COVID-19 không còn là "bình thường mới"?

Thứ Hai, 24/08/2020, 12:04
COVID-19, bây giờ không ai có thể lường trước, càng không thể tự tin nói chắc bất cứ điều gì. Có nghĩa là chúng ta cũng không thể hy vọng là đến một thời điểm cụ thể nào đó,  COVID-19 sẽ chấm dứt ở Việt Nam nói riêng, và phạm vi toàn cầu nói chung. Khi COVID-19 mới xuất hiện, chúng ta bảo rằng loài người bước vào trạng thái "bình thường mới".

Kính gửi Tòa soạn Báo ANTG GT - CT!

Tôi xin vào ngay chủ đề: Đó là đợt bùng phát COVID-19 thứ 2 ở Việt Nam. Trước hết, tôi phải nói về cảm giác sửng sốt của mình trước đợt bùng phát "ngoài tưởng tượng" này. Bởi vì đã có một khoảng thời gian 99 ngày chúng ta không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng.

Và bởi vì, đây đó đã xuất hiện dấu hỏi về việc, phải chăng đã đến lúc Việt Nam tuyên bố hết dịch? Phải chăng đã đến lúc mở cửa biên giới, nối lại các chuyến bay để phát triển kinh tế? Chắc là các anh chị ở Toà soạn vẫn nhớ, tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng ngày 15-6, tức là gần 2 tháng trước, đã có người đưa ra đề xuất này một cách nghiêm túc, với 3 căn cứ hết sức duy lý: tỉ lệ nhiễm/ 1 triệu dân chỉ là 3,4 người (thấp hơn nhiều so với mức 10 người theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - WHO), tỉ lệ người đang điều trị chỉ trên 0,1 người/1 triệu dân, và Việt Nam là một trong rất ít những nước trên thế giới thời điểm đó chưa có bệnh nhân COVID-19 tử vong.

Thưa quý báo, nhắc lại những chỉ số duy lý này để thấy, trong suy nghĩ của chúng ta lúc ấy, cái cảm giác Việt Nam thắng dịch là rất rõ. Và cái cảm giác Việt Nam tuyên bố đã hoàn toàn hết dịch chỉ còn là vấn đề thời gian. Nếu tôi nhớ không nhầm thì cũng trong thời gian đó, cũng rò rỉ thông tin về việc đã có 2 hãng bay lên kế hoạch bay quốc tế trở lại vào tháng 7.

Ấy vậy mà đùng một cái, một người nhiễm COVID-19 được phát hiện ở Đà Nẵng vào cuối tháng 7. Rồi ở Đà Nẵng, số người nhiễm tăng lên. Rồi từ Đà Nẵng lan ra các tỉnh thành khác, tạo thành một  làn sóng dịch bệnh thứ 2 như bây giờ. Tôi đã theo dõi rất sát các thông số của các nước Australia, Israel, Trung Quốc, và thấy rằng ở làn sóng thứ 2, tốc độ lây lan nhanh hơn, số ca nhiễm tăng hơn, và vì thế thách thức cho các xã hội, các thể chế, các quốc gia cũng lớn hơn rất nhiều.

Bình tĩnh nhìn nhận lại sự bùng phát đến sửng sốt của dịch bệnh ở Việt Nam, và cũng hết sức lý trí trong việc đón nhận những thông tin về sự gia tăng của nó trong những ngày tới đây - những ngày được dự đoán là gần đỉnh dịch, tôi có một vài cảm nghĩ, muốn chia sẻ như sau.

Thứ nhất, đúng là với COVID-19, bây giờ không ai có thể lường trước, càng không thể tự tin nói chắc bất cứ điều gì. Có nghĩa là chúng ta cũng không thể hy vọng là đến một thời điểm cụ thể nào đó,  COVID-19 sẽ chấm dứt ở Việt Nam nói riêng, và phạm vi toàn cầu nói chung. Khi COVID-19 mới xuất hiện, chúng ta bảo rằng loài người bước vào trạng thái "bình thường mới".

Mới ở đây có nghĩa là mới trong sự so sánh với những giá trị cũ, những thói quen cũ, thời điểm COVID-19 chưa xuất hiện. Nhưng với tình hình bây giờ, khi COVID-19 tái bùng phát, thì có lẽ chúng ta cũng không thể dùng khái niệm "bình thường mới" được nữa.

