Chuyện nhỏ họa lớn

Thứ Tư, 06/11/2019, 06:20
Vi phạm pháp luật chưa bao giờ là chuyện nhỏ, dẫu là hành vi bị xử lý hành chính hoặc hình sự. Mặc dù theo thói quen của dân mình thì hành chính là chuyện muỗi, hình sự mới là đáng lo. Mặc cho trong một xã hội thượng tôn pháp luật, lý ra phải nhìn nhận ngay cả việc bị phạt hành chính đã là hành động đáng xấu hổ.


Đáng tiếc là dẫu không muốn nhưng đám đông vẫn đang không ngừng cổ vũ cho những hành vi phạm luật. Có thể là do hồn nhiên, có thể là do sốt ruột, có thể là do thiếu niềm tin vì các cơ quan công quyền phản ứng thận trọng quá mức... Mạng xã hội càng phát triển, chúng ta càng phải bắt buộc chứng kiến những câu chuyện nhỏ họa lớn như vậy.

Đám đông không là pháp luật

Rất dễ truyền đi một trạng thái cảm xúc kích động thông qua một clip, vài hình ảnh hay một thông tin ngắn trên mạng xã hội, bên cạnh đó không bao giờ thiếu những bình luận, "Tìm đánh nó đi", "Tiêu diệt nó đi...". Đó là đoạn clip đàn ông đánh phụ nữ, bố mẹ bạo hành con cái, giáo viên tấn công học sinh...

Nếu chốn quan trường có thuật ngữ "còn có tình trạng bao che cả nể khi xử lý cán bộ sai phạm", thì chốn dân gian hiện tại có quá nhiều hành động vi phạm pháp luật diễn ra đầy hồn nhiên.

Minh họa Ngô Xuân Khôi

1. Tôi có cậu em là hiệp sĩ khá nổi danh, cậu em bắt cướp cũng nhiều, bắt kẻ gian cũng lắm. Có lần bị mấy "dân chơi chuyên giật đồ" đâm cho phát, phơi nhiễm HIV ngay lập tức. Gia cảnh của cậu em khó khăn, các đồng nghiệp viết bài thương cảm, lãnh đạo Bộ Y tế đận đó chỉ đạo điều trị miễn phí cho cậu em.

Hiệp sĩ ra đường bắt cướp, trăm ông như một ông nào cũng thích làm công an, mà phải hình sự mới oách. Học hành không trọn vẹn vì lý do này lý do kia, lớn lên nuôi dưỡng đam mê bằng cách sắm xe lao ra đường bắt tội phạm. Một dạo, mô hình hiệp sĩ bắt cướp này cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, nhưng nay mọi thứ đã dần vào quy củ. 

Quan điểm cá nhân, tôi nghĩ rằng đây cũng là một nhu cầu xã hội trong một giai đoạn nhất định. Cậu em cũng hay đánh các "dân chơi chuyên giật đồ" mỗi khi bắt được, mấy ông lừa đảo cũng chung số phận, cậu em bị phản ứng rất gay gắt vì sao dám ngang nhiên đánh người khác khi những clip quay lại cảnh cậu em đánh "dân chơi chuyên giật đồ" được post đầy lên mạng xã hội.

Có lần cà phê, tôi bảo cậu em đừng đánh người nữa, họ có giật đồ lừa đảo thì bắt giao họ cho cơ quan công an thôi, chứ mình đánh người ta là phạm luật. 

Cậu em ban đầu có cãi là mấy dân chơi thích giật đồ khi nào cũng thủ "đồ nghề" trong túi hoặc cốp xe. Đó có thể là một cây tuốc-đờ-vít, một con dao găm, một cây dao lê... mà nếu cậu em không đánh phủ đầu thì biết đâu sẽ xiên vào cơ thể của cậu ấy. 

Tranh luận một hồi lâu, có viện dẫn từ đạo đức đến pháp luật và quan điểm chung riêng, cậu em hứa là từ nay về sau không đánh người khác nữa.

Cậu em còn trẻ nên máu còn nóng, chứng kiến nhiều chuyện chướng tai gai mắt diễn ra nên nghĩ động chân động tay sẽ nhanh hơn cả. Tuy nhiên, đánh người là đã phạm luật rồi.

