Những ấn tượng người Hà Nội:

Có một “Hà Nội cổ tích”

Chủ Nhật, 26/09/2004, 15:13

70 tuổi, ông vẫn to cao vạm vỡ, vẫn hằng đạp xe lang thang trong lòng Hà Nội. Đôi lúc ông dừng ở trước số nhà 29 Hàng Đào, ở khu đó có một cái tổ chim cu “không trời không đất” rộng 6m2  chưa bao giờ có nhà vệ sinh - nơi ông cùng bố mẹ sống mấy chục năm trời.

Có khi ông đến thăm người bạn già ở phố Hàng Buồm, trong cái khu nhà ống cao chót vót và lở lói kinh khủng cạnh đền Bạch Mã. Mỗi lần ngước lên nhìn mảng nhà ống lểu bểu ấy, ông cứ hình dung nó mà sụp xuống thì sẽ giống như một cái lưới bắt chim mà ông là chú sẻ đồng già nua bị tóm và bị giết. Hơn nửa thế kỷ sống trong lòng Hà Nội, Hà Nội hiện lên trong mắt ông lúc nào cũng ngộ nghĩnh và tựa như một miền cổ tích xa xăm.

Ông tên là Phan Kế Thọ, 70 tuổi, nhà ở ngõ 120, phố Định Công - giờ ông vẫn hằng ngày tự chế gốc trúc gốc tre làm đồ lưu niệm rồi ngồi bán bên vỉa hè Hà Nội.

Ngày đầu về Hà Nội, bấy giờ là năm 1950, thủ đô hiện lên trong ông với một rạp chiếu phim tuyệt kỹ, rạp Kinh Đô (chỗ Cửa Nam bây giờ). Đèn phụt tắt, tất cả khán giả lặng phắc, một tiếng gầm vang dội, một con sư tử khổng lồ hiện lên trên màn hình. Khán giả trông rõ từng cọng râu loài mãnh thú. Màn hình tối om, một con gà trống cũng khổng lồ hiện ra, cất tiếng gáy vang lừng! Và, ông bị quyến rũ bởi phố phường từ đó.

Gần nửa thế kỷ trôi qua rồi, ông vẫn nhận rất rõ hình ảnh tay bán nộm bò khô ở Bờ Hồ. Thịt bò khô hắn chiên lên, trộn lẫn sợi đu đủ ương nạo nhỏ, rắc ớt thái chỉ thật cay, kèm theo mấy cọng rau thơm. Gã ấy học nghề của người Hoa. Lúc nào hắn cũng cầm trên tay một cái kéo to như chiếc mỏ bồ nông, một tay đẩy xe nộm bò khô, tay kia giơ cây kéo lên trời bóp bóp như người cắt tóc.

Hai lưỡi kéo lớn chạm vào nhau “xoèng xoèng! xoèng xoèng!”. Tiếng xoèng xoèng ấy như thúc giục người ta lao ra đường. Hắn bán 2 hào một đĩa nộm bò khô, nhưng chẳng mấy ai nỡ ăn chỉ một đĩa cả. Sức ông và sự háu ăn của ông thì phải xơi mất cả một đồng. Gã xập xoèng cây kéo lớn ấy cũng rất thoáng, người không có tiền thì đem cả tem phiếu ăn cơm nhà nước 225 g gạo, cả đồ dùng cá nhân ra đổi lấy nộm bò khô. Người quanh khu Bờ Hồ cứ như ăn phải bùa phải ngải của gã ấy.

Gã bán nộm bò khô cũng tài. Có lần ông Thọ đang xuýt xoa ớt cay bò thơm thì mọi người chạy tán loạn. Thoắt cái, gã xập xoèng vứt cây kéo to như mỏ con bồ nông, như một vũ khí thời trung cổ ấy vào gốc cây bàng chỗ phố Lò Sũ (bây giờ) rồi biến thành một người đeo băng đỏ, miệng ngậm còi, hô hào mọi người xuống hầm trú ẩn tránh bom! Hóa ra hắn kiêm luôn cả hai việc rất tử tế cho Hà Nội.

Ông Thọ vẫn cứ để ý mãi. Đàn con của người bán nộm bò khô giờ đều làm ăn ở khu Hàng Ngang - Hàng Đào, họ rất giàu. Nhớ gã xập xoèng, rồi ông lại lẩn mẩn nghĩ đến cái cô béo nục nạc, lùn tịt, chỉ cao hơn cái phích nước một chút mà có vẻ rất phong tình. Cô ấy chừng ba mươi tuổi, mà nhí nhảnh như em bé, cứ quanh quẩn ở chỗ bến xe điện Bờ Hồ, không ra người đi xin ăn, cũng không ra người đàn hát rong.

Bấy giờ, lấy Hà Nội làm trung tâm, tàu điện toả xuống Mơ, xuống Vọng, vào tận Hà Đông rồi lên Bưởi. Đi đâu thì đi, cuối cùng tàu vẫn leng keng về đến Bờ Hồ. Cái cô lùn như cái phích đựng nước ấy cứ hát dẻo quẹo ở chỗ ga tàu điện, cũng khối người cho tiền. Ngày nào cô cũng hát Tống Trân - Cúc Hoa, hát buồn nẫu ruột, hát mãi vẫn chỉ một bài ấy.

Một thời gian sau, ông có ý tìm lại người đàn bà ấy nhưng bặt tăm. Bên cạnh cô lùn và béo là một gã tay khoèo nhưng giọng nói bả lả thì rất quyến rũ. Nghe lão hô hào, ai cũng muốn nán lại để... xem phim. Lão dùng một cái hòm to, như cái xe cải tiến có mui kín, xung quanh vát chéo 8 lỗ để người ta có thể lé mắt dòm vào cái buồng tối lưu động ấy. Trong hòm có mấy cái đèn ắc quy cũng tắt tắt mở mở nhấp nháy như đèn rọi của đoàn chiếu bóng. Các bộ phim câm được chiếu trong chiếc hòm tối. Cái hòm chiếu phim của lão hấp dẫn vô số người hiếu kỳ.

Ông Thọ cũng thích, xem đi xem lại, ông nghiệm ra một điều là lão khoèo chỉ có mỗi một bộ phim, “thời lượng” cả thảy được 4 phút. Phim chiếu có một tẹo là hết, chủ yếu là lão khoèo hò hét cổ vũ. Đại ý, trong phim là cảnh mấy ông mắt xanh mũi lõ xung phong đánh nhau, súng đạn tơi bời. Lão chiếu phim thuộc lòng lời dẫn, khi người tò mò ngó vào trong thùng tối thấy cảnh Tây chạy nháo nhào, thì bên ngoài Bờ Hồ lão khoèo vung tay hô: “Ùng ùng! oàng oàng! Xung phong! Tấn công! Hồng quân Liên Xô đánh tan phát xít Đức! Ùng ùng, oàng oàng!”. Phim câm thì ít, mồm lão hô hào thì nhiều.

Vài hôm sau, lão lại đổi đoạn đầu thành đoạn cuối, đoạn cuối thành đoạn đầu, từ phát xít Đức tấn công Hồng quân Liên Xô thành Hồng quân Liên Xô tấn công phát xít Đức. Thế là lại hô hào và thu tiền! Người Hà Nội bấy giờ cứ thấy mắt xanh mũi lõ thì bảo là Tây, biết thế nào là Hồng quân với phát xít đâu. Cái lão ấy kể cũng tài hoa, ăn cơm thiên hạ được. Sau này ông chiếu phim khoèo tay đem tài hoa của mình ra làm chủ nhiệm một hợp tác xã sản xuất tôvít cờlê của Hà Nội hẳn hoi.

Bờ Hồ những ngày ấy và cả bây giờ đúng thật là có đủ thứ với kem que, sấu dầm, mía rước. Có tay hát rất hay, đàn rất giỏi. Hắn hát miễn phí cho tất cả mọi người nghe. Ai nghe cũng đứng lịm, đứng ngây người ra và bỗng dưng muốn hát thử. Giọng gã có cái gì đó như ma mị của Trương Chi thuở trước. Gã thấy vậy nên tính chuyện in các tờ bướm với các bài hát mà hắn đang hát để bán. Ai nghe hát rồi cũng muốn mua một tờ bướm về để học lời, hát thử.

Điều kỳ lạ là tất cả những bài mà hắn hát thì không ai bắt chước được. Thành thử, người ta vẫn mê, và hôm sau lại tiếp tục mua tờ bướm in ca từ và cả từng nốt nhạc của bài hát ấy về để... tiếp tục cố gắng hát giống Trương Chi Bờ Hồ. Có những bài có vẻ rất quen thuộc như Lan và Điệp hay bài hát khuyên con gái trước khi về nhà chồng - có vẻ như ai cũng hát được. Thế nhưng, đụng vào, chẳng ai hát được ra hồn. Thế là gã thu “bộn tiền”. Mỗi lúc nhớ đến người ca sĩ vỉa hè ấy, ông Thọ lại lẩm bẩm, cũng là một lối bán cái tài hoa rất tuyệt.

Hà Nội bây giờ thay đổi từng ngày. Đôi lúc đi qua rạp Kinh Đô có chú sư tử và con gà trống oai dũng năm nào, thấy rạp được ốp kính đen ngòm, nghe nói làm chỗ hát karaoke, ông Thọ lại buồn buồn. Hà Nội không còn xe điện, nhưng cứ ra Bờ Hồ là ông gặp lão bán nộm bò khô kiêm đeo băng đỏ thổi còi hô người ta tránh bom, gặp cô lùn hát Tống Chân, gặp gã Trương Chi rồi cả ông khoèo chiếu phim Hồng quân đánh phát xít... Chuyện cũ, chuyện mới cứ mơ mơ màng màng, đôi khi kệch cỡm, đôi khi người ta nặng lòng với kim tiền quá. Ông càng già càng trở nên ưu thời. Thời gian cứ gội qua đời ông, đẩy mãi ông vào một nỗi ưu thời. Ông cứ lạc trên vỉa hè Hà Nội, để được nhớ về một Hà Nội cổ tích như thế

Doãn Anh
.
.