Lãnh đạo địa phương

Có còn là công bộc của dân không

Thứ Bảy, 20/08/2016, 05:59
Có lẽ bây giờ chẳng còn mấy ai nghĩ rằng cán bộ là đầy tớ của nhân dân! Cán bộ không nghĩ thế đã đành, người dân lại càng không dám nghĩ như thế. Mặc dù, trên nguyên tắc, khi anh cán bộ hưởng lương từ ngân sách, tức là từ tiền đóng thuế của dân thì anh vẫn là công bộc của dân.

Cán bộ lãnh đạo địa phương là nơi tiếp xúc với dân nhiều nhất, nơi có rất nhiều cơ hội gầy dựng niềm tin vào thể chế cho dân. Đáng tiếc, đang có rất nhiều vấn đề xảy ra trong công tác tổ chức, đề bạt cán bộ địa phương, cũng như lối hành xử kỳ lạ của những vị cán bộ này.

 

1. Không phải vô cớ mà nói như vậy, thông qua cách hành xử tiêu cực của một số ông quan địa phương gần đây, và cả hàng loạt vụ việc trước đó khiến người ta không thể có một hình dung khác hơn về mối quan hệ quan - dân thời nay.

Công chức địa phương là một bộ mặt của chính quyền, là hình dung cụ thể nhất về Nhà nước trong mắt người dân. Bởi những cán bộ ở bộ máy chính quyền xã chính là những cán bộ gần dân nhất, họ trực tiếp điều hành mọi hoạt động, thực hiện những chủ trương, chính sách của Nhà nước tại địa phương. 

Nhưng thử hỏi, hiện nay có bao nhiêu công chức xã có thể ý thức một cách nghiêm túc và xem đó như một trách nhiệm, một kim chỉ nam trong mọi hoạt động của mình ở địa phương?

Tất nhiên không phải tất cả nhưng không ít cán bộ đã và đang nhầm lẫn vai trò, thay vì là công bộc của dân, phục vụ lợi ích nhân dân thì họ lại nghĩ rằng mình có đặc quyền, đặc lợi với nhân dân. Và từ đó, họ tạo ra những khuôn mặt hết sức méo mó của bộ mặt chính quyền địa phương.

Minh họa: Hữu Khoa.

Mới đây, ở một xã thuộc huyện Phong Điền (Cần Thơ) đã xảy ra chuyện mà qua đó nó cho thấy rõ ràng nhất về điều ấy.

Đó là việc 7 cây cầu ở xã này bị đập lan can vì tội cản trở ôtô của quan. Cụ thể, theo điều tra của cánh báo chí thì sở dĩ những cây cầu này có số phận như vậy là vì nó nằm trên tuyến đường vào biệt thự của một số cán bộ huyện Phong Điền. Họ là những người thuộc số hiếm ở đây có ô tô cá nhân và thường xuyên đón tiếp khách khứa sang trọng.

Thật không thể hình dung nổi về hình ảnh những cây cầu với hai hàng lan can đổ sụp về hai phía và nham nhở cốt thép lồi ra. Không biết, khi đi về trên con đường có những cây cầu đấy, một anh nông dân và một ông quan sẽ nghĩ gì? 

Thật ra thì suy nghĩ mỗi người mỗi khác, nhưng điều dễ dàng hình dung đó là, người dân sẽ cảm thấy mất an toàn khi đi qua cây cầu không còn lan can trong những đêm tối trời. 

Còn thật ra tôi không dám tin có bao nhiêu người nông dân đi qua đây nghĩ rằng, những ông quan kia hành xử vô lối khi thản nhiên đập phá của công, những cây cầu vốn được xây bởi chính tiền của từ mồ hôi và nước mắt của dân và để phục vụ cho dân, chứ không phải cho riêng các ông quan đấy.

Còn riêng với các ông quan, tôi lại tin là họ đã không suy nghĩ gì về hình ảnh thảm thương của những cây cầu, họ càng không nghĩ về ý nghĩa tồn tại của nó; bởi nếu có những suy nghĩ như vậy thì hẳn việc đập phá lan can cầu đã không thể xảy ra. 

Sau khi cho đập phá lan can, tất nhiên họ chỉ thấy sự thoải mái cá nhân khi không còn mối lo quệt xe vào lan can như mọi khi. Và thế là họ lái xe qua cầu rồi vào biệt thự mà chẳng cần phải nghĩ ngợi gì nhiều.

Những ông quan hưởng lương từ tiền thuế của dân với nhiệm vụ phụng sự nhân dân lại đi phá hoại tài sản của dân để bảo vệ tài sản của mình. Thật khó tưởng tượng một hành xử cho thấy sự coi thường dân như thế lại có thể tồn tại trong đầu những ông quan thời bây giờ. Hẳn là cách hành xử đó phải xuất phát từ thói quen về việc hưởng đặc quyền, đặc lợi thì những ông quan mới thản nhiên đập phá cây cầu của người dân mà không cần có lý do chính đáng.

Nhưng sự nhầm lẫn giữa vai trò, quyền lực và trách nhiệm của những ông quan địa phương không phải chỉ có riêng ở Phong Điền mà còn diễn ra ở nhiều nơi khác. Từ chuyện hành dân về các thủ tục hành chính cho đến những việc đòi hỏi đặc quyền về dịch vụ, nhà ở, đất đai và cả đi lại…

2. Nhưng, bộ mặt của chính quyền địa phương hiện tại không chỉ méo mó vì những vụ lạm quyền hay tư duy đặc quyền, đặc lợi mà cả ở những hành xử không thể tưởng tượng nổi của những ông quan.

Mới hôm rồi, một chuyện cười ra nước mắt đã diễn ra tại xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) khi dân đến trụ sở UBND xã để đòi nợ vì các cán bộ xã hát chịu, ăn chịu với khoản nợ lên đến hơn 3 tỷ đồng. Lý do của khoản nợ này được một cán bộ xã Đồng Thái hồn nhiên tâm sự rằng: "Dù mấy tháng chậm lương nhưng anh em vẫn hát suốt"!

Mang thân công chức đi hát hò triền miên đã là một chuyện không thể chấp nhận. Nhưng lấy uy tín chính quyền ra để bảo lãnh ghi nợ phục vụ cho lối sống hoang đàng thì đúng không còn gì để nói. Nó phản ánh một lối tư duy bệnh hoạn về quan trường của một đội ngũ cán bộ địa phương. 

Chính tư duy ấy đã biến những tòa nhà trụ sở công quyền không chỉ ở riêng xã Đồng Thái mà nhiều trụ sở khác thành nơi nuôi những con nợ; mà xin nhấn mạnh nợ ở đây là nợ vì ăn chơi, xướng ca, đàn đúm.

Rồi đến những chuyện hủ bại như: "Gà của dân chạy lạc vào nhà quan", "cán bộ xã "ăn" bò lợn nông thôn mới"… Đó là chuyện về những con gà, con lợn thay vì được cấp cho nông dân nghèo để tạo điều kiện cho họ thay dổi cuộc sống thì đằng này nó lại âm thầm chạy thẳng vào nhà "em gái chủ tịch xã, cậu chủ tịch xã, vợ trưởng thôn, anh trai trưởng thôn, chi hội trưởng hội phụ nữ, chủ tịch hội chữ thập đỏ, chủ tịch mặt trận xã…". 

Hay như ở một xã nọ ở Nghệ An, trong bộ máy chính quyền xã có đến hơn chục cán bộ là anh em họ hàng thân thiết...

Tất cả sự việc trên đang ngày càng làm cho bộ mặt chính quyền trở nên xấu xí trong mắt người dân. Và niềm tin của nhân dân vào bộ máy chính quyền từ đó cũng cạn dần.

Trong khi Đảng và Nhà nước đang có những chủ trương quyết liệt xây dựng một nền công vụ trong sạch, tử tế ở cấp vĩ mô thì ở cấp độ địa phương, điều đó đang rất cần được quan tâm và thực hiện quyết liệt hơn bao giờ hết. 

Bởi như đã nói, công chức địa phương là bộ mặt của chính quyền, là hình dung cụ thể nhất của nhân dân về Nhà nước. Nên khi đó, một Nhà nước của dân, do dân, và vì dân sẽ chỉ là khẩu hiệu nếu như ngay tại chính quyền địa phương lại hiện diện nhiều bộ mặt xấu xí và ăn hại, như những trường hợp kể trên!

Hoàng Lãm
.
.