2. Có rất nhiều câu chuyện phạm luật rõ ràng lại xem như chuyện không đáng diễn ra hằng ngày, điển hình nhất là vụ cướp bánh mì ở TP. HCM. Rất nhiều cá nhân mỗi lần có vấn đề gì đó lại mang vụ án cướp bánh mì ra so sánh với đại ý, tay cướp bánh mì mấy nghìn thì đi tù còn tay phá của Nhà nước nghìn tỷ thì cứ nhơn nhơn.

Tôi ngày tóc càng bạc nhiều, ngại nhất là cãi nhau với đám đông. Xưa thanh niên đã ngại, huống hồ là bây giờ. Thế nhưng, vụ việc hai thanh niên cướp bánh mì ở TP. HCM tôi đã đọc kỹ hồ sơ, và tin chắc đó là truy tố đúng người đúng tội. Vấn đề không phải là giá trị cướp được, mà vấn đề là hành vi thực hiện phạm tội. Ông phá của Nhà nước nghìn tỷ cũng không nhơn nhơn được đâu, đã có bao nhiêu ông phải vong quốc trốn truy nã hay đổi từ áo vest cổ cồn sang áo tù sọc dọc ấy thôi.

Mấy hôm nay ầm ĩ chuyện một nhóm thanh niên kéo nhau đến nhà một trung niên để phá khóa, đánh đập. Trung niên này mấy năm trước rượu say về nhà đánh con nhỏ bị vợ quay clip lại. Chuyện đánh con nhỏ là chuyện tuyệt đối không chấp nhận được, nhưng chuyện kéo băng nhóm đến nhà người khác rồi tự tiện xông vào hành hung kiểu "thay trời hành đạo" là chuyện cũng không thể phân bua cho hợp tình hợp lý. Pháp luật quy định cả rồi, cứ tùy theo hành vi mà phân định thôi.

Trung niên đánh con phải bị xử phạt vì bạo hành trẻ em, còn thanh niên đánh trung niên thì phải bị xử lý vì hành hung người khác, xâm nhập gia cư bất hợp pháp.

3. Tình thật là rất mong các cơ quan công quyền, đặc biệt là chính quyền địa phương xem những hành động bộc phát không quan tâm đến pháp luật là tiềm tàng nhiều nguy cơ bất ổn xã hội. Ngay trên Youtube, chúng ta cũng đã từng chứng kiến mấy anh tay phải xăm rồng tay trái trổ phượng, ngực xăm chu tước lưng thích huyền vũ suốt ngày thay trời hành đạo bằng cách xúc phạm nhân phẩm cũng như hành hạ thân thể của người khác.

Khi mà những cái sai này được mặc định là đúng, khi mà những cái mặc định là đúng nhưng lại rất sai lặp đi lặp lại liên tục thì cũng là lúc đúng biến thành sai mà sai lại trở thành chân lý. Cảm xúc của đám đông chưa bao giờ là đại diện hợp pháp cho công lý trước pháp luật cả, mặc dù có thể coi đây là yếu tố tăng nặng hoặc giảm nhẹ trong tiến trình tố tụng.

"Không thể chống lại một cái sai này bằng một cái sai khác", là câu nói rất hay của một Thủ trưởng Cơ quan Điều tra khi trao đổi với tôi về một vụ việc thời sự từng xảy ra.

Một kẻ trộm chó bị đám đông đánh chết, cũng chính đám đông thấy đánh chết kẻ trộm chó là hợp lý, vậy thì cần gì đến pháp luật, cần gì đến hành pháp, tư pháp, luật pháp, cần gì đến sách vở chữ nghĩa nhà trường hay đại loại liên quan đến cụm từ rất sang trọng "xã hội văn minh, thượng tôn pháp luật". 

(Ngô Nguyệt Lãng)

Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn Luật sư Hà Nội): Án điểm là cần thiết !

- Phóng viên: Rất xin lỗi Luật sư khi phải tham vấn luật sư về một vấn đề không mới, tuy nhiên lại tiềm ẩn những mối nguy hại lớn hơn về sau. Đó là tình trạng những thanh niên, trung niên hai tay vỗ thành tiếng, hai chân đi thành hội... kéo nhau tìm đến nơi cư trú của các nhân vật trong nhiều đoạn clip “dễ tạo cảm xúc nóng giận” cho người xem để trước nói chuyện sau đấm đá. Thậm chí, là phá cửa nhà người khác để đánh cho bằng được. Ông nghĩ sao về hiện trạng “công lý đám đông” này?

