trẻ con. Trước căn phòng ấy phơi những bộ quần áo nhỏ xíu, màu sắc sặc sỡ, đáng yêu. Đó cũng là mái hiên sinh động nhất của cả dãy nhà. 

Bé Trâm Anh - con gái chị Hoàng Thị Đặng đã được 9 tháng tuổi, thường được các ông bà trong khu đến chơi, cưng nựng. Mỗi tiếng khóc, tiếng cười của Trâm Anh là niềm vui chung của các ông bà - những người cả đời không được bế trẻ con.

Bé Trâm Anh mang lại niềm vui cho những ông bà cả đời chưa một lần được bế trẻ con.

Năm 11 tuổi, cô bé người dân tộc Tày Hoàng Thị Đặng bị viêm tắc tĩnh mạch chi dưới rất nặng. Người ta chuyển Đặng từ quê Bắc Kạn xuống trại phong Phú Bình để cắt đi phần chân bị bệnh. Sau khi cắt chân, Đặng tập tễnh trở lại Bắc Kạn nhưng bị mọi người hắt hủi, đành quay về trại phong sống trong sự đùm bọc của các ông bà. Chính ở nơi này, các ông bà đã chặt tre về làm nạng cho cô bé tập đi, dạy cô bé biết tự lập cuộc sống.

Đặng bảo, cuộc đời chị gắn với những dấu mốc khó quên: Năm 11 tuổi, chân phải bị cắt. Năm 21 tuổi, chân trái sau một thời gian phù nề thì teo dần đi. Đã có thời gian, khi chân phải mới bị mất một đoạn ngắn, Đặng lắp chân gỗ vào và nhúc nhắc đi làm kiếm thêm thu nhập. 

Nhưng, đến khi chân phải bị cắt lần thứ tư, đến quá đầu gối thì Đặng không thể đi làm được nữa. Và đến năm 31 tuổi, cô con gái đáng yêu đến bên cuộc đời người mẹ tật nguyền này.

Khi có bầu bé Trâm Anh, Đặng bi quan lắm. Chị không biết mình sẽ nuôi con như thế nào. Đã có lúc Đặng định bỏ đứa bé. Nhưng, rồi khát khao làm mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng, sự hỗ trợ về cả vật chất và tinh thần của những người xung quanh đã giúp Đặng có đủ sức mạnh để làm mẹ đơn thân. 

Thật may, một nhóm thiện nguyện biết được hoàn cảnh của Đặng nên đã cưu mang hai mẹ con và nhận bé Trâm Anh làm con đỡ đầu. Hằng tháng, họ hỗ trợ tiền, bỉm sữa, quần áo để Đặng nuôi con.

Giờ đây con gái là cuộc sống và niềm hi vọng của chị Hoàng Thị Đặng.

Nhìn Đặng gầy yếu, đi lại khó khăn, tôi thật sự ái ngại cho cuộc sống của chị. Nhưng, giọng nói lạc quan, nụ cười tươi tắn của chị thì khiến tôi có cảm giác rằng cuộc sống của chị giờ đây thực sự có ý nghĩa khi nhận được món quà kỳ diệu mà cuộc sống ban cho. Cô con gái nhỏ cũng giống mẹ, cười rất tươi và chịu cho tôi bế. 

Nhìn con gái, rồi Đặng khẽ khàng: “Em cũng chẳng dám nghĩ xa xôi, giờ đây con là tất cả cuộc sống và niềm hy vọng của em. Ở đây, năm nào em cũng chứng kiến các ông bà ra đi, cảm giác mất mát và cô đơn lắm chị ạ. Bởi vậy, con gái bé bỏng sẽ là niềm vui, là tương lai nối dài cho trại phong này”...

Huyền Châm
.
.