Học cách khoan dung:

Chuyện người chuyện mình

Thứ Năm, 20/02/2014, 16:07

Khoan dung, là một việc rất khó thực hiện. Không phải ngẫu nhiên mà vì khoan dung người ta có thể phân biệt đâu là quân tử, đâu là ngụy quân tử.
Tất nhiên, có những cá nhân muốn được khoan dung và có cả những cá nhân không cần đến điều này. Đặc biệt đúng, trong làng giải trí Việt, nơi một cơ số người cho rằng những vụ ầm ĩ xung quanh mình chính là thứ đẳng cấp của danh vọng.
Tất nhiên, chúng ta không bàn đến những cá nhân ấy trong chuyên đề này.

Không ít người, như tôi từng đưa ra nhận định, luôn suy chuyện mình thì dễ, luận chuyện người thì khó. Ai chẳng may sơ sảy, là ngay lập tức bị biến thành miếng mồi cho sự phẫn nộ của đám đông.

Mà đám đông có dễ phẫn nộ không?

Rất dễ phẫn nộ, chuyện không liên quan đến mình càng dễ phẫn nộ hơn. Đặc tính này, không xuất phát từ sự ghen tức, mà đôi lúc xuất phát từ quan điểm tôi đã nhắc ở phần trên: “Luận chuyện người thì khó”.

Chẳng qua là bởi, tự chính bản thân quá yêu mình mà không độ lượng được với người.

1. Đôi khi, tôi tự hỏi rằng, làm sao đám đông có thể khắc nghiệt với nhiều cá nhân trong làng giải trí đến vậy. Có cô bé chập chững bước qua cái tuổi lên mười, may mắn sở hữu một ít danh vọng nhất thời từ chương trình thi thố ca hát do một công ty tư nhân phối hợp cùng Đài Truyền hình Quốc gia tổ chức. Cô bé chưa kịp mỉm cười thì ngay lập tức hứng một loạt thị phi, từ chuyện bảo hét giá cát-sê, đến mắng không lo học hành chỉ lo ca hát.

Một xã hội văn minh là gì?

Một xã hội văn minh đơn giản là một xã hội mà ở đó cá nhân toàn quyền xác định con đường đi cho chính mình, miễn sao con đường ấy quang minh chính đại, không vướng víu đến lề luật hoặc những quy định thuộc về phạm trù đạo đức chung.

Ai cũng hiểu, có học vẫn tốt hơn rất nhiều không có học. Nhưng, lấy luận điểm của mình để áp đặt cho người khác trong một vấn đề liên quan đến cá nhân là điều rất khó để chấp nhận.

Như cô gái là ca sĩ, học đến hết bậc trung học cơ sở thì thôi học để rẽ sang con đường biểu diễn. Đám đông gào lên, bảo cô gái ấy là đồ vô học nên hành xử như đám côn quang.

Nặng nề để làm gì, mỗi nhà mỗi cảnh, mỗi cây mỗi hoa… Quan trọng hơn, mỗi cá nhân có quyền lựa chọn con đường đi cho riêng mình.

2. Đến hẹn lại lên, luôn xuất hiện những “giải thưởng” dành cho các nhân vật trong làng giải trí vấp vào các scandal trong năm. Giải thưởng được trao vào dịp cuối năm, đám đông thì hả hê, người bị động được ấn giải thưởng vào tay thì thẹn thùng.

Nghệ sĩ, là những cá nhân nhạy cảm. Tất nhiên, họ là những nghệ sĩ thực thụ chứ không phải là nghệ sĩ giả hiệu.

Nghệ sĩ thực thụ đầy hồn nhiên. Chính sự hồn nhiên ấy, đôi khi khiến cho những cá nhân không nghệ sĩ cảm thấy khó chịu, cảm thấy bị xúc phạm, cảm thấy “đừng ỷ là nghệ sĩ rồi muốn làm gì cũng được”.

“Giải thưởng” loại bôi mặt nhau, có cần thiết không?

Nhất thiết là cần thiết. Nó như một tấm gương để nghệ sĩ tự soi vào mà xấu hổ. Nó cũng như một cây roi để trên đầu tủ trong mỗi gia đình có nề nếp, hàm ý răn đe.

Thế nhưng, “giải thưởng” cũng nên cân nhắc cẩn trọng. Phàm việc gì liên quan đến danh dự của người khác đều phải hết sức cẩn trọng và lưu tâm. Tôi vẫn nghĩ, nên có “giải thưởng” kiểu này dành cho truyền thông. Bởi  hiện tại, truyền thông ngày càng xấu xí. Đã hình thành một loại truyền thông, tạm gọi là “nấp dưới gầm giường để đưa tin”.

Rất nhiều cá nhân sập bẫy kiểu làm truyền thông này.

Đáng tiếc, người làm truyền thông thường khoan dung cho nhau quá mức. Cũng là một dạng, “Đặc khu thương đặc khu, quan nhân thương quan nhân, thôn quan thương thôn quan” mà thôi.

Chẳng bao giờ có thể khá lên được.

3. Dung dưỡng cho sự xấu xí của truyền thông, phê phán những cá nhân khác chính là một sự không sòng phẳng.

Cũng giống như, chỉ trừ bắc thang lên trời là làm không được. Còn lại, cứ mặc kệ cho truyền thông muốn hô mưa gọi gió như thế nào thì cứ hô mưa gọi gió.

Ai đời làm truyền thông lại bảo vệ cho một kẻ trước là chồng, sau lại đăng đàn tố cáo vợ cũ.

Ai đời làm truyền thông lại a-dua cho một kẻ khiến thiếu nữ mang thai rồi tính chuyện quất ngựa truy phong.

Ai đời làm truyền thông lại suốt ngày toàn soi mói chuyện có ai lộ quần chip, có ai lả lơi bên trai lạ, có ai vào khách sạn với trai Tây…

Đám đông, rất nên học cách khoan dung cho nhiều cá nhân trong làng giải trí, trong giai đoạn truyền thông như hiện nay.

Học cách khoan dung, cũng chính là một hình thái phản đối những người phi tử tế đang khoác cái áo mỹ miều với danh vị là nhà báo vậy.

Phàm ở đời, buồn nhất là tự biến mình thành con cá để hân hoan lao vào lưỡi câu của những cần thủ tồi…

Thực hiện: Hoàng Lãm - Nguyệt Lãng
.
.