Con đường dưới đôi bàn chân

Thứ Hai, 07/02/2011, 14:05
Tôi loay hoay tự hỏi, không biết bắt đầu góc nhìn như thế nào về một dòng chảy văn chương trẻ trong năm 2010. Bởi bây giờ, giải thưởng cũng nhiều, sách in ào ạt, và một người viết blog được gom lại cũng có thể được xuất bản thành sách và các tạp chí rực rỡ sắc màu tôn vinh là nhà văn.

Và trong dòng chảy ồn ào, như đời sống hiện tại, không phải lúc nào chúng ta cũng đủ thời gian để lắng lại, chảy cùng nhịp chảy của văn học đích thực, để nhìn ra được những đốm lửa sáng thực sự. Những đốm lửa có thể đơn độc, nhưng cháy bằng nội lực của mình. Và ở họ không mang một mưu cầu về danh tiếng. Với họ, viết là một nhu cầu tự thân.

Trong suốt một năm dài, những cuốn sách được giải thưởng cao trên thế giới cũng hầu như có đủ mặt tại Việt Nam, cộng thêm hàng trăm kênh sách khác nhau thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống buộc người đọc phải đắn đo, nâng lên đặt xuống trước một cuốn sách văn học Việt Nam. Bởi, niềm tin bị lung lay trước hệ thống PR quá dày và không tương xứng với chất lượng tác phẩm. Bởi, chúng ta… lép vế với những tác phẩm đồ sộ của văn học dịch.

Và bởi, văn chương đã không còn là món ăn của nhiều người, không ít người trẻ chọn âm nhạc, phim ảnh và báo mạng thay vì phải trầm ngâm đọc sách. Thậm chí Kindle, Nook hay Ipad… đều được thiết kế đặc biệt để đọc ebook (sách điện tử), nhưng người ta mua nó để tra cứu, giải trí hoặc… làm sang, chứ chưa hẳn là nhằm vào mục đích đọc văn chương.

Người viết văn trẻ phải chấp nhận sự thách đố mang tính thời đại.

Chính vì thế, văn chương đang chịu một sự thiệt thòi, không phải bởi sự kém cỏi của chữ nghĩa, mà bởi sự lựa chọn của bạn đọc đã khác đi. Và người viết trẻ, muốn nắm giữ bạn đọc của mình, không còn cách nào khác, phải đi tìm con đường ngắn nhất, gây chấn động tâm can người đọc nhanh nhất và buộc họ không rời khỏi trang sách của mình. Một sự thách đố mang tính thời đại.

Nói một cách công bằng, người trẻ đeo đuổi văn chương không nhiều nữa, bởi cái giá phải trả không hề nhỏ mà cuộc đời thì lại có lắm niềm vui để rẽ ngang. Thế nên, những trang viết mới, tươi non luôn là một điều đáng trân trọng. Cho thấy sự dấn thân của một người trẻ tuổi.

Và cuộc dấn thân ấy, như đã nói, phải giải quyết cả một sự thách đố lớn, là tự đi kiếm tìm độc giả cho mình, mà độc giả thì có thể đỏng đảnh đổi thay bất cứ khi nào. Sự cần mẫn của những người viết văn trẻ hôm nay, vì thế, giống như những người tìm đường đi cho chính mình. Con đường phía dưới đôi bàn chân…

Hoài Phố
.
.