Cuộc cạnh tranh chiến lược ở Đông Nam Á

Thứ Ba, 27/10/2020, 11:05
Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, chuyến thăm của lãnh đạo hai quốc gia giàu có bậc nhất châu Á đã phủ gần hết khu vực Đông Nam Á. Một cuộc chiến mới đã nổ ra ngay từ khi đại dịch còn chưa kết thúc.

Trung Quốc bảo vệ khu vực trọng yếu

Từ ngày 11 tới 15-10 vừa qua, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã thực hiện chuyến công du marathon tới 5 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Singapore, Lào và Thái Lan. Trong bối cảnh khu vực này đang có những bước chuyển đáng ngại cho chính sách đối ngoại của mình, như sự đoàn kết mạnh mẽ hơn của ASEAN trong vấn đề Biển Đông hay gói hỗ trợ lớn của Mỹ dành cho 4 quốc gia tiểu vùng sông Mekong mới đây, chuyến thăm của ông Vương Nghị nhằm mục đích rất rõ ràng là cân bằng lại ảnh hưởng trong khu vực, ngay khi đại dịch còn chưa kết thúc.

Trong thông báo chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến thăm này nhằm “làm sâu sắc quan hệ với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đề cao chủ nghĩa đa phương, duy trì hòa bình và ổn định”. Thời báo Hoàn cầu, tờ báo đối ngoại hàng đầu của Trung Quốc nhấn mạnh: Chuyến thăm sẽ “giúp những quốc gia này có nhận thức đúng đắn hơn về Trung Quốc, giúp họ có lập trường khách quan hơn về quan hệ Mỹ-Trung và vấn đề sông Mekong”.

Nhóm Bộ tứ kim cương cũng đang tiếp cận khu vực mà khởi đầu là Nhật Bản.

Để cụ thể hóa tuyên bố này, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra một loạt đề xuất hấp dẫn với các quốc gia mà mình tới thăm, từ cung cấp vaccine phòng chống COVID, các hiệp định thương mại dành cho Campuchia, Malaysia hay những thỏa thuận hợp tác kinh tế lớn với Thái Lan và Singapore. Rõ ràng, khi đại dịch COVID vẫn còn đang hoành hành, những "món quà" tới từ “người bạn lớn” này đã thu hút rất nhiều sự chú ý của các quốc gia trong khu vực.

Đây cũng chính là mục đích lớn nhất của Trung Quốc, họ muốn tranh thủ giành lại vị thế của mình ngay lúc khó khăn này, khi mà Mỹ và các quốc gia khác còn chưa thể tiếp cận với khu vực sát sườn của mình. Tuy thế, cũng phải thấy rõ: Trung Quốc cũng đã thể hiện một thái độ thận trọng hơn, trong bối cảnh mới đây một "nhóm Bộ tứ" đã hình thành thế bao vây Trung Quốc.

Khác với năm 2018, khi những cuộc họp đầu tiên của nhóm các quốc gia Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ được tổ chức, chính ông Vương Nghị đã chế nhạo nhóm chỉ là một ý tưởng “nghe thì hay” nhưng sẽ tan biến "giống như bọt biển ở Thái Bình Dương hoặc Ấn Độ Dương". Năm đó, ông Vương từng nói "Lập trường chính thức của 4 quốc gia đó là không nhắm vào ai".

Nhưng lần này, những chỉ trích nhằm thẳng vào Trung Quốc đã khiến họ cảm nhận rõ sức nóng sau gáy mình. Trong cái vòng kim cô đang hình thành đó, có lẽ chỉ còn một cửa thoát hiểm duy nhất: Đông Nam Á.

Nhật Bản vươn tới

Chỉ 3 ngày sau chuyến thăm của vị Ngoại trưởng Trung Quốc, chuyến thăm cấp nguyên thủ đầu tiên của thế giới thời COVID đã diễn ra cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của truyền thông quốc tế. Tân Thủ tướng Nhật Bản, ông Suga Yoshihide đã khởi đầu cho nhiệm kỳ hứa hẹn đầy sóng gió của mình bằng hành trình xuống phía Nam, nơi ông sẽ ghé thăm Việt Nam và Indonesia trong chuyến công du đầu tiên của mình, chỉ một tháng sau ngày nhậm chức.

Việc lựa chọn Đông Nam Á làm điểm đến đầu tiên cho thấy rõ, vị tân Thủ tướng Nhật đang xoay trọng tâm chính sách của mình về khu vực này. Thực tế, việc hướng xuống phía Nam đã là một định hướng được gây dựng từ lâu của Nhật Bản. Sự hỗ trợ tài chính từ Tokyo trong cuộc khủng hoảng năm 1997 cùng những đóng góp của người Nhật trong vai trò gìn giữ hòa bình và hỗ trợ phát triển ở khu vực ASEAN luôn được đánh giá cao.