- Luật sư Nguyễn Thế Truyền: Hiện trạng này là tương đối phổ biến. Tâm lý chung, khi xem những clip này, ai cũng thấy thương và đau xót với các nhân vật bị hại trong clip và luôn muốn có người trừng trị những kẻ có những hành vi phản cảm. 

Mặc dù, ai xem cũng đều cho rằng những kẻ đó xứng đáng bị trừng trị, được dạy dỗ nhưng phải đúng theo quy định pháp luật, chứ không phải là việc cứ thế đến nhà người ta nói những câu đạo lý, sau đó đánh người. Như vậy là vi phạm pháp luật. Khi có căn cứ, cơ quan điều tra hoàn toàn có thể khởi tố theo tội cố ý gây thương tích, hay tội xâm phạm chỗ ở người khác.

Bản chất đúng của “công lý đám đông” là khi có một sự việc gây phẫn nỗ cộng đồng, một nhóm người hay cả xã hội lên án phù hợp với quy định pháp luật để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong từng lĩnh vực cụ thể can thiệp theo đúng chức năng và nhiệm vụ quyền hạn. Còn hiện nay tôi thấy cách gọi “công lý đám đông” mang tính mỉa mai nhiều hơn. 

“Công lý đám đông” theo dạng này như một hội chứng lây lan một cách chóng mặt, kéo lùi tiến trình của sự phát triển. Những người thực hiện công lý đám đông theo dạng này ở một góc độ nào đó có thể cũng có “tinh thần hiệp nghĩa - bảo vệ người yếu thế” nhưng theo quan sát của tôi, trong rất nhiều trường hợp nó mang tính chủ quan, xuất phát từ mục đích riêng của họ. 

Ví dụ khi họ đưa các clip bạo lực lên trang youtube của mình thì sẽ có nhiều lượt xem, và càng có nhiều người ủng hộ, ấn like hay chia sẻ thì họ càng thích và càng muốn hành động với tần suất dày đặc hơn. Những người này thường không chuẩn bị cho mình đầy đủ kiến thức pháp luật, chỉ quan tâm đến độ nổi tiếng ở ngoài xã hội.

- Thưa Luật sư, các điều luật đều quy định rõ về các hành vi phạm luật, trong đó các hành vi dễ nhận biết  là hành hung người khác, nhục mạ người khác... Nhưng rồi ngoài hành hung và nhục mạ, người ta còn quay cả clip để lan truyền. Đáng tiếc, phản ứng của các cơ quan chức năng thường rất chậm hoặc không đủ tính răn đe. Luật sư nghĩ thế nào?

- Thực ra, không phải các phản ứng của cơ quan chức năng chậm hoặc không đủ tính răn đe, mà là các cơ quan chức năng vẫn làm, mà ta không biết đấy thôi. Một số hành vi vi phạm pháp luật cần nhắc lại ở đây là: đánh người dẫn tới thiệt hại sức khỏe  từ 11% có thể bị khởi tố theo Điều 134 về tội cố ý gây thương tích; tụ tập đám đông, chửi bới tại khu dân cư có thể bị khởi tố theo Điều 318 về tội gây rối trật tự công cộng. 

Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến hàng loạt hành vi mà chúng ta vừa nói đến nằm ở việc ý thức cá nhân và ý thức cộng đồng chưa tốt, trình độ hiểu biết pháp luật còn thấp. Ngoài giải pháp chung là nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân thì theo tôi cần phải kiểm soát nội dung những video đăng lên mạng. Những kênh youtube có nội dung mang tính bạo lực, trái văn hóa xã hội… không thể để cho bật chế độ kiếm tiền.

- Câu hỏi rất riêng, thưa Luật sư Nguyễn Thế Truyền, nếu có một án điểm thật mạnh thì Luật sư có nghĩ rằng chúng ta sẽ ngăn chặn được “công lý đám đông cực đoan” này không? Hay là chúng ta sẽ cùng nhau bình tĩnh để chờ một tiến trình văn minh hơn trong tương lai? 

- Về vấn đề vi phạm pháp luật, tôi tin rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã và đang có những biện pháp xử lý. Còn về câu chuyện án điểm tôi nghĩ  là cần thiết bởi vì khi có án điểm thì ý thức con người sẽ tốt hơn. Nhưng “điểm” xong mà không có sự thay đổi triệt để thì tình hình sẽ trở nên tồi tệ. Cho nên việc cần làm bây giờ  vẫn là bằng mọi cách xây dựng được ý thức và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật của người dân.

- Xin cảm ơn luật sư!

