Cung Na Mèo: Nỗi khổ ải của tây ba lô

Thứ Sáu, 21/03/2008, 14:00
2 vị khách đến từ Adlaide và Melbourne của nước Australia cho biết đã đi khắp cả Đông Dương suốt mấy tháng ròng nhưng đây là lần đầu tiên họ rơi vào tình cảnh bị ép buộc một cách quá đáng như thế này...

Khi Na Mèo trở thành cửa khẩu quốc tế vào năm 2004, đây trở thành một cung đường thú vị với dân du lịch bụi quốc tế vì đi thẳng từ Mai Châu (Hòa Bình) sang Quan Sơn (Thanh Hóa) rồi Lào qua ngả Hủa Phăn rất thuận tiện. Từ đó, khách thẳng tiến vào cung đường di sản của nước bạn, tiết kiệm được rất nhiều thời gian thay vì phải trở về Hà Nội và qua Lào qua cửa khẩu Cầu Treo. Nhưng lợi thế lý tưởng ấy của vùng biên Thanh Hóa đang bị mai một bởi những câu chuyện hết sức rầu lòng...

"Giải cứu binh nhì Adam"

Chiếc xe 4 chỗ của chúng tôi vừa dừng lại trước cửa hiệu tạp hóa ở ngã ba kilômét số 0 thì đã thấy một ông Tây balô lao tới, mặt căng thẳng hớt hải cầu cứu. Chưa kịp nói chuyện xem đầu cua tai nheo thế nào, một người chạy xe ôm miệng nồng nặc hơi rượu lao vào xen giữa chúng tôi, mặt mũi hằm hằm thô bạo đẩy tôi ra không cho nói chuyện với vị khách kia.

Vị khách nước ngoài mặt mũi đỏ bừng gào lên bằng tiếng Anh: "Xin đừng nói chuyện với anh ta", rồi chỉ thẳng tay vào vị khách không mời kia xẵng giọng: "Tôi không nói chuyện với anh".

Bất đồng ngôn ngữ, người chạy xe ôm quay ra gằn giọng với chúng tôi: "Các chú đừng xen vào miếng cơm của anh". Chỉ đến khi thấy một "anh già" có máu mặt của cả khu vực ấy đủng đỉnh từ xe ôtô của chúng tôi bước xuống, người lái xe ôm mới hạ giọng phân trần này nọ rồi để cho tôi nói chuyện với vị khách nước ngoài kia.

Trước ánh mắt cầu cứu của vị khách lỡ độ đường khi trời đã tối mịt và chuyến xe khách cuối cùng từ Thanh Hóa lên Quan Sơn qua Km số 0 này đã chạy qua từ lâu, chúng tôi đồng ý cho 2 vị khách nước ngoài quá giang sau khi dúi cho người chạy xe ôm 2 chục tiền công "chăm khách".

Sau khi đã hoàn hồn yên vị trên xe, Adam, vị khách nhanh trí "tóm" lấy chúng tôi kể lại câu chuyện đối với anh là kỳ cục và không thể chấp nhận được.

Sau khi nhảy xe tải từ Mai Châu xuống đến ngã ba Km số 0 để bắt tiếp xe đi Quan Sơn, Adam và Kamile bị "quây" bởi đội ngũ lái xe ôm. Tất cả những chuyến xe khách chạy ngang qua và có ý định ghé vào đón khách đều bị đám xe ôm đuổi quầy quậy.

Họ gợi ý với 2 vị khách balô là nên ngủ lại đây với giá 500.000đ/đêm hoặc để họ chở lên Quan Sơn bằng xe máy với giá 300.000đ/người cho chặng đường trên 30km.

Đã đi khắp Việt Nam và nắm chắc mặt bằng giá cả cũng như đã được hướng dẫn kỹ càng trong cuốn Lonely Planet, Adam và Kamile nhất quyết không đồng ý với cái giá vô lý ấy, và rốt cuộc là dẫn đến màn cự cãi và "khủng bố" kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ cho đến khi được "giải cứu".

2 vị khách đến từ Adlaide và Melbourne của nước Australia cho biết đã đi khắp cả Đông Dương suốt mấy tháng ròng nhưng đây là lần đầu tiên họ rơi vào tình cảnh bị ép buộc một cách quá đáng như thế này.

"Họ nhìn tôi như thể chúng tôi giàu lắm hoặc không biết gì về giá cả ở đây, trong khi đó thực tế chúng tôi đã được chỉ dẫn rất cụ thể", Kamile buồn bã nói.