Nhật Bản đã luôn hiện lên trong danh sách đối tác được “yêu mến” hàng đầu trong khu vực. Các khoản đầu tư của Nhật Bản vào Đông Nam Á hiện cũng đã đạt mức 367 tỷ USD, là nhà đầu tư lớn nhất của khu vực. Đặc biệt kể từ khi Nhật Bản tìm cách giảm sự phụ thuộc kinh tế với Trung Quốc và tìm đường chuyển dịch cơ sở sản xuất thì Đông Nam Á trở thành điểm đến hàng đầu.

Thêm vào đó, những biến động mới trong tình hình an ninh chính trị khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay càng khiến vị tân Thủ tướng Nhật phải quan tâm hơn tới khu vực này. Việc ký kết hợp tác trao đổi quốc phòng với Ấn Độ mới đây cho thấy Nhật Bản đã sẵn sàng tham gia sâu hơn trong cuộc chơi địa chính trị của khu vực này. Nơi mà Đông Nam Á sẽ đóng vai trọng quan trọng nhất, khi nằm ở hợp lưu của hai đại dương.

Chuyến công du Đông Nam Á gấp gáp của ông Vương Nghị cho thấy Trung Quốc đang rất lo lắng về tình hình khu vực.

Tâm điểm mới của sự cạnh tranh

Có lẽ, vai trò của khu vực Đông Nam Á chưa bao giờ được đề cao đến như vậy trong quan hệ quốc tế, khi liên tục được nhắc tới trong các diễn đàn hàng đầu thời gian gần đây. Từ cuộc họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc cho đến hội nghị Bộ tứ kim cương và giờ là những chuyến thăm gấp gáp giữa thời đại dịch, Đông Nam Á đang nổi lên như một điểm nóng mới trong cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc trên thế giới.

Trong khi ông Vương Nghị mang theo những lời đề nghị hấp dẫn tới một loạt quốc gia thì ngay khi vừa đáp chân xuống Hà Nội, vị tân Thủ tướng Nhật đã không ngần ngại tuyên bố "Việt Nam đóng vai trò trọng yếu trong chiến lược của Nhật Bản". Sau đó, những thỏa thuận hợp tác mới mở rộng sang cả lĩnh vực an ninh quốc phòng, khiến các nhà quan sát bên ngoài ngỡ ngàng.

Trung Quốc thắt chặt quan hệ với Campuchia, đồng thời mang những món quà đến mời gọi các quốc gia khác. Vị thủ tướng Nhật Bản thì lại chọn Việt Nam và Indonesia, hai quốc gia có tầm ảnh hưởng ngày càng tăng trong khu vực. Đây cũng chính là hai quốc gia có đường lối đối ngoại độc lập với Trung Quốc hơn cả, với những tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông.

Với tổng giá trị đầu tư gấp rưỡi Trung Quốc, Nhật Bản vẫn đang chiếm nhiều ưu thế về kinh tế trước Trung Quốc ở khu vực Đông Nam Á. Được sự hỗ trợ đến từ nhóm Bộ tứ, lần này Nhật Bản đã đem đến những thỏa thuận mới cùng những cam kết mạnh mẽ. Chiến lược an ninh tập thể mới mà Nhật Bản chính là người khởi xướng đang được mở rộng từ nhóm Bộ tứ của mình ra những quốc gia bạn bè khác.

Sau Nhật Bản, có lẽ các đối tác như Mỹ, Ấn Độ, Úc hay cả EU cũng sẽ tìm cách gia tăng ảnh hưởng của mình ở khu vực quan trọng này. Chính vì thế, ông Vương Nghị sẽ phải tìm cách tái cân bằng ảnh hưởng trong thời gian tới, bằng những hành động cụ thể hơn nữa.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn đang ngày càng quyết liệt, khu vực Đông Nam Á với 11 nước đang đứng trước cơ hội và cả thách thức rất lớn. Sự góp mặt của các cường quốc sẽ giúp thúc đẩy phát triển trong khu vực nhưng cũng rất dễ đẩy các quốc gia này vào thế phải chọn bên trong trò chơi chính trị toàn cầu. Càng những lúc như thế, sự đoàn kết giữa các quốc gia càng quan trọng để tạo nên sức mạnh tập thể.

Nếu tận dụng tốt thời cơ, Đông Nam Á sẽ đứng trước cơ hội rất lớn để vươn lên trở thành một trong những trung tâm của cả châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Những bước phát triển mạnh mẽ của Việt Nam và Indonesia trong thời gian gần đây chính là lời giải cho nhiều quốc gia để lựa chọn hướng đi cho mình, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Tử Uyên
.
.