(Kinh Luân - thực hiện)

Thản nhiên phạm luật

Cách đây chưa lâu, khi hình ảnh video một người đàn ông ở Hà Nội đánh vợ dã man được tung lên mạng, thứ tôi được đọc nhiều nhất từ các chia sẻ của nhiều bạn bè trên mạng là câu “anh em ai biết thằng này ở đâu, nổ địa chỉ đến làm việc với nó một cái”. Chia sẻ chung đó cho thấy sự phẫn nộ có thể đã lên đến đỉnh điểm và nó dẫn tới một mong muốn là “đến hỏi tội” kẻ đã thủ ác.

Tôi vẫn nghĩ đó chỉ là những “lời nói gió không bay” (vì nó được lưu giữ lại trên mạng xã hội) mà thôi. Còn hành động ư? Có lẽ những người nói lời ấy ra chưa chắc đã dám hành động. Nhưng khi sự việc gần 100 người đến dạy dỗ ông bố trẻ vì tội “bạo hành con” ở Mỹ Tho xảy ra thì tôi đã phải suy nghĩ lại. Họ ngang nhiên phá khoá cửa, lôi người đàn ông kia ra và “xử tội”. 

Họ cho mình cái quyền cầm cán cân công lý, thứ quyền hành mà chỉ có toà án mới có. Nhưng cách xử lý của họ thì như thời mông muội với đầy đủ sự dã man, tàn bạo xen lẫn cả hả hê và phấn khích. Và họ thản nhiên đăng tải video ấy lên mạng, sự thản nhiên của những kẻ không biết mình đang phạm luật, và chính video của mình là bằng chứng cho sự phạm luật ấy.

Minh họa Ngô Xuân Khôi

Mỗi chúng ta, nhất là thế hệ sinh ra từ thập niên 80 trở về trước, đều lớn lên với những cuốn sách như Thủy Hử, những thước phim như Robin Hood. Và điều đó khiến tôi suy nghĩ, phải chăng cái chủ nghĩa anh hùng cá nhân, cái thứ khẩu hiệu lọt tai là “thế thiên hành đạo” đã nuôi dưỡng trong mỗi con người một mầm mống “phạm pháp được biện minh bằng tấm áo đạo đức”. 

Cái mầm mống ấy có thể đâm chồi, trở thành tính cách của mỗi người khi trưởng thành hay không còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố. Nhưng chắc chắn, nó tạo cho chúng ta thói quen nhân danh đạo đức, nhân danh lẽ phải để làm những điều trái với luật pháp quy định.

Nhan nhản trên mạng là những video theo kiểu “thanh niên đánh bạn gái/ vợ và cái kết đắng”, thứ video cổ xúy cho loại hành vi dùng bạo lực dập bạo lực, dùng hành vi phạm pháp mới để dập hành vi phạm pháp cũ. Đúng là có những lúc cánh tay pháp luật không thể kịp vươn tới giải quyết một sự vụ nào đó và buộc phải có những người kiểu Lục Vân Tiên “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha”. Nhưng nếu cái sự can thiệp thô bạo và phạm pháp đó trở nên phổ biến, và được ca ngợi, nó sẽ tạo nên hình mẫu hành xử phạm luật mà cộng đồng coi như chuẩn mực hành xử mới của mình.

Tôi thật sự rất trân trọng những hiệp sĩ săn bắt cướp đã và đang mạo hiểm tính mạng của mình để bảo vệ bình an cho người dân nhưng thực sự tôi vẫn luôn băn khoăn về hành động của họ. Nó vẫn có một cái gì đó lợn cợn bởi việc bảo vệ trị an thực sự không phải là nhiệm vụ của những người dân bình thường. 

Đúng là công việc của những người cảnh sát, công an là quá tải và rất cần sự hỗ trợ của quần chúng nhưng để tạo thành một lực lượng kiểu như hiệp sĩ săn bắt cướp thì có nên hay không? Đơn giản, khi đã thành một lực lượng được thừa nhận, chắc chắn họ sẽ có những thẩm quyền riêng và điều đó có trái với các quy định của pháp luật hay không?

Tất cả những băn khoăn đó cuối cùng đều quy tụ về một điểm duy nhất: chúng ta đang sống trong một môi trường mà hành vi vi phạm pháp luật đã trở nên vô cùng phổ biến. Sự vi phạm ấy thậm chí còn tồn tại một cách thản nhiên với lối nghĩ “ai cũng làm thế thì tôi cũng được làm thế”. 