T, "anh già" từng một thời oanh liệt trải dài từ suốt một vệt từ ngã ba Đồng Tâm thuộc huyện Bá Thước cho đến thị trấn Hồi Xuân của huyện Quan Hóa cho biết khu vực này nổi tiếng về đám nghiện, nạn nhân của họ không chỉ là du khách ngang qua mà còn cả dân cư bản địa.

Có những vị khách đến làm việc với UBND huyện, ngủ ngay trong nhà khách huyện mà sáng dậy điện thoại bay mất. Thậm chí đã từng xảy ra vụ mất trộm ngay trong cơ quan chính quyền cơ sở.

Ngày trước khu ngã ba Đồng Tâm là rầm rộ nhất, nay các con nghiện chuyển địa bàn lên thị trấn Hồi Xuân và khu ngã ba Km số 0 để làm ăn. "Có thể nói, 2 ông khách tây này ngày hôm nay là gặp may, nếu không thì đám kia nó cũng luộc cẩn thận, rắn đến mấy chúng nó cũng có cách phang, thậm chí dìu vào nhà nghỉ để ăn đồ", T cho biết.

Còn nhiều những điều ngang trái

Đang ngồi chờ chuyến xe chạy tuyến cố định duy nhất cung Na Mèo - Thanh Hóa, hai vị tây balô một nam một nữ lại nhăn nhó đến bên tôi nhờ vả.

Hai vị khách Đức này định xuất cảnh qua Lào nhưng gặp vấn đề về visa buộc phải quay trở lại Hà Nội, và ông chủ xe nhất quyết lấy mỗi người 20 USD mới chấp nhận cho họ đi nhờ xe.

Becker đề nghị tôi mặc cả giúp họ bởi giá vé thông thường chỉ có 100.000đ, và được viết cụ thể trong sách hướng dẫn cũng như trên diễn đàn của Lonely Planet.

Cô bạn gái của Becker mắt đã bắt đầu rơm rớm phân trần: "Hình như ông lái xe ấy ghét chúng tôi, nhất định không nói chuyện, bắt chúng tôi chấp nhận giá đó và đuổi chúng tôi quầy quậy, dù chính ông ấy đã đưa chúng tôi từ thị trấn Quan Sơn lên đây với giá 10 USD mỗi người cho quãng đường 54km".

Cuộc mặc cả của tôi với ông chủ xe lằng nhằng đến gần nửa tiếng cũng không ăn thua, dù rằng 2 vị khách kia đã hạ cố đến mức van nài xin ông giảm cho chút ít. "Tao giảm đi thì ai thương tao, xe có mỗi mấy mống, có 2 đứa nó để đỡ đi tiền dầu", ông chủ xe kiên quyết cắt đứt câu chuyện.

Thấy vẻ mặt thiểu não của chúng tôi, anh Tâm, một người dân ở Na Mèo cho biết chuyện bắt chẹt khách như thế này là bình thường, và 2 vị khách Đức còn là may mắn khi có những người khác đã phải chấp nhận cái giá 35 USD.

"Ở đây cả ngày chỉ có 1 chuyến, không có sự lựa chọn nào khác, nếu không đi thì phải ngủ lại đến mai, và đến mai thì cũng chính là xe này nên nhiều người đành phải chấp nhận. Nếu không họ phải đi xe ôm xuống Quan Sơn, giá cho người nước ngoài là 300.000đ cho 54km đường đèo, rồi từ Quan Sơn bắt xe khách về Thanh Hóa".

Cũng theo lời anh Tâm, ngay chính người dân ở đây cũng thường xuyên phải chọn cách đi xe máy xuống Quan Sơn, gửi xe nhà người quen rồi bắt xe về Thanh Hóa bởi giá quá cao, có khi lấy dân bản địa tới 50.000đ cho quãng đường ngắn ấy, trong khi ngồi xe về tận Thanh Hóa từ thị trấn hết có 30.000đ. Tiếng là đề biển tuyến cố định, nhưng lái xe thích chạy thì chạy, không thích chạy thì ngủ lại Na Mèo đến hôm sau mới về, báo hại khách không biết đường nào mà lần.

Chính cũng từ thói quen tuỳ tiện này mà dịch vụ xe ôm bùng ra "cày" khách với câu nói cửa miệng ngay ở cửa khẩu: "Đi xe ôm đi, xe hôm nay không lên đâu, mà có lên cũng không về đâu".