Có lẽ, chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó, và vì thế phải xác định một tâm lý rằng, việc nó có thể trở đi trở lại là một trạng thái bình thường chăng? Tôi có nghe nói là ở một số nước có nền khoa học, y tế phát triển, ví dụ như Nga, người ta đã hoàn thành những giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trong việc điều chế vắc xin phòng COVID-19.

Nhưng tôi cũng nghe những chuyên gia y tế cảnh báo rằng, nếu điều này là sự thật thì cũng phải hết sức thận trọng trong việc đánh giá chất lượng của loại vắcxin này, bởi nó được nghiên cứu - sản xuất - thử nghiệm - và ứng dụng  (nếu có) với một tốc độ nhanh kỷ lục. Tôi muốn biết quan điểm của toà soạn về điều này.

Thứ hai, lịch sử nhân loại đã từng xuất hiện những đại dịch, và lịch sử cho thấy là câu chuyện đại dịch đã vượt khỏi câu chuyện của y học để tạo ra những tương tác mang tính sống còn đối với một thể chế, một dân tộc, một quốc gia.

Thực tế là đã có những cộng đồng người bị xoá sổ vì dịch bệnh. Đã có những cuộc chiến mà để giành được chiến thắng sau cùng thì người bên này không ngừng gieo rắc mầm bệnh cho người bên kia. Vậy theo quý toà soạn, với sự nguy hiểm và phức tạp của đại dịch COVID-19 hiện nay, sự kháng cự của các thể chế sẽ diễn ra như thế nào? Chúng ta liệu có thể nhìn ra và dự báo điều gì từ những sự kháng cự này không?

Thật lòng, tôi rất trăn trở khi ngồi viết những suy nghĩ của mình, gửi tới quý toà soạn! Rất mong được toà soạn đồng cảm và hồi âm.

Xin chân thành cảm ơn!

Hoàng Văn Chiến (Đà Nẵng)

Kính gửi độc giả Hoàng Văn Chiến!

Qua những gì độc giả chia sẻ, chúng tôi hiểu rằng độc giả hết sức trăn trở, đau đáu về sự tác động của đại dịch COVID-19 tới đời sống của chúng ta nói riêng, và sự thăng trầm của nhân loại nói chung. Xin được trao đổi ngay điều thứ nhất mà độc giả đặt ra: Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận sự tái bùng phát của COVID-19 cùng những hệ luỵ mà nó tạo ra là một trạng thái "bình thường", chứ không còn là "bình thường mới" như trước nữa?

Theo chúng tôi, đây là một nhìn nhận có lý, phản ánh chính xác những diễn biến mà Việt Nam hiện nay đang ứng xử với đại dịch. Nếu ở đợt bùng phát đầu tiên, khi ở trong trạng thái "bình thường mới", chúng ta đã thực hiện tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng thì ở đợt tái bùng phát này, chúng ta đã không còn ứng phó như vậy nữa. Lần này, chúng ta chỉ khoanh vùng cách ly ở phạm vi nhỏ nhất có thể, còn những nơi khác vẫn thực hiện các hoạt động giao thương bình thường. Sự khác biệt này cho thấy, cũng như nhiều nước khác, chúng ta đã xác định tâm lý: sống chung với dịch.

Thưa độc giả, đúng là một số nước phát triển cho biết là họ đã ở những khâu cuối cùng trong việc thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19, thậm chí có những nước hy vọng có thể đưa vắcxin vào sử dụng trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia y tế thì điều này không có nghĩa là tình trạng "sống chung với dịch" sẽ sớm kết thúc. Chiều ngày 3-8, phát biểu trong một cuộc họp báo quốc tế, Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus và chuyên gia Mike Ryan đều nhấn mạnh điều này. Người điều hành WHO nói nguyên văn: "Một số loại vắcxin đang ở giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng và tất cả chúng ta đều hi vọng một số loại vắcxin có hiệu quả sẽ giúp ngăn lây nhiễm. Tuy nhiên, hiện tại không có viên đạn bạc nào và có thể sẽ không bao giờ có".

Thưa độc giả, "có thể sẽ không có "viên đạn bạc" vắcxin diệt COVID-19" - điều mà ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lường trước giúp chúng ta hiểu rằng "sống chung với COVID-19" có thể sẽ là một trạng thái bình thường lâu dài sắp tới của nhân loại. Nó cũng giống như con người hiện vẫn đang sống chung với HIV (thay vì diệt bỏ HIV) kể từ thời điểm nó xuất hiện năm 1981 đến nay. Do vậy, theo chúng tôi, song song với việc đổ dồn tiền bạc, thời gian, tâm huyết vào việc đi tìm một loại vắcxin hữu hiệu diệt COVID-19 (và hy vọng là nó thực sự có hiệu quả) thì nhiều chính phủ, nhiều quốc gia cũng đang tính đến việc có thể sống chung với COVID-19 sao cho hiệu quả nhất.

Bây giờ, xin bàn đến điều thứ 2 mà độc giả đề cập: Đó là những thử thách mà dịch bệnh đặt ra cho các cộng đồng, các xã hội, các thể chế. Đây quả nhiên là một vấn đề có tính lịch sử với hàng loạt những dẫn chứng kinh điển. Ví dụ, nhà nghiên cứu lừng danh William H.McNeill ở Đại học Chicago (Mỹ) khi nghiên cứu về thất bại của người Aztec (Mexico) trước người Tây Ban Nha vào thế kỷ 16  đã  nhất quyết không chịu tin rằng những chiến binh Aztec hung bạo lại bị 600 người Tây Ban Nha đánh bại dễ dàng - điều mà trước đó rất nhiều người tin.

Ông ấy đưa ra dẫn chứng là trước đó người Aztec đã từng đánh bại đối thủ tại kinh đô của mình, và buộc Tây Ban Nha phải lui quân. Vậy thì lý do thực sự nào khiến lần này họ lại sụp đổ nhanh đến như vậy? Theo MC Neil thì lần này người chỉ huy của Aztec đã chết vì đậu mùa. Và thế là ông ấy khái quát về "vai trò" của bệnh tật trong cuộc  chinh phục châu Mỹ của người Tây Ban Nha.

Nói một cách dễ hiểu thì bệnh tật cũng chính là yếu tố lợi hại giúp  hành trình chinh phục của người Tây Ban Nha thuận lợi hơn. Và khi chúng ta nhắc lại những điều này thì có lẽ chúng ta đều thống nhất với nhau rằng trong lịch sử nhân loại, có không ít trường hợp mà một cộng đồng bị xoá sổ vì bệnh tật trước khi kịp cầm vũ khí chống chọi lại với những kẻ xâm lược mình. Vấn đề là cùng với thời gian và những bài học được đúc rút, các cộng đồng - các thể chế sẽ tìm ra những cách kháng cự tốt nhất với bệnh tật nói riêng và những biến động nói chung.

Hẳn nhiên, những bệnh dịch mới sẽ đặt ra những bài toán mới. Và việc giải quyết những bài toán mới luôn là một thách thức với bất cứ thể chế nào. Giai đoạn 1 của dịch bệnh COVID-19 ở Việt Nam, chúng ta đã chống dịch bằng cả hệ thống chính trị, với sự đồng lòng rất cao của người dân cùng các cấp chính quyền. Và những gì chúng ta thu hái được là điều không cần nhắc lại.

Tới giai đoạn 2 với những diễn biến phức tạp hơn, khó khăn hơn, chúng ta tiếp tục chống dịch bằng cả hệ thống chính trị, nhưng với những chiến thuật mới, mà rõ nhất là việc phải thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch - vừa phát triển kinh tế. Hy vọng là lần này chúng ta sẽ tiếp tục thành công như lần thứ nhất.

Thưa độc giả, nhìn trên phạm vi thế giới, người Mỹ có cách chống dịch kiểu Mỹ, nơi mà quyền đóng - mở xã hội thuộc về từng tiểu bang, người Trung Quốc có cách chống dịch kiểu Trung Quốc, nơi mà việc phong tỏa một thành phố đông đúc như Vũ Hán có thể thực hiện bằng ý chí của chính quyền và sự ủng hộ của đại bộ phận người dân.

Nhìn vào những kết quả khác nhau ở những đất nước khác nhau, chúng ta bước đầu cũng sẽ thấy được những ưu - nhược của các thể chế trong việc ứng xử với biến động. Tuy nhiên, chúng tôi xin nhấn mạnh đây chỉ là những kết quả ban đầu, và câu chuyện dịch bệnh với sự tương tác, kháng cự của các thể chế sẽ còn là một câu chuyện dài, với rất nhiều diễn biến khó đoán trước. Theo dõi những diễn biến này chắc chắn sẽ rất thú vị.

Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của độc giả, và hy vọng tiếp tục nhận được ý kiến của độc giả.

Vương Trọng Tín
.
.