Sự thật, nói ra thì rất buồn, nhưng vẫn phải được nhấn mạnh. Đó là người Việt vốn dĩ là một dân tộc có hành trang pháp luật rất nghèo nàn. Hai bộ luật lớn nhất trong lịch sử phong kiến của chúng ta đều vay mượn từ nước ngoài và phải chăng, cái văn hoá được nuôi dưỡng trong môi trường không có ý thức về luật đã dẫn tới căn tính của dân tộc như ngày hôm nay?

Tôi không quên cái lần ghé thăm một người bạn cách đây cũng đã cả hai chục năm. Nhà anh xoay lưng về phía một dòng kênh và cha anh thản nhiên ném rác thải xuống dòng kênh ấy. Lập luận của ông rất đơn giản “đằng nào nó cũng dơ và thối rồi, mình càng ném thêm thì càng có cơ hội để lấp nó đi”. 

Cái lập luận khó hiểu ấy cùng hành vi của ông khiến tôi liên tưởng đến chính mình. Tôi tự hỏi “Có khi nào mình cũng thản nhiên và vô ý xả rác bừa bãi nơi công cộng không nhỉ?”. Tôi dám chắc mình cũng không thoát khỏi cái sự vô ý thức phạm pháp đó.

Câu chuyện xả dầu thải ở đầu nguồn nước của nhà máy nước sạch Sông Đà gần đây cho thấy cái sự “vô pháp” ấy của người Việt là như thế nào. Có hay không một âm mưu phá hoại, đó là điều còn chờ kết luận của cơ quan điều tra. Nhưng cái kiểu len lén nửa đêm đổ nguyên một xe rác thải xà bần xuống nơi nào đó rồi cao chạy xa bay là điều không hề hiếm ở Việt Nam hôm nay. Người Việt đang sống như thế, theo kiểu cư xử bất cần luật nhưng lại luôn nhân danh đạo đức để “làm luật” ở một hoàn cảnh khác.

Thực tế, người Việt không có thói quen tham khảo luật pháp và khả năng nắm luật của chúng ta rất kém. Chúng ta chỉ đụng đến luật khi có khiếu nại, tranh chấp liên quan trực tiếp tới bản thân mình, lợi ích của mình mà thôi. Còn khoảng thời gian còn lại của cuộc đời, mà tiếc thay lại là khoảng thời gian dài rộng hơn, chúng ta sống theo kiểu “kệ, cứ theo đúng thói quen”, dù cho đó là một thói quen vô cùng xấu.

Mỗi chiều tan tầm, tôi thường đứng đợi xe trên đường Pasteur, quận 3, TP. HCM. Đó là lúc tôi cảm thấy bức xúc nhất. Tôi đứng trên vỉa hè, khép nép. Nhưng hàng đoàn lũ lượt xe máy lao ầm ầm trên vỉa hè ấy, như những con trâu điên, bất chấp. Họ không tránh tôi, mà họ buộc tôi phải tránh họ. Thậm chí, có hôm tôi đi bộ, sau lưng tôi cả đoàn xe gắn máy trên vỉa hè bấm còi inh ỏi thể hiện sự bực bội với chướng ngại vật là tôi. Nếu lúc đó tôi phản ứng thì sẽ ra sao nhỉ? Rất có thể, họ sẽ đánh tôi nhập viện.

Và điều mỉa mai nhất tôi trải qua là trong một lần đứng đợi xe như thế, tôi gặp một gương mặt quen, một người mới cách đó chưa lâu lên mạng xã hội đại ngôn về giữ gìn vỉa hè sạch đẹp để cổ xúy cho một ông phó chủ tịch quận từng là tâm điểm của truyền thông một thời gian. Vậy thì phải chăng đang tồn tại trong mỗi chúng ta rất nhiều con người mà cơ bản nhất là con thú hoang vô pháp vô thiên nhưng lại đeo chiếc mặt nạ của  những người rao giảng đạo đức và điều hay lẽ phải?

Bây giờ, tôi chỉ ước gì mỗi chúng ta, trước một lần hành động, đều tự hỏi một câu “Cái này có phạm luật hay không nhỉ?”. Chỉ cần chậm lại một giây, có khi chúng ta đã khiến cho chính mình hoàn thiện hơn rất nhiều, và xã hội này bớt đi những bức xúc rất nhiều.

(Hà Quang Minh)

Nhóm PV
.
.