Nhiều vị khách đành tặc lưỡi chọn phương tiện này vì không có sự lựa chọn, cho dù giá hữu nghị nhất là 200.000đ cho người Việt, 300.000đ cho khách nước ngoài, trong khi giá thực chỉ từ 100-120.000đ cho người bản địa.

"Tôi thề là sẽ không bao giờ quay lại cái tuyến đường này nữa, bởi người ta cứ mặc nhiên lấy tiền của chúng tôi cao hơn mọi người mà không cần giải thích lý do", Becker bức xúc.

Quả thực, quãng đường vẻn vẹn trên dưới 100km của đôi bạn này đã xảy ra không ít điều khó chịu. Đầu tiên là chuyện đêm ngủ ở thị trấn Hồi Xuân, họ phải trả 200.000đ cho 1 căn phòng không có chăn, không có cửa sổ và không có cả chốt cửa. Đang giữa đêm, 2 người đàn ông đẩy cửa bước vào phòng họ vào hô lên: "Police! Passport".

Được sự chỉ dẫn tỉ mỉ từ trên mạng, 2 du khách này nhất quyết cự tuyệt, và 2 người đàn ông lại lẳng lặng đi ra. Becker cho biết nhiều người bạn của họ đã phải chuộc lại hộ chiếu với cái giá rất cao bởi những người lạ đã cầm hộ chiếu của họ đi thẳng luôn.

Hãy cứu một tuyến du lịch đẹp!

"Tôi nghĩ việc này là việc của chính quyền, bởi người dân Việt Nam ai cũng tốt, và có những người xấu thiểu số như vậy là bởi không có ai trừng phạt họ làm chuyện đó", vị khách từ nước Australia Adam tâm sự.

Anh cũng cho biết cung đường từ Hòa Bình sang Lào qua ngả Na Mèo là một tuyến du lịch rất đẹp, nhiều khách balô sẵn sàng dành hẳn hai ngày để đi từ Mai Châu qua đường 15 về Hồi Xuân, hoặc từ Pù Luông qua Cành Nàng về Hồi Xuân.

Theo họ, tuyến đường còn hoang sơ với cảnh núi non trập trùng như thế này rất ấn tượng. Không những thế, họ còn đảm bảo được lộ trình là thăm được "thủ đô cách mạng Lào" Viêng Xay, rồi qua Sầm Nưa tới Xiêng Khoảng, bước vào con đường di sản nổi tiếng của Lào.

Tương tự, một số lượng khách không nhỏ sẽ từ Lào qua ngả Na Mèo sang Việt Nam thay vì đi tuyến Cầu Treo, bởi họ không bị mất tuyến du lịch Sầm Nưa - Viêng Xay, rồi từ đó đi Hòa Bình và về Hà Nội.

"Nếu những chuyện như thế này vẫn còn tiếp diễn, tôi e là chỉ vài bài được post trên diễn đàn, nhiều người như chúng tôi sẽ đành phải chọn biện pháp an toàn là bỏ tuyến đường này", Adam khẳng định.

Những điều tâm sự của các vị khách nước ngoài ấy không phải không có lý, bởi trong lĩnh vực du lịch, những gì mà ngành Du lịch của địa phương thích chưa chắc khách du lịch đã thích và ngược lại.

Nhiều khi chính sự hoang sơ, khó khăn của tuyến đường mới là sự hấp dẫn khách du lịch bụi, tất nhiên song hành với nó là chất lượng dịch vụ tốt, minh bạch và an toàn.

Lời tâm sự của vị khách Kamile cũng đáng để suy nghĩ khi anh nói đừng vì thấy một số lượng khách lẻ tẻ đi qua đường này mà tìm cách lấy tiền của họ bằng mọi giá, bởi từ số lượng khách lẻ này sẽ là tiền đề cho số lượng lớn về sau nếu những người đã đi qua đánh giá cao về nó qua những bài viết trên các diễn đàn mạng.

"Chính chúng tôi quyết định đi qua đây, ngủ lại đây, tiêu tiền tại đây là bởi sự hướng dẫn của những người đã từng đi qua đây. Có thể họ may mắn khi không gặp trở ngại gì, nhưng tôi thì không thế, và đừng ngạc nhiên nếu tôi khuyên người khác không nên đi qua đây", vị khách từ vùng núi nước Đức Becker thẳng thắn khẳng định